Trên suốt tuyến tả ngạn Mỹ Thanh bây giờ, ai cũng có thể du ngoạn cảnh bằng xe hơi, xe máy... xem những vuông tôm với cánh quạt chạy rào rào, tới mùa thì máy gặt đập chạy ầm ì trên ruộng... nhưng nếu không phải người ở đây thì ít ai biết rằng, mới cách đây quãng hơn chục năm-xa lắm là chưa tới 20 năm, vùng đất này nổi danh với tên gọi là cánh Đồng Năn.
Nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi đang thời con gái mượt mà, những con lộ nhựa, lộ Dal chạy qua những thôn, xóm sầm uất... mấy ai ngờ được ngày xưa, vùng đất này đã phèn lại còn nhiễm mặn nặng nên trên những cánh đồng nhìn đâu cũng là Năn !? Năn ở đây toàn là Năn Bộp, cọng lớn như chiếc đũa. Qua mùa hạn thì năn kết củ, nấu ăn bùi bùi, ngòn ngọt...
< Đồng Năn những năm 1980.
Đồng Năn ngày trước rộng hơn 5.000 ha, bao gồm khu cửa biển Mỏ Ó và cả một dải dọc theo tả ngạn sông Mỹ Thanh dài hơn 10 cây số, trải dài từ xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng đến tận Trung Bình. Đồng Năn ngày trước thuộc huyện Long Phú, ngày nay nằm ở huyện Trần Đề.
Từ một vùng đất đầy năn, lác... Đồng Năn giờ đây đã đổi thay diện mạo, trở thành cánh đồng nuôi tôm công nghiệp có một không hai của cả nước, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng.
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, đất nước ta gặp bao khó khăn vì lệnh cấm vận của những thế lực thù địch... một trong muôn vàn khó khăn, vất vả ấy là thiếu lương thực. Để giải quyết khó khăn này, tuyến đê ngăn mặn Long Phú-Tiếp Nhựt dài hơn 50km bắt đầu từ xã Song Phụng chạy dài tới tận Tổng Cán đã được xây dựng; những tuyến kênh thủy lợi ở các địa phương cũng được thi công. Và trong khoảng thời gian 1981-1982, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Phú đã mở nhiều đợt “chinh phục” Đồng Năn để trồng lúa. Câu khẩu hiệu của ngày ấy mang đậm quyết tâm của lòng dân-ý Đảng : “Giải phóng cánh Đồng Năn”.
< Cánh Đồng Năn hôm nay.
Về Đồng Năn hôm nay, muốn hỏi chuyện xưa không thể quên những con người giờ như là những trang sách lưu đậm nét dấu ấn của một thời hừng hực khí thế “Giải phóng cánh Đồng Năn”! Đó là 2 lão nông cố cựu Sáu Khởi (Đặng Văn Khởi - 56 tuổi) và Ba Tiềm (Võ Văn Tiềm-58 tuổi). Muốn tìm ông Sáu thì dễ lắm-cứ đến đầu lộ Mỏ Ó-đến ngay cống 6 Quế 2 hỏi nhà là ai cũng biết.
Ông Sáu Khởi giờ đã chuyển qua canh tác tôm nước lợ, nhưng ngày nay mấy ai biết về một quãng thời gian dài ông là một trong những người đầu tiên hết mình vì cây lúa trên cánh Đồng Năn. Những câu chuyện mà hai lão nông “cố cựu” ở vùng đất này đã giúp chúng tôi tái hiện lại khá trọn vẹn khung cảnh của những cuộc tiến quân “Giải phóng cánh Đồng Năn” ngày ấy. Ông Sáu kể chuyện xưa thời mới bắt đầu làm lúa mà bọn tôi chỉ nghe không thôi, cũng đã dội ngược trong khi ông thì vừa cười vừa nói:
< Những đứa trẻ ở cánh Đồng Năn những năm 1980.
