(TTO) - Trôi trong bão dông
Đã đến lúc thời tiết bắt đầu chống lại chúng tôi. Vào ngày 24-8, Keoni trở thành một cơn bão, xoáy điên cuồng và giống như một đứa trẻ khổng lồ, bắt đầu di chuyển vào vùng bắc Thái Bình Dương.
Ngay từ lúc cơn bão mới hình thành, radio đã bắt đầu cảnh báo cho tất cả tàu thuyền và máy bay có khả năng nằm trong đường đi của nó. Những vệ tinh thời tiết luôn để mắt đến nó. Ban đầu các nhà khí tượng học tưởng rằng nó sẽ đi chủ yếu theo hướng bắc. Sau đó họ gửi đi cảnh báo Keoni đã thay đổi hướng đi, tiến theo hướng tây.
Ở trên mảng, cứ nghĩ về Keoni là tôi lại thao thức suốt đêm. Ban đầu, Keoni có vẻ ở rất xa, quá xa để có thể là một mối lo. Sau đó nó bắt đầu tiến về hướng chúng tôi, đường đi dự báo có vẻ sẽ đưa nó ra khỏi vị trí của chúng tôi, và những nỗi lo lắng của tôi lại dịu đi.
Nhưng vào ngày 24-8, Keoni bất ngờ tích tụ lại và trở nên mãnh liệt. Áp suất trung tâm lại tụt. Sức gió mạnh lên thành sức bão, tệ hơn nữa là Keoni đã đổi hướng và bắt đầu đi vòng vào lộ trình chạm mặt với chúng tôi.
Đêm 25-8, các nhà khí tượng đã định vị được Keoni ở cách chúng tôi 350 dặm về hướng đông nam và không chắc chắn về hướng đi tiếp theo của Keoni.
Keoni tiến gần hơn 50 dặm nữa song đã dừng lại và đang xoay vòng tại chỗ. Vòng xoáy lốc đang đầy đặn dần. Keoni theo như thông báo thì đang tự tắt dần và sẽ nhanh chóng từ một cơn bão dữ dội thành bão nhiệt đới thường.
< Lương Viết Lợi và Trondur lặn xuống buộc lại bè.
Chúng tôi cũng không thể làm gì hơn để cải thiện tình hình. Chúng tôi cố gắng tăng độ ổn định cho mảng bằng cách luồn tám cái xiếm xuống sâu hơn ở mỗi khe xiếm, xuống sâu hết mức có thể để sức nặng của chúng có thể hạ thấp trọng tâm của mảng. Nhưng lực đầu sóng đánh vào thân mảng và đẩy nó sang bên khiến những tấm xiếm thành ra những lưỡi dao lớn kẹp giữa những cây tre và vặn vẹo khiến chúng bắt đầu nạy những thân tre tách nhau ra và có thể làm cho cả mảng rời ra thành từng mảnh.
Chúng tôi chỉ dám để những tấm xiếm sâu xuống không quá nửa, rồi dùng dây thừng cột chặt để giảm bớt áp lực bên hông. Thời gian còn lại luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn trong điều kiện không thuận lợi, nhất là khi trực ca đêm. Một người luôn đứng túc trực suốt ca, còn người kia sẽ ráng thư giãn, nằm dài trên thanh ghế của buồng lái, mặc bộ đồ chống thấm kín mít từ đầu đến chân với ủng đi biển cùng một mũ vải bạt trùm đầu để tránh những con sóng thỉnh thoảng vỡ òa vào buồng lái.
Đối với người ngoài, mảng của chúng tôi sẽ có vẻ như đang sắp tới ngày tận số. Một cơn gió tây bắc mạnh làm thành một con sóng lớn cao 4,5m chuẩn bị đổ ập xuống chúng tôi, đầu sóng bắt đầu vỡ ra. Nhưng không, khi bức tường nước chuẩn bị đổ nhào xuống, tưởng chừng như sắp ngốn gọn mảng đến nơi, cái sàn bằng tre bình thản vượt lên vực nước một cách suôn sẻ. Sóng dâng lên bên dưới chúng tôi, mũi sóng xuyên qua toàn bộ thân mảng và thậm chí bạn có thể đi theo đầu sóng di chuyển ngang qua thân mảng. Nếu bạn nhìn về phía đầu gió, đã có một bức tường nước tiếp theo chuẩn bị đổ ập xuống đầy vẻ hăm dọa và sau nó là một con sóng khác, một đầu sóng khác, rồi một con sóng nữa, cứ thế kéo đến tận lằn ranh nơi biển xám gặp bầu trời âm u ảm đạm đầy những đám mây nặng trĩu đe dọa. Cũng như những con sóng kia, mọi thứ cứ ào ào tuôn đến phía bạn không chút mủi lòng thương hại.
Các khớp nối không còn trụ được với nhau
< Trong cơn sóng dữ.
