Xe đang chạy nhanh trên đường đèo, đến một khúc cua bỗng nhiên Hà dúi dụi đạp phanh. Phía trước là một chiếc Kamaz lực lưỡng chỉ suýt nữa đâm bổ vào chúng tôi. Bánh xe U-oát chỉ cách miệng vực không đầy nửa mét. Hà vẫn cười hềnh hệch do đã quá quen với cung đường này. Từ lúc đó, chúng tôi chỉ còn biết ngắm mây và đếm những con suối đi qua cho đỡ sợ...

Mây trên đầu, suối dưới chân

Khu vực ngã ba biên giới lâu nay được biết đến là vùng ""một con gà gáy ba nước nghe"" thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Trước đây, khi huyện Mường Nhé chưa thành lập, Sín Thầu thuộc huyện Mường Tè.

Muốn vào ngã ba biên giới đều phải đi đường Mường Tè, vượt qua dốc Mù Cả, Tà Tổng cao ngất ngây. Đi bộ nửa ngày đường mới leo lên được đỉnh dốc, nửa ngày còn lại cố gắng thì mới xuống được hết dốc. Cứ như thế, hết dốc này lại đến dốc kia khoảng gần 10 ngày mới tới được bản cuối cùng trên đất Việt, bản A Pa Chải.

Ngã ba biên giới hoang sơ vì con đường đến đó chỉ độc đạo đường rừng. Muốn đến A Pa Chải phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua những nơi nhiều thú dữ cộng với nhiều ""chướng ngại vật"" khác là vắt, là ruồi vàng, bọ chó và gió táp của miền biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc. Trước chúng tôi, mới có 5 nhà báo vào được đến A Pa Chải. Nhiều người dân vùng Mường Nhé nói, cũng có một số nhà báo vào đến Mường Nhé, cùng lắm là Chung Chải (một xã sát Sín Thầu) rồi lại quay ra vì không thể đi bộ gần một tuần trong rừng.

< Thiếu phụ Mông chờ xe vào Mường Nhé tại thị trấn Chà Cang.

Nhìn trên bản đồ hành chính, huyện Mường Nhé như một số 8 nằm nghiêng. Chà Cang là điểm đầu, khu vực ngã ba biên giới Sín Thầu là điểm cuối. Bản A Pa Chải giống như chấm nhỏ mong manh trên hình số 8, địa hình huyện Mường Nhé mênh mông. Từ Chà Cang vào nơi hết đường ô tô là xã Mường Nhé chỉ hơn 80 cây số nhưng giao thông là cả một vấn đề với đồng bào và cán bộ nơi đây mỗi khi có việc vào Mường Nhé hoặc ra Chà Cang.

Thị trấn "tạm thời" Chà Cang sáng sớm lung linh trong sương và mây bao phủ. Thời tiết Chà Cang sáng lạnh, trưa nóng, tối se se. Từng đoàn người dân tộc Mông, Thái, Dao... lượn lờ chờ đón xe đi Điện Biên. Thị trấn tĩnh lặng đến lạ kỳ.

Đón từ 8h sáng đến 11h trưa vẫn không có một chiếc xe công trình nào vào tận Mường Nhé. Xe khách đi Mường Nhé ngày chỉ có 1 hoặc 2 chuyến. 12h mới có xe vào. Buổi trưa vùng cao nóng như chảy từng thớ thịt. 11 người chui vào chiếc U-oát cũ rích. Cũng còn may chán. Lái xe tên Hà bảo trước đó mấy ngày, có người đi từ Chà Cang vào Mường Nhé không có xe gì khác đành phải ngồi trên thùng ô tô chở... đá hộc, về nhà đau xương cốt mất 3 ngày. Xe bắt đầu chạy thì các loại ốc, các bộ phận cũng thi nhau ""lên tiếng"". Nhìn con đường độc đạo nham nhở vết khoét do nước lũ, chúng tôi bắt đầu mơ hồ nỗi lo sợ. 80 cây số và 1 chiếc U-oát cà tàng. 10 sinh mạng giao hết cho tay lái của Hà trong khi gã vừa uống gần hết hai chai rượu tại Chà Cang!