- Quãng mấy năm 80 đó thì ai muốn làm bao nhiêu thì làm. Cứ vô Đồng Năm vác theo mấy cái cây để dành cặm ranh. Lội cho đã để lựa... cúi xuống nếm thử miếng nước, nó mà ba chè thì tiếp tục đi chỗ khác. Thấy ưng bụng chỗ nào thì cặm... Cứ đi mà cặm tới. Còn làm lúa hả? Đất ở đây cày thì lên phèn nên chỉ mướn người ta phát, một năm có khi phải phát 2-3 lần rồi vác bả đó đi rải đều khắp ruộng, đợi nó mục xuống thì đi mua mạ về cấy chớ ở đây đâu có gieo mạ được. Muốn cấy, phải đi xuống tuốt dưới ấp Bưng Lức cũng phải 15 cây số mua mạ. Ngặt là người ta cũng cấy nên phải đợi người ta cấy xong có dư mạ thì mới bán cho mình. Mua được một ghe mạ đem về kể như mừng lắm rồi. Một bó mạ đem về đây thôi thì quá cực. Tới bờ kênh thì phải khiêng, phải gánh từ bó đem vô đồng của mình. Có khi mình cấy xong thì vài bữa là nó muốn trổ bông rồi... vì mạ quá già. Mà xướng một cái là... hễ cấy chỗ này hổng êm thì bỏ... đi kiếm chỗ khác cấy nữa...
< Văn nghệ trên công trường đào kênh ở cánh Đồng Năn những năm 1980.
Tôi hỏi: 1 công khi đó mình kiếm được cỡ bao nhiêu giạ lúa?
Lão nông Ba Tiềm chen vào: 5-7 giạ là cùng. Trúng nhứt thì cũng hổng tới 15 giạ! Ông Sáu bổ sung: 15 giạ thì phải đợi tới mấy năm sau mới có, khi thời kỳ làm thần nông đỏ rồi đó! lúc đầu mình làm keo trắng, keo đỏ, ba thiệt đó... thiệt cỡ nào cũng đi tiêu hết.
Hai lão nông bật cười sảng khoái.
Ông Sáu Khởi tâm sự: Thời đó cũng đeo dữ dằn lắm. Đảng viên mà! Mần biển bao nhiêu đổ hết vô cây lúa. Có lúc tôi làm tới hơn 60 công đất mà cuối cùng kêu công cắt vô “cắt chia hai’’ người ta còn hổng cắt. Tới năm 88 thì kể như nghỉ luôn.
< Ông Sáu Khởi (bên phải) và Ông Ba Tiềm cùng tác giả ở Cống Sáu Quế 1.
Tới năm 88-89 là ở đây mình đã bắt đầu cấp đất rồi. Tới lúc đó thì cây lúa kể như là dứt, mình vận động bà con mình chuyển sang làm con tôm. Mà lúc đó chủ yếu là nuôi tự nhiên. Khổ nỗi lúc đó cá, tép còn rất dồi dào nhưng giá cá thì quá thấp. Hồi đó tui bán 500-600 ký cá kèo mà sắm chưa được 1 chỉ vàng.
Hai lão nông dẫn chúng tôi đến Cống Sáu Quế 1-cái cống đầu tiên đánh dấu quá trình khai phá cánh Đồng Năn, chứng tích của những ngày tháng gian nan, nhưng hào hùng của những ngày đầu vỡ đất. Con đê ngăn mặn ngày trước vẫn còn lại vài dấu tích vì ngày nay, hầu như tuyến đường Nam sông Hậu đã nằm hẳn trên con đê này. Lão nông Ba Tiềm và Sáu Khởi hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày làm thủy lợi khai phá cánh Đồng Năn.
