(Tiếp theo) - Dù chỉ là một vịnh nhỏ nhưng Vĩnh Hy được đánh giá là một trong mười vịnh biển đẹp nhất Việt Nam. Vịnh Vĩnh Hy thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách trung tâm thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) chừng 40km.

< Từ trên đường nhìn xuống góc rừng phía dưới.

Vĩnh Hy ngày nay là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận với hình ảnh một bên là vịnh biển trong xanh, êm ả, một bên là rừng núi bạt ngàn với những dãy núi cao chót vót và nhiều hang động kỳ bí... tạo khung cảnh vừa nên thơ vừa hùng vĩ.

< Vĩnh Hy: một trời, một biển thật bình yên...

Trải qua đoạn đường xa, mọi mệt mỏi sau chuyến hành trình dưới 'cái gió như phan nắng như rang' có lẽ sẽ tan biến khi bạn đứng trước một màu xanh thẳm của nước biển và mây trời huyền ảo Vĩnh Hy, miên man trong tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng êm ả như mái tóc suôn mượt của người thiếu nữ tinh khôi.

< Những hòn đá lở lăn trên máng thoát nước ven đường. Nhỏ thôi, chừng mươi ký.

< Cầu Vĩnh Hy vắt ngang qua hạ nguồn con suối Lồ Ồ. Trước cầu này là ngã 4: rẽ phải là lên thượng nguồn suối (đường lên có dốc khá gắt), cũng là đường lên cầu treo vào làng dân tộc Raglay. Còn rẽ trái là vào thôn trong Vĩnh Hy.

< Mình chọn chạy thẳng để đi lối thôn ngoài, đường mới.

Vịnh Vĩnh Hy được bao bọc bởi những ngọn núi với nhiều hang động kỳ thú, khí hậu thiên nhiên trong lành, đặc biệt là làn nước xanh và trong đến mức bạn có thể nhìn thấy từng đàn cá cơm bơi quanh mạn thuyền. Vịnh Vĩnh Hy được đánh giá là điểm đến đầy hấp dẫn. Ngồi trên thuyền, giữa lòng vịnh mênh mông, hướng mắt về phía Nam, bạn sẽ thấy những bãi cát dài lượn cong ven chân núi.

< Qua chừng 1km thôi là thấy nhánh rẽ trái, đường vào thôn ngoài.

< Tái ngộ miền đất Vĩnh Hy lần 2. Có vẻ không thay đổi gì so với 3 năm trước - thật ra không phải vậy.

Đến Vĩnh Hy, bạn có thể theo thuyền ra bãi Cóc (còn gọi là bãi tắm Bà Điên) hoang sơ và tĩnh mịch, ai thích trải mình với biển rộng thì tắm biển, ngắm trời; người thích khám phá thì bách bộ vào làng chài Vĩnh Hy tìm hiểu sinh hoạt của người dân với nghề làm mắm, hấp cá hoặc có thể cùng ngư dân kéo lưới, thưởng thức các món ngon đặc sản biển. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia vào các trò chơi thú vị khác như: leo núi, khám phá hang động, cắm trại, câu cá...

< Cảnh vật, con người cũng thế: đẹp, dung dị... nhưng ngày nay bạn có thể trú ngụ lại Vĩnh Hy trong tư thế 'khách du lịch'.

< Xưa, chỉ ghé tham quan và đi. Nay thì có thể ở lại trong các nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng.

Ở Vĩnh Hy có loại hình du lịch đi tàu đáy kính ngắm san hô và cá dưới đáy biển. Khu bảo tồn biển Vĩnh Hy có 307 loài san hô quý hiếm, trong đó có 50 loài mới được phát hiện ở Việt Nam. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, du khách có thể tham gia một tour lặn biển để được tận mắt chứng kiến những rạn san hô đầy màu sắc dưới đáy biển.

< Bạn còn nhớ cây cầu này không? Cây cầu nhỏ bắt ngang qua dóng thoát của suối Lồ Ồ, dẫn thẳng vào thôn Vĩnh Hy (vị trí ở đây).

< Bên cạnh là dòng sông. Thật ra đây là một nhánh nhỏ của vịnh Vĩnh Hy, cũng là nơi nhận nước của dòng suối Lồ Ồ hòa trộn với biển.

Đi qua cây cầu treo khoảng 15 phút, bạn còn có thể đến suối Lồ Ồ với dòng nước mát rười rượi cùng các tảng đá to nhỏ chồng lên nhau. Xung quanh là rừng cây bao phủ thanh mát như chốn bồng lai.

< Mãi đến lúc này mình mới ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng được, quán nhỏ gần đầu cầu.
Ngồi chung bàn là một anh bạn trẻ chuyên nghề đi lưới.

Suối Lồ Ồ ẩn mình trong những tán cây rừng cao ngút mắt được tạo thành nhiều bậc, mỗi bậc cao độ 5m với những tảng đá to. Có những tảng đá to được gọi là những 'chiếc giường đá' và 'bàn đá'. Đây là nơi khách rất thích thú nằm lên thư giãn để hơi đá hoa cương mát lạnh thấm vào người...

< Gần đầu cầu là các bảng quảng cáo nhỏ của những nhà nghỉ. Trước kia không có, nay chắc đến số chục.

