Mỗi món ăn chơi, thường có những cách chế biến khác nhau; đôi khi cầu kỳ, nhưng nhiều lúc vô cùng đơn giản. Sứa là món ăn chơi mùa hè đã lấy được cảm tình của nhiều người ăn với tính mát lành, khi ăn thấy giòn sần sật và có thể ăn ngay sau khi mua về.
Sứa chỉ có một mùa trong năm. Hè về, sứa bắt đầu nổi nhiều ngoài biển, mùa sứa đã về. Khi được các ngư dân vớt lên thì sứa có màu trắng ngà, mềm; nếu không quen, người dùng sẽ thấy ớn ngại bởi vẻ ngoài mềm nhũn của loại hải sản này. Tuy nhiên, nó lại là món ăn chơi khoái khẩu, không chỉ với dân nhậu, mà cả với những đứa con nít ham ăn và thích đồ lạ. Khi được vớt lên khỏi nước biển, sứa được ướp lạnh và nhanh chóng chuyển đến nơi tiêu thụ để đảm bảo độ tươi ngon của mẻ sứa mới.
< Nước chấm ngon nhất dùng với sứa chính là mắm tôm, pha cùng đường, chanh và ớt.
Từ những bãi đổ sứa, người mua với mục đích bán lẻ cho người dùng phải ngâm sứa với vỏ vẹt (vẹt là một loại cây trồng ở vùng nước lợ ven biển) giúp cho sứa không tanh, và không bị khai (vị khai đặc trung của những đồ biển). Nếu không chế biến khéo léo, sứa sẽ bị khai nồng rất khó ăn.
Sứa ăn được khi chuyển sang màu hồng gụ như màu bã trầu sau một thời gian ngâm với vỏ vẹt. Người bán lẻ sẽ xếp sứa thành từng lớp trong một cái chậu nhỏ phía trên được đè bằng những vật dụng bằng sành (thường là những cái đĩa) để sứa không bị trồi lên khỏi mặt nước có vỏ vẹt. Khi có khách, người bán sẽ cắt nhỏ những miếng sứa bằng 2 đầu ngón tay một, xếp trong những chiếc đĩa, thêm rau thơm và nước chấm.
< Sứa được xếp từng lớp trong những chậu nhỏ, trên được đè bằng những đĩa sứ dùng để bán dần cho người ăn.
Điều đặc biệt nhất chính là con dao cắt sứa, không phải là những con dao thông thường làm bắng sắt, bằng inox nhưng chúng ta thường dùng, mà sứa được cắt bằng con dao tự chế từ phần cật của một ống nứa (nứa là loại cây họ hàng nhà tre nhưng lóng dài và dẻo hơn). Người bán cho biết, con dao đặc biệt đó sẽ giúp cho sứa không bị tanh (vị kim loại) khi có phản ứng giữa nước có chất vỏ vẹt và kim loại từ dao.
Người Hà Nội thường gọi sứa là món ăn chơi thứ thiệt của mùa hè, bởi trái với cách chế biến đơn giản của nó thì việc thưởng thức sứa của người Hà Nội lại cầu kỳ hơn nhiều. Nước chấm sứa, không gì ngon bằng mắm tôm được pha thêm chút đường, chanh (quất) và vài lát ớt. Cùng với đó là món rau (thơm) kinh giới, ăn kèm với dừa non thái mỏng và đậu nướng thái con chỉ bằng ngón tay một. Khi ăn sứa kèm với các thức trên sẽ thấy miếng sứa có vị bùi của đậu phụ nướng, vị béo của dừa non cộng với cảm giác man mát nơi chân răng, cái giòn sần sật của sứa.
< Khi sứa ngả sang màu bã trầu chính là lúc sứa đã có thể ăn được sau khi ngâm với nước có vỏ cây vẹt.
Tuy nhiên, không cần cầu kỳ như người Hà Nội ăn, đơn giản như đúng cách chế biến sứa, người vùng biển quê tôi chỉ cần có bát nước chấm bằng mắm tôm loại ngon, vài quả ớt tươi cộng với vài cọng rau kinh giới, món sứa chấm mắm tôm cũng trở thành đặc sản mát lành. Điều đáng nói, sứa không chỉ dùng cho những người hay nhậu; bất kể ai, những đứa trẻ quê tôi cũng có thể đánh chén ngon lành (kể cả kèm rau sống) mà không bị đau bụng như những thứ đồ ăn sống khác.
Những người sành ăn thường không chọn miếng sứa mềm mịn và trong suốt, mà nơi ngon nhất của sứa chính là những miếng chân sứa. Vẫn vị mát lành, nhưng chân sứa giòn hơn phần thân, đồng thời được bán đắt hơn những phần khác trên thân con sứa. Chính vì thế, chỉ có thể đến cuối chậu hoặc thật sự quen biết với người bán mới được bán cho miếng chân sứa ngay từ khi sứa còn nguyên chậu.
Nếu để lỡ qua một mùa hè, những người muốn ăn sẽ phải đợi đến mùa hè sau. Hoặc nếu chưa thử lần nào, lần đầu ăn sứa, bạn sẽ thấy ngại ngại bởi vị mặn mặn nơi đầu lưỡi cùng những lo lắng cách ngâm sứa đơn giản với vỏ vẹt sẽ khiến bạn đau bụng. Tuy nhiên, nếu đã thử một lần, lần nữa đi qua hàng sứa bạn sẽ muốn dừng lại để thử lần thứ hai; thậm chí, chỉ nghĩ đến món này, bạn đã muốn ăn và phóng vù đến nơi có bán món ngon dân dã này.
Du lịch, GO! - Theo Hạnh Thư (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.