Thời đó đi làm thuỷ lợi bà con mình còn dùng từ “đi công tác’’. Thông thường 1 năm có 2 đợt. Hầu như nhà nào nhà nấy đều có ít nhất 2 cây leng? 1 cây leng ống và 1 cây leng bản. Leng bản để dành cạy, dỡ lớp trên mặt, leng ống dùng để đào đất mềm ở dưới... Thời đó chỉ cần cán bộ ấp mang chiếc loa cuốn bằng tôn đi phát loa thông báo ngày ra quân làm thuỷ lợi là tới buổi đó là bà con mình tập trung để đi liền.
< Anh Bảy Nam (bên phải) và Trần Văn Cứ trò chuyện cùng tác giả về quá trình làm Cống Sáu Quế 1.
Lão nông Sáu Khởi nói vẻ như tiếc nuối khi nhìn chúng tôi cùng với máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm vác trên vai lỉnh kỉnh: Thời đó mà có quay phim như vậy giờ thì đẹp lắm, vui lắm... Người đông như hội... trải dài trên cả một cánh đồng dài 1-2 cây số. Rồi băng, cờ, khẩu hiệu... văn nghệ hát, hò sôi nổi...
Đứng trên đỉnh cao của cống Sáu Quế, nhìn Đồng Năn bây giờ trải dài mút tầm mắt là những vuông tôm công nghiệp; những căn nhà ngói đỏ... chúng tôi không còn nhận ra Đồng Năn ngày trước!? Anh Bảy Nam (Quách Văn Nam-G.Đ Sở NN&PT nông thôn Sóc Trăng) bồi hồi nhớ lại thời mà những người đi cắm cọc tiêu để đào kênh phải phát chấp, vẹt, lau sậy để phóng tuyến... tất cả vẫn còn như in trong tâm trí những người cán bộ thủy lợi của một thời gian khó ấy.
Khi khởi công cống Sáu Quế 1 tôi là một cán bộ thuỷ lợi mới ra trường. Vì là vùng nền cát nên móng cống không thể dùng cừ tràm để đóng được. Phần kế thi công theo kỹ thuật cừ bản đuôi cá được đóng phía trước và phía sau để ngăn cát. Hồi mình đi học thì chưa có học kỹ thuật này. Thành ra tất cả anh em đều xắn tay nhảy xuống làm, mà đóng. Lúc ấy tất cả đều bằng tay, thủ công hết. Cừ bản bề rộng khoảng 2 tấc, dầy 1 tấc, cưa thành cái đuôi cá rồi ghép lại rất khó khăn... mà vùng đó đâu có nước ngọt nên phải xài nước giếng trộn bê-tông, nấu nướng, tắm giặt...
< Bãi biển Mỏ Ó những năm 1980.
Anh Trần Văn Cứ (Trưởng Trạm Quản lý Thuỷ nông huyện Trần Đề) - một trong những người của “Cống Sáu Quế 1’’ bổ sung: Tất cả đều phải kéo nước, gánh nước từ trên đoạn đường từ giồng Bà Vĩnh về đến điểm thi công. Khối lượng bê tông là rất lớn nên anh em phải gánh nước dự trữ, gánh nhiều ngày để trữ trong phuy, trong bồn... Ròng rã hơn nửa năm như vậy đó!
Gọi là Đồng Năn nhưng bây giờ đến đây, tìm một cọng Năn Bộp sao thật khó quá... có còn chăng là vài đám Năn Chỉ, xen lẫn vài bụi Năn Bộp ở mấy miếng bìa, chéo ven đường. Tất thảy đều đã là những vuông tôm công nghiệp... Đường điện, điện thoại giăng mắc khắp đồng. Ban đêm, đèn điện sáng trưng, lấp lánh trên cánh đồng như đêm hội hoa đăng.
Đi chơi Mỏ Ó và Bãi Hội Bình
Đến vùng đất tả ngạn Mỹ Thanh, nếu chưa đến Mỏ Ó, khám phá Bãi Hội Bình (tên quen thuộc là Bãi Giá), rồi thăm Cảng cá Trần Đề... thì kể như chưa trọn vẹn.
