Hôm nay là ngày đi học cuối cùng của con tôi, trước khi lớp mẫu giáo của con được nghỉ hè. Các bậc phụ huynh được mời đến dự liên hoan chia tay với lũ trẻ, và suốt cả buổi, các bà mẹ rôm rả có mỗi một chủ đề – sẽ đi nghỉ hè ở đâu.

Nhà thì đi Phú Quốc, nhà thì đi dọc bờ biển miền trung, nhà thì đi Hà Nội để từ đó đi tiếp Sa Pa, Hạ Long, lại có cả mấy nhà đi du lịch nước ngoài. Kế hoạch nào nghe cũng “hoành tráng” cả. Ai cũng tâm lý, kỳ nghỉ này vừa là thưởng cho đứa con cưng của mình một năm ngoan ngoãn, cũng vừa là dịp để bố mẹ thoát khỏi công việc bừa bộn mệt mỏi, để được ăn chơi hưởng thụ một chút. “Làm cả năm, cũng phải xả láng một tí cho sướng đời chứ tội gì”.

Chắc các bạn cũng giống nhóm “bà tám” chúng tôi, đều đang suy tính cho kỳ nghỉ hè sắp tới. Bản thân tôi cũng trông ngóng đến kỳ nghỉ này...

Cả nhà tôi đều thích biển, ra bờ biển nằm lè phè, ăn hải sản, bơi ì oạp, còn gì thích bằng. Nhưng tôi muốn chia sẻ với các bạn một chút thôi: mình hãy cùng “du lịch xanh” nhé.

Các bạn đừng mắng tôi nhiều chuyện,  tôi xin hứa là du lịch xanh không có nghĩa là bạn phải thoả hiệp mức “phè phỡn” của mình đâu. Nhưng sao du lịch mà cũng phải “xanh” vậy?
Du lịch là một trong những ngành bán lẻ lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 900 triệu khách du lịch quốc tế, (chưa kể các khách du lịch nội địa), tiêu xài khoảng trên 1 ngàn tỉ đôla, tức là khoảng 3 tỉ đôla mỗi ngày.

Chắc các bạn cũng khó hình dung, ngành du lịch là một trong những ngành có nhiều tác động nhất lên môi trường. Có ba tác động chính. Thứ nhất, nó làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm: ví dụ nguồn nước.

Nước được sử dụng cho các khách sạn, bể bơi, sân golf, công viên nước. Một sân golf trung bình ở các nước nhiệt đới như Thái Lan hay Việt Nam mỗi năm dùng lượng nước bằng với 60.000 người dân địa phương.

Hơn thế nữa, khách du lịch luôn có xu hướng sử dụng nhiều nước khi đi du lịch hơn là khi ở nhà (Bạn có thú nhận là bạn cũng có tâm lý này không?). Trung bình mỗi khách du lịch sử dụng từ 400 – 1.500 lít nước mỗi ngày, trong khi ở nhà, trung bình mỗi người chỉ dùng khoảng 150 lít.

Ngoài ra, với đặc tính theo mùa, nhiều nơi vào mùa cao điểm có lượng người sinh sống cao gấp 10 lần so với mùa thấp điểm, gây áp lực lên các nguồn tài nguyên địa phương như năng lượng, thực phẩm, và các nguyên vật liệu khác.

Thứ hai, du lịch gây ra các vấn đề ô nhiễm như bất cứ ngành công nghiệp nào khác. Mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu chuyến bay cất cánh trên toàn cầu, tức là khoảng hơn 80 ngàn chuyến mỗi ngày. Khách du lịch chiếm 60% những người đi lại bằng máy bay và du lịch hàng không là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tình trạng vứt rác bừa bãi là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp thường là ở các vùng nghèo, các khu vực xa xôi hẻo lánh, nên cũng không có hệ thống xử lý rác thải, và các điểm du lịch biến thành các bãi rác khổng lồ.

Thứ ba là các tác động vật lý: Các khu phong cảnh đẹp, như bờ biển, sông hồ, núi, rừng, thường là những khu vực tự nhiên có hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, và các hoạt động du lịch làm suy thoái các hệ sinh thái này:

Do xây dựng các công trình lớn, các hoạt động khai thác cát, gỗ, phá rừng, phá bờ biển làm khách sạn, các dịch vụ du lịch ngoài biển gây huỷ hoại rạn san hô và hệ sinh thái biển nói chung và các nguồn thuỷ hải sản, các tuyến trekking xuyên rừng nguyên sinh gây phá huỷ môi trường hoang dã của các loài.

Và những thói quen xấu của người đi du lịch: Các bạn thử nghĩ xem, có phải khi đi du lịch các bạn thường lười mang theo vật dụng cá nhân như dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng... mà thường phụ thuộc hết vào khách sạn. Bạn có biết mỗi năm các khách sạn lớn trên thế giới tiêu thụ khoảng hơn 600 triệu chai dầu gội và xả.

