Từ ngã ba Kỳ Lý xuôi hướng đông theo con đường ĐT615, rẽ qua cầu Vĩnh Bình chừng 4km đã gặp Bãi Sậy Sông Đầm. 

Tọa lạc tại thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng: Bãi Sậy Sông Đầm là một vùng đầm nước rộng lớn được hình thành từ thời xa xưa với diện tích tự nhiên khoảng 180 ha, mực nước sâu trung bình 1,6m - trong đó, riêng Bãi Sậy là 40 ha mà ban đầu người dân trong vùng gọi là Vũng Tràm.

Bãi Sậy trông giống như cái dều phình ra của dòng sông Đầm, nước chảy hiền hoà, có nhiều nguồn lợi thuỷ sản phong phú lắm cá nhiều tôm và các loại chim cư trú trong Đầm. Do địa hình phức tạp lau sậy um tùm nên ai muốn đi vào bên trong Bãi Sậy phải là người am hiểu và thông thạo địa hình có thể dùng ghe nhỏ chống sào men theo những lối mòn vào bên trong Bãi Sậy.

Nơi này không gian yên bình như chốn nào xa lắm, không phải ở mảnh đất Tam Thăng chỉ cách phố xá Tam Kỳ chưa hết một nhịp đường. Sông Đầm như một tấm thảm hoang vu. Nơi ấy chỉ có tiếng gió xào xạc, tiếng “khẹt” của đàn cò kiếm ăn và phía bờ xa kia mờ ảo hàng cây soi bóng mình trên mặt đầm, chờn vờn hơi nước.

Thời gian đi qua, Bãi Sậy Sông Đầm, “chứng nhân” những chiến công hiển hách của nhân các xã vùng đông Tam Kỳ trong hai cuộc kháng chiến, vẫn nguyên vẹn “màu nguyên sơ”. Thi thoảng, lũ bói cá và chim tranh mồi giữa những vạt sậy rậm rì cao chưa đến ngực người xao xác vỗ cánh bay đi khi gió chiều chấp chới thổi qua...

Không gian khẽ xao động rồi trở lại vẻ tĩnh lặng vốn có. Miền ký ức ấy dẫn dụ người về đâu để tìm lại tuổi thơ qua. Khoảng trời bình yên, mênh mông ấy còn cho người niềm bâng khuâng để làm lữ khách theo những chuyến đi chợt thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên vô hạn…

Một sớm mờ sương hay chiều nhạt nắng, về Bãi Sậy Sông Đầm nằm ngửa mình trên cỏ mịn, để nghe tiếng thời gian của gió, của chim trời gọi bầy và âm thanh “náo nhiệt” của cò theo triền sông đầy lau sậy, sẽ chợt nhận ra rằng Tam Kỳ vẫn còn chỗ đi về, đâu cần quẩn quanh nơi phố.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dulich.vn, Tamky.gov