Thiềng Liềng có lẽ là nơi xa nhất, cách trở nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Có mấy ai ngờ, vẫn là công dân thành phố năng động nhất nước nhưng từ trung tâm phải mất gần 5h mới đến nơi. Nói không ngoa, người ta gọi đất này là “đảo trong đảo”.

Ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM, cách trung tâm TP. HCM chừng 70km. Muốn ra đảo Thiềng Liềng phải đi đò mất nhiều chặng, bắt đầu từ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, phải mất một chuyến đò gần 1 giờ mới ra tới đảo Thạnh An. Từ Thạnh An tiếp tục mất từng đó thời gian trên đò, len lỏi giữa những vạt rừng sát men theo cửa biển mới đến được cù lao Thiềng Liềng.

Đảo Thiềng Liềng từ lâu là một cù lao bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, không được nhiều người biết đến, cuộc sống tách biệt hoàn toàn sự huyên náo phố thị. Ít ai ngờ rằng, ở một đô thị sầm uất, nhộn nhịp như TP. HCM lại có một ấp đảo nhỏ chỉ với hơn 200 hộ dân.
Dulichgo
70% người dân ở Thiềng Liềng sống bằng nghề làm muối, họ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây… nhưng chỉ làm muối được 6 tháng vào mùa nắng. Với hơn 400ha diện tích làm muối, mỗi năm Thiềng Liềng sản xuất trên 20.000 tấn muối. Mùa làm muối bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Thiềng Liềng chưa có điện lưới quốc gia, người dân nơi đây chủ yếu xài năng lượng mặt trời để sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, điện từ năng lượng mặt trời còn hạn chế, chỉ sử dụng vào sinh hoạt, sản xuất nhỏ lẻ.

Bạn có muốn thử một lần đến khám phá đảo Thiềng Liềng này hay không? Nếu muốn, xin xem hướng dẫn dưới đây.

+ Phương tiện di chuyển

Từ trung tâm TP HCM, để đến đảo Thiềng Liềng, bạn có thể đi bằng xe bus hoặc xe máy.

Xe bus

Từ bến xe Công viên 23/9, bạn đón tuyến xe số 20 đến phà Bình Khánh. Sau khi qua phà, đón xe số 90 đến Cần Thạnh. Xe sẽ dừng ở bến xe bus Cần Thạnh.

Xe máy

Chạy xe đến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè). Qua phà, chạy xe đến bến tàu Cần Thạnh. Sau khi đến chặng cuối của huyện Cần Giờ, thị xã Cần Thạnh, các bạnđi tàu ra xã Thạnh An, rồi từ Thạnh An lại tiếp tục đi tàu ra Thiềng Liềng.

Nếu đi xe máy, bạn nên gửi xe ở bến tàu Cần Thạnh (xe máy vẫn có thể mang theo tàu đi Thiềng Liềng nhưng không tiện lợi lắm).

Tàu từ Cần Thạnh đi xã Thạnh An: một ngày có khoảng 5 chuyến (6h, 9h, 10h30, 14h, 17h). Thời gian di chuyển khoảng 1 giờ. Thông thường, tàu chạy ra đến Thạnh An thì sau khoảng 30 phút có tàu quay lại Cần Thạnh.

Tàu từ Thạnh An đi Thiềng Liềng: mỗi ngày chỉ có 2 chuyến đi và 2 chuyến về (chuyến đi Thạnh An - Thiềng Liềng: 11h và 16h, chuyến về Thiềng Liềng - Thạnh An: 5h và 14h), thời gian đi tàu khoảng 45 phút. Do đó, nếu có ý định khám phá Thiềng Liềng, bạn nên ở qua đêm, thoải mái giờ giấc, hoặc không phải mới lên đảo đã phải lo canh giờ về sớm.
Dulichgo
+ Ở Thiềng Liềng có gì vui?

Nhiều người đến với Thiềng Liềng đơn giản chỉ để được khám phá và cảm nhận cuộc sống ở nơi đây, trải nghiệm nơi xa xôi hẻo lánh và khó khăn tại Sài Gòn.

Cảnh quan ở đây đa phần là các bờ sông nước và kênh rạch chằng chịt, đi kèm với rừng cây phủ đầy trên đảo. Đảo cũng không quá lớn nên phương tiện phổ biến là xe đạp hoặc đi bộ. Xe máy cũng có nhưng không nhiều. Nhờ vậy, không khí ở đảo vẫn trong lành, không bị tình trạng khói bụi nhiều như ở thành thị.

Bên cạnh đó, các bạn cũng sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về nghề làm muối, ngắm các ruộng muối mênh mông tại Thiềng Liềng. Nhưng thời gian làm muối chỉ kéo dài trong những tháng mùa nắng, nên hãy chọn thời điểm đi thích hợp. Thiềng Liềng là một trong những vùng hiếm hoi còn lưu giữ cách làm muối truyền thống của vùng như dùng lăn và guồng tát nước bằng gỗ và quay bằng tay.

Với các bạn yêu thích chụp ảnh, đây thực sự là nơi để thỏa thích sáng tác những bức ảnh theo ý thích của mình. Khung cảnh hoang sơ, lại không giới hạn khu vực chụp, rất lý tưởng cho những ai đam mê bấm máy. Thậm chí nơi đây từng có những đoàn đến để chụp ảnh cưới.

Buổi tối ở Thiềng Liềng cũng cho bạn trải nghiệm thú vị. Phương tiện giải trí của người dân là chiếc tivi nhỏ. Nếu ra đúng ngày thứ 7, các bạn sẽ được chứng kiến người dân đảo sẽ tập hợp lại một nhà trong xóm để cùng hát đờn ca tài tử, và lai rai vài chén rượu, chuyện trò sau một tuần lao động vất vả.
Dulichgo
+ Ăn ở ở đảo

Nếu ngủ qua đêm, bạn có thể liên hệ xin ngủ nhờ ở nhà người dân hoặc xin ngủ tại trường học, UBND xã, trạm y tế. Người dân nơi đây khá cởi mở, thoải mái, không có tình trạng phân biệt, kỳ thị.

Trên đảo không có bán thức ăn nhiều, do đó tốt nhất các bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn mang theo sẵn. Đảo chỉ có vài quán nước, giá cả cũng không quá đắt đỏ. Hoặc nếu đã làm quen được với người dân ở đảo, tạm trú trong một nhà nào đó, bạn có thể sẽ được họ chiêu đãi cơm trưa hoặc cơm tối.

Theo Zing, Thế Giới Văn Hóa...
Du liịch, GO!

Về nơi ‘ngủ không cần khóa cửa’ ở Sài Gòn.