(KTO) - Liên thác Ya Tri (xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) là hệ thống thác gồm các thác ở suối Ya Tri, Ya Tri 1, Ya Tri 2. Nhiều thác trong hệ thống các thác ở đây đẹp đến ngỡ ngàng, làm say đắm lòng người. Từng nghe danh liên thác Ya Tri, tôi quyết định khám phá để rõ thực hư. Được lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Ya Tăng tạo điều kiện, tôi cùng hai cán bộ xã là A Bin (phụ trách Văn hóa - Thông tin) và A Dân (phụ trách Địa chính - Nông nghiệp) khởi hành từ xã bằng xe máy.

Thác Ya Tri gần nơi hợp lưu giữa suối Ya Yang-Ya Tri.

Vốn là dân thổ địa và bằng kinh nghiệm đường rừng, sau khi chuẩn bị gạo nếp, thức ăn, nước uống, khoảng 9 giờ sáng, A Bin, A Dân cùng tôi theo tuyến đường bê tông hướng từ xã Ya Tăng đi thủy điện Sê San 3A. Khi xe qua đoạn làng Trấp khoảng 10 km, chúng tôi rẽ vào một đường mòn, đi một đoạn thì gặp dãy đồi bạch đàn xanh tốt. Dựng xe máy trên đồi bạch đàn, chúng tôi theo đường mòn xuống suối.

Suối Ya Tri nằm sâu giữa một bên hữu là rừng tự nhiên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy và bên tả là rẫy của dân. Hai bên lòng suối, cây cối đổ bóng che mát. Chưa đến suối, tôi nghe tiếng chim hót  cùng với tiếng ve rừng kêu rộn rã như chào mừng khách đến thăm.

Ngồi nghỉ lấy sức trước khi khám phá thác, tôi dùng tay vục nước lên rửa mặt. Dòng nước mát lạnh làm người tươi tỉnh hẳn. Anh A Bin chia sẻ, thác suối Ya Tri là hệ thống gồm nhiều thác ở các suối Ya Tri, Ya Tri 1 và Ya Tri 2. Con suối đang đến này là suối Ya Tri 2 - một trong những đầu nguồn của sông Sê San.

Sự đứt gãy của một khối đá núi tạo ra thác ở suối Ya Tri 1.

Nước trong dòng suối Ya Tri 2 là nước ngầm chảy từ các khe đá ra nên mát lạnh và trong vắt. Đáy suối cũng là lớp đá. Ở những đoạn suối dốc mạnh, lòng suối lởm chởm đá do mưa lũ khoét sâu theo thời gian tạo nên. Mặc dù đang là mùa khô, nhưng suối Ya Tri 2 vẫn còn nhiều nước. Nước suối chảy mạnh và kêu róc rách.

Có những đoạn đá lớn xếp lớp, chất chồng hai bên bờ suối khúc khủy tạo nên thế thác khá đẹp mắt như đường vào tiên cảnh. Lội ngược dòng suối Ya Tri 2 thêm một đoạn nữa, chúng tôi gặp một thác nước được hình thành từ sự đứt gãy của khối núi đá lớn. Nước từ trên thác đổ xuống bắn ra trắng xóa một vùng. Ngược dòng chảy, càng tiến sâu vào núi, lòng suối nhỏ dần, hai bên là vách núi như vào hang động. Nghe nói đi sâu vào nữa sẽ gặp môt thác rất đẹp, nhưng đường đi khá xa, chúng tôi đành phải quay lại để còn có thời gian khám phá thác khác.    

Xuôi dòng suối Ya Tri 2 một đoạn khoảng gần 1 km, chúng tôi gặp suối Ya Tri  1 giao nhau với suối Ya Tri 2. Ngược dòng chảy suối Ya Tri 1, chúng tôi tiến sâu vào rừng. Ở gần đoạn nhau, dòng suối Ya Trị 1 khá phẳng, nhiều cát. Nước suối ở đây cũng trong vắt, nhìn thấy nhiều loại cá nhỏ đang bơi và cá bống đang trườn mình trên cát. Vừa đi, A Bin, A Dân vừa liếc mắt trên bãi cát. Thấy lạ tôi hỏi, cả hai anh đều nói dọc theo mấy bãi cát ở các con suối này, tôm thường đào cát đẻ trứng. Tôm cái khi lên đây bới cát đẻ trứng, thân mình thường to gần bằng cổ tay.

Thác nước ở suối Ya Tri 2 chảy dưới những tảng đá lớn.

Dọc theo lòng suối Ya Tri 1, nhiều đoạn thế núi dốc, lòng suối đá đứt gãy tạo thành những thác nước cao và đẹp đến lạ. Từ xa mới nhìn vào thác, nó như một cánh cổng nước mở ra cho chúng ta bước thế giới khác. Lại có thác, gỗ rừng do mưa bão cuốn trôi vướng vào các vách đá, chồng chéo, giữ chặt nhau, trơ cùng tuế nguyệt. Có những cây gỗ ngã vắt dọc thác. Lấy gỗ làm đà, chúng tôi leo lên thác.

