Một trong những cung đường Trường Sơn (thuộc huyện Nam Giang, Quảng Nam) từng bị đánh phá ác liệt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước sẽ trở thành điểm du lịch thú vị, với hầm chữ A, xe tải, bếp Hoàng Cầm…

< Một phần của đoạn đường mòn Hồ Chí Minh được khôi phục.

Cận cảnh đường mòn Hồ Chí Minh

1,3 km đường mòn Trường Sơn tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang đang được phục dựng để đưa vào khai thác du lịch, theo dự án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Với tổng số vốn đầu tư 7,5 tỷ đồng, dự án bao gồm bóc lớp mặt để trả lại nền đường cũ, phát quang hai bên đường, khôi phục các đoạn mặt đường bị hỏng, gia cố những đoạn sạt lở, xây cầu tạm…

< Tấm biển của điểm du lịch mới được làm xong.

Ngoài ra, một số hạng mục khôi phục hiện trường thời chiến cũng được xây dựng, như hầm chữ A, giao thông hào, bếp Hoàng Cầm, hầm bò…

Các khu nhà đón tiếp, khu nghỉ chân, khu vệ sinh, cầu… được xây dựng gần gũi với thiên nhiên, mái lợp lá, nép bên tán rừng.

< Một trong những chiếc xe vận tải cũ được đưa về trưng bày tại cung đường.

Ba chiếc xe tải cũ được đưa từ bảo tàng về, đặt bên đường, với kính xe còn nguyên vết nứt vỡ, cánh cửa long lở, thùng xe móp méo, thân xe trầy trụa những dấu vết của cuộc chiến…, tất cả đều còn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, chuyên viên Phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang, địa bàn có 1,3km đường Trường Sơn này cho biết, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua một dọc các tỉnh miền Trung, tuy nhiên đoạn chạy qua Quảng Nam trên địa bàn xã Cà Dy là còn lại khá nguyên vẹn, lại không phải tác động nhiều, ít phải giải tỏa.

< Hầm trú ẩn.

Đây là đoạn đường vận chuyển trong chiến tranh, nằm gần quốc lộ, chạy theo hướng từ Cà Dy tới Phước Sơn, thuộc địa phận thị trấn Pà Dồn nhưng không chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại.


< Cầu tạm.

Huyện đã dự định xây dựng tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh từ năm 2007, nhưng chưa có điều kiện. Đến năm nay, ý tưởng mới trở thành hiện thực.

Du lịch lịch sử kết hợp với văn hóa truyền thống

Đoạn đường Trường Sơn lịch sử chỉ là một trong số những điểm du lịch mà huyện Nam Giang đang tập trung đầu tư để sớm đưa vào khai thác.

< Chạy dọc con đường là dòng sông với cảnh sắc hữu tình...

Cùng với thác Grăng, làng dệt thổ cẩm Zara, nhà truyền thống Nam Giang, trình diễn cồng chiêng và múa truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Pà Xùa, kết hợp với các món ăn độc đáo của vùng đất này, Nam Giang đang dự tính xây dựng một tour du lịch khép kín, thu hút không chỉ khách trong tỉnh, khách từ Hội An, Đà Nẵng mà còn từ nhiều nơi khác. Đặc biệt, mục tiêu của tour du lịch mới mẻ này là hướng tới khách nước ngoài, những người luôn thích thú khám phá vẻ đẹp truyền thống và hoang sơ của mỗi vùng đất...

Ông Ngọc Toàn giới thiệu, tour sẽ khởi đầu với điểm du lịch đường Trường Sơn lịch sử, sau đó ghé thăm nhà gươl truyền thống của huyện tại xã Tà Bhing, là nơi trưng bày, giới thiệu với du khách các vật dụng sản xuất, săn bắt, hái lượm, dệt vải, nhạc cụ truyền thống... được sưu tầm trong dân từ hơn 60 năm nay. Điểm dừng chân nghỉ trưa sẽ là thôn Pà Ya, thưởng thức các món ăn độc đáo của người Cơ Tu như bánh cánh én, cơm lam, heo mọi của bà con nuôi, rau dớn, rượu tà vạt...

< Nhà truyền thống huyện Nam Giang, nơi lưu giữ những hiện vật quý báu.

Bánh cánh én được làm từ xôi nếp, gói lá thành hình cánh én, không có nhân. Rượu tà vạt được tạo nên từ cây tà vạt, hơi giống cây đước, mọc nhiều trong rừng, ở những khu đất ngập nước, bà con cắt những buồng quả ra, hứng nước chảy từ đó, để qua một đêm rồi mới đem pha chế với một loại men làm từ lá, vỏ cây rừng.

< Các món ăn đặc sản của người Cơ Tu.

Loại rượu này pha chế phải rất chuẩn về tỷ lệ, nếu ít quá thì ngọt, nhiều quá lại đắng và uống dễ đau bụng. Do đặc tính của cây tà vạt, cho nên rượu tà vạt cũng chỉ có theo mùa chứ không phải quanh năm. Mùa nắng, dọc đường từ Thạnh Mỹ đi Tà Bhing, dễ thấy rượu được bà con bán rải rác ven đường, rượu màu trắng đục như sữa chứ không trong vắt như rượu nếp hay rượu ngô dưới xuôi.

< Một nhóm học sinh Quảng Nam đi chơi thác Grăng.

Hai điểm đến tiếp theo là làng dệt thổ cẩm Zara và thác Grăng. Làng dệt thổ cẩm Zara có nghề truyền thống từ lâu đời, hoàn toàn không giống với nghề dệt thổ cẩm ở những nơi khác. Thổ cẩm Zara đính cườm luôn vào sợi vải ngay trong khi dệt, chứ không phải dệt, may xong mới đính cườm.

Thác Grăng thuộc thôn Pà Xùa, huyện Tà Bhing, nằm cách quốc lộ 14D khoảng 3km, có ba tầng thác đổ xuống từ lưng chừng núi. Hiện nay, cảnh quan thác còn vô cùng hoang sơ, mới có đường mòn dẫn vào chân thác và bậc thang dẫn lên các tầng thác, chưa hề có dịch vụ phụ trợ...

Ông Ngọc Toàn cho biết, hiện nay huyện Nam Giang đang tích cực chuẩn bị để sớm đưa tuyến du lịch trên vào khai thác. Sẽ có một số hộ dân trên địa bàn có các điểm du lịch được tập huấn để làm dịch vụ homestay. Một số hướng dẫn viên địa phương là người sinh sống tại xã Cà Dy cũng đã được huấn luyện để giới thiệu về các điểm du lịch. Dự kiến, sau khi hoàn thành các hạng mục, huyện sẽ đầu tư cho khâu quảng bá, in tờ rơi, tập gấp... vào khoảng năm 2014.

Du lịch, GO! - Theo Minh Loan (báo Nhân Dân)

ĐGD: Đây là một vùng đất có khung cảnh tuyệt đẹp và thanh bình, đầy truyền thống. Tuy nhiên vẫn còn rất nghèo. Nếu có điều kiện, bạn hãy thêm vào lịch trình của chuyến du lịch của chính mình để góp phần phát triển nơi đây. Trong chuyến đi, nên đem theo ít quà cho các trẻ vùng xa, bạn nhé!
Xem thêm thông tin >