< Ông Bảy Khói (bên trái) và tác giả ở bãi Mỏ Ó ngày trước nay đã là dải rừng bần dày đặc.
Mỏ Ó là tên chỉ dải đất cuối cùng của Bãi Hội Bình nhô ra biển, có thể xem đây là điểm mốc giao nhau trên đất liền của cửa sông Mỹ Thanh và dòng Hậu Giang trước khi đổ nước ra Biển Đông. Đứng bên xóm chài Mỹ Thanh nhìn qua... mỏm đất này có hình thù nhọn như mỏ của một con ó đang mổ ra phía biển nên được mọi người đặt cho cái tên Mỏ Ó.
Ông Đăng Ngọc Chói-một người kỳ cựu ở đây dẫn chúng tôi đi thăm lại dấu tích bãi cát ngày xưa mà nay chỉ còn hình ảnh sót lại của một nồng cát với những chùm hoa muống biển. Bãi cát ngày xưa nay đã là một dải rừng bần mênh mông chạy dài từ Mỏ Ó đến tận Bãi Giá. Một dự án du lịch sinh thái cũng đã được khởi động ở vùng rừng ngập nước ở cửa sông này.
Xóm chài Mỏ Ó ngày trước nằm ở ngay đầu doi, trải dài tới đầu Bãi Hội Bình khi ấy là cả một dài cát dài hơn 3km. Sau trận sóng thần năm 1992, những cư dân ở đây được di dời vào 2 tuyến khu dân cư mới ở phía trong đê mà tuyến 1 nằm ở mé trong với bến cá hiện giờ khá sầm uất... còn tuyến 2 thì lại ở mé ngoài Giồng Bà Vĩnh với nghề canh tác rẫy: trồng đậu phộng, trồng dưa hấu, trồng bắp tuỳ theo mùa.
< Xóm Mỏ Ó những năm 1980.
Chúng tôi tin rằng rồi đây, Mỏ Ó sẽ đẹp, sẽ trù phú hơn ngày xưa nhiều bởi những con người nơi đây vẫn luôn mang trong mình tình yêu quê hương mãnh liệt. Ông Bảy Chói (Đăng Ngọc Chói-65 tuổi) ở ấp Mỏ Ó khi trò chuyện cùng chúng tôi đã giới thiệu về mảnh đất này qua bài thơ có tên Mỏ Ó* của nhà thơ Diệp Vũ, (sáng tác vào khoảng nhưng năm 80 của thế kỷ XX) mà theo ông Bảy thì “chưa có bài thơ, bài ca, bài báo nào viết về Mỏ Ó có thể qua được bài thơ này’’. Tôi trích ra đây vài câu thơ đầu:
Mỏ Ó! cái tên nghe ngồ ngộ.
Ở nơi đây có nhiều ó lắm chăng?
Câu trả lời không ai biết nguồn căn...
Tên Mỏ Ó đặt nên từ muôn thủa.
Ở một nơi xa xôi và cách trở.
Cửa Mỹ Thanh gió thổi bốn mùa.
Nơi sóng vỗ bờ nhiều tôm cá,
Ngày cuối cùng quân giặc chịu thua.
Tôi trở lại với trời xanh bãi cát,
Những hàng rau muống biển xanh tươi.
Những đoàn thuyền ra khơi đánh bắt
Sóng chiều lên Mỏ Ó reo cười...
.....
< Lên cá ở xóm ấp Mỏ Ó.
Từ Mỏ Ó, ngược theo đường Nam Sông Hậu về Cảng cá Trần Đề là xóm chài Bãi Giá ở ngay đầu bìa rừng. Thật đẹp và nên thơ khi trên những chiếc ghe, tàu đi biển... những cô gái thoăn thoắt đôi tay vá lưới. Những gò má thiếu nữ ửng hồng, e thẹn trước ống kính máy ảnh, máy quay phim. Bãi Giá đẹp, Bãi Giá thật nên thơ, nên cũng không lạ khi đây là điểm đến để vẽ tranh, tìm cảm hứng sáng tác thường xuyên của những hoạ sĩ và văn nghệ sĩ.
