Người ta biết đến Đà Nẵng là một thành phố biển tuyệt đẹp nhưng lại quên mất rằng nó còn sở hữu con đèo ngoạn mục nhất cả nước. Và ẩn sâu dưới con đèo Hải Vân ấy có ngôi làng biệt lập của người bị bệnh phong - Làng Vân.

< Bờ biển Làng Vân.

Là một bán đảo nép mình dưới chân đèo Hải Vân với những bãi cát mịn màng, nước biển trong xanh và cảnh quan thơ mộng tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, đất và biển làng Vân vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, tĩnh lặng do đi lại cách trở dù nơi đây “không quá gần, chẳng quá xa” so với trung tâm TP Đà Nẵng.

< Làng Vân nhìn từ trên chỏm núi Hải Vân.

Thôn Hoà Vân là một dải cát vàng như vầng trăng lưỡi liềm nằm dưới chân đèo Hải Vân hướng ra vịnh Đà Nẵng. Đây nguyên là nơi sinh sống biệt lập của những người bị bệnh phong ở Đà Nẵng và nhiều địa phương miền Trung từ nhiều thập kỷ trước.

Từ cuối tháng 8 năm 2012, thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP Đà Nẵng, toàn bộ số cư dân tại đây đã được đưa vào bố trí tái định cư trong đất liền để hoà nhập với cộng đồng.

< Vài chữ ghi chú của dân phượt cho người đi sau.

Dù làng Vân đã được di dời vào trong thành phố nhưng có lẽ vì vậy mà nơi đây còn khá mới mẻ với người dân và hơn hết là dân phượt.

< Tập trung trước cửa hầm số 14 huyền thoại.

Ngôi làng vốn bị cô lập nên không có đường đến, chỉ có thể đến làng bằng 3 con đường của dân phượt đó là: lên đỉnh đèo Hải Vân rồi đi theo triền núi xuống (đường rất trơn và nguy hiểm); đi thuyền từ ngoài vịnh vào (khá tốn kém); và đi xuyên qua hầm tàu hỏa rồi băng qua nhiều km bụi rậm, đây cũng là con đường mà chúng tôi lựa chọn.

< Bước chân đi giữa cái nắng như thiêu đốt.

2h chiều mọi người tập trung tại chân đèo Hải Vân sau một đoạn đường dài gần 20km, gửi xe tại nhà dân, chúng tôi nhanh chóng chia làm 2 nhóm và bắt đầu bước vào hầm tàu hỏa - thử thách đầu tiên và cũng là lớn nhất trong chuyến đi.

Làng Vân không có đường đến nên không có đường bộ, chỉ có đường sắt xuyên Bắc-Nam nên để đến làng buộc lòng phải đi qua hầm tàu dài gần 1km.

Vì tàu đi vào hầm thường không có tiếng động, rất nguy hiểm nên chúng tôi chia ra thành nhóm nhỏ, cứ nhóm này vào hầm là nhóm tiếp theo tiến vào sau khoảng 30 phút.

Trong hầm rất tối, lại ẩm thấp, nước trên trần nhỏ giọt, hai bên tường toàn là mụi than, đường đi rộng chừng 50cm.

Hành trang mang theo bắt buộc là đèn pin, vì bạn sẽ dò dẫm bước đi trong bóng tối khá lâu. Và tất nhiên, khi "tử thần" - tàu hỏa tiến vào, bạn sẽ phải nhanh chóng thả hết đồ mang trên người xuống, tìm ngay 1 hốc nhỏ trong hầm rồi ép sát vào để núp, để... cầu nguyện.

< Ánh sáng le lói nơi cửa hầm giống như đích đến của chốn thiên đường.

Thông thường mỗi hốc cách nhau 5m, nhưng có chỗ chỉ 2m và cũng có chỗ mãi không chẳng thấy hốc nào như đoạn 100m ở 2 đầu hầm. Nên khi tiến đến gần cửa hầm mà tàu vào, bạn có 2 lựa chọn: hoặc chạy thật nhanh ra ngoài hoặc chạy ngược lại vào trong.

Quả thật, khi tàu đi ngang qua bạn, cách bạn có 60cm, cảm giác đứng giữa ngưỡng cửa của sự sống và cái chết sẽ làm tim bạn đập thình thịch, ớn lạnh xương sống đến khó tả. Chỉ đến lúc đoàn tàu đi qua, nỗi niểm mới vỡ òa cùng tiếng reo hò.

< Trạm dừng chân ngoài cửa hầm, nơi có trạm gác.

Bên ngoài cửa hầm là trạm dừng chân và cũng là trạm duy nhất có người trong khu vực (vốn là trạm gác tàu). Ở đây, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi chờ thành viên trong nhóm hội tụ và... tranh thủ chụp ảnh "tự sướng".

Tiếp tục cuộc hành trình là bước đi trên đường ray xe lửa gần 4km nữa, đi giữa lưng chừng đèo như có cảm giác lơ lửng giữa trời và đất, bạn sẽ thấy cuộc sống này thật rộng lớn làm sao.

Rảo bước hết chặng đường sắt miên man gần 4km, mọi người trong nhóm chúng tôi thở phào vì cũng đã thấy đích đến!

Nhưng quãng chông gai còn ở trước mặt! Để đến được bờ biển êm đềm, chúng tôi buộc phải băng xuống đám bụi rậm bên dưới, cây cối chằng chịt, lối đi dốc trơn trượt và cảnh báo có bẫy (như đã nói, đây là khu vực hoang vắng, nên người ta đặt bẫy để thú không xuống phá vườn cây).

< Lửa trại trong đêm.

Bám sát đội hình, nghe theo hướng dẫn của trưởng nhóm và 1 chút liều lĩnh sẵn có trong máu, chúng tôi đã tìm được đến đích.

< Bình minh trên biển làng Vân.

< Vẫn còn ngáy ngủ...

< Đường về.

Làng Hòa Vân (cũ) bây giờ ra sao?

Du lịch, GO! - Tổng hợp theo Tiin.vn và vài nguồn khác.