Bài 3: Làng Mô

(QBĐT) - Bây giờ... nếu nhắc đến Làng Mô, sẽ có rất nhiều người không biết. Những năm 1960, Làng Mô là nơi tập kết hàng hóa, vũ khí, bộ đội trung chuyển đến Làng Ho chi viện cho chiến trường Trị Thiên và miền Nam. Từ ngôi làng sơ khai của đồng bào dân tộc Vân Kiều lúc ban đầu, với quá trình di dân kinh tế mới ở các xã vùng nam huyện Quảng Ninh lên, Làng Mô phát triển thành xã Trường Sơn sau năm 1975.

Từ biệt những người thân một đêm ở Trạm kiểm lâm U Bò, tôi tiếp tục làm kẻ lữ hành cô độc trên chiếc xe Win 100, bám theo đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây tiến vào phía nam. Qua cầu Rìn Rìn là chạm đất Làng Mô xưa, xã Trường Sơn bây giờ.

Năm 2000, tôi lên Làng Mô- Trường Sơn lần đầu tiên, theo lời mời của bà Hồ Thị Con, đại biểu HĐND huyện Quảng Ninh. Hồi đó, duy nhất tuyến đường đò dọc ngược dòng Đại Giang. Khởi đầu từ chợ Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, đò khách qua Bến Tiêm, Nước Đắng, Hôi Rấy... Bắt đầu từ bản Hôi Rấy, khách chuyển sang thuyền độc mộc, gắn máy co-le, mỗi thuyền chỉ chở khoảng 3 đến 4 người. Vượt thêm chừng 9 con thác lớn nhỏ, trong đó có thác Tam Lu đẹp và “hiểm ác”.

< Một góc bản đồng bào dân tộc Vân Kiều Trường Sơn bên đường Hồ Chí Minh.
Dulichgo
Tam Lu sơn thủy hữu tình. Tam Lu thành thử thách của những tay lái co-le. Thú thật, cụ Nguyễn Tuân khi viết bút ký “Người lái đò sông Đà” so với độ “nặng”, hiểm nguy, chông chênh, ghềnh thác... Tam Lu ở Đại Giang gấp đến nhiều lần.
Bây giờ đến xã biên giới Trường Sơn, thời gian mất chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây rộng mở đưa Làng Mô- Trường Sơn gần lại với đồng bằng chỉ chưa đầy “một quăng rạ”.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều Làng Mô có 606 hộ, 2.579 khẩu, ngoài một số bản Dốc Mây, Ploang, Rìn Rìn, Trung Sơn... sâu giữa núi rừng Trường Sơn; Nước Đắng, Hôi, Rấy, Cổ Tràng định cư dọc hai bờ sông Long Đại, thì các bản còn lại bám lấy đường Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ ngoài vào có thể kể đến bản Khe Cát, bản văn hóa đầu tiên của người Vân Kiều Trường Sơn, Cây Cà, qua trung tâm xã rồi đến Bến Đường, Đá Chát và Chân Troộng. Hết bản Chân Troộng, đường Hồ Chí Minh “vươn” qua đất xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) ở ngã ba Tăng Ký, nơi giao nhau với đường 10.


< Đồn biên phòng Làng Mô 597.

Đường Hồ Chí Minh thông thoáng trở thành động lực cho bà con tìm ra sinh kế, tăng cường mối giao lưu giữa các bản trong xã, giữa miền xuôi và miền ngược.

Lên Trường Sơn, nhớ lắm tình cảm bền chặt giữa tôi với cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Làng Mô anh hùng với những kỳ tích trong kháng chiến chống Mỹ cũng như ở thời bình, vận động đồng bào định canh định cư, ổn định cuộc sống lâu dài.
Đồn biên phòng ở giữa lòng dân, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân vùng biên viễn. Tiếc rằng vì thời gian có hạn, tôi không thể “ba cùng” với những người lính quân hàm xanh Làng Mô tuần tra dọc chiều dài 38 km biên giới, thăm 15 cột mốc vừa được tôn tạo, tăng dày giáp giới huyện Bualapha (Lào) hay lên bản Dốc Mây xa thẳm như trước đây. Đành khất vào dịp khác.
Dulichgo
Chủ tịch xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ gặp tôi, câu hỏi chân tình thay lời chào: “Lâu rồi mới thấy nhà báo lên lại Trường Sơn”. Nắm tay ghi nhận lời anh đúng, mấy năm nay ít có cơ hội được thăm, được sống với đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền tây Quảng Bình.


< Những phụ nữ Vân Kiều trầm mình trong suối bắt cá, bắt ốc mưu sinh.