Và phần lớn mỗi chai chỉ được dùng một chút là lại bỏ đi, thải hàng đống nhựa và hoá chất ra môi trường. Rồi thì ai cũng lấy mấy tờ bản đồ hay quyển hướng dẫn du lịch miễn phí, hết chuyến đi lại vứt đi. Bao nhiêu cây bị chặt để in hàng triệu cái bản đồ và sách hướng dẫn chỉ được dùng một lần đó!

Lại “quan trọng hoá vấn đề” rồi. Cả năm được có kỳ nghỉ hè mà cũng định “o ép” hả? Tất nhiên là tôi không có ý định đó rồi. Tôi chỉ muốn các bạn cùng tôi lập một kế hoạch du lịch xanh thôi.

Chọn khách sạn: Bạn hãy chọn khách sạn có dịch vụ tiết kiệm nước và năng lượng. Bạn sẽ giúp tiết kiệm được 20% nước và 40% năng lượng so với khách sạn thông thường. Website của khách sạn chắc chắn có thông tin này đấy.

Thu xếp hành lý: Bạn hãy mang hành lý gọn nhẹ bao gồm những vật dụng cần thiết. Và tốt nhất là bạn mang đồ “toiletries” của mình. “Bật mí” là đồ của khách sạn cũng không phải là loại tốt đâu, nhiều khi cũng không hợp với tóc hay da của bạn. Và nhớ dùng máy ảnh kỹ thuật số nhé.

Hãy là một khách du lịch nhiều thông tin: Khi bạn đã quyết định đi du lịch ở đâu thì nên lên một hành trình thật kỹ càng, rồi tìm thông tin về những nơi mình cần đi trên mạng. Thay vì lấy nguyên cả quyển hướng dẫn, bạn hãy tìm và in ra những trang thật sự cần thiết, hoặc cái bản đồ. (Nhớ sử dụng giấy một mặt khi in nhé!)

Thay đổi thói quen: Nhân tiện nói đến in, tôi biết là rất nhiều các bạn hiện nay đã dùng vé máy bay điện tử.
Như thế cũng là “xanh” lắm rồi, so với loại vé in mấy liên ngày xưa. Nếu sắp tới tất cả vé máy bay đều là vé điện tử, thì ngành hàng không toàn cầu có thể tiết kiệm đến 3 tỉ đôla mỗi năm đấy. Tuy nhiên, bạn còn có thể làm tốt hơn thế nữa, bằng cách không in cả vé điện tử ra, mà chỉ lưu code vé máy bay, ký hiệu chuyến bay, giờ bay vào điện thoại di động, rồi đưa cho nhân viên lúc làm thủ tục.

Khi ở khách sạn, bạn hãy cố gắng chỉ yêu cầu thay khăn tắm, ga giường khi nào thấy cần thiết. Ngành công nghiệp khách sạn dùng 65 ngàn lít nước cho một phòng trong một năm cơ đấy. Bạn nên bật điều hoà ở mức vừa phải. Và nhớ tắt hết các thiết bị điện trong phòng khi ra ngoài. Tôi rất ghét nhiều người có cái thái độ “đằng nào cũng trả tiền phòng rồi!”.

Hãy hỗ trợ kinh tế địa phương: Phần lớn các địa điểm du lịch đều ở những địa phương còn nghèo. Bạn hãy chọn ăn ở những nhà hàng địa phương, mua quà lưu niệm của địa phương thay vì đồ làm ở nơi khác hoặc đồ nhập khẩu.

Du lịch mùa cao điểm: Nếu bạn có thể chủ động thời gian nghỉ phép, bạn nên tránh du lịch mùa cao điểm. Chắc các bạn đã nghe bao nhiêu chuyện về mỗi dịp 30.4 hay 2.9, mọi người ùn ùn kéo nhau đi nghỉ.

Lần nào cũng lặp lại tình trạng đi nghỉ mà chỉ chuốc thêm bực bội: Giá phòng nghỉ, giá ăn uống thì bị đội lên đến mấy lần, chất lượng dịch vụ thì kinh khủng, mà ai cũng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Những bãi biển thì hầu như chả ai bơi được vì đông quá. Chưa kể việc các con đường cửa ngõ ra vào thành phố thì tắc nghẽn hàng giờ liền, đi nghỉ như vậy thì còn mệt hơn ở nhà.

Tôi rất hiểu là khi đi nghỉ, ai cũng muốn được sung sướng. Nhưng tôi chắc là một kế hoạch du lịch xanh cũng không làm cho kỳ nghỉ của bạn kém vui, mà nó lại giúp bạn giảm chi phí, và bạn cũng cảm thấy hài lòng vì mình đã giúp cho cả cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường. Hãy làm một công dân thời thượng biết bảo vệ môi trường, đi du lịch xanh với tiêu chí hãy đừng lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân.

Chúc các bạn có một kỳ nghỉ tuyệt vời, và biết đâu, nhà tôi lại “chạm trán” với nhà bạn trên một bãi biển nào đó. Khi đó các nhà chúng ta sẽ cùng giao lưu và “tám” tiếp nhé.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Thị Minh Hồng (SGTT), ảnh internet