Dọc theo hai bên bờ suối Ya Tri 1, có khá nhiều cây chuối rừng, cây vả, cây tvea (họ dừa - loài cây này cũng mọc nhiều ở xã Ngọc Tụ, Đăk Rơ Ông, huyện Đăk Tô. Người Xơ Đăng ở đây thường khai thác nước từ cuốn hoa cây tvea làm rượu - thường gọi là rượu Giàng). Đặc biệt, cây vả dọc suối Ya Tri 1 mùa này có khá nhiều quả. Quả vả to, màu đỏ, trông khá bắt mắt. “Dân làng Trấp thường hái vả về xắt ra chấm mắm hoặc nấu với xương heo ăn rất ngon” - A Bin thật lòng.   

Tại thời điểm chúng tôi đến thăm, khu vực này vẫn chưa mưa. Đang là mùa khô, nhưng do hai bên bờ suối ẩm ướt nên rau dớn lên xanh mơn mởn. Người dân khi đi làm rẫy thường xuống đây hái rau dớn đem về ăn.

Một hang bên bờ suối thác Ya Tri.

Quá trưa, chúng tôi nổi lửa nấu xôi nếp dưới bóng cây mát bên bờ suối. A Dân tìm một miếng ván ở lòng suối rửa sạch làm thớt, rồi lấy rựa xắt thịt heo, thịt sóc gác bếp mang theo. Còn A Bin chặt mấy lóng lồ ô dài để nấu thịt sóc. Thịt heo thì A Dân xắt ra thành từng miếng, xâu để nướng; thịt sóc thì chặt từng miếng nhỏ, trộn với muối ớt, tỏi bỏ vào ống lô ô và rau dớn gùi lại bịt đầu ống lồ ô để giữ hơi nóng dựng trong đống lửa.

Lửa cháy sém lớp vỏ ngoài ống lồ ô thì thịt sóc cùng rau dớn trong ống lô ô chín mềm. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thưởng thức thịt sóc nấu với rau dớn trong ống lô ô. Đây được xem là món ăn ngon của đồng bào Gia Rai và thường dùng để đãi khách khách quý.

Ăn trưa bên bờ suối, nghỉ chốc lát, chúng tôi lại theo dòng chảy suối Ya Tri 1 để đến thác suối Ya Tri. Từ ngã ba nơi giao nhau giữa thác Ya Tri 1 và Ya Tri 2, đi thêm một đoạn nữa gặp con suối Ya Yăng đổ vào suối Ya Tri.

Không có thời gian để khám phá thêm suối Ya Yăng, chúng tôi theo dòng chảy đi thêm một đoạn nữa thì gặp các thác ở suối Ya Tri.

Suối Ya Tri là sự hợp nhau giữa nhiều con suối nên lòng suối rộng và nước cũng chảy mạnh hơn các suối trên. Nền lòng suối Ya Tri cũng toàn là đá tảng. Nước suối Ya Tri chảy theo thế núi đá tạo thành những bậc thác. Không gian các thác suối Ya Tri thoáng đãng, nước chảy ào ào. Trên các nền đá khu vực thác suối Ya Tri đủ rộng để hàng trăm người cùng lúc ngồi ngắm cảnh hoặc tắm mát dưới thác.

Bên bờ suối gần các bậc thác Ya Tri, có khối đá đứt gãy đâm vào núi như hang động. Từ xa nhìn vào, càng làm cho núi rừng ở đây thêm thêm phần huyễn hoặc.

Thời gian gần đây, liên thác Ya Tri thu hút nhiều người đến tham quan, dã ngoại.

Trời về chiều, xa xa trong rừng tiếng vượn gọi bầy, tiếng ve, tiếng chim rừng đồng vọng, cùng với tiếng nước chảy tạo nên bản hòa tấu du dương của núi rừng. Nếu có dịp, đến đây thưởng ngoạn, chụp hình, thư giãn, bạn sẽ cảm nhận cuộc sống thật đáng yêu và lòng thư thái.  

Theo bà Tạ Thị Thùy Dương- Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, các thác ở suối Ya Tri đã được xã khảo sát, định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong chiến lược phát triển, nếu được cấp trên quan tâm đầu tư thì liên thác Ya Tri, các làng đồng bào DTTS với nghề dệt thổ cẩm, đan lát, lòng hồ thủy điện Ya Ly ở xã… sẽ trở thành điểm đến khi kết nối với các địa điểm du lịch như Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Di tích lịch sử Điểm cao 1015 ( xã Rờ Kơi), Điểm cao 1049 (xã Hơ Moong), Di tích lịch sử Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr) của huyện Sa Thầy với các địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.  

Đồng tình với ý kiến của bà Dương, tôi lại nghĩ, nếu được cấp trên quan tâm khảo sát, đầu tư phát triển du lịch thì đồi núi bên tả ngạn suối Ya Tri hiện là nương rẫy của dân cần phải trồng lại rừng để giữ nguồn nước suối ổn định và giúp điểm đến liên thác Ya Tri thêm phần hấp dẫn, thỏa lòng du khách trong quá trình khám phá thác, trở về với thiên nhiên tươi đẹp.

Theo Văn Nhiên (Kontum online)

Du lịch, GO!