Con đường mỗi lúc một quanh co theo hình những con rắn. Một bên là sườn núi, một bên là vực thẳm hun hút. Nhưng một hành khách đi cùng bảo Hà là một tay lái "lụa". Một ngày gã đi hàng trăm cây số đường đèo núi. Gã thuộc lòng từng đoạn đường, từng con suối, từng khúc cua. Vợ chồng Hà đều người Vĩnh Phúc lên vùng cao Mường Nhé làm ăn bằng chiếc xe U-oát. Hầu như mỗi ngày gã chạy một chuyến từ Mường Nhé ra Chà Cang và ngược lại. Vợ Hà lấy hàng từ Điện Biên, Chà Cang về đổ tại Mường Nhé. Cứ mỗi lần đi gã đều phải dừng xe lại giữa đường để... chỉnh phanh. Khoảng 3 tháng lại mang xe lên Điện Biên bảo dưỡng. Nhiều người ở Mường Nhé bảo vợ chồng Hà nhanh nhạy. Từ khi có đường ô tô từ Chà Cang vào Hà đã mua xe, là người đầu tiên chạy tuyến xe khách ở đây.


< Chiếc xe IFA bị đổ tại dốc tức suối Trạm Púng.

Tuyến đường ô tô từ Chà Cang vào xã Mường Nhé chỉ mới làm cách đây 2 năm. Ngày đầu có đường vào, dân các xã Mường Toong, Mường Nhé mừng lắm. Nhiều nhà vay mượn mua xe máy, ô tô công trình xây dựng vào tấp nập. Thế rồi mừng chưa được bao lâu đã phải lo. Từ tháng 5 đến tháng 8, mùa lũ đến, sau một đêm cả đoạn đường 80 cây số biến thành từng khúc gián đoạn. Ô tô chỉ đi đến đoạn đứt đầu tiên đã ngậm ngùi quay ra. Xe máy qua được nhưng đến các con suối phải cho xe lên bè vượt lũ sang bờ bên kia. Nước lũ chảy xiết, đã có trường hợp bị cuốn cả người và xe xuống suối. Cánh lái xe công trình vẫn còn kinh hãi nhớ về mùa mưa năm ngoái. Đường lở nhiều đoạn dài không thể khắc phục kịp thời gây gián đoạn Mường Nhé, Mường Toong với Chà Cang hàng tháng trời. Những khi đó, xe ôm trở thành phương tiện đắt nhất... Việt Nam! 80 cây số được tính giá 1 triệu đồng mà nhiều xe còn ngần ngại không muốn đi. Đường mùa mưa có thể đưa cả người và xe xuống vực bất cứ lúc nào.

Đường vào Mường Nhé mỗi lúc một nguy hiểm. Hàng chục khúc cua tay áo, cua hình chữ chi. Chiếc U-oát vượt hết dốc tức này đến dốc thoải khác. Sợ nhất là những lúc gặp đoạn đường có ổ chuột, ổ voi. Hà căng mắt nhìn phía trước, hai tay ghì chặt vô lăng. Chiếc xe chồm lên chồm xuống như con bần bật đã vặn cót. Bên ngoài, trời đang chuyển sang chiều, mây lượn lờ trong tầm mắt. Những bản làng dân tộc thấp thoáng bên sườn núi. Qua hết đoạn khấp khểnh đến đoạn bằng phẳng giải cấp phối đang làm dở. Hà châm thêm điếu thuốc rồi nhấn mạnh chân ga tranh thủ đoạn đường tốt. Bỗng nhiên đến một khúc cua gã đạp mạnh phanh, chiếc xe rê bánh một đoạn. Cả xe nhìn lên phía trước. Một chiếc xe Kamaz chở đá vừa ló đầu ra nửa đoạn cua chữ chi cũng khựng lại. Tôi nhìn ra ngoài. Đúng đoạn cua bị lở. Bánh trước xe U-oát chỉ cách miệng vực, tà-luy âm không đầy nửa mét. Cả xe thất thần. Hà cho xe lùi lại. Chiếc Kamaz vượt qua. Chúng tôi tiếp tục đi. Hà bảo, đường xá ở đây là thế, nhiều lúc cứ tưởng mình đã nằm gọn dưới vực sâu nhưng cuối cùng... vẫn ổn! Gã bảo đi mãi thành quen, chả biết sợ là gì, cứ bình tĩnh là qua hết! Phía trước còn nhiều đoạn nguy hiểm nữa...

< Chiếc U-oát đang được sửa chữa phanh trước khi vượt suối Nậm Kè.