Ngồi lên một tảng đá rồi thả chân xuống suối, khách cảm nhận làn nước mát lạnh ngấm vào da thịt rất thú vị. Sẽ càng thêm sảng khoái nếu thả mình ngâm trong suối, nước suối trườn qua người như massage làm cho người khoan khoái. Sau những phút giây ngắm cảnh, ngâm suối, mọi người quây quần bên chiếc bàn đá thưởng thức hải sản mang theo.

< Sẽ có ngày, trong một cung đường khác ngang qua đây, bọn mình sẽ nghỉ lại đôi ngày: ở đây yên bình quá!
À, bên kia cầu có Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hy kia.

< Qua cầu, mình vào sâu trong thôn bởi các lối nhỏ.

Tại đây cũng là chốn cư ngụ của đồng bào dân tộc Raglay, ước lượng khoảng 200 người sống trong những căn nhà đơn sơ nép mình trong bóng mát những cây điều cùng một số cây ăn trái khác. Đồng bào sống chủ yếu bằng việc thu hái cây thuốc, lá nón, sâm nam, song mây...; từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch, họ hái trái trám, treo, da đá, dâu... trong rừng.

< Cửa đình Vĩnh Hy đây, bạn nhớ không? Đình chỉ mở cửa từ giấc trưa trở đi. 3 năm trước, bọn này 'măm' bánh căn tại đây: ăn nhớ tự đếm để xong thì trả tiền cho người bán nhé.

< Hai đứa bé chơi bên đống đá vụn, thật dung dị làm sao. Đứa nhỏ còn biết lấy khăn trùm đầu che nắng kẻo... bịnh.

Con đường xi măng ngược dốc đưa khách đi xuyên hai bên cánh rừng vùng đệm của Vườn quốc gia Núi Chúa. Vườn quốc gia Núi Chúa (trước đây là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa) có diện tích tự nhiên 29.865ha, trong đó diện tích trên đất liền 22.513ha, nằm gần cuối dãy Trường Sơn và vùng Đông Nam Bộ.

< Công viên nhỏ ven vịnh Vĩnh Hy. Ra đây được nhận ngay lời mời chào: anh chị muốn tham quan san hô bằng tàu đáy kính không?
À không, bọn này chỉ tạt qua thôi.

Vườn quốc gia Núi Chúa được xem như là chốn 'sa mạc' của Việt Nam do nằm khuất ngọn gió gây mưa chính, nên rất hiếm mưa, có những bình nguyên cát. Nhưng điều đặc biệt là xứ này lại có rừng nguyên sinh.
Có dịp đến đây, khách sẽ tưởng mình đặt chân lên đất châu Phi khi nhìn thấy những cụm cây thấp chừng 2-3m, đa số là cây có gai. Đi qua khu rừng thấp với lùm bụi, thỉnh thoảng lại có một dòng nước chảy len bên đường đổ vào một miếng đất nhỏ mướt xanh một màu lúa đương thì. Đó là những ruộng lúa nước của đồng bào dân tộc.

< Đường ven vịnh: đoạn này trống, đoạn trên bạn chài phơi rất nhiều cá nhỏ, trông như cá cơm.

Hàng năm, cứ vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai âm lịch là thời gian cá thu, cá ngừ tập trung nhiều ở khu vực vịnh Vĩnh Hy. Đây cũng là thời điểm thời tiết tốt nhất trong năm vì biển rất êm nên ngư dân làng chài Vĩnh Hy thường vào vụ ra khơi đánh bắt cá.

< Ánh nước long lanh trên vịnh êm đềm. Do ngày thường nên rất vắng khách.
Phía xa là nơi cửa vịnh Vĩnh Hy đổ ra biển.

Nếu đi du lịch vào những ngày này, du khách sẽ có cơ hội được theo ngư dân ra khơi, thực hiện một chuyến đi câu cá thu đầy thú vị. Trong suốt hành trình của chuyến đi câu giữa bao la trời biển, ngư dân sẽ hướng dẫn du khách cách câu cá cũng như cách thưởng thức nhiều món đặc sản biển như: mực một nắng, cá bò da, tôm sú, canh chua lá me...

< Loanh quanh một hồi rồi mình tìm đường trở ra. Gọi là tìm đường vì ở đây có khá nhiều ngõ cụt.

< Trở qua cây cầu nhỏ, thêm một đoạn nữa sẽ đến ngã 3. Mình rẽ trái để về Mỹ Tân, từ đây sẽ theo TL702 đi Phan Rang.

Ngày nay, khi Vĩnh Hy đã trở thành một địa danh du lịch được nhiều người biết đến: các nhà trọ, nhà nghỉ... thậm chí cả khu du lịch đồng thời mọc lên - bạn sẽ không còn nỗi lo thiếu chỗ trú ngụ.

< Như đã báo trước: tuyến đường Vĩnh Hy - Thanh Hải đang được nâng cấp nên như thế này đây. Nhiều đoạn đã được mở rộng nhưng chưa láng nhựa...

Du lịch làm thay đổi một vùng đất, đúng vậy đấy. Tuy nhiên, sự chất phát của người địa phương nơi này không hề thay đổi. Giá phòng ốc và các dịch vụ không cao - hoàn toàn nằm trong tầm bước của một chuyến du lịch bụi đến vùng đất bình yên này.

Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Điền Gia Dũng