Thôn Hoà Vân (còn gọi là “làng Vân”) là một dải cát vàng như vầng trăng lưỡi liềm nằm dưới chân đèo Hải Vân hướng ra vịnh Đà Nẵng. Đây nguyên là nơi sinh sống biệt lập của những người bị bệnh phong ở Đà Nẵng và nhiều địa phương miền Trung từ nhiều thập kỷ trước. Từ cuối tháng 8 năm 2012, thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP Đà Nẵng, toàn bộ số cư dân tại đây đã được đưa vào bố trí tái định cư trong đất liền để hoà nhập với cộng đồng.

Là một bán đảo nép mình dưới chân đèo Hải Vân với những bãi cát mịn màng, nước biển trong xanh và cảnh quan thơ mộng tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, làng Vân vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, tĩnh lặng do đi lại cách trở dù nơi đây “không quá gần, chẳng quá xa” so với trung tâm TP Đà Nẵng.

< 'Quá giang' một đoạn đường xe lửa để ra làng Vân.

Vì vậy mà nơi đây đã trở thành vùng đất được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó, song không phải ai cũng đủ sức động vào. Cách đây 5 – 6 năm, một tập đoàn Mỹ (tập đoàn Oaktree) đã đến gợi ý về con số được xem là “khủng nhất Việt Nam” thời điểm đó – 5 tỉ USD. Thế nhưng do những cơn sóng khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 – 2008 nên ý tưởng táo bạo đó đã không thành hiện thực.

< Con đường về làng Vân vẫn thế, như xuyên qua một khúc rừng sâu thẳm.

Tháng 10/2011, Công ty cổ phần Vinpearl ký với UBND TP Đà Nẵng thoả thuận nguyên tắc đầu tư “Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân” gồm 15 hạng mục cơ bản như tổ hợp khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao hơn 1.000 phòng; quần thể căn hộ và biệt thự cao cấp; khu trò chơi đặc biệt có thưởng dành cho người nước ngoài; tổ hợp thương mại và dịch vụ, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf và tổ hợp thể thao dưới nước; bến du thuyền, bến tàu du lịch; khu đậu đỗ máy bay trực thăng, thủy phi cơ…

< Hơn 100 căn nhà liền kề của tái khu tái định cư, mỗi căn có diện tích 72 mét vuông giá trị ước tính lúc ấy hơn 100 triệu đồng. Người dân làng phong hiện nay chinh thức ở tại tổ 14 Phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Theo thoả thuận đã ký kết, số vốn đầu tư cho dự án này cũng lên đến 5 tỉ USD trên diện tích khoảng 1.065ha mặt đất và 500ha mặt nước. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, với mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 (vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD) và dự kiến đưa vào hoạt động những công trình đầu tiên vào năm 2015. Đến năm 2020, sẽ hoàn tất toàn bộ dự án.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi dự án này được ký kết, đã xuất hiện những thông tin về việc có quặng titan tại khu vực làng Vân. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhiều lần phát hiện, triệt phá các đối tượng khai thác trái phép. Thế nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, có nguy cơ phá hoại cảnh quan, môi trường của một khu vực được lãnh đạo Đà Nẵng xem là “cô gái út” và chỉ chọn gả cho những chàng trai “môn đăng hộ đối”!

Đêm 6/5/2013, lực lượng dân quân của phường Hoà Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã triệt phá một điểm khai thác quặng titan trái phép tại Gành Chùa (ở thôn Hòa Vân) thuộc dự án du lịch Làng Vân với vốn đầu tư lên đến 5 tỉ USD.

< Lực lượng chức năng phường Hoà Hiệp vừa phát hiện xà lan vận chuyển titan…

Tại đây lực lượng chức năng đã tạm giữ 1 xà lan vận chuyển, 1 máy nổ và nhiều ống nước. Các đối tượng tham gia khai thác đã bỏ chạy khi phát hiện lực lượng chức năng. Trước đó, ngày 16/4, cũng tại địa điểm này, tổ quy tắc đô thị, công an và quân sự phường Hoà Hiệp Bắc cũng đã tổ chức truy quét các đối tượng khai thác trái phép titan, thu giữ 1 máy hút nước, ống nhựa, xẳng, bạt che… dùng làm phương tiện khai thác.

< ... cùng máy nổ, ống nước… của các đối tượng khai thác trái phép quặng titan.

Theo UBND  Hoà Hiệp Bắc, các đối tượng khai thác trái phép titan tại Hoà Vân chủ yếu là dân ngoài địa phương. Hiện UBND phường đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xử lý vụ việc, kiên quyết ngăn chặn triệt để tình trang khai thác quặng titan trái phép tại đây.

Làng biển Hòa Vân sẽ là nơi lý tưởng của ngành du lịch khi không chỉ có khu nghỉ dưỡng, bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có thể có cả cáp treo nối từ thành phố. Vậy nhưng, dự án du lịch không biết đã ra sao... nhưng Hòa Vân bây giờ vẫn còn hoang sơ như chưa được ai sờ mó đến ngoại trừ những kẻ khai thác titan lậu.

Ta quay lại làng Hòa Vân vì sợ một ngày nào đó nó sẽ mất đi, vì sợ một mảng ký ức yên bình sẽ không còn nữa. Chuyến đi về làng biển này là lần thứ 3, có thể cũng là chuyến đi cuối cùng cũng để lại cho mỗi người những dư âm thú vị. Chắc chắn sẽ còn nhiều thứ để nói hơn là một chuyến đi và tất nhiên ngoài những cảm nhận của riêng mỗi người thì điều duy nhất còn sót lại của một thoáng làng Vân chắc chắn không thể khác hơn là những tấm hình ngày xưa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Infonet, YuMe và nhiều nguồn khác.