Mặc cho Hà bô bô kể về tay lái lụa của mình. Tôi ngồi nhìn ra cửa xe ngắm mây và đếm từng con suối đi qua để xua đi lo lắng. Từ Chà Cang vào Mường Nhé phải đi qua 9 con suối to. Vào mùa lũ, suối Nậm Pồ, Pa Tẩn, Phiêng Vai, Nậm Kè... chảy xiết. Một con trâu sa xuống bị cuốn trôi. Cả đàn trâu sa xuống cũng bị cuốn trôi. 3h chiều chúng tôi đến khu vực suối Trạm Púng (xã Mường Toong) thấy chiếc IFA chở 17 công nhân đi làm gạch bị đổ ở dốc tức, ngay bên cạnh suối làm 2 người bị thương nặng. Từ khi đường được khai tác, đã có nhiều xe công trình, xe khách bị rơi xuống vực. Riêng trong năm nay đã 3 chiếc xe bị đổ. Hầu hết là xe chở vật liệu xây dựng nặng gặp đường trơn, dốc tức.

Chiều miền sơn cước đẹp dịu dàng. Chiếc U-oát nặng nhọc vượt qua những dãy núi hùng vĩ Tây Bắc. Thấp thoáng bên sườn núi mênh mông là sắc hoa ban rực rỡ. Thêm lần Hà dừng xe bên bờ suối Nậm Kè để... sửa phanh trước khi vượt dốc và vài pha thót tim khác, 18h tôi chúng tôi về đến Mường Nhé. Bước xuống xe, chúng tôi biết mình vẫn... còn sống để bắt đầu cuộc chinh phục ngã ba biên giới vào ngày mai bằng đường rừng.

Lội rừng!

7h sáng chúng tôi bắt đầu chặng đường đi bộ đầu tiên. Từ xã Mường Nhé đến bản Đoàn Kết thuộc xã Chung Chải dài 18 cây số chỉ có rừng già, suối và những đồi trọc cỏ gianh. Trưởng công an xã Tao Văn Pín là người dẫn đường kiêm bảo vệ và... hướng dẫn viên. Ông Pín bảo sắp tới xã Mường Nhé sẽ trở thành trung tâm của huyện Mường Nhé. Đường ô tô mới làm được đến Mường Nhé. Ngày đầu có máy ủi và ô tô vào, cả xã nô nức đi xem "cái xe nhiều xích" và "cái xe lốp to chạy nhanh hơn ngựa". Bản người Thái của ông bỏ bê hết công việc dành hẳn một ngày đi xem. Trẻ con đã đành, người già cũng chống gậy bắt con cháu dẫn đi. Bà con vui lắm. Lần đầu tiên được thấy "cái con ô tô" mà lâu nay chỉ thấy trên vô tuyến và sách báo.

< Tác giả và trưởng công an Tao Văn Pín trên đường đi.

Chúng tôi và ông Tao Văn Pín lầm lũi đi trong rừng già Mường Nhé. Cả chặng đường chúng tôi đi xuyên vào giữ lòng rừng già thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Một khu bảo tồn vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vào đầu những năm 80, rừng Mường Nhé còn khoảng 200 con voi, 300 con bò tót và 59 loài thú khác. Nhưng địa hình Mường Nhé xa xôi, hiểm trở nên cả trên 300 nghìn ha mà chỉ có một kiểm lâm viên canh gác!

Qua bản Nậm Là 15 phút đi bộ, một khung cảnh tan hoang của rừng bị phá hiện ra. Hàng chục ha rừng bị cưa máy đứt gốc nằm ngổn ngang ven đường. Chúng tôi xót xa đưa máy ảnh lên chụp. Có những thân gỗ 2 người ôm không xuể. ""Đó là tác hại của người Mông di cư!""- Ông Pín buồn bã. Ông nói rằng gần đây người Mông di cư từ Tủa Chùa, Sìn Hồ về nhiều. Họ đi đến đâu rừng bị phá đến đấy. Nhiều khi công an và kiểm lâm biết nhưng không làm gì được. Chỉ trong một đêm, với một cưa máy thì mấy ha rừng bị hạ là chuyện bình thường. Cán bộ đi mấy ngày đường lên đến nơi họ đã dọn dẹp sạch để dựng nhà, gieo ngô.

