Sau một hành trình vất vả, chúng tôi đã đến được Mũi Đôi (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh). Chiếc iPhone định vị vệ tinh GPRS cho thấy tọa độ: 12038’52’’ vĩ độ Bắc, 109027’44’’ kinh độ Đông. Có thể đó chưa phải là con số chính xác tuyệt đối, nhưng so với số liệu ghi từ Mũi Điện, có thể khẳng định:

Mũi Đôi chính là điểm cực Đông đất liền của Tổ quốc (sau đây gọi tắt là cực Đông Tổ quốc), là nơi được đón bình minh sớm nhất.

Khám phá

Lần lữa mãi, cuối cùng tôi cùng các đồng nghiệp và 2 người bạn ở Trung tâm Truyền thông Vincom (Hà Nội) quyết định thuê xe chinh phục Mũi Đôi - cực Đông Tổ quốc vào một ngày đầu tháng 2. Trời nắng gắt nhưng ai cũng hào hứng. Ngồi trên xe, chúng tôi luôn miệng bàn tán về chuyện 4 cực của Tổ quốc, trong đó phần lớn thời gian dành cho cực Đông, nơi chúng tôi đang hướng tới.

Chuyện là, tuy từ xưa, nhiều sách vở đã ghi Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm (Khánh Hòa) là cực Đông của Tổ quốc nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng và tin rằng nơi đón ánh bình minh đầu tiên của thềm lục địa Việt Nam chính là Mũi Điện, thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; nằm ở tọa độ địa lý 12053’48” vĩ độ Bắc và 109027’06” kinh độ Đông.

Nhà báo Lê Bá Dương kể về sự ngộ nhận của mình: Năm 1982, khi còn là cán bộ chính trị Cơ quan Quân sự tỉnh Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa), trong một chuyến về làm việc tại Đại đội bảo vệ Vũng Rô, tôi được Trung úy Nguyễn Văn Đường, Chính trị viên Đại đội đưa lên thăm hải đăng Mũi Điện. Dẫn tôi ra vách đá nhô ra phía biển, Đường giở tấm bản đồ quân sự chỉ vào một điểm nhỏ xíu trên đó rồi bảo: Đây là vị trí nơi chúng ta đang đứng, có tên là Mũi Điện, Mũi Đại Lãnh, Mũi Kê Gà, thậm chí có hẳn một cái tên Tây là Cap Varella…, còn người dân địa phương thì cứ nôm na gọi là Mũi Nhô. Đơn giản vì đó là cái vách đá có điểm nhô ra xa nhất phía cực Đông của thềm lục địa Việt Nam - nơi đón mặt trời sớm nhất của phần đất liền Việt Nam.

Thích thú được làm người đón bình minh sớm nhất trên phần đất liền của Tổ quốc, tôi đã cùng anh chàng chính trị viên ở lại suốt đêm trên mỏm đá chơi vơi nhô ra phía biển. Sáng ra, sau khi vươn ngực về phía hừng Đông, tôi còn kịp ghi lại mấy kiểu phim đen trắng làm bằng chứng cho cái niềm kiêu hãnh không mấy người có được… Niềm tin ấy đã theo tôi suốt mấy chục năm. Gần đây, con gái tôi cho biết Mũi Đôi ở bán đảo Hòn Gốm mới đúng là cực Đông của đất liền Việt Nam.

Hiện nay, trên mạng đang tồn tại một cuộc tranh cãi rất “nghiêm chỉnh” về việc cực Đông của Việt Nam là Mũi Điện thuộc Phú Yên hay Mũi Đôi thuộc Khánh Hòa? Đáng nói là trong khi chỉ số tọa độ, kinh độ, vĩ độ của Mũi Điện khá ổn định, thì những chỉ số của Mũi Đôi lại cứ cập kênh trên các “đời” bản đồ từ thời Tây, đến thời ta, nên phần lý có chiều nghiêng về Mũi Điện. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định chinh phục Mũi Đôi như một cách để ghi dấu ấn và khẳng định lại điểm cực Đông của Tổ quốc thuộc xứ Trầm Hương.

Câu chuyện cứ vậy trôi đi và xe đã đến ngã ba đèo Cổ Mã từ lúc nào không hay. Con đường nhựa phẳng lỳ từ ngã ba đèo Cổ Mã chạy về phía Đầm Môn men theo mép biển, 2 bên là trảng cát trắng phau gợi nên vẻ đẹp hoang sơ.

Nhờ có hẹn trước, Đại úy Phan Quang Quán - Trạm phó Trạm Biên phòng Đầm Môn (thuộc Đồn Biên phòng 358) chờ sẵn để đưa cả đoàn xuống bãi Hòn Ngang, lên chiếc tàu cá bắt đầu chinh phục Mũi Đôi bằng đường biển.

