Các địa điểm du lịch miền Bắc, không chỉ các bãi biển mà ngay cả nhiều khu di tích, hiện tượng chèo kéo, hét giá “cắt cổ” khách du lịch cũng xảy ra như… cơm bữa.
Chiêu trò “chém” ở biển
< Bãi Cháy nay có tên là... Bãi chém.
Nổi tiếng khu vực phía Bắc là 2 bãi biển ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Thế nên những dịp nghỉ hè, những ngày lễ, du khách kéo về đây nghỉ ngơi rất đông. Theo một hướng dẫn viên chuyên dẫn đoàn đi tham quan Hạ Long kể lại, nạn chặt chém ở Hạ Long, Quảng Ninh bao nhiêu năm nay vẫn không thay đổi.
“Khi khách đến Bãi Cháy sẽ có vô số khoản phải móc hầu bao như tiền thuê phao, thuê áo tắm, thuê ghế ngồi với giá không hề rẻ. Dừa ở Bãi Cháy thì được hét giá 70.000 đồng/quả. Thế nên anh em làm du lịch chúng tôi thường đùa nhau gọi Bãi Cháy thành Bãi… chém là vì thế”, anh hóm hỉnh đùa.
Ngoài chuyện giá phòng tăng gấp 2, gấp 3 so với ngày thường thì chiêu chặt chém phổ biến nhất ở Hạ Long chính là những bè cá. Khi khách đi tham quan trên tàu, nhiều chủ tàu câu kết với các bè cá đưa khách vào chọn hải sản. Những bè cá kiểu này không chỉ hét giá trên trời mà còn cân “điêu” cho khách.
“Thậm chí nhiều chủ bè còn ép khách mua bằng được bằng các chiêu như: khi khách mới hỏi cá và chưa có ý định mua, chủ bè đã đập chết cá luôn; hay thả luôn ngao, sò vào nước ngọt để ngao, sò không sống được bắt buộc khách đã hỏi là phải mua mặc kệ chưa quyết định và chưa mặc cả giá”, anh này cho hay.
Tình trạng chặt chém kiểu này cũng diễn ra tương đối phổ biến ở Hải Phòng, Cát Bà. Theo hướng dẫn viên này, du khách cần tìm hiểu giá cả, mặc cả thật kỹ trước khi quyết định mua. Nếu có người quen ở địa phương thì nên nhờ họ chọn lựa giúp. Tuy nhiên, tốt nhất, thích ăn hải sản và mua về làm quà thì có thể mua ở chợ Vân Đồn để có giá cả hợp lý.
Cũng theo anh này, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng đồng thời diễn ra Lễ hội Carnaval Hạ Long nên thay vì đổ xô đến Hạ Long, Tuần Châu và phải chịu cảnh chặt chém, chèo kéo khách khó chịu, du khách có thể lựa chọn những địa điểm khác như Cô Tô, Quan Lạn, vừa được đi thuyền trên biển, cảnh đẹp, hoang sơ và giá cả dịch vụ cũng phù hợp với nhiều gia đình hiện nay.
Đến Vườn quốc gia nộp phí... môi trường
Mấy năm gần đây, Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì trở thành điểm du lịch được nhiều người yêu thích. Không khí trong lành, dễ chịu, lại chỉ cách trung tâm TP Hà Nội mấy chục cây số và thuận đường đi lại nên khá nhiều người chọn đây là điểm để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, vất vả. Cảnh đẹp thiên nhiên của khu vực này còn trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng của các cặp vợ chồng sắp cưới hay của những người yêu thích chụp ảnh.
Tuy nhiên, dạo gần đây, VQG Ba Vì lại dính đến tai tiếng chặt chém gây không ít khó chịu cho du khách khi đặt chân đến nơi đây. Một tay máy nghiệp dư vừa từ VQG Ba Vì về đầy bức xúc rằng sẽ không quay trở lại nơi này nữa. Theo lời anh này kể lại, nhóm của anh sau khi chụp ảnh xong, có trải bạt ra ngồi nghỉ ngơi một lúc. Tự nhiên có một số người tự xưng là bảo vệ đến đòi thu 400.000 đồng với lý do thu tiền phí “bảo vệ môi trường”. Thấy mấy thanh niên trong nhóm thắc mắc số tiền này, 2 người bảo vệ (tự xưng) này lý giải họ thu 200.000 đồng/lần trải bạt. Nhóm trải bạt 2 lần nên phải thu 400.000 đồng.