Chỉ mỗi con suối Nậm Là mà chúng tôi phải lội đến 5 lần. Ông Pín bảo suối ở đây là vậy, cứ chảy vòng quanh rừng. Chân vừa lội chính con suối ấy chưa kịp khô đã thấy nó trước mặt. Càng đi về phía xã Chung Chải rừng càng u tịch. Qua hết đoạn rừng già này lại đến đoạn rừng già khác. Ông Pín đi trước băng băng. Tôi cùng Đỗ Doãn Hoàng vừa đi vừa... thở, vừa bóp chân, chụp ảnh, ngắm cảnh. Thỉnh thoảng Hoàng lại hú lên một tiếng. Ông Pín phía trước hú đáp lại. Đây là kinh nghiệm của người đi rừng lâu năm. Chỉ có hú. Hú cho đỡ sợ. Hú cho đỡ lạc rừng. Đoạn nào đi qua khu vực người Mông sống chúng tôi phải xác định kỹ đường ở những ngã rẽ trong rừng. Ông Pín bảo đi rừng nếu lỡ bị lạc vào đường mòn đi nương của người Mông thì chỉ có nước... ngủ lại rừng. Càng đi đường càng mòn. Càng đi càng vào sâu. Cuối cùng là dẫn ra đến nương thì hết đường...

< Rừng ở khu vực Nậm Là bị tàn phá do dân di cư.

Chúng tôi đi đến giữa trưa thì gặp một đoàn gần 20 người Hà Nhì ở bản Sen Thượng (xã Sín Thầu) đi mua máy xát từ Mường Nhé đang nghỉ ở một con suối. Chủ máy xát cho biết, ông mua máy xát chỉ 4 triệu, mang lên đến Sen Thượng thành gần 6 triệu. Cái máy được tháo nhỏ ra từng bộ phận, 2 trục quay nặng nhất bỏ lên ngựa thồ. Còn lại gần 20 người chia nhau gùi từng bộ phận khác. Đối với vùng cao Chung Chải, Sín Thầu tất cả mọi thứ mang lên đều đắt gấp đôi. Nghỉ một lúc, toán người Hà Nhì lại tiếp tục đi. Chúng tôi theo chân họ. Chỉ chốc lát cả đoàn đã khuất lấp trong rừng. Ông Pín bảo đi đường rừng là nghề của họ, một ngày họ đi hàng chục cây số, mình không thể theo kịp.

2h chiều chúng tôi nghỉ ăn trưa tại con suối có tên Huổi Hin Bóng.Bên cạnh chỗ chúng tôi ngồi có đến mấy cái điếu cày làm tạm bợ bằng tre rừng. Mấy hôm sau vào đến tận ngã ba biên giới chúng tôi mới hiểu. Đó là một điều đặc biệt của người đi rừng. Người dân vùng cao Chung Chải, Sín Thầu chủ yếu hút thuốc lào. Đi rừng không thể mang điếu theo. Đi đến đâu họ chặt tre làm điếu, hút xong lại dựng bên đường cho người khác hút. Dọc đường rừng chúng tôi đi qua, chỗ nghỉ nào cũng có ít nhất 3 cái điếu. Ông Pín chỉ tay về phía trước và bảo phải qua đỉnh dốc cao nhất chặng phía trước mới hết đất Mường Nhé, sang đất Chung Chải. Chúng tôi lại lầm lũi đi...

< Bản Đoàn Kết nằm trên đường đi ngã ba biên giới.

6h chiều. Khi hoàng hôn đã bao phủ hầu hết các dãy núi xung quanh chúng tôi mới tới được bản Đoàn Kết. Tôi là người đi đầu. Vừa vượt qua một con suối sâu, những mái nhà đầu tiên trong hành trình 18 cây số đường rừng thấp thoáng phía trước. Tôi cùng Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Ông Pín vẫn bình thản như chỉ mới dạo vài bước trong rừng. Sự xuất hiện của ""hai người lạ lùng"" làm mấy thiếu nữ Hà Nhì đang tắm bên suối rú lên thẹn thùng khi bị ống kính máy ảnh chĩa vào. Như thường lệ, các cô chỉ che mỗi mặt, ""các thứ khác"" thì mặc kệ...

Đêm trên miền biên viễn Tây Bắc ùa đến nhanh. Những mệt nhọc của chặng đường rừng đầu tiên nhanh chóng đưa chúng tôi vào giấc ngủ. Ngày mai chúng tôi phải đi chặng đường ngắn hơn nhưng nhiều dốc, nhiều thú dữ lên bản Len su xìn...
Còn tiếp

Kỳ 1 - Kỳ 2

Theo Thế Lê Vinh (VietNamNet)
Du lịch, GO!