Nói chinh phục Mũi Đôi bằng đường biển, bởi có 3 đường có thể đến Mũi Đôi. Từ thôn Đầm Môn đi bộ qua gần 5 cây số đồi cát đến Hồ Na, một bãi biển hoang sơ nhưng khá đẹp, từ đó đi thuyền tiếp hoặc men qua ghềnh đá cheo leo hòn Cỏ Ông để ra đến Mũi Đôi. Cách thứ hai, từ cảng cá Đầm Môn, “đi” thuyền qua vũng Đầm Môn trong vịnh Vân Phong, qua Cửa Bé ra Mũi Gành rồi ngược lên phía Bắc đến Mũi Đôi. Cách thứ ba là từ Hòn Ngang vòng ra phía Đông đến vũng biển Mũi Đôi - Hòn Đầu rồi chinh phục Mũi Đôi, Đại úy Quán cho biết.

Còn nhớ đầu năm 2008, tôi cùng anh Nguyễn Đình Quân - phóng viên Báo Tiền Phong đã có một chuyến chinh phục Mũi Đôi bằng đường bộ rất “lãng mạn” nhưng bất thành. Lần ấy, chúng tôi ra đến Đồn Biên phòng 358 đã 4 giờ chiều. Sau khi hỏi thăm đường sá, gửi xe máy ở Đồn, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ băng qua đồi cát. Những bước chân phăng phăng ban đầu cứ chậm dần, chậm dần… Hơn 4km lội bộ trên cát, qua 2 con dốc cao như một quả núi làm cả hai mệt đứt hơi. Khi chai nước mang theo vừa cạn, chúng tôi cũng đến tận bãi Na khi trời nhá nhem tối.

Đêm ấy, sau khi ăn ké bữa cơm chiều với gia đình anh Trần Nào (nhà ở Vạn Thạnh ra hồ Na cắm lều bán hàng tạp hóa cho ngư dân) chúng tôi ngủ nhờ Trạm Biên phòng. Tiếng sóng ầm ào vỗ bờ, những câu chuyện phiếm với các chàng lính trẻ và cả tiếng radio của chiếc đài bé xíu bằng bàn tay… đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trời hửng sáng, chúng tôi đã dậy để chụp ảnh bình minh ở cực Đông Tổ quốc. Hôm ấy trời bỗng nhiên mây mù, nên mặt trời ló dạng thì đã qua khoảnh khắc đẹp nhất (mặt trời mọc lên sau mỏm đá) làm anh bạn đồng nghiệp đi cùng cứ tiếc hùi hụi. Việc chinh phục cực Đông cũng không dễ như tôi tưởng. Một ngư dân cho biết, việc trèo bộ qua nhiều tảng đá lô nhô cùng với dây leo là điều không tưởng, muốn đi phải đi bằng đường biển rồi đi thuyền thúng hoặc nhảy xuống biển bơi vào bờ nhưng hôm đó sóng lại quá to…

Chuyến đi thất bại, chỉ có một niềm vui nho nhỏ khi chúng tôi ghi lại được cuộc sống của gia đình anh Trần Nào, một gia đình kiểu Robinson trên đảo. Cứ vài ba ngày, chị Lê Thị Hồng Diễm (vợ anh Nào) lại phải lội bộ băng qua đồi cát vào trung tâm xã Vạn Thạnh mua hàng tạp hóa (mì tôm, rượu, thuốc lá, bánh kẹo…) gánh ra hồ Na bán cho ngư dân… Trở lại Đầm Môn lần này, hỏi thăm các ngư dân mới biết, gia đình anh Nào đã không còn ở đấy nữa, lòng thấy bùi ngùi.

Và chinh phục

Với kinh nghiệm có sẵn từ lần trước, lần này chúng tôi chọn đi bằng đường biển. Ngoài hành trang, đồ ăn thức uống cá nhân, đoàn mang theo xi măng, cát, một lá cờ Tổ quốc, để khi đặt chân lên đúng điểm cực Đông của Mũi Đôi, sau khi đo đạc xác định chính xác tọa độ, sẽ dùng xi măng, cát đúc khuôn đế cắm cờ, áp bàn tay lưu dấu chuyến đi. Và không quên mang theo chiếc iPhone có định vị GPRS để xác định tọa độ của cực Đông Mũi Đôi.

Thoạt đầu lên thuyền, ai nấy đều háo hức, cười nói, giở bánh trái, rót rượu nhâm nhi chúc nhau một chuyến đi đáng nhớ. Vậy nhưng chỉ mới khoảng 1/3 hải trình, phân nửa thành viên trong đoàn đã nôn thốc, nôn tháo khi con thuyền trồi lên hụp xuống. Khi thuyền đi dần vào khoảng biển giữa Mũi Đôi với đảo Hòn Đầu, những người mới vừa nhũn nhão trong cơn say sóng bỗng như được hồi tỉnh.

