Bài 1: Xuân Trạch-ngày của hoài niệm
(QBĐT) - Nhắc đến Quảng Bình, nhiều người liên tưởng về một vùng đất lửa trong chiến tranh, gánh trọn đau thương, liệt oanh cho hai đầu đất nước. Lại nhớ đến “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Rồi tự hào là vương quốc hang động với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng...
Nhưng có một nơi vẫn đang còn hoang sơ lắm: Đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây, “chọc thủng Trường Sơn”, khởi đầu từ ngã ba Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) qua một loạt các địa danh: Khe Gát, Trạ Ang, U Bò, Tăng Ký, Cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đakrông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên và đến Thạch Mỹ... Đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày khai sinh ra con đường huyền thoại, tôi có dịp trải nghiệm hết toàn tuyến Hồ Chí Minh nhánh phía tây trên đất Quảng Bình.
Nếu bạn chọn cho mình hành trình xuyên suốt đường Hồ Chí Minh nhánh tây mà không ghé Xuân Trạch, nơi con đường lịch sử chia làm hai nhánh sẽ là một thiếu sót lớn - ông Nguyễn Xuân Liên, một người lính Hà Nội chính gốc, có những tháng năm gắn bó đất lửa Quảng Bình từng bảo với tôi thế cách đây gần chục năm, khi hai người một già- một trẻ, một đi qua chiến tranh - một sinh sau ngày đất nước thống nhất cùng nhau tìm hiểu hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Lần này, tôi chọn điểm khởi đầu tại Xuân Trạch, với những hoài niệm về một thời.
Dulichgo
Nắng tháng năm đổ hoa lửa xuống khắp mặt đường Hồ Chí Minh nhánh đông ngang qua Xuân Trạch. Ngược dòng lịch sử, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Xuân Trạch thuộc xã Phúc Nguyên bao gồm 6 phường: Khe Gát, Vực Trô-Đá Chác, Đồng Nghẹn, Troóc, Khe Ngang và Cây Lim thuộc huyện Quảng Trạch. Tháng 6-1947, xã Phúc Nguyên chuyển về huyện Bố Trạch đổi tên thành xã Phúc Trạch. Mãi đến tháng 6-1955, Phúc Trạch mới chia tách thành ba: Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch và tồn tại cho đến tận ngày nay.
Về Xuân Trạch, nghe các cụ cao niên trong xã nhắc mãi đến những địa danh một thời: Khe Gát, Vực Trô, Hung Bai, Đá Chác, Bến Lội, Đồng Nghẹn, Ngọn Rào, Ngã Hai... Dân số toàn xã 1.158 hộ, 5.343 khẩu, 66% đồng bào theo đạo công giáo. Gốc gác dân Xuân Trạch khởi nguồn từ các xã Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Thủy di cư vào.
Dulichgo
Vì có “dây mơ rễ má” từ bao đời nay, mối quan hệ gốc rễ vẫn luôn bồi đắp qua những câu chuyện lưu giữ. Giữa hai vụ lúa, cấy, gặt, dân “ngoài làng” (Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Thủy) đất chật, người đông phải gửi trâu, bò vào “trong rú” (Xuân Trạch) nhờ bà con chăm sóc, không nề hà thiệt hơn, tính công, tính cán, chỉ cần vài “vàu” cá buôi nơi Cồn Trữa (Cồn Sẻ, Quảng Lộc) làm quà biếu là ấm lòng.
Những năm mất mùa, đói kém, người “ngoài làng” vào tá túc “trong rú”, bà con thết đãi nhiều thứ “đặc sản”: mít chín, mít non, hột mít luộc, mít muối chua... hạt dẻ, chè xanh xứ Troóc, thuốc lá Ngã Hai, Ngọn Rào. Ngược lại, dân “trong rú” về thăm bà con “ngoài làng” ăn những bữa cơm trắng thảo thơm không độn hạt mít, sắn, ngô, khoai. Chén rượu Quảng Lộc say đượm tình cùng nhiều thứ đặc sản vùng sông nước: cá thiều, cá buôi Cồn Trữa; bánh đúc, bánh tráng Quảng Hòa...
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trạch Hoàng Anh Nhẫn còn kể cho tôi về câu chuyện Ông Khái (cọp) bắt người tại vùng Trộ Rớ. Bởi thế, nhà thơ Xuân Hoàng trong chuyến thực tế về với Phúc-Lâm-Xuân trong thời kỳ chiến tranh phải thốt lên: “Muỗi Khe Gát, vắt Ba Rền/Sên Trạ Ang, cọp Trộ Rớ/Ai qua Quảng Bình/Hẳn lừng danh huyện Bố”.
Nguyên câu chuyện cọp thọt một chân Trộ Rớ bắt người như sau: Khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9-3-1945, xác lính Pháp bị Nhật giết rải khắp một vùng Khe Sến, cọp bắt đầu ăn thịt xác lính Pháp rồi quen mùi từ đó. Về sau, cọp tìm cách rình rập, bắt người. Một vùng tả ngạn sông Son, Vĩnh Sơn, Troóc, Đồng Bại... đều có người chết vì cọp vồ.
