(BBĐ - Từ núi Nguyễn Huệ, ngược về phía nam, tới địa phận làng K8 của xã Vĩnh Sơn, ta đã thấy hiện ra một cánh rừng già âm u trầm mặc. Giữa rừng, suối Sơn Lang ngàn năm vẫn miên man chảy trước khi hội nguồn với dòng sông Côn. Phía sau đoạn thác ầm ào nhất, có một cửa hang ẩn mình giữa những tảng đá khổng lồ. Đó là hang Dơi, nơi được bao phủ bởi biết bao câu chuyện huyền bí…

Kỳ 4: Kỳ bí hang Dơi

Quanh hang Dơi có nhiều câu chuyện truyền tụng. Những câu chuyện ấy có những chi tiết không hoàn toàn trùng khớp nhau, nhưng điều chắc chắn là người Bana nơi này luôn tin rằng: hang Dơi là một công trình thiên tạo. Rằng trước khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người và bầy dơi, hang Dơi chính là hang thần, nơi trú ngụ của những vị thần và suối Sơn Lang là nơi tiên thường xuống tắm.

Về chuyện con người từng trú ẩn trong hang Dơi, có hai chuyện kể khác nhau. Chuyện thứ nhất kể rằng, thuở xa xưa, không biết chính xác ở thời nào, đang khi loạn lạc, có một làng với hơn trăm người, từ một nơi xa xôi dẫn nhau vào hang trốn. Không ai biết họ đã ở trong hang bao lâu, chỉ nghe nói trong thời gian đó, họ đã làm đám cưới tập thể cho chín cặp nam nữ. Hoàn cảnh thiếu thốn, họ phải lấy nước lã thay rượu.


< Người dẫn đường Đinh Phin và chị Nguyễn Thị Điệp trước cửa hang.

Chuyện thứ hai kể, có đến bảy làng cùng chung sống trong hang. Hết loạn lạc, sáu làng ra ngoài tiếp tục sống, một làng ở lại trong hang. Hai câu chuyện kể có một điểm chung là đều có một làng bị mất tích, chẳng ai biết từng ấy con người đi đâu. Đó là một bí ẩn còn lại cho đến bây giờ. Để giải mã bí ẩn này, chỉ còn cách khám phá mọi ngóc ngách của hang…

Lại có chuyện rằng, trước ngày kháng chiến chống Pháp, có một tốp thợ săn người Kinh từ dưới xuôi lên săn bắn, khi ngang qua thác Sơn Lang, đến gần hang Dơi, thì có hàng trăm con dơi trong hang bay ra, bu lấy người đi đầu tiên. Chỉ trong nháy mắt, người ấy chỉ còn là bộ xương trắng. Đoàn người sợ hãi, bỏ chạy trối chết. Những người Bana chứng kiến sự việc này cho rằng người Kinh kia mặc quần áo có mùi xà phòng, nên hấp dẫn lũ dơi. Kể từ đó, chẳng còn ai dám lảng vảng quanh hang Dơi nữa. Và vì thế, hang vốn âm u, lại càng trở nên kỳ bí hơn…

Thời điểm dơi tập trung ở hang Dơi nhiều nhất là vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Người làng mỗi lần đứng trên cửa hang dậm chân, lập tức dơi bay ra đen ngợp. Chiều chiều, người ta thấy dơi bay về hang, xếp thành ba hàng dọc, sải cánh rộng cả nửa mét, rợp kín bầu trời. Những người thợ rừng mỗi lần đi ngang hang Dơi lại thấy chúng bám trên những tảng đá thành từng đám, từng đám đen ngòm. Đến những năm 1980, dơi bắt đầu ít dần. Dulichgo

< Cửa hang Dơi.

Ông Đinh Jol, người gắn bó với núi rừng Vĩnh Sơn từ thuở nhỏ, nói rằng: Ở hang Dơi có một con ó trắng lớn, sải cánh rộng như đại bàng, bảo vệ. Sau, con ó trắng ấy bị bắn chết, nên dơi bỏ đi hết. Cũng có  một cách lý giải khác là khi phá đá làm thuỷ điện, tiếng mìn nổ làm dơi sợ, bay đi. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến sự mất dần đàn dơi có lẽ chính là do sự săn bắt ráo riết của con người. Những con dơi thịt rất thơm ngon, to như gà mái, trở thành món mồi ngon. Những người bắt dơi đã dùng bồ kết giã nhỏ vãi vào hang. Dơi không chịu được mùi bồ kết phải bay ra và bị thợ săn canh sẵn ngoài hang bắn chết. Đến nay, đàn dơi còn lại rất ít và cũng chỉ quẩn quanh trong hang, ít khi ra ngoài…

Đến với nơi “sơn kỳ thuỷ tú”

Chúng tôi cùng người dẫn đường Đinh Phin và chị Nguyễn Thị Điệp, cán bộ xã Vĩnh Sơn, xuất phát từ trung tâm xã Vĩnh Sơn lúc hai giờ chiều. Đầu tiên là đi xe máy men theo con đường núi đầy sỏi đá. Vượt qua những con dốc cao lượn vòng giữa những đồi cà phê xanh tốt, chúng tôi đến được bìa rừng. Từ đây, tiếp tục theo dấu những con đường nước chảy quanh năm, rêu bám đầy, ngoằn ngoèo và trơn tuột, xe liên tục bị chệch bánh. Đi được khoảng nửa giờ, hết đường mòn, chúng tôi bỏ xe lại bên một gốc cây, bắt đầu xẻ rừng mà đi. Đinh Phin vừa đi vừa dùng rựa phát dọn những cây trước mặt. Bước chân người thợ rừng thoăn thoắt như một con sóc.

