(Tiếp theo) - Ngày thứ 2 trong lòng Sơn Đoòng và là ngày thứ 3 của hành trình, đoàn di chuyển từ doline 1 đến doline 2, chặng này được đánh giá sẽ xuất hiện nhiều cảnh đẹp và độc đáo mà không hang động nào trên thế giới có.
< Dương xỉ lấp lánh trong giếng trời 2.
Từ "vọng khủng long"
Tiếng dụng cụ chuẩn bị bữa sáng và có lẽ cả tiếng nước róc rách đã đánh thức tôi dậy. Đưa tay kéo dây khóa lều ngủ, tôi thò đầu nhìn ra ngoài, giếng trời đã chiếu ánh sáng mờ ảo xuống dưới. Bắt đầu ngày mới với nhiều kỳ thú chờ đợi phía trước. Vì thế, tôi vô cùng háo hức muốn tiếp cận với cái giếng trời đã thấy từ chiều hôm trước, đến ngay đó xem nó ngang dọc ra làm sao và chứa đựng những gì, rồi thoát ra khỏi giếng như nào.
< Rời khu cắm trại 1, đoàn chúng tôi phải luồn qua các khe đá để tiếp tục hành trình đến với khu cắm trại 2. Vượt qua nhiều tảng đá đứt gãy do trần động sụp xuống.
Dulichgo
Ăn sáng xong, đoàn gói ghém tư trang hành lý, thu dọn lều bạt cho vào túi cẩn thận. Từ bãi cắm trại, chúng tôi vòng xuống sát đáy hang theo các khe đá rồi lại leo lên trên các mỏm đá, luồn chui qua các khối đá chừng 20 phút thì tới được đáy giếng trời. Đây là hố sụt cực lớn, có lẽ do quá trình kiến tạo địa chất, một khoảnh trần hang đã tách ra khỏi liên kết và rơi xuống nền tạo nên lỗ thủng tròn như miệng giếng.
< Leo lên trên cao "vọng khủng long", nhìn xuống phía xa xa trong lỗ tròn tối đó là khu cắm trại 1.
Ở dưới đáy hang nhìn lên chỉ thấy bầu trời, có lẽ vì thế mà được nó được ví như giếng trời. Khu vực dưới đáy hang vẫn còn dấu hiệu cho thấy nhiều tảng đá lớn rơi xuống đổ bể chồng chất lên nhau và văng ra xa khỏi vị trí trung tâm vụ đổ sập. Ngồi dưới đáy giếng những tưởng sẽ không có lối ra tiếp, động kết thúc ở đó. Nếu không có người hướng dẫn thì chắc chắn tôi hay với bất cứ ai lần đầu đến đây đều phải quay ngược trở ra đường cũ.
< Vượt qua bên kia của "vọng khủng long", một khung cảnh tuyệt vời mở ra với lòng giếng trời rộng lớn và những mô thạch nhũ tròn trịa.
Theo chỉ dẫn, tôi bám đá leo lên trên đống đổ nát cao mà trước đó những tưởng là vách giếng. Leo nửa chừng, ngoảnh nhìn lại bãi cắm trại 1 thông qua ống hang tròn chỉ thấy mờ mờ một số lều trại của porter còn chưa dọn. Thế mới thấy được độ vĩ đại của hang.
< Thạch nhũ ở dưới đáy giếng trời thứ nhất tròn có vành như cối xay lúa ngày xưa.
Dulichgo
Leo tiếp dốc đứng một lúc thì mở ra lối đi sang bên kia với không gian rộng lớn và cảnh đẹp như tranh. Dân mê thám hiểm gọi chỗ này là “vọng khủng long” bởi độ lớn của hố sụt, của đống đất đá đổ nát từ trần hang rơi xuống. Tính từ miệng đến đáy của giếng này lên đến 440 m.
< Khu giếng trời 1 nhìn từ phía sau.
Tiếp tục đi, tôi gặp khu rừng nguyên sinh đầu tiên trong lòng động với cây cối xanh tốt; mưa nhỏ và hơi sương làm lá óng ánh. Băng qua khu rừng này chính là khu thạch nhũ hình tháp tròn tựa như cối xay lúa ngày xưa với nhiều nấc thang. Khoảng không bao la bao quanh trụ thạch nhũ này, leo lên đứng giữa trụ rồi chụp ảnh tạo nên khuôn hình đẹp mỹ mãn.
< Ánh sáng và bóng tối từ giếng trời tạo nên hình dạng hấp dẫn.
Sau ít phút nghỉ ngơi, thưởng lãm cảnh đẹp, chúng tôi men theo sườn đá di chuyển xuống phía dưới khoảng không của trụ thạch nhũ tròn đó. Tiếp tục đi vào trong thì gặp những bồn nước xanh xếp thành từng lớp nối nhau như ruộng bậc thang do canxi kết tủa tạo thành. Kế bên đó là khu vực chân của một cột thạch nhũ khổng lồ.
< Những phiến đá lạ trong động được các chuyên gia giới thiệu cho đoàn. Ở đoạn này trở đi bắt đầu xuất hiện nhiều viên ngọc tròn vo được kết tạo từ can xi.
Tận dụng mặt bằng ở đây, bữa trưa đơn giản với cơm chiên, bánh ngọt và trái cây được bày ra trên tấm bạt. Vừa nhấm nháp vừa ngắm cảnh đẹp, tiếc là hôm đó trời mây mù nên không chiêm ngưỡng được khoảnh khắc những tia nắng lọt qua giếng trời chiếu vào động tạo thành luồng sáng khổng lồ. Sau đó, tôi được dẫn leo lên trên đỉnh cột thạch nhũ để tận mắt chứng kiến những viên ngọc nữ tròn vo.
