Đây là một eo núi nhỏ có tên là Sộc Đơ, điểm giáp ranh giữa xã Quang Hán và thị trấn Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng). Từ muôn đời nay, eo núi lặng thầm với lô nhô các mỏm đá tai mèo sắc nhọn và bạt ngàn cỏ tranh, thoảng hoặc mới có đôi người đặt chân đến để kiếm củi hoặc tìm lá thuốc.
Thế rồi, từ đầu năm đến nay, khách hành hương bỗng kéo đến rất đông, từ các tỉnh, TP dưới xuôi như Hà Nội, Hải Phòng... Thời điểm đông nhất là vào các ngày Mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, họ mang theo đồ tế lễ và cả thày cúng tổ chức cầu cúng thâu đêm suốt sáng, nhất là từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm.
Lên Cổng Trời "cầu được ước thấy"
Tôi không cho rằng có một thế giới gì đó khác mang tên Thần Thánh tồn tại bên cạnh cuộc sống thực tại của chúng ta. Nhưng bản thân thì chưa bao giờ muốn gây thêm tội lỗi với thế giới vốn đã nhiều gai góc mà mình đang sống. Bởi thế, trên đường tỉnh lộ từ Trùng Khánh về chỉ còn cách TP.Cao Bằng chừng 20km, tôi rẽ phải theo sự chỉ dẫn của người bán nước ven đường lộ. Đi khoảng hơn 10km nữa thì đến địa bàn thị trấn Hùng Quốc, nơi có Cổng Trời được coi là chốn linh thiêng giao thoa giữa trời và đất.
Thị trấn miền núi về chiều bình lặng với những hàng quán lưa thưa người. Nhưng hình như Cổng Trời là điều gì đó có ảnh hưởng rất lớn đến người dân nơi đây. Bởi thế, khi thấy tôi vẻ mặt ngơ ngơ của một người xa lạ với ba lô và lỉnh kỉnh túi xách phía sau xe thì người bán hoa quả ngay cổng chợ trung tâm thị trấn cởi mở hỏi: "Lên Cổng Trời cầu thánh đấy à? Cứ vào đây ngồi nghỉ đã, đợi chập tối hãy lên. Hôm nay ngày giáp rằm, Cổng Trời cũng đông người lên lễ cầu lắm".
Bà bán hoa quả có cái tên khá mỹ miều: Hồng Lam, năm nay đã ngoài 50 tuổi, vừa nhanh tay bán hàng, vừa liến thoắng trò chuyện với tôi chẳng khác gì một người hướng dẫn viên. Bà chia sẻ: "Tôi đã sống ở đây từ ngày bé cho đến khi gần bạc tóc mới biết quê mình có cái Cổng Trời thiêng đến thế. Hàng quán của tôi vài ba năm nay cũng đông hơn nhờ người ta khám phá ra chốn linh thiêng này.
Người ta kháo nhau rằng, ở cái Cổng Trời này, đã có một nhà ngoại cảm ở Hà Nội lên đây một lần và cầu khấn ròng rã suốt 5 ngày trời rồi nhà ngoại cảm đã phán rằng, nơi đây vào thời điểm kháng chiến chống Pháp đã có rất nhiều bộ đội hy sinh. Giờ họ không muốn về nhà mà ở lại hẻm núi này cùng nương tựa linh hồn vào nhau với lời thề sống chung chiến hào, thác chung nấm mồ. Bởi thế, đây là địa thế rất đỗi linh thiêng".