< Những trụ đá được gắn bởi vô số khối đá.

Càng đi sâu vào rừng, lớp lá mục càng dày thêm, ướt đẫm. Con đường dốc lại ẩm ướt, phải đi chân trần. Và đôi chân trở thành mục tiêu của bọn kiến rừng, chẳng mấy chốc sưng vù, nhức buốt. Nhưng rắc rối chỉ bắt đầu khi cơn mưa rừng chợt đổ. Đường đi trở nên trơn tuột, vừa đi vừa phải bám vào cây rừng. Nhưng nhiều lúc, do mải quan sát đường đi, tay bám phải những cành cây đầy gai nhọn hoắc làm toé máu.

Khi những hạt mưa rừng vừa ngớt, đã nghe tiếng thác nước chảy ầm ào vọng lại từ xa. Và giữa mùi ẩm mốc của lá rừng, phảng phất mùi hăng hắc, khai nồng. Mùi phân dơi, đúng là phân dơi. Phía trước đã là đích của cuộc hành trình…

“Sơn kỳ thuỷ tú”. Quả là chỉ có thành ngữ này mới lột tả được vẻ đẹp của cảnh vật nơi đây, nơi hang Dơi ẩn mình phía sau dòng thác Sơn Lang. Muôn con suối nhỏ len lỏi giữa những cánh rừng nguyên sinh, miệt mài gom nước hợp lưu để thành dòng Sơn Lang say đắm quyến rũ, trước khi chung dòng để đổ vào sông Côn. Đứng trên những tảng đá phủ rêu giữa dòng nhìn lên, thác nước đổ xuống thật hùng vĩ. Lấp ló đằng sau những tán cây xanh khổng lồ, dòng nước trắng xoá càng trở nên huyễn hoặc. Lần theo những vũng nước trong xanh đến tận đáy, thử tìm dấu vết những nàng tiên trên trời xuống tắm, chợt nghe như có khí thiêng vọng về…

< Những khối đá xếp thành hình tổ ong.

Đứng trước hang Dơi, đập ngay vào mắt chúng tôi là những tảng đá độc đáo. Những khối đá hình lăng trụ đáy ngũ giác, đều đặn như được ai đó đẽo gọt, gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, thành những trụ đá khổng lồ. Và còn, còn rất nhiều khối đá màu trắng xanh với những góc cạnh đều đặn, sắc sảo như thế, nằm riêng lẻ ngoài cửa hang. Nhìn lên trên, đá được sắp đặt khéo léo, trông như một tổ ong khổng lồ. Theo quan sát của chúng tôi, những khối đá lăng trụ này có hình dáng và kết cấu y hệt như đá ở thành Tà Cơn. Dựa vào những câu chuyện kể của người dân Bana và quan sát thực tế, có thể lý giải rằng những khối đá này có nguồn gốc thiên tạo, hoàn toàn không phải là sản phẩm từ bàn tay con người.

Nếu không để ý thì khó phát hiện ra cửa hang Dơi, bởi nó ẩn mình giữa vách đá, cách mặt đất đầy phân dơi gần hai mét. Bên cửa hang, còn một cái thang bằng cành cây rừng thô sơ. Có lẽ, đây là phương tiện duy nhất để leo vào hang. Đứng từ ngoài nhìn vào, hang sâu hun hút, tối mịt mùng, từ trong phả ra một khí lạnh rờn rợn và mùi ngai ngái đặc trưng của phân dơi.

< Thác Sơn Lang và hang dơi là một thắng cảnh đẹp, sẽ rất thu hút du khách nếu được đầu tư thành điểm du lịch.

Người dân nơi đây vẫn tin rằng, trong hang còn dấu tích và những đồ vật từ thời xa xưa. Thời gian gần đây, khi dơi trong hang còn ít, một số người địa phương gan dạ đã tìm cách vào khám phá hang Dơi. Năm 2001, Đinh Jol và Đinh Táp cùng hai người nữa vào hang, xem thử trong hang có những gì, nhưng đi được một lúc, đèn pin vụt tắt. Dù vậy, họ cũng đã kịp chứng kiến quang cảnh bên trong hang. Đinh Jol kể: bên trong hang rộng mênh mông, vô số ngõ ngách, không biết chỗ nào là tận cùng, đá xếp thành những cảnh tượng rất độc đáo. Ông và những người bạn thử cố tìm hiện vật nào còn sót lại từ thời xưa, nhưng không thể chịu được cái lạnh và bóng tối, nên đành quay trở lại.

Là người đã từng được đi thăm thú nhiều danh thắng khắp cả nước, Đinh Jol cho rằng: cảnh vật hang Dơi quyến rũ không kém các động Hương Tích, Phong Nha... Ông nói: “Nếu được đầu tư tốt, Hang Dơi sẽ là một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn thu hút nhiều khách du lịch”. Đinh Jol và Đinh Táp cũng từng có ý định đầu tư vào hang Dơi và biến nơi đây trở thành một điểm du lịch, nhưng ý định vẫn chỉ là ý định vì thiếu yếu tố cơ bản đầu tiên là đường giao thông…

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!