KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (19/5/1959- 19/5/2014)

Năm mươi lăm năm trước đây, tháng 5 năm 1959; trong khi cách mạng miền Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về giao thông liên lạc. Để chi viện cho Cách mạng miền Nam: ngày 19 tháng 5 năm 1959, một tuyến vận tải chiến lược được thành lập để chi viện từ miền Bắc vào miễn Nam.

Ông Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách đoàn vận tải lấy tên là Đoàn 559, sau một thời gian nắm tình hình, đoàn đã tổ chức được tuyến vận chuyển gùi, thồ để đưa vũ khí, lương thực chi viện cho mặt trận… Làng Ho, Phong Nha là địa điểm tập kết lương thực, vũ khí, phương tiện vận chuyển gồm hàng ngàn chiếc xe đạp Phượng Hoàng.

Tháng 8/1964, do sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, việc vận chuyển hàng hóa đạn dược càng khẩn trương.

Trung ương Đảng và Bác Hồ đã giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu khẩn trương mở tuyến vận tải bằng cơ giới, để đáp ứng với tình hình. Đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược.

Đồng chí Thiếu tướng Phạn Trọng Tuệ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Ngoài đồng chí Phan Trọng Tuệ còn có đồng chí Nguyễn Tường Lân và nhiều đồng chí ở cục, vụ, viện… cùng hàng ngàn cán bộ công nhân và xe máy, thiết bị đổ bộ vào Trường Sơn.

Quyết tâm mở tuyến độc phá để vận chuyển hàng hóa vũ khí cho chiến trường miền Nam. Việc mở con đường từ Đông sang Tây nhằm giải quyết ách tắc khi mùa mưa đến. Vì vậy khu vực Phong Nha, Ta Lê được coi là tầm ngắm, tuy nhiên mở ở khu vực này gặp phải dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, gặp không ít khó khăn. Với trí thông minh và lòng quả cảm, ta đã quyết định mở đường 20 Quyết thắng với chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử mở đường, trong khi vừa thiết kế vừa thi công.

< Đường HCM nhánh Tây tại Vít Thù Lù, tại đây đường HCM giao với đường thống nhất 16A.

Kết hợp thủ công và cơ giới, ta đã dùng mìn, bộc phá, kết hợp bộ đội công binh, bộ binh, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân viên giao thông làm đến đâu mở kho đến đó. Chỉ trong 77 ngày đêm đường đã thông xe.
Từ thực tế mở đường 20 Quyết thắng, nhiều bài học về chiến tranh nhân dân được rút ra, để rồi sau đó chúng ta mở một loạt các tuyến đường vận tải khác như: Đường 10 (còn có tên là đường 20/7), đường 12A, 16A, 16E, 18…

Đường 10 là con đường sinh sau đẻ muộn thuộc hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình. Nhưng đường 10 trở thành con đường ác liệt gian khổ. Tháng 4/1967, Trung ương Đoàn và Bộ GTVT đã huy động 6.000 TNXP ở các tỉnh phía Bắc để tham gia mở đường 10.

Tốc độ mở đường 10 đạt kỷ lục, cứ một ngày mở được 1km, đường xuyên dưới tán lá rừng Trường Sơn. Đường mở đến đâu ta ngụy trang đến đấy. Khi hoàn thành con đường, có tới 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 700 người bị thương tật.

Mặc dù con đường được giữ bí mật đến phút cuối nhưng đến giữa năm 1968 địch đã phát hiện được và chúng dùng các loại bom đạn và thiết bị kỹ thuật để phong tỏa đường 10. Vì thế càng đi sâu vào phía trong càng ác liệt, nhiều cung đường địch dùng máy bay B52 rải thảm.
Khi đó lực lượng TNXP đa phần là nữ, tuổi đời 19- 20, lại phải sống trong thời tiết núi rừng khắc nghiệt, muỗi vắt, sốt rét, ghẻ lở. Họ lao động với cường độ cao, ăn uống thiếu thốn. Khẩu phần ăn cứ giảm dần từ 24kg gạo/tháng, còn 15kg, 10kg rồi 5kg/tháng.


< Cầu Sê Păng Hiêng.

Cuối cùng thì gạo hết. Trước tình hình đó, lãnh đạo Cục Công binh 1 và Bộ GTVT huy động tất cả xăng còn lại tập trung cho 5 chiếc xe mở đường máu trở về hậu cứ xin tiếp tế lương thực. Khi các xe chở đầy gạo trở lại đường 10, mọi người nín thở chờ đợi.

Xe qua ngầm Dân Chủ (còn gọi là ngầm Âm Phủ), máy bay Mỹ phát hiện, ném bom bắn phá, các chiến sĩ lái xe hy sinh, lương thực bị cháy hoàn toàn, vì vậy mới có câu “Chưa đi chưa biết đường 10, đi rồi mới biết sức người, sức ta”.

Sau đó Bộ GTVT quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 với nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ Đông sang Tây Trường Sơn. Ban Xây dựng 67 đã được tăng cường hàng vạn cán bộ chiến sĩ TNXP, công nhân viên giao thông bám cầu, bám đường đảm bảo giao thông thông suốt trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Phải nói rằng Ban Xây dựng 67 là lực lượng chủ yếu của Bộ GTVT, có mặt trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Nói đến đường Trường Sơn phải kể đến các trọng điểm ác liệt như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo đá Đẽo, ngã ba Dân Chủ…

Kết thúc chiến tranh Ban Xây dựng 67 có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hàng ngàn chiến sĩ bị thương tật. Ban Xây dựng 67, Bộ GTVT và quân dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất tử. Sau chiến tranh cũng chính những con người ấy lại bắt tay vào xây dựng con đường mới, cây cầu mới, con đường Hồ Chí Minh.

20 năm sau chiến tranh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa, con đường mở ra tiềm năng kinh tế, hành lang phía Tây đất nước.


< Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh.

Tháng 4/2000, Thủ tướng Phan Văn khải đã ra lệnh khởi công con đường mang tên Bác Hồ kính yêu. Đến nay, con đường Hồ Chí Minh hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn đã rộng mở. Dọc hai bên đường, các làng bản, các khu dân cư đã từng ngày thay da đổi thịt.

Hơi thở cuộc sống hiện đại đã tràn về dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, tới các bản làng xa xôi của bà con dân tộc Vân kiều, Pa Kô dọc theo tuyến đường.

Con đường Hồ Chí Minh hiện đại hóa cũng là tiền đề cho sự phát triển nguồn lực của từng địa phương, để phát huy nguồn lực ấy một cách có hiệu quả thì các làng thanh niên lập nghiệp đã đang được hình thành.

< Một đoạn của đường HCM ngày nay.

Đặc biệt khi con đường mở ra thì tài nguyên khoáng sản, thủy điện, thủy lợi dọc miền Tây Tổ quốc sẽ biến thành của cải vật chất cho đồng bào các dân tộc Việt Nam dọc Trường Sơn.

Gần 40 năm kể từ khi đất nước được thống nhất, đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa nay đã thành xa lộ nối Đông với Tây Trường Sơn. Con đường huyền thoại đã và đang cùng đất nước vươn tới đỉnh cao của thời đại, thời đại Hồ Chí Minh.

Bài của anh Bùi Hoằng
Hà Bình - Hà Trung - Thanh Hóa
Du lịch, GO! trân trọng cảm ơn anh.

Ký sự đường 10 - Kỳ 1: Con đường thủy chung
Còn mãi những con đường...
Ký ức về con đường ra trận