(Tiếp theo) - Trong chặng cuối hình trình chinh phục Sơn Đoòng, tôi sẽ là nhà báo VN đầu tiên và là 1 trong 10 người VN (không kể porter) vượt qua 'bức tường VN'. Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á nói với tôi như thế trước hành trình.

< Khung cảnh đẹp đầy mê hoặc.

Những vòm hang khổng lồ

Cho đến lúc vượt qua doline 2, thực sự tôi vẫn cảm giác chưa chạm được độ lớn “khủng” của Sơn Đoòng để người ta khẳng định nó lớn nhất thế giới. Trong khi hành trình sắp kết thúc và tôi chỉ còn phải vượt "bức tường VN'' nữa thôi.

Đêm cuối trong lòng Sơn Đoòng, mang những băn khoăn này đến chuyên gia hang động hàng đầu Howard Limbert thì được ông giải thích: “Độ lớn của hang được căn cứ vào dung tích 38,5 triệu m3, điểm cao nhất trong tối hơn 200 m, rộng nhất 150 m, dài 9 km. Tuổi hang vào khoảng 2,9 triệu năm, trong khi tuổi đá lên đến 450 triệu năm và được coi là khối đá vôi già nhất Đông Nam Á”. Howard Limbert nói thêm là ông chưa thấy nơi nào trên thế giới có cửa hang sập xuống (hố sụt) và rừng nguyên sinh trong hang như ở Sơn Đoòng.

< Hàng ngàn viên ngọc trong khu vực các khoang hang khổng lồ.

9 giờ sáng ngày thứ 4 của hành trình, tôi tạm biệt đoàn. Đó là những hướng dẫn viên cũng lần đầu chinh phục Sơn Đoòng như Lê Vũ Bảo, Nguyễn Minh Phương; những chuyên gia hang động như Ian Waston, Trevor Wailes… và những porter trẻ. Chỉ hơn 3 ngày ngắn ngủi cùng nhau nhưng tôi coi họ như những người bạn, họ đã kề vai sát cánh, giúp đỡ tôi không ít.

< Chuyên gia Howard đang leo lên "bức tường VN" để thả thang dây xuống.

Tôi sẽ cùng với 2 chuyên gia Howard Limbert và Adam Spillane, 1 khách người Anh Collin và 1 porter Hoàng Văn Hoài vượt "bức tường VN" rồi ra cửa sau Sơn Đoòng trở về Phong Nha. Những người còn lại trong đoàn sẽ quay ngược trở ra theo đường cũ, về ngủ lại 1 đêm trong hang Én rồi về Phong Nha.
Dulichgo
Trước khi khởi hành, tôi chỉ nghe mọi người nói "bức tường VN" cao đến 85 m. Tôi không mường tượng ra được nó như thế nào, chỉ nghĩ chắc là cũng như nhiều dốc cao khác ở trong ngoài động mà tôi từng leo. Qua cách nói chuyện loáng thoáng của mọi người có thể hiểu nó cực khó, như là thử thách lớn cho bất kỳ ai, vượt qua nó xem như chinh phục trọn vẹn Sơn Đoòng. Còn khó như nào thì kệ, hãy đi rồi biết, tôi bình thản đón nhận.

< Độ cao, thẳng đứng choáng ngợp của "bức tường VN".
Dulichgo
Để “dọn đường”, hai chuyên gia Howard Limbert và Adam Spillane chủ động rời bãi cắm trại trước. Sau đó, nữ chuyên gia Deb Limbert (sẽ không vượt ''bức tường VN'') dẫn những người còn lại trong nhóm đi. Từ bãi cắm trại, chỉ mấy bước chân là chúng tôi đã chìm vào trong bóng tối của động, đi thêm đoạn ngắn nữa bắt gặp ngay chùm thạch nhũ to tướng thả xuống từ trần động. Nhóm tiếp tục xuyên bóng tối, qua nhiều cột thạch nhũ khổng lồ, nó không nhiều hình thù như ở động Phong Nha hay Thiên Đường nhưng kích thước thì cực lớn. Vừa đi chúng tôi vừa dùng đèn pin trên đầu soi xem và không ngớt trầm trồ thán phục.

Đi được chừng 15 phút, chúng tôi đến đoạn có những vòm hang lớn rất “khủng”, dường như điều tôi chờ đợi đã đến. Chỗ này các nhà thám hiểm đo được rộng hơn 145 m, có điểm hơn thế nữa. Trong vòm hang “khủng” đó có rất nhiều cột thạch nhũ lớn mà tôi chưa thấy bao giờ.

< Các chuyên gia đang kiểm tra độ an toàn của thang dây.

Vì khu này thường bị ngập nước nên nền hang có nhiều khoáng bùn, nhiều chỗ khá trơn trượt, ở một số điểm đọng nước có những chú cá nhỏ bạc trắng vì thiếu ánh sáng. Bà Deb nhẹ nhàng bước chân đến gần ao nước, soi đèn chỉ cho tôi thấy và nói loài mới ở Sơn Đoòng. Trên nền động, thỉnh thoảng bà Deb gặp một số con côn trùng trắng toát và đó cũng thuộc loài mới Sơn Đoòng. Tiếp đến, chúng tôi cùng chiêm ngưỡng bãi “ruộng bậc thang” dưới nền động, trong đó có rất nhiều viên ngọc tròn trịa nằm đều đặn với nhau.

Vượt tường

Quá nhiều kỳ vĩ nhưng chúng tôi buộc phải gói máy móc vào túi nilong cho vào gùi để xuống thuyền vượt sông đến vị trí "bức tường VN". Bình thường khi con nước xuống, dòng sông này cạn có thể lội bộ hoặc bơi qua được nhưng đợt chúng tôi đi gặp lúc nước dâng, nhiều đoạn sâu 3-4 m nên phải dùng thuyền. Mỗi thuyền ngồi 2 người. Ai cũng có mái chèo để chèo thuyền, vừa kết hợp tăng lực đẩy vừa cảm nhận trải nghiệm. Vòm hang chỗ này cũng rất cao.