Nhìn những khối đá dọc hai bên bờ Mũi Đôi - Hòn Đầu như được thiên nhiên sắp xếp, gọt giũa tạc thành những tượng hình, khi là dáng 2 mẹ con người phụ nữ đội khăn, khi là chú hải cẩu ngộ nghĩnh, lúc là bàn tay người và cả chú voi phủ phục nhúng vòi vào biển… tất cả đều thích thú lấy máy ảnh ra chụp. Anh bạn người Bắc nhìn thấy những chòi canh bảo vệ yến của công nhân Công ty Yến sào nằm cheo leo bên vách đá cứ trố mắt lên vì ngạc nhiên trước cách sống của những Robinson thời hiện đại.

Cách đây chừng 6 tháng, chúng tôi đã theo ca nô của Công ty Yến sào Khánh Hòa ra thăm các Robinson bảo vệ yến ở đảo Hòn Đầu. Ở đó, cuộc sống của những chàng trai trẻ rất lãng mạn. Ngoài thời gian đi tuần canh, họ còn đi đánh cá, trồng rau xanh để cải thiện đời sống. Bất ngờ hơn khi phía sau khu trại lớn còn có cả một sân bóng chuyền “dã chiến”… Hôm ấy, chúng tôi đã có một bữa cơm đầy ân tình với những người giữ kho tàng đảo yến. Lần này, thuyền ngang qua Hòn Đầu, nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió, hình dung ra gương mặt của những người thân quen ở đó mà lòng không khỏi xốn xang.

Sau khoảng một giờ rưỡi đồng hồ trên biển, đúng giờ Ngọ, thuyền đưa đoàn áp sát phiến đá cực Đông Mũi Đôi nhưng không thể cập “bến” để mọi người đổ bộ vì sóng to, vách đá dựng đứng. Sau phút suy tính, lão ngư Phan Văn Tâm (chủ thuyền) đành đưa thuyền cặp vào một điểm lui về phía Tây Mũi Đôi chừng hơn 100m để mọi người ăn trưa và tìm đường bộ tiếp cận cực Đông.

Thế nhưng sau gần 3 giờ loay hoay, lúc lách rừng, khi dìu nhau vượt qua ghềnh đá cheo leo, trơn nhẵn… các thành viên trong đoàn vẫn không thể cán đích cực Đông Mũi Đôi. Cả đoàn đành quay trở lại thuyền với mớ đồ đạc lỉnh kỉnh. Đang thất vọng cùng cực, lão ngư Phan Văn Tâm cho biết, buổi chiều sóng lớn nhưng nếu mạo hiểm có thể đi bằng thúng chai. Đã đi, không thể không đến!

Sau một hồi bàn bạc, cả nhóm quyết định để ông Tâm dùng thúng chai đưa nhà báo Võ Văn Tạo mạo hiểm tiếp cận và trèo lên điểm mũi cực Đông; phương án mang xi măng, cát ra xây trụ cắm cờ đành gác lại. Cũng phải gần nửa giờ trồi lên, hụp xuống, chấp nhận va đập vào vách đá, cuối cùng hai người tình nguyện cũng đã lên được gộp đá phía cực Đông Mũi Đôi. Và cũng rất hữu duyên, tuy không đưa được xi măng ra đổ chân đế cột cờ, nhưng ngay trên đỉnh gộp đá, thiên nhiên đã “dành sẵn” cho những người chinh phục hẳn một lỗ tròn sâu gần nửa mét, ôm gọn cái cán cờ để lá cờ Tổ quốc vững chãi bay trên đỉnh mũi đá cực Đông Mũi Đôi.

Và trên chiếc iPhone, định vị vệ tinh GPRS được ghi vào khuôn hình máy ảnh với với tọa độ: 12038’52’’ vĩ độ Bắc, 109027’44’’ kinh độ Đông. So với số liệu ghi từ Mũi Điện, hoàn toàn có thể khẳng định: Mũi Đôi chính là điểm cực Đông, là nơi thềm lục địa của phần đất liền Việt Nam được đón bình minh sớm nhất.

Tuy đã phần nào đạt được uớc nguyện, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ giá như Trung tâm Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh tỉnh làm một cột mốc để xác định chính xác điểm cực Đông của Tổ quốc cho Mũi Đôi, cũng là một cái đích đến cho những người chinh phục điểm cực Đông thì mọi sự sẽ hoàn hảo hơn. Chúng tôi cũng mong trong tương lai gần sẽ có một con đường du lịch nối Đầm Môn với Mũi Đôi - con đường nối tour cho những ai muốn có những phút dây tự hào, hãnh diện được đứng trên mỏm đá nhô ra từ cực Đông thềm lục địa của Tổ quốc.

XUÂN THÀNH
Theo Báo Khánh Hòa, Tintucvina

Phần 1: Chinh phục cực đông đất liền của tổ quốc.
Phần 2: Hướng dẫn chinh phục cực đông VN bằng đường bộ.
Phần 3: Thành công!
Phần 4: Và thất bại