Mặc dù số tiền trên không phải là quá lớn song hết sức vô lý và khiến không ít người ngã ngửa vì bất ngờ bởi khi đến VQG Ba Vì du lịch, không có bất cứ biển báo nào cấm không được trải bạt nghỉ ăn trưa. Hay trong tất cả các bảng thông báo, vé, hướng dẫn... cũng không có điều khoản nào ghi bảo vệ khu vực này được phép thu tiền thêm khi các nhóm ăn uống, trải bạt nghỉ ngơi tại đây. Nhóm sau khi cãi lý một hồi và đòi lên gặp Ban Quản lý thì 2 tay bảo vệ “rởm” cũng lập tức… “chuồn”.
Thủ đô cũng “bon chen” không kém
Một tour guide kể lại, ở giữa Thủ đô cũng bị chặt chém chứ đừng nói đi đâu xa. Một kinh nghiệm “xương máu” dành cho những tour guide mới vào nghề là phải cẩn trọng ngay từ ở sân bay Nội Bài. Anh này nhớ lại, năm đó anh đi đón một khách người Úc sang Việt Nam du lịch. Thông thường, các hướng dẫn viên khi đón khách sẽ ghi tên khách lên một tấm biển giơ lên để người đó nhận ra.
Một anh chàng lái taxi đã copy đúng tên khách, chép bằng bút dạ và cũng cầm biển giơ lên. Tuy nhiên khu vực dành cho hướng dẫn viên đón khách ở phía gần cửa ra, trong khi đó, tay taxi này lại vượt lên đứng trước đó một đoạn.
Vị khách người nước ngoài nên cũng không chú ý, thấy biển tên mình cứ tưởng là người của công ty du lịch đã đặt trước nên đi theo tay taxi này. Cậu lái taxi đó đã chở khách đi vòng vèo trước khi về đúng địa chỉ khách sạn và thu của khách đến gần 1 triệu đồng.
Cũng theo tour guide này, phổ biến ở các khu vực phố cổ là những phụ nữ bán hàng rong chèo kéo khách, xung quanh khu vực Hồ Gươm, hàng chục thợ chụp ảnh bám đuôi khách mời chụp ảnh. Một lần chính mắt anh chứng kiến một cậu thanh niên đánh giày cho một du khách Tây đã hét giá đòi 50$. Hay cánh xích lô chở khách lòng vòng khu vực phố cổ cũng đòi 500.000 đồng trong khi giá thực tế chỉ 50.000 đồng, nghĩa là hét giá lên gấp 10 lần nếu khách không mặc cả rõ ràng từ trước.
Không chỉ khách nước ngoài đến Hà Nội mới bị chặt chém mà người ngoại tỉnh, sinh viên đang học tại Hà Nội cũng có khi rơi vào bẫy này.
Tour guide nói trên cho rằng, một trong những điều quan trọng khi đi du lịch là phải tìm hiểu kỹ giá cả, biết cách mặc cả, trả giá để không tự biến mình thành nạn nhân của những vụ chặt chém mùa du lịch.
Du lịch, GO! - Theo H.Thanh (Infonet), ảnh internet
2 Comments
Du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết: Ở khách sạn gặp trộm, ra chợ gặp đầu gấu
Trả lờiXóaVũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt... những địa danh nổi tiếng được trời đất ưu ái ban tặng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Thế nhưng, đó cũng là những địa danh mà mỗi khi khách du lịch đến đó lại phải cảnh giác vì nạn chặt chém, chụp giật.