Theo thời gian, cọp càng lộng hành hơn, ban đêm lẻn vào nhà bắt người mang đi. Ban ngày, người dân vào rừng, chỉ cần tách riêng ra, cọp vồ tha tận rừng sâu. Nhân dân trong vùng không ai dám đi rừng một mình. Chiều đến mặt trời chưa tắt hẳn, nhà nhà cửa đóng then cài đề phòng cọp vồ. Nhân dân phải chống chọi cùng lúc hai loại giặc, giặc Tây và giặc cọp.
Một trong những cán bộ Phòng thông tin- Tuyên truyền huyện Bố Trạch là anh Lê Hy bị cọp Trộ Rớ giết hại trong chuyến công tác lên Cao Mại (huyện Tuyên Hóa) năm 1948. Trước đó, anh Trần Hữu Châu, bộ đội địa phương huyện Bố Trạch trên đường đi đánh đồn địch về cũng bị cọp tấn công, mất mạng.
Số phận cọp một chân Trộ Rớ về sau như thế nào, không ai còn nhớ. Nhưng chuyện cọp Trộ Rớ giết hại hàng chục dân lành vẫn là một vết cắt đau thương trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, ngoài mất mát do chiến tranh.
Sân bay Khe Gát, di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trên đường ngược lên đèo Đá Đẽo qua huyện Minh Hóa. Dân Xuân Trạch từ trẻ con đến người già, thuộc nằm lòng chiến công của Không quân nhân dân Việt Nam khi đưa máy bay Mic17 xuất kích từ sân bay Khe Gát đánh tàu chiến Mỹ ngoài khơi Quảng Bình.
Dulichgo
Sự kiện lịch sử này được chép rành mạch trong Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Trạch, tập I (giai đoạn 1930-2010): 16 giờ 5 phút ngày 19-4-1972, biên đội Mic17 gồm hai chiếc do các phi công Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Bảy B được lệnh xuất kích tấn công các tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 Mỹ cách cửa biển Nhật Lệ 18 km về phía đông. Khi mục tiêu nằm gọn trong tầm ngắm, bốn quả bom rời thân máy bay rơi trúng đích. Hai tàu khu trục dính bom, trong đó tàu HegBee gần như bị tê liệt hẳn.
Từ khi xuất kích đến khi hai máy bay trở về sân bay Khe Gát an toàn chỉ mất đúng 17 phút. Đây là lần đầu tiên Không quân nhân dân Việt Nam dùng máy bay tiêm kích Mig17 đánh trúng, làm bị thương nặng tàu khu trục Mỹ trên biển Quảng Bình. Sau sự kiện này, tàu chiến Mỹ không dám vào gần bờ biển Quảng Bình ngang nhiên đánh phá như trước đây nữa.
Theo dòng hoài niệm về Xuân Trạch, nơi khởi đầu đường Hồ Chí Minh nhánh tây, cơ may thế nào đó, tôi gặp được vợ chồng ông Trần Trọng Quang, Hoàng Thị Hồng, những nhân chứng sống đi qua một thời lửa đạn. Ông Trần Trọng Quang sinh năm 1930, nguyên xã đội trưởng thời kỳ 1962-1964, bà Hoàng Thị Hồng nguyên cán bộ Hội Phụ nữ xã.
Ông Trần Trọng Quang nhớ lại: “Từ khi hoàn thành hệ thống đường Trường Sơn qua địa bàn xã, Xuân Trạch trở thành túi hứng bom bất kể đêm ngày, thôn Vinh Sơn, HTX Vinh Sơn, nơi có ngầm Bến Lô xe cộ hay qua về thường xuyên bị oanh tạc. Đêm 27-7-1966, máy bay Mỹ ném bom vào khu dân cư, trong đó có một quả bom tạ đánh trúng hầm gia đình anh Nguyễn Luyến làm chết hai vợ chồng, ba người con cùng 2 hàng xóm trú nhờ qua đêm.
Đau thương là thế, nhưng quân và dân Xuân Trạch vẫn anh dũng kiên cường, “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông không tiếc máu tiếc công”. Tất cả dồn tiềm lực cho những tuyến đường luôn thông suốt, chi viện chiến trường miền Nam.
Dulichgo
Tôi cùng ông Trần Trọng Quang chầm chậm trở lại nơi ngã ba đường Hồ Chí Minh chia nhánh ngay phía trước trụ sở UBND xã Xuân Trạch. Nắng đỏ lửa, ran rát gió lào thổi bời bời. Tấm bia di tích lịch sử ghi dấu ấn chiến công nơi ngã ba cũng mỏi mòn theo năm tháng. Chỉ có tấm lòng người dân mộc mạc khắc cốt ghi tâm những thăng trầm trên quê hương mình.
Xuân Trạch ngày hôm nay vẫn đang còn nghèo lắm! Tôi cảm nhận rõ điều đó trong nắng tháng năm se thắt, trong ánh mắt mệt nhọc của ông Trần Trọng Quang trước lúc chia tay. Phía trước mặt, đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây như một lằn chỉ chạy hun hút sâu vào miền di sản.
(Còn Tiếp)
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 1: Xuân Trạch-ngày của hoài niệm
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 2: Giữa lòng di sản
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 3: Làng Mô
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 4: Làng Ho
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài cuối: Lời của gió nơi ngã ba Dân Chủ
Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.