Dulichgo
Ở đây có những dòng nước chảy tí tách từ trần động xuống, không hiểu bằng cách nào lại hình thành nên những viên ngọc đẹp đến thế. Đứng ở vị trí này cũng mang đến một góc nhìn khác vô cùng thú vị về giếng trời, qua ống kính máy ảnh nó như hình một chiếc lá.
< Leo lên cao để thấy khu giếng trời 2 theo hình kim tự tháp.
Đến xuyên "vườn địa đàng"
Rời khu doline 1, chúng tôi đi qua những khối thạch nhũ khổng lồ lù lù trong bóng tối, đoạn đường này có phần dễ dàng hơn. Gần 20 phút sau thì ánh sáng từ doline 2 xuất hiện.
< Rừng nguyên sinh trong giếng trời 2 nhìn từ xa qua ống kính.
Để ghi hình nó từ xa, tôi được chỉ dẫn trèo lên trên dãy thạch nhũ to lớn, từ đó phóng ống kính ra thu được nguyên hình dạng “ô cửa” từ giếng trời đổ xuống lòng động. Ở đó có từng tảng đá xen lẫn những mảng màu xanh tươi của lá cây, phía đằng xa là khu rừng nguyên sinh thứ 2 trong Sơn Đoòng, nó được mệnh danh là "vườn địa đàng".
< Đoàn vượt qua rừng cổ thụ trong giếng trời 2.
Dulichgo
Chúng tôi tụt xuống dưới chân dãy thạch nhũ lớn để tiến về giếng trời. Từ đáy động, ngược dốc lên trên, đi qua những ruộng bậc thang dương xỉ mượt mà phấp phới. Đến đáy giếng, tôi ngước nhìn lên mở ra một không gian bao la; miệng giếng tròn trịa, trên đó có cây xanh lớn, còn phía ngoài chính là bầu trời, mây mù vần vũ xuống đến lưng chừng miệng giếng. Thành giếng là vách đá thẳng đứng. Cũng giống như ở doline 1, tôi không tài nào tưởng tượng ra nổi hành trình tiếp sẽ theo hướng nào, nhìn quanh thành giếng tuyệt nhiên không thấy một lối mở, một khe hở nào, mà nếu có chắc phải lên bằng thang dây chứ đâu thấy lối lên.
< Rừng cổ thụ trong lòng động Sơn Đoòng.
Để thêm phần hấp dẫn, tôi không hỏi trước hướng dẫn viên hay chuyên gia. Sau phút nghỉ ngơi, các chuyên gia dẫn chúng tôi men theo lối mòn nhỏ tiến đến khu rừng nguyên sinh. Khu rừng này có điểm rộng nhất đến 168 m và xin nhắc lại là nó nằm trong lòng Sơn Đoòng. Đến rừng, chúng tôi leo lên những con dốc đá cao và ngoằn ngoèo, hai bên cây cối đủ loại từ thân mềm như chuối rừng đến những cây gỗ cổ thụ. Có cây lớn lâu năm bị gãy đổ nằm chắn ngang lối đi. Cứ thế, lên dốc, xuống dốc, có đoạn đi qua khu rừng bằng bằng một lúc rồi cũng ra khỏi rừng; men theo các tảng đá, qua khu khá trơn trượt và vậy là chúng tôi đã xuyên thấu qua thành giếng để đứng ở khoang bên kia động.
< Bãi cắm trại 2 nhìn từ trên cao.
Tổng thời gian khoảng 15 phút. Từ đây, nhìn xuống phía xa trong lòng động thấy khu cắm trại 2; bóng dáng các porter đi lại ở khu cắm trại chỉ nhỏ tí. Đúng là thiên nhiên thật kỳ thú, có những điều tưởng như không thể lại xảy ra.
Dulichgo
Chúng tôi tiếp tục luồn qua các vách đá, đổ dốc xuống bãi cắm trại. Đồng hồ chỉ 14 giờ 15 phút. Khu cắm trại 2 có vòm hang khá lớn. Chúng tôi chọn những vị trí khá bằng phẳng sát vách hang để đặt trại. Tôi phát hiện ra điều trùng hợp thú vị là ở hang Én và Sơn Đoòng đều có những bãi phẳng sát cửa hang và giếng trời, vừa đủ mặt bằng và ánh sáng thuận lợi cho dựng trại nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nếu đi sâu vào trong, vừa tối lại không có diện tích.
< Giếng trời 2 nhìn từ đằng sau.
Đến đây, hành trình chinh phục động lớn nhất thế giới của chúng tôi sắp kết thúc với muôn vàn kỳ thú. Chúng tôi đã trải qua bao nhiêu là sông suối, vượt bao nhiêu gành đá, rừng nguyên sinh, thạch nhũ… với độ khó đến cao trào, đã ngủ 2 đêm mãn nguyện trong lòng Sơn Đoòng, được chiêm ngưỡng bao cảnh đẹp hay hóa thạch hàng trăm triệu năm. Tuy nhiên, sức hấp dẫn và độ khó bậc nhất đang còn phía trước, đang chờ tôi vào ngày mai…
Còn tiếp
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 1
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 2
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 3
Chinh phục Sơn Đoòng - Kỳ 4
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.