Vũng Tàu: "Đêm luyện kiếm, ngày múa đao, chực khách vào là chém"
Nổi tiếng bởi chặt chém, cư dân mạng đã truyền tụng nhau câu ca: "Vũng Tàu đất thánh, tụ nghĩa anh hùng, đêm luyện kiếm, ngày múa đao, chực khách vào là chém".
Câu ca đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó bắt nguồn từ nạn chặt chém kinh hoàng của những người kinh doanh dịch vụ du lịch nơi đây và được sáng tác từ những bài học xương máu của những nạn nhân của nạn chặt chém.
Những quán ăn khu vực gần biển ở Vũng Tàu chưa bao giờ có hóa đơn dưới tiền triệu. Anh Mạnh (Bắc Giang) kể mà vẫn chưa hết bực tức, gia đình anh có 8 người cả trẻ con vào quán ăn Như Ý trên đường Hoàng Hoa Thám, lúc về bị "chém đẹp" với hóa đơn gần 6 triệu đồng.
Trong đó, tô canh cá (dân miền Nam hay gọi là lẩu) chỉ với 2,3 khoanh cá mỏng dính và ít rau có giá tới 1,3 triệu đồng. Tôm sú một đĩa mà tới 1,4 triệu mà tính ra được 8 con cho 8 người. Riêng khoản khăn lạnh, quán cũng tính 20.000 đồng/cái.
"Đôi co một hồi với chủ quán, bỗng đâu một đám xăm trổ đầy mình lượn qua lượn lại trước bàn ăn. Thức ăn thì đã ăn rồi, không trả lại được, thế là đành cắn răng rút ví đưa tiền mà bụng thì cứ ấm ức như vừa bị mất cắp", anh Mạnh kể. Cũng theo anh Mạnh, vào quán ăn thì thế, đến lúc ra tắm biển, có quán hét 100.000 đồng/ lần thuê ghế ngồi ngắm biển.
Một người bạn làm tour guide kể lại câu chuyện, có ông Việt kiều Mỹ đưa gia đình về Vũng Tàu chơi. Ông cũng cảnh giác lắm, xem kỹ giá cả và mặc cả rồi mới gọi đồ ăn. Dự trù ban đầu bữa ăn hôm đó khoảng 2, 3 triệu nhưng lúc hóa đơn đưa ra tới 5 triệu đồng. Ông không khỏi giật mình khi nhìn giá 250.000 đồng cho một bát cơm. Thắc mắc với chủ quán thì được câu phán giọng lạnh lùng: "Cơm Mỹ giá nó thế!"
Theo thổ dân Vũng Tàu đúc kết kinh nghiệm tránh du khách tự đưa đầu vào máy chém, các quán ăn trên trục đường Hoàng Hoa Thám cần phải tránh xa như: Cu đất nướng ngói, Thu Mai (Như Ý cũ), Hưng Phát 2, Hiệp Ký 1, Tùng Ngọc Thủy, Phượng Vỹ, Du Thuyền, Hải Nam, Bạc Liêu...
Cũng theo tư vấn của người dân nơi đây, Vũng Tàu cũng công khai các số điện thoại của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành TP, Trưởng công an Phường, Chủ tịch UBND Phường... tuy nhiên du khách cần cảnh giác, chứ đừng tự đưa mình vào sự đã rồi thì khi gọi điện cũng "tiền mất tật mang" khó giải quyết được vấn đề gì.
....
Phan Thiết: Ở khách sạn gặp trộm, ra chợ gặp đầu gấu
Trả lờiXóaChia sẻ trên diễn đàn về kinh nghiệm xương máu khi đi du lịch Phan Thiết, một du khách kể lại "kỷ niệm nhớ đời" ở khu Resort Cham Pa. Tưởng gắn mác resort thì có thể yên tâm về chất lượng nhưng khi ở đây, du khách này mới giật mình, phòng ốc chật chội, phòng tắm thì hay bị ngập nước. Buổi tối thì đèn tắt tối om vì tiết kiệm điện. Resort ở xa trung tâm Phan Thiết lại không có phương tiện công cộng nên việc đi lại rất bất tiện.
