Thác Đát (còn gọi là thác Đát Đền hay Suối Tiên) thuộc thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, Sơn Dương (Tuyên Quang) từ lâu đã được nhân dân địa phương và du khách gần xa biết đến bởi vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ nhưng cũng không kém phần linh thiêng, bí ẩn.

< Thác Đát mùa... khô.

Thác Đát trải dài theo sườn đồi, tắm mát cho hơn 108 ha ruộng của 5 thôn: Đồng Phai, Đồng Giang, Cầu Đá, Việt Hòa, Đồng Báo của xã Hợp Hòa. Thác Đát còn tràn sang cả địa phận của vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc khiến cho khí hậu nơi này luôn trong lành, mát rượi. Hiện nay, dù không còn giữ được vẻ nguyên sinh nhưng hàng năm, Thác Đát vẫn đón 700 - 800 lượt khách tham quan.

Thác Đát là nơi cư trú của nhiều đặc sản quý hiếm như cá cóc, cá phèo, cá quy, ếch ảng... Cá cóc là một loài cá đặc biệt, có 4 chân. Đầu và bụng màu đỏ. Lưng màu nâu sẫm. Đuôi và đầu giống con tắc kè. Cá cóc là phương thuốc quý dùng để chữa bệnh hen (không ăn được thịt). Cá phơi khô, nghiền nhỏ thành bột đem uống và chỉ sau vài lần uống bệnh hen có thể khỏi hoàn toàn. Hiện nay loài cá này vinh dự ghi danh trong Sách Đỏ động, thực vật quý hiếm.

Cá phèo và cá quy là món ăn ưa chuộng của người dân nơi đây và du khách gần xa. Thịt cá ngọt, chắc, không tanh. Cá ít xương (chỉ có xương sống giống cá trạch, cá chiên...). Những loài cá này chỉ sống ở vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm, nước chảy xiết nên họ hàng nhà chúng không nhiều. Du khách may mắn lắm mới nhìn thấy chứ chưa nói gì đến thưởng thức chúng.

Ếch ảng suối Tiên nặng gấp đôi ếch bình thường. Đùi chúng to bằng ngón chân cái, bám chặt vào chỗ nước chảy xiết. Loài ếch khôn ngoan này chỉ ăn lá cây nên thịt săn chắc và không tanh.

Du khách đến với thác Đát không chỉ được tận hưởng bầu trời thơ mộng, mát lành; nhìn ngắm động vật bay nhảy, nô đùa mà còn lạc vào chốn linh thiêng, huyền bí. Đầu nguồn suối trước kia có một ngôi đền rất linh nghiệm mà ngày ngày bà con thường đến cầu khấn, mong điều tốt lành. Hiện nay, ngôi đền không còn nhưng dấu tích vẫn tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người.

Để đến với thác Đát, dù không cần hương khói, không dâng lễ vật nhưng trong tâm niệm mỗi người đều cầu mong phước lành, gia đình yên vui, hạnh phúc. Dulichgo
Có du khách lại quá say đắm với cảnh trời mây non nước ở đây đã tức cảnh sinh tình:

“Ai mà đến với suối Tiên,
Khác nào được đến thiên đường nguy nga.
Tuổi già mà ngắm suối Tiên,
Tâm hồn thanh thản mà lòng lâng lâng.
Tuổi trẻ hãy đến suối Tiên,
Hưởng tuần trăng mật còn gì đẹp hơn".

Huyện Sơn Dương còn có nhiều điểm thác khác, trong đó có những ngọn thác cao 2-3 tầng như: thác Đồng Bừa ở xã Đông Lợi; thác Đồng Mon ở xã Minh Thanh, thác Đồng Man - Lũng Tẩu thuộc xã Tân Trào. Để các điểm thác ngày càng thu hút khách du lịch, huyện Sơn Dương đã xây dựng nhiều chương trình xúc tiến du lịch, trong đó xây dựng trang Wed quảng bá tiềm năng và các tua du lịch khép kín.

Tại điểm du lịch Đát Đền, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hoà, ông Nguyễn Thế Yên, một nông dân chuyên nhận gửi xe của khách tham quan cho biết, những ngày hè này, khu khách đến đây rất đông. Đặc biệt vào ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ có tới hàng nghìn người lượt người trong, ngoài tỉnh đến đây tham quan.

Riêng tại thác Đồng Bừa, ông Lê Thế Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Lợi cho biết: từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, mỗi ngày điểm du lịch của xã luôn đón vài trăm du khách đến tham quan. Nhận thấy đây là một lợi thế cho sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch của xã, UBND xã đã tích cực tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong xã bảo vệ điểm du lịch, luôn giữ cho nguồn nước của khu vực thác trong, xanh, sạch.

Du lịch, GO! tổng hợp từ báo Tuyên Quang

Thác Đồng Phai (Tuyên Quang)