Mùa hè nóng như đổ lửa cũng là lúc những vườn vải quê tôi nhuộm một màu đỏ sậm. Những quả vải đặc sản đang đem đến sự thay da đổi thịt cho mảnh đất Thanh Hà (Hải Dương).

< Trái vải thiều Thanh Hà.

Từ bao đời nay mảnh đất Thanh Hà là một vùng quê trù phú với hoa thơm, quả ngọt quanh năm nhờ phù sa của các con sông Rạng, sông Hương, sông Thái Bình bồi đắp. Gần 200 năm trước, cây vải đầu tiên được đem về đây ươm trồng. Nhờ sự ưu ái của trời đất, thiên nhiên với mảnh đất Thanh Hà giống tốt gặp đất phì nhiêu đã cho ra một sản vật nổi tiếng, để mỗi khi nhắc tới vải người ta lại nhớ ngay đến mảnh đất Thanh Hà.

Nghe các cụ trong làng kể lại, tương truyền người có công đưa giống cây vải thiều về nơi đây là cụ Hoàng Văn Cơm, một người con của mảnh đất Thanh Hà. Năm 25 tuổi, cụ đi buôn bán và giao thương với người Hoa ở Hải Phòng và được ăn quả vải, thấy hương vị ngon nên cụ đã mang 3 hạt về ươm tại vườn nhà. Ba hạt đều nảy mầm nhưng chỉ còn một cây tồn tại, đó chính là cây vải tổ hiện nay.

Vải thiều được ví như một cô gái đẹp nhưng chóng tàn bởi mùa vải chín rộ trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 âm lịch. Tuy vậy, mỗi mùa vải lại là một trải nghiệm thú vị đối với bọn trẻ chúng tôi.

Nhớ hồi nhỏ, bố mẹ thường giao cho chị em chúng tôi đi trảy vải, rồi theo mẹ đi bán vải ở chợ huyện. Vải thì rất nhiều nhưng vải nhà tôi vẫn không bao giờ bị ế và cứ mỗi khi bán được hết hàng, mẹ lại tìm mua cho chị em chúng tôi tấm bánh hay mảnh vải may quần áo.

Mùa vải chín cũng là lúc hình ảnh Thanh Hà đẹp nhất, đặc trưng nhất. Dù đứng ở bất cứ nơi đâu trên đất Thanh Hà đều nhìn thấy những chùm vải lúc lỉu chín đỏ. Từ trên cao nhìn xuống, màu xanh của lá vải đã bị màu đỏ của trái vải lấn át, mỗi chùm vải trông như những đĩa xôi được nhuộm màu rất khéo.

Quả vải còn có tên là lệ chi (giọt nước mắt). Tôi chợt nghĩ đến những quả vải chín mọng kia, đằng sau lớp vỏ gai đỏ với màng bọc trắng tinh là giọt nước mắt của đất trời, giọt nước mắt ngọt ngào…

Vải thiều Thanh Hà không to như các loại vải khác, quả chỉ vừa phải, tròn, dày dặn, mịn và có gai lì. Vỏ vải thiều mỏng và không đỏ ối như vải các nơi khác. Bóc quả vải bỏ vào miệng, cắn một cái là răng ngập vào lớp cùi dày trắng nõn. Nhiều khi chẳng thấy hạt vải đâu, phải nhằn tìm để khỏi nuốt phải hạt. Đặc biệt, mùi thơm của vải ăn xong vẫn còn vương vấn mãi.

Trái vải dễ tiêu hóa, an thần. Dùng vải tươi hay khô đều tốt cả. Vải sấy khô cùi đen lại, dẻo quánh, ngọt vô cùng. Khi ăn, ta có cảm giác như ăn một quả táo Tàu thường có vị thuốc Bắc. Được ăn trái vải sấy khô và uống một ly trà nóng ấm thì thật không còn gì thú hơn. Ở Thanh Hà, nhà nào cũng có bình rượu ngâm vải sấy khô.

Cách phân biệt vải thiều Thanh Hà với loại vải lai:

Vải thiều Thanh Hà cỡ ngón chân cái, chùm và quả to khá đều, màu da vải không quá sậm. Khi bóc ra, cùi vải dày, mọng nước. Trong khi giống vải lai quả to mọng, thân thuôn dài, hạt to, còn hạt vải thiều gần như bị triệt tiêu, sun lại chứ không thành hạt như vải lai. Vải thiều khi cho vào miệng sẽ có cảm giác ngọt dịu, thơm mùi đặc trưng chứ không như vải lai có lẫn vị chua.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Nga (TTO), VnExpress