Điểm đến cuối cùng trên tuyến tả ngạn Mỹ Thanh mà chúng tôi ghé là Cảng cá Trần Đề - một điểm nhấn về phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng trên tuyến đường Nam Sông Hậu. Cuộc trò chuyện với Giám đốc Cảng cá, Trần Văn Chiểu đã mang đến cho chúng tôi nhiều thông tin thú vị khi anh ví von về địa thế của Cảng cá Trần Đề hiện tại đảm bảo đủ “thiên thời-địa lợi-nhân hoà”:
Đường Nam Sông Hậu đã mở xong thì giao thông hoàn toàn nối liền bến cảng với các trung tâm chế biến hàng thuỷ sản. An ninh, trật tự ở đây thì khỏi chê-rất an toàn cho các tàu cá cặp bờ lên hàng. Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đảm bảo. Trung bình 1 tháng có hơn 250 tàu cá lớn, nhỏ cập bến lên hàng cũng đủ thấy tiềm năng của Cảng cá Trần Đề. Chưa tính tới vị trí của cảng với vùng khai thác biển Tây Nam là rất thuận tiện.
Chuyến phiêu du tả ngạn Mỹ Thanh của chúng tôi kết thúc bằng một bữa tiệc do Hảo - một “thổ địa” ở cảng cá chiêu đãi với lời giới thiệu: Đến Trần Đề mà chưa ăn con cá này thì cứ kể như là chưa đến. Đó là con cá Xạo. Cá xạo ngon phải là con cá “trân’’-nghĩa là khi bẻ phần vi đuôi của con cá thì nó chỉ cong gập lại chứ không gãy. Đó mới lá con cá xạo ngon nhất. Cá xạo hôm nay được làm 2 món phổ thông nhất ở đây là... rang muối và nấu xá pấu. Sơn - Đầu bếp Quán Quốc Việt lý giải với chúng tôi là:
< Cảng Trần Đề hôm nay.
Cá xạo thịt ngọt, lành... Ăn no bụng cũng không sao. Cá này rang muối thì để lại đầy đủ vị ngọt, thơm của thịt cá. Ăn kèm với rau thơm, bún, bánh tráng thì có thể thay cơm mà không lo “chọt bụng”. Còn nấu với xá pấu thì mang “âm hưởng’’ của người Hoa vì vừa chế biến nhanh, vị ngọt đậm đà cùng mùi thơm của thịt cá sẽ cho thực khách một cảm giác hơi khó tả...
Nếu một ngày nào đó, ta cảm thấy những bức tường vuông vức trong căn phòng máy lạnh trở nên chật hẹp, ta cần những không gian thoáng đãng với mây trời, với gió biển... hãy dành chút thời gian đến với Đồng Năn, đến với Mỏ Ó, Bãi Giá... ghé chơi Cảng cá Trần Đề. Tin rằng - bạn sẽ thấy thêm yêu con người cùng khung cảnh thiên nhiên hoà quyện sau mỗi chuyến phiêu du.
Hết
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 1: Mênh mang Mỹ Thanh.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 2: Ra biển te ruốc và phạ đáy trên cửa Mỹ Thanh.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 3: Giếng Ngự, mộ Hoàng Cô và con Cọp cuối cùng ở Giồng Sát.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 4: Tả ngạn Mỹ Thanh và con rạch Tổng Cán.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 5: Rạch Gòi - Lịch Hội Thượng và những ngôi chùa chứng tích.
- Mỹ Thanh Du Ký - Kỳ 6: Đất và người trên Cánh đồng Năn huyền thoại.
Du lịch, GO! - Theo Tuyên Giáo Sóc Trăng, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.