Sau này, người dân còn kể lại nhiều câu chuyện ma mị như thế nữa. Có câu chuyện rằng xưa có một người con gái chết trẻ. Vì mang nhiều oan ức sang thế giới bên kia nên cô gái đã hiển linh ở eo núi bé hẹp (nay gọi Cổng Trời). Người đời cứ đến cầu cúng là ước gì được đấy. Nhiều người đang vận hạn nghèo khó, sau khi đến đây cầu về nhà làm ăn phát đạt, giàu có lại quay về đây lễ tạ. Có nhiều cô cậu học sinh đến đây xin lộc giời mà đỗ đạt, vinh danh. Lại có cả những người gia đình quanh năm mâu thuẫn, đánh chửi nhau, nhưng khi đến Cổng Trời lầm rầm khấn vái ba bận thì đoàn kết thuận hòa trở lại. Như thế là lời đồn "cầu được ước thấy" cứ ngày một tăng lên. Người đến đây càng ngày càng đông, nhất là tuần rằm, mùng một.
Chỉ linh ứng khi đi cầu về đêm?
Đang mải miết với lời kể đầy thần bí của người phụ nữ đã luống tuổi, bà bỗng giục tôi: "Thôi nhập nhoạng rồi đấy, cô mua ít hoa quả mà lên lễ đi". Rồi vẫn cái vẻ thoăn thoắt, bà gói nhanh cho tôi mấy quả xoài, một nén hương cho vào túi nhỏ và bảo tôi: "Đưa bao nhiêu tiền cũng được, gọi là thành tâm". Tôi cảm ơn và chào bà khi đèn điện đã sáng đỏ đường.
Nằm ngay địa bàn thị trấn, nhưng qua dốc quanh cuối thị trấn gần đến khu Cổng Trời, không gian tối sẫm lại. Ngước nhìn lên chỉ thấy một khoảng đen ngòm với hun hút gió. Tôi tạt vào một gia đình bán tạp hóa ngay cạnh chân lối lên Cổng Trời. Thì ra người đến đây khá đông, xe gửi kín cả khoảng sân trong nhà chủ cửa hàng. Tôi hỏi thì chị trả lời nhát gừng: "Có linh thiêng hay không thì em lên khắc biết. Tôi ở đây cũng chưa bao giờ lên đến Cổng Trời". Tôi hơi băn khoăn trước thái độ không mấy niềm nở của chị. Nhưng lại nghĩ chắc do túi hoa quả trên xe của mình, mình không mua đồ lễ nên chị không bằng lòng mà dửng dưng như thế. Tôi lững thững bước ra khỏi quán nhà chị, vừa may gặp nhóm người đang lỉnh kỉnh xách đồ lễ từ phía thị trấn đi lại.
Tôi nhập vào đoàn 6 - 7 người cùng đi lên Cổng Trời trong bóng tối. Lạ một điều, không ai đến đây cầu lễ vào ban ngày (hoặc có thì rất hiếm-PV). Nếu có lỡ đi chuyến xe đến vào ban ngày thì họ cũng cố nán lại thị trấn chờ cho trời tối hẳn mới mang lễ lên Cổng Trời khấn cầu. Thì ra lâu nay, lời đồn đã trở thành lệ. Người ta quan niệm rằng Cổng Trời là nơi giao thoa giữa trời và đất. Vì vậy khi đi cầu lễ vào ban đêm, nhất là lúc chuyển giao thời điểm của ngày này sang ngày hôm sau (23h đêm- PV) thì lời thỉnh cầu sẽ linh ứng hơn. Đoàn người đi trong yên lặng, hầu như không ai nói với ai câu nào.
Đường lên Cổng Trời là một khe núi rất nhỏ, cách mặt đất chừng 800m. Ở vài ba khúc quanh, tôi lại cùng đoàn người rẽ vào thắp hương cúng bái. Tôi có cảm giác những người đang đi cạnh mình không phải đến đây lần đầu tiên mà đã quá quen thuộc với địa bàn này rồi. Nhưng trong không gian yên lặng và sự thành kính hoàn toàn của họ khiến tôi không dám hỏi. Bỗng một người rơi dép, tụt lại. Tôi đi phía sau cúi xuống nhặt lên giúp.
