“Một chọi một lên cột đồng hồ” là câu nói thịnh hành của giới trẻ ở Hà Nội trong những năm 60, 70 thế kỷ trước. “Một chọi một” nghĩa là để giải quyết va chạm hoặc mâu thuẫn, cánh thanh niên xử sự rất quân tử là đánh nhau tay đôi; còn “cột đồng hồ” là địa danh ở đầu phố Hàng Đậu, nơi có chiếc đồng hồ công cộng. Nhưng tại sao lại rủ nhau lên cột đồng hồ để tỷ thí? Và có phải cột đồng hồ Hàng Đậu hay cột đồng hồ khác vì Hà Nội có khá nhiều cột đồng hồ công cộng?
...Chiếc đồng hồ ở tháp giữa, ngay dưới thánh giá của nhà thờ lớn trên phố Nhà Chung khánh thành vào Noel năm 1886. Đúng 12 giờ đêm hôm đó, nó gióng giả 12 tiếng chuông làm các tín đồ Công giáo và cư dân quanh khu vực ngạc nhiên. Dù đồng hồ của nhà thờ Công giáo để con chiên biết giờ hành lễ, song nó cũng là đồng hồ công cộng theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Hà Nội.
Mặt đồng hồ quay ra ngoài đường, ai cũng nhìn thấy, hơn nữa, đồng hồ này không tính theo giờ âm lịch của Trung Hoa mà tính theo múi giờ Việt Nam (GMT+7).
Đồng hồ và truyền giáo chẳng có gì liên quan với nhau, thế nhưng ở đất Thăng Long, đồng hồ giúp các nhà truyền giáo thực hiện được sứ mệnh của họ. Chuyện đó diễn ra vào đầu thế kỷ 17. Sau mấy năm dọc ngang ở Đàng Trong, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660), một trong những người ngoại quốc góp phần sáng tạo ra chữ Việt hôm nay, quyết định ra Đàng Ngoài truyền giáo.
< Cột Đồng Hồ xưa...
Tháng 3.1627, ông được chúa Trịnh Tráng, con trai cả của Trịnh Tùng, khi đó đang mang quân đi đánh Đàng Trong, gọi đến gặp ở Ninh Bình. Đánh nhau trở về, ngày 2.6.1627, Trịnh Tráng cho gọi Alexandre de Rhodes vào thành Thăng Long, cho phép ông được giảng đạo. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, từ Giáng sinh năm 1927 đến lễ Phục sinh (tháng tư) năm 1628 đã có 500 người dân được rửa tội và hai mươi nhà thờ được xây dựng.
Lo ngại trước thành công đó, triều đình quyết định trục xuất Alexandre de Rhodes và đoàn truyền giáo. Tuy nhiên, họ tìm cách lần lữa, chỉ ra khỏi Thăng Long mà không trở vào Đàng Trong. Họ sống quanh quẩn ở Phố Hiến và các tỉnh lân cận. Lúc này dân ở Đàng Ngoài không có tục xem đồng hồ, với họ là “cơm vua, ngày trời”, thời gian đâu có ý nghĩa gì. Thế nên người dân chia ngày ra làm ba phần: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối và ấn định thêm một chút là gần nửa buổi sáng, gần nửa buổi chiều. Ban đêm được chia làm năm canh. Chỉ có nhà quan mới dùng đồng hồ, vì họ phải biết giờ để vào chầu vua chúa, biết giờ để xuất hành... Nhưng đồng hồ các quan dùng chủ yếu theo kiểu Hồi giáo, là những gáo đồng được thả vào trong một bồn nước. Các gáo đồng được đục một lỗ nhỏ, khi gáo đầy nước sẽ rơi xuống đáy.
Người trông đồng hồ lúc đó sẽ đánh vào chiếc cồng và tùy theo canh mấy mà đánh bao nhiêu tiếng. Nhưng cũng có quan lại dùng đồng hồ cát, và khi đồng hồ cát có vấn đề thì họ đành phải chờ thợ của triều đình đến sửa. Nhưng thợ thì ít trong khi có quá nhiều đồng hồ hỏng. Biết được điều này, các nhà truyền giáo đã học cách làm và sửa đồng hồ cát, việc không quá khó đối với họ. Thế là khi cần làm đồng hồ, các quan cho gọi nhà truyền giáo. Mỗi lần vào thành làm đồng hồ chỉ mất từ năm đến sáu tiếng nhưng họ kéo dài công việc đến mười có khi là mười hai ngày, trong thời gian đó, họ kiếm cớ đi gặp con chiên và giảng đạo.
Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã cho chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống Bắc thành, rồi cho phá thành cũ xây thành mới nhỏ hơn và cho làm một chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ này chế tạo theo kiểu đồng hồ Hồi giáo mà trước đó quan lại thời Hậu Lê đã dùng nhưng to hơn. Vị trí đặt đồng hồ trông ra đường Nguyễn Tri Phương hiện nay.
< ... và ngày nay.
Lối vào gọi là cổng đồng hồ, có lính canh bên ngoài. Khi gáo đồng rơi xuống đáy bể, người trực canh báo cho lính đánh trống biết là canh mấy. Nhưng trống ban ngày và đêm khác nhau. Canh một đánh một hồi, canh hai đánh hai hồi, canh năm đánh năm hồi nhưng đến canh Mão lại chỉ đánh một tiếng, canh Thìn đánh hai tiếng và canh Dậu (chuẩn bị chuyển sang canh một) đánh bảy tiếng. Đêm 24 rạng ngày 25.4.1882, trước lúc quân Pháp bắn đại bác vào thành Hà Nội, dân vẫn còn nghe trống canh. Khi thực dân Pháp chiếm thành, biến thành nơi đóng quân, thì nhiều công trình bị phá bỏ, trong đó có chiếc đồng hồ một thời gian dài gắn bó với dân thành Thăng Long.
Trở lại với câu cửa miệng “Một chọi một lên cột đồng hồ”, vậy thanh niên "tỷ thí" ở cột đồng hồ nào vì Hà Nội có rất nhiều cột đồng hồ công cộng. Trước khi khánh thành cầu Long Biên, đốc lý Pretre Charles (giữ chức vụ này từ ngày 1.8.1901 đến 21.11.1901) cho lắp chiếc đồng hồ ngoài trời đầu tiên ở đầu phố Hàng Đậu, tiếp đó ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục hiện nay, rồi Cửa Nam, cổng Bảo tàng Lịch sử, ngã tư Sở...
Trừ chiếc đồng hồ ở đầu Hàng Đậu là hai mặt tròn, còn lại là ba mặt vuông để mở rộng góc xem giờ. Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu lúc nào cũng đông đúc người qua lại và cạnh đó có bốt công an gác cầu nên thanh niên không bao giờ đánh nhau ở đây. Địa điểm hẹn đánh nhau chính là cột đồng hồ trước Bảo tàng Lịch sử, khu vực này không có nhà dân lại thưa vắng người qua lại.
“Người gác đồng hồ đêm trước nhà có giỗ uống quá chén nên đêm sau trực ngủ quên, nửa đêm nghe tiếng trống canh giật mình tỉnh dậy vội chạy đến chỗ anh đánh trống hỏi han thì mới vỡ lẽ do làm nghề này quá lâu nên cứ đúng canh một, người anh giật một hồi, canh hai giật hai hồi, canh ba giật ba hồi. Thấy người giật lại không thấy lính báo giờ chạy sang nên đoán ngủ quên thế là cứ đánh” - Trích bài viết về thân phận lính đánh trống canh xưa, Báo Tiếng dân đăng năm 1933.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.