< Một porter leo lên trước, thang bám sát tường nên rất khó khăn.
Dulichgo
Chèo khoảng 20 phút thì "bức tường VN" đã xuất hiện ở phía trước. Tôi phát hiện ra bởi vì ở đó có 1 chiếc thuyền và giữa lưng chừng bức tường có người đang leo lên. Chèo thuyền đến gần bức tường hơn nữa, nhìn rõ mới biết Howard Limbert đang leo, chắc hẳn Adam Spillane đã leo lên trước lo phần thiết bị. Hình dáng của Howard Limbert khuất dần trong bóng tối ở trên cao, ngước nhìn lên đủ thấy ngợp. Tiếp cận bức tường, tôi thực sự hoảng bởi đây là mảng thạch nhũ khổng lồ có bề mặt thẳng đứng, lại trơn nhẵn không một khấc tì và ướt nhẹp. Ánh đèn pin rọi lên được đâu mười mấy mét. Tôi nghĩ, leo lên ngang đó cũng đủ hết hơi, rồi phần tối om phía trên đó nữa, nó như thế nào và có leo tới đó không. Quá nhiều băn khoăn, lo lắng.

Lúc sau đó, một thang dây nhỏ được thả xuống. Howard Limbert và Adam Spillane ở trên còn Deb Limbert ở dưới, các chuyên gia kiểm tra độ an toàn và thông báo cho nhau bằng bộ đàm. Mọi thứ ổn, Hoài lên trước. Dù đã từng vượt qua bức tường này và sức vóc của một porter nhưng những bước leo của Hoài không hề đơn giản.

< PV Thanh Niên chuẩn bị chinh phục "bức tường VN".
Dulichgo
Đến đây, tôi lại muốn vượt thử thách, chỉ mong Hoài nhanh đến đích để tới lượt mình. Sau một lúc, sợi dây thừng lại được thả xuống, mọi người buộc nó vào móc an toàn trên đai đeo lưng của tôi. Dây này đóng vai trò rất quan trọng của cuộc vượt tường, vừa đảm bảo an toàn cho người leo không bị rơi xuống vực sâu, vừa để người ở trên đỉnh hỗ trợ kéo lên. Mọi thứ xong xuôi, bà Deb thông báo qua bộ đàm cho nhóm ông Howard trên đỉnh biết và ra hiệu cho tôi bắt đầu leo.

Đối với tôi, cái thang dây có vẻ hơi nhỏ, điều này khiến tôi có cảm giác lo lắng và khá khó khăn trong việc đặt chân vào lỗ thang. Thêm vào đó, nhóm ở trên kéo hơi bị nhanh làm cho tôi bị hụt, chưa kịp tìm trúng lỗ để đặt chân lên nấc thang, thành ra cơ thể như bị treo lơ lửng và tôi phải dùng tay nâng người. Trước tình thế đó, tôi liên tục phải nói với bà Deb để bà thông báo lại. Vì thế nhịp leo và kéo ăn khớp hơn, cảm giác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, càng lên cao độ khó càng lớn, qua đoạn hõm nghiêng nên thang bị lật ra ngoài còn cơ thể tôi lại xoay lưng ép sát vào trong mặt tường. Lúc này đã thấm mệt, tôi phải cố hết sức mới lật được người ra lại phía ngoài.
Dulichgo
Đến đoạn bức tường phồng cộm lên thì quả thực quá khó vì dây thang bị thắt bám chặt vào bề mặt thạch nhũ, không tài nào xỏ tay vào nắm nấc thang cũng như chân không đặt lên được.

< Gần ra khỏi hang, chúng tôi bắt gặp một đống xương động vật lớn đã bị nước vôi bám chặt vào mặt thạch nhũ, sau này sẽ là hóa thạch.

Sức gần kiệt, không biết còn lên bao xa nhưng quay xuống dường như là điều không thể. Luống cuống mất mấy giây, tôi trấn tĩnh lại nghĩ cách và cố dùng chân trái đưa thang ra ngoài tạo khoảng hở để đặt chân còn lại lên nấc tiếp theo, sau đó tiếp tục dùng 2 chân nới thang ra, tì một khuỷu tay vào mặt thạch nhũ làm đòn bẩy nới phần thang ở tay đang nắm, tạo khe hở luồng tay khác lên nấc. Cứ thế tôi nhích dần từng bước một. Vượt qua được đoạn này, phần còn lại dễ dàng hơn vì thang đã hở và độ dốc không đứng.

Lên tới đỉnh thứ nhất thì nghỉ chân, tính ra tôi mất khoảng 10 phút. Đợi các chuyên gia thu cuốn thang xong, chúng tôi đu dây thừng lên nốt đỉnh thạch nhũ còn lại và hoàn thành cửa ải này. Băng qua nhiều khối đá, thạch nhũ và dốc cao, có chỗ động vật chết trơ xương bị khoáng vôi tích tụ dính chặt vào đá, nhóm chúng tôi ra khỏi cửa hang lúc 12 giờ trưa. Từ đó, leo dốc nhiều chỗ dựng đứng toàn đá tai mèo như bàn chông, qua nhiều khối tai mèo khác, qua khu vực hang Va - Nước Nứt, xuyên rừng rậm nguyên sinh thì chúng tôi ra đến đường Hồ Chí Minh...

Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 1
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 2
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 3
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 4
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 5
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 6


Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)
Du lịch, GO!