“Giờ thì cho em biết về tình hình sản xuất của đồng bào anh nhé!”- Tôi gợi ý. Một chút bâng khuâng thoáng qua trên gương mặt vị chủ tịch xã. Anh chốt câu trả lời: “Đông-xuân năm ni... mất mùa nặng! Đầu vụ rét đậm, rét hại, vào vụ gặp hạn nặng. Nhà báo gắn bó với đất ni thì biết rồi đó, lúa nước chỉ được 26ha thôi, cây trồng chủ lực từ xưa đến nay vẫn là lạc khoảng 100ha; ngô 90ha, mấy năm nay nhờ có chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân và cộng đồng quản lý, đồng bào đưa cây sắn vào trồng, chừng 200ha... Mùa vụ gặp thời tiết không thuận lợi, năng suất lạc mất khoảng 40%, ngô 50%, lúa nước 50%... ”.

Chủ tịch xã Trường Sơn cho biết thêm, vụ hè thu này cây đậu xanh chủ lực diện tích mở rộng ra đáng kể, trên 125ha. Hy vọng sẽ được mùa, cải thiện phần nào đời sống cho nhân dân. Anh băn khoăn về tiến độ giao đất, giao rừng cho dân. “Chỉ mới hơn một nửa số hộ đồng bào nhận đất rừng sản xuất mà thấy hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt, niềm tin trong dân cũng được củng cố, tăng cường. Nếu hoàn thành xong tiến độ giao đất, giao rừng ở Trường Sơn, chúng tôi tin tưởng đời sống nhân dân sẽ thay đổi, khác xa bây giờ”.

Tôi ghé bản Đá Chát, trưởng bản Hồ Thị Thư đón khách ngay từ chân cầu thang. Đá Chát có 50 nóc nhà, 208 nhân khẩu. Ngày trước mỗi lần về với bà con Vân Kiều bản Đá Chát, Bến Đường chỉ có mỗi con đường cắt rừng hoặc chèo đò ngược sông Long Đại theo hướng đầu nguồn, quần xăn lên tận bẹn.
Bây giờ, đường thẳng ro, chạy xe máy từ trung tâm xã vào bản mất chưa đầy ba chục phút. “Như rứa là đổi thay lớn nhất của bản miềng!”- Trưởng bản Hồ Thị Thư cười hồn hậu.
Dulichgo
Bản Bến Đường, nơi ở của chị Hồ Thị Con, người phụ nữ Vân Kiều trước đây mời tôi lên thăm Làng Mô, để tôi trót mang nhiều duyên nợ với đất và người Trường Sơn. Bây giờ chị đã có tuổi, vẫn tham gia công tác xã hội trên cương vị Phó chủ tịch Mặt trận xã. Nhà chị kế bên đường Hồ Chí Minh, hai chị em ngồi ngoài bậu cửa ôn lại chuyện xưa, chuyện nay.

Người Vân Kiều Trường Sơn quý trọng chị, về nhân cách, về phẩm giá, về những việc chị làm cho đồng bào mình. Tôi xin chị Hồ Thị Con “giấu” câu chuyện cuộc đời chị (dù báo chí viết về chị rất nhiều) để vào một dịp nào đó “kể” sau. Chị đồng ý cái rụp: “Ừ, nhà báo mần chi đó thì mần. Nhưng viết theo đúng những gì chị kể nhé! Không thêm, không bớt”. Dĩ nhiên tôi gật đầu tán thành.

< Đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây chuẩn bị chạm đất xã Trường Sơn.

Xe chạy vừa kịp đến bản Trạng Roộng, mưa rừng dội xuống trên đầu. Cũng cái kiểu bất chợt mưa, bất chợt nắng Trường Sơn. Một cậu bé Vân Kiều chỉ cho tôi ngôi trường nho nhỏ bên đường. Mưa xối xả... buồn, tôi lôi cậu bé ra phỏng vấn: “Tên chi?”. “Hồ Văn Thiết!”. “Học lớp mấy?”. “Lớp 4, sang năm lên lớp 5”. “Đi học vui không?”. “Vui... cháu thèm đi học!”. Trường tiểu học bản Trạng Rôộng, cửa đóng then cài, không một bóng người vãng lai. Tôi nhìn ngôi trường, thầm hiểu vì sao cậu bé Hồ Văn Thiết thèm đi học.
Dulichgo
Mùa hè đã đến, thầy cô giáo về xuôi, ba tháng sau thầy cô, học trò mới gặp lại nhau trong năm học mới. Mưa dứt... chào cậu bé Hồ Văn Thiết tốt bụng, vui chuyện, tôi tiếp tục hành trình của mình. Phía trước gần lắm Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và đích đến là Làng Ho.
(Còn Tiếp)

Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 1: Xuân Trạch-ngày của hoài niệm
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 2: Giữa lòng di sản
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 3: Làng Mô
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 4: Làng Ho
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài cuối: Lời của gió nơi ngã ba Dân Chủ

Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!