Chưa hết, khu nghỉ dưỡng này hoàn toàn không có các dịch vụ: spa, karaoke, chèo thuyền như trong quảng cáo. Ăn uống bắt buộc phải ăn ngay tại đây mà vừa không ngon vừa đắt đỏ. "Giá đồ ăn ở đây nghe mà hết hồn. 1 kg ghẹ sống 1,2 triệu đồng. Mang bia vào uống là bị thu phí 200.000 đồng/thùng. Tôi ra ngoài chợ mua ghẹ sống loại nhỏ giá 120.000 đồng/kg, nhờ bếp của Resort luộc giùm. Họ tính phí 200.000 đồng/kg. Luộc ghẹ còn mắc hơn giá ghẹ ngoài chợ", du khách này nhớ lại.
Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Du khách này còn bị trộm đột nhập vào phòng và bị mất chiếc Ipod. Cô bạn đi cùng còn bị tên trộm sờ soạng khắp người. Khi quản lý Resort xem lại camera mới phát hiện ra kẻ trộm chính là.... anh nhân viên bảo trì của Resort. Tuy lấy lại được đồ đã mất nhưng du khách này cạch mặt không bao giờ quay trở lại resort này nữa.
Một kinh nghiệm đau thương khác cũng được chia sẻ khi đến Phan Thiết là cẩn trọng ở chợ hải sản không rất dễ bị tráo hàng xịn thành hàng rởm, hàng hư hỏng. Chị Lan, sống ở TP. HCM sau khi đi Mũi Né có ghé vào chợ Phan Thiết mua hải sản về làm quà.
Sau khi chọn lựa ghẹ và trả giá xong, người bán hàng rất nhiệt tình giới thiệu qua chỗ dịch vụ đóng gói để “đảm bảo hải sản tươi ngon khi về đến nhà”. Mặc dù chị đã từ chối vì trên xe đã có thùng đá và quay sang đi mua mực nhưng người ở dịch vụ đóng gói lẽo đẽo bám đuôi chị từng bước.
Quay trở lại hàng ghẹ để chờ bạn, chị tiếp tục bị chủ hàng ghẹ thuyết phục và khuyến mãi chi phí đóng thùng. Lại thêm mọi người xung quanh vào hùa, cuối cùng chị cũng phải gật đầu đồng ý. "Thợ đóng thùng trông rất bặm trợn, có một hình xăm lớn trên cánh tay, cầm theo con dao thái lan và thao tác rất chuyên nghiệp", chị Lan nhớ lại.
Tuy nhiên, về đến nhà mở thùng ghẹ ra thì những con ghẹ tươi rói chẳng hiểu sao đã trở thành một đóng ghẹ đã chảy nhớt bốc mùi hôi kinh khủng. Không chỉ mình chị mà 2 chị nữa trong đoàn cũng bị tình cảnh tương tự.
Mất tiền lại rước thêm cục tức nhưng chị Lan vẫn vui vẻ: "Nghĩ lại lúc đó nhà mình không kiểm lại cũng may, vì nếu phát hiện bị tráo không biết những người “bặm trợn” đó có để nhà mình đi yên ổn không nữa. Coi như mất tiền để có một bài học vậy. Các mẹ hãy cảnh giác nhé!"
Anh Vũ Văn Quyền, hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch ở Hà Nội cho rằng, để tránh nạn chặt chém, khách du lịch cần lên kế hoạch đi du lịch từ sớm, tránh đi vào những tầm cao điểm như các dịp nghỉ lễ để có được nhiều lựa chọn và có dịch vụ tốt hơn.
Theo anh Quyền, du khách cần hỏi kinh nghiệm du lịch, tìm hiểu giá cả và có thể thuê tour và sử dụng những dịch vụ trọn gói để được phục vụ tốt nhất. Ngoài ra, khi đi du lịch, điều quan trọng nhất là phải để ý và bảo quản đồ đạc, tránh tình trạng bị mất cắp để có một chuyến du lịch thực sự.
Theo Infonet
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.