Sau lời cảm ơn, người phụ nữ có vẻ như trên đầu đã hai thứ tóc trong ánh đèn pin lờ mờ phát hiện ra tôi không phải người của đoàn thì cất lời hỏi. Nhân lúc bắt chuyện tôi cũng kịp hỏi qua vài câu và được biết họ là một gia đình, đã từng đến Cổng Trời cầu lộc cầu tài hồi đầu năm. Trong năm, họ gặp rất nhiều vận tốt nên ngày cận rằm tháng cuối năm, họ mang lễ lên để trả ơn. Điều này tôi có cảm giác nhang nhác với tục đi lễ ở Đền Bà Chúa Kho- Bắc Ninh mà tôi đã có dịp tìm hiểu.
Tháng cuối năm, trời về đêm khá lạnh. Cổng Trời như một cái hút gió xoáy vào cơ thể con người. Nhưng tuyệt nhiên không có lời than thở phàn nàn nào. Mọi người đến đây đều rất thành tâm và yên lặng hết mức có thể. Họ lầm rầm khấn những điều mà họ tin rằng ngày mai khi rời khỏi Cổng Trời này sẽ có một thế giới thần linh nào nghe được và giúp họ toại nguyện trong cuộc sống thật.
Quan sát xung quanh, người khấn, người cầu, người hóa vàng, người thắp nhang tất cả diễn ra trong một không gian tĩnh lặng. Chỉ có ánh sáng của ngọn lửa góc hóa vàng, gió rít vào khe núi và những tiếng khấn lầm rầm. Điều tôi cảm nhận rõ nhất là mọi cái ác đều gửi lại dưới chân đường lên Cổng Trời. Thiết nghĩ nếu rời khỏi đây, phần Người trong mỗi người đều chiến thắng phần Con như khi họ cầu khấn, thì cuộc sống của ai cũng sẽ hoàn toàn là những điều tốt đẹp.
Vì buổi tối đi lễ khó quan sát nên sáng sớm hôm sau, tôi quay lên Cổng Trời để được chiêm ngưỡng kỹ hơn chốn linh thiêng đặc biệt về ban đêm ấy. Ban ngày trời chiếu rõ, khắp đường lên Cổng Trời đâu đâu cũng có bát hương và hòm công đức. Khu vực được gọi là Cổng Trời là một bãi đất trống nằm lọt thỏm giữa hai bên vách núi cao. Khắp nơi là những mỏm đá nhọn cắm chi chít hương, hoa. Một điều kỳ lạ theo quan sát của tôi là các đồ cúng lễ đều đã không còn, mặc dù chỉ mấy tiếng đồng hồ từ nửa đêm cho đến về sáng.
Tôi đem câu chuyện này xuống thắc mắc với những người dân sống quanh khu vực chân Cổng Trời thì được biết: "Thời gian qua, nhiều con nghiện trong khắp vùng coi Cổng Trời là 'đại bản doanh' hoạt động. Họ thường lợi dụng vào tiếng đồn linh thiêng, nghĩ không ai dám xâm phạm nên tha hồ hút chích, oanh tạc. Không những vậy, đồ cúng lễ của khách thập phương đều bị họ lấy ăn hết. Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh đây".
Ông Nông Văn Đàm, phó chủ tịch phụ trách văn hóa huyện Trà Lĩnh cho biết: "Từ xa xưa đến nay, Cổng Trời chỉ là một eo núi nhỏ, với những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, ít người lui tới, cỏ tranh mọc um tùm. Nhưng vài năm trở lại đây ngày càng xuất hiện nhiều người từ các thành phố lớn lui tới cúng lễ, nhất là sau khi có nhà ngoại cảm ở Hà Nội về.
Sự linh ứng mà Cổng Trời có hay không chưa có cơ sở khoa học nào kiểm chứng. Chúng tôi luôn tôn trọng đời sống tâm linh của nhân dân nhưng đang có kế hoạch quy hoạch lại khu vực này là một điểm du lịch tâm linh trong quần thể di tích làng cổ Giộc Đầu, tránh kẻ xấu lợi dụng trục lợi từ niềm tin của mọi người".
Xem thêm >
Theo Dương Thu (Tạp chí Người Đưa Tin)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.