Nhiệt độ tiếp tục giảm và trong bốn ngày tiếp theo, gió đông bắc mạnh đem theo không khí lạnh từ quần đảo Aleut, nơi những hệ thống áp thấp chủ chốt đã ảnh hưởng đến vùng biển trong phạm vi bán kính 600 dặm về phía nam quần đảo. Cơ quan Khí tượng thủy văn Nhật tiếp tục phát các cảnh báo về những cơn dông với sức gió 30-45 hải lý/giờ.
Ngày hôm sau bắt đầu bằng một cơn mưa nặng hạt, tiếp theo một cơn dông đến từ hướng nam. Một lần nữa lại những con sóng lớn bắt đầu vỡ ra nơi buồng lái, và Lợi có vẻ như lúc nào cũng là người bị những con sóng lớn tấn công dữ dội nhất. Một con sóng hiểm làm anh ướt hết từ đầu đến chân, và để lại tới cả tấc nước xoáy tròn trên sàn lều lái. Nhiều lúc những đầu sóng dập tắt lửa trên bếp đặt trong chiếc hộp gỗ nằm cạnh lối vào cabin chính. May thay hai bếp dầu cũ kỹ này kiên cường chịu được mọi sự trừng phạt. Chúng tôi nhấc bếp lên, lau sạch nước biển, lắc bếp để dầu hỏa thấm lại vào bấc và kiên nhẫn dùng hộp quẹt châm lửa, cuối cùng cũng nhóm bếp lại được.
Ước tính ban đầu của tôi là mảng sẽ đi trung bình được 50 dặm một ngày, nên đi từ Nhật sang Mỹ sẽ mất khoảng 90 ngày. Nhưng thực tế mảng trung bình chỉ đi được 40 dặm trong 24 giờ, và điều này có nghĩa chúng tôi cần khoảng 120 ngày để đến được bắc California.
Thời tiết vẫn cứ đang chuyển mùa. Không thể tránh tới lúc dông bão mùa đông sẽ ụp xuống, với những con sóng lớn và cơn gió gào thét trong khi chiếc mảng chìm ngập nước và quá mỏi mệt của chúng tôi thì cứ rung lên và xoắn cho đến khi các mối buộc dây mây và các khớp nối không còn trụ lại được. Những dây chằng néo cột không được đứt, nếu không thì cột buồm và cánh buồm sẽ đổ gục xuống biển. Các bánh lái phủ đầy rong biển, vốn đã bắt đầu bị lỏng và không còn hoạt động trơn tru như trước, phải trụ lại được mà không nói lời từ biệt với mảng, còn không chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng không có bánh lái, tất cả trông cậy vào lòng thương hại của những con sóng. Tất cả khó khăn như vậy và chúng tôi chỉ mới đi được gần nửa chặng đường cuối cùng đầy hiểm nguy và thử thách này.
Bốn ngày sau, tôi viết lên đầu trang nhật ký của mình: 23-9 và 22-9. Đó là ngày mà chiếc mảng của chúng tôi đã băng qua đường đổi ngày quốc tế ở giữa đại dương, và chúng tôi được lời thêm một ngày so với lịch. Đối với chúng tôi, nó là một cột mốc lớn cho toàn bộ hành trình vượt Thái Bình Dương. Nó hiển nhiên là trung điểm, ranh giới nơi mà chúng tôi bắt đầu nửa chặng đường còn lại của chuyến đi đến châu Mỹ. Giờ đây chúng tôi đã đĩnh đạc đứng ngay giữa đại dương, với châu Á và châu Mỹ ở cách đều hai phía.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7
TIM SEVERIN
Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch - Báo Tuổi Trẻ
Lời kể của ông Lương Viết Lợi
Sau khi ở lại Nhật Bản thay cột buồm bằng gỗ thông, sửa cánh buồm, đoàn thám hiểm lại lên đường băng ngang Thái Bình Dương, hướng tới vùng biển miền Tây nước Mỹ. Suốt chặng hành trình vượt Thái Bình Dương, chiếc bè luồng xứ Thanh đã gặp bốn trận bão, một lần suýt va chạm với tàu vận tải, một lần gặp bọn cướp biển.
Cứ 8g sáng, trưởng đoàn thám hiểm lại thông báo cho anh em trên bè biết về tình hình thời tiết. Còn mỗi đêm một người trực hai tiếng. Có lần chiếc bè đang dò dẫm đi trong đêm, vì tiết kiệm năng lượng nên không bật đèn điện. Bất ngờ một chiếc tàu vận tải áp sát mạn bè, sóng đánh mạnh làm bè luồng chao đảo. Mọi người đang ngủ bật dậy như lò xo, cứ tưởng chiếc bè bị nạn, nhưng rất may đúng ca trực của tôi nên tôi nhanh chóng lái bè chệch sang một bên sườn của con tàu, thoát nạn trong gang tấc.
HÀ ĐỒNG ghi
Du lịch, GO!
2 Comments
Very interesting , Thanks
Trả lờiXóaVui do bài khiến pác thú vị.
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.