Mới đầu hè mà trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi tìm đến bãi Dừa thuộc xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) để trú nắng. Ngồi trên bè nổi bồng bềnh trên dòng sông Vực Hồng cảm thấy thật mát mẻ, khoan khoái giữa trưa nắng gắt...

< Lên bè nổi ở bãi Dừa.

Bè nổi ở bãi dừa cách TP.Quảng Ngãi chỉ chừng 9km về hướng đông.

Ở nơi đây, gió từ phía biển đẩy vào, cộng hơi nước từ sông bao trùm lên các bè nổi giữa trưa hè mát rượi. Du khách thử một lần đặt chân đến, ngồi bồng bềnh trên các bè nổi nếp mình dưới bóng dừa xanh, thưởng thức các món hải sản vừa mới vớt từ sông, biển lên chế biến, sẽ khó quên với cảnh thiên nhiên, sông nước, êm đềm nơi đây...

Thu hút khách du lịch

"Quê tôi tận miền sơn cước, quen hưởng không khí mát lành từ rừng xanh, từ những cây tỏa bóng. Giờ, sống và làm việc giữa thành phố này, mấy ngày qua, nóng quá phải tìm về chốn sông nước để tránh nắng". -  Một du khách tên Duy ở Ba Tơ cùng những người bạn đang ngồi đong đưa trên bè nổi nói.

Khoảng 7 giờ sáng, mặt trời đã chói lọi đằng đông. Du khách lần lượt đổ về. Dọc dài bến sông Vực Hồng dưới những tán dừa có nhiều quán kinh doanh bè nổi. Những tấm sàn làm bằng tre được kết thành trãi dài từ bến đến nhà nổi giữa dòng sông. Du khách khoan thai bước lên theo ý thích của mình mà không có bất cứ bàn tay kinh doanh nào chèo kéo.

Du khách thỏa thích tận hưởng không khí mát lành, ngắm cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt đời thường, như đánh cá, bà con sục khí hồ nuôi tôm... ngay bên cạnh.

Ở phía đầu nguồn, những em thơ bơi lội tung tóe nước. Bức tranh  thủy mặc, gần gũi, bình dị ở vùng quê sông nước nơi này như gợi cho chúng ta bắt gặp ở đâu đó bóng hình tuổi thơ của chính mình, của ông bà, cha mẹ người thân một thời.

Mặt trời lên cao, nắng đổ vàng dưới dòng sông, cũng là lúc mùi thơm "nức" mũi đâu đó tỏa ra. Du khách bước vào trong bè nổi mới bắt gặp những nữ "tiếp viên" lịch thiệp chào hỏi chọn món. Những món ăn dân dã được chế biến từ các loại cá quen thuộc vừa mới vớt lên ở vùng nước "chè hai", ở các đìa tôm bên cạnh như cá đối, cá móm, cá dìa... hay tôm thẻ chân trắng. Lai rai vài món, vài lon bia hay lon nước, rồi ăn chén cháo sò quyện với gia vị hành tươi thơm lừng, đậm đà mùi vị quê hương đến lạ.

Ngồi trên bè nổi như đang bồng bềnh giữa dòng sông mà chúng ta không bao giờ sợ ướt. Bởi, bè làm thật kiên cố. Nguyên liệu bằng tre. Muốn làm bè phải tốn khá nhiều tre, tùy thuộc vào bè to hay nhỏ. Kỹ thuật làm bè phải xếp tre thành hai lớp ngang dọc rồi gắn lốp xe bên dưới. Phía trên phủ lá dừa nước hay tranh, lá mía tùy gia chủ.

Chủ quán Yến Mi cho hay: "Lúc đầu chỉ làm một bè kéo từ bờ dài ra ngoài sông khoảng 5 - 6 mét. Khách thập phương đến Thu Xà đốt nén hương ở Chùa Ông hay viếng mộ Bích Khê rồi rảo bước ghé đến đây du ngoạn. Thế rồi, khách đến ngày càng đông nên mở thêm 2 bè nữa mà vẫn không đón hết khách".

Bình quân mỗi ngày chị Mi bán được từ 30 - 40 kg cá, tôm theo yêu cầu của khách. Mấy ngày qua trời nắng nóng, lượng khách đổ về đông nghẹt. Bè thì có hạn nên du khách đứng ven bờ sông trú nắng, ngắm cảnh thiên nhiên rồi ra về trong sự tiếc nuối được một lần đặt chân lên bè nổi.

Tận dụng các cửa biển

Bè nổi bãi Dừa ở Nghĩa Hòa được dựng lên thuận lợi là nhờ lưu vực dòng sông sâu, rộng kết hợp với sóng biển bổ nhẹ vào cửa biển tạo nên sự đối lập giữa sông, biển nên sông thật bình lặng, êm đềm. Không biết bè nổi được thả trên dòng sông Vực Hồng có từ bao giờ. Nhưng theo những người dân nơi đây thì có khoảng 5-6 năm trở lại. Lúc đầu chỉ có 1- 2 bè, đáp ứng cho khoảng 20 -30 khách du lịch từ nơi xa đến. Nhưng nay đã lên đến hàng chục bè được thả dọc ven sông Vực Hồng.

Ngồi trên bè nổi du khách tận hưởng không khí mát lành mà không cần bất cứ máy lạnh hay máy quạt gì. Gió từ phía biển, từ hơi nước còn trong lành ở dòng sông bốc lên. Nơi đây, không có nhạc cổ điển, nhạc trẻ, trữ tình... nhưng du khách vẫn cảm nhận được âm thanh du dương từ sóng biển bủa nhẹ rì rào vào mép bờ.

Cảnh sông nước thật yên tịnh, nhưng không phải tách hẳn ra cuộc sống thường nhật. Bởi, trong không gian lắng đọng này là dịp để du khách ngẫm nghiệm lại việc đã làm và định hướng sắp đến.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết: Sau khi công trình chống sạt lở kè Hòa - Hà xây dựng hoàn thành xã tận dụng lòng sông này mở mô hình dịch vụ bè nổi trên cơ sở đã có các bè của tư nhân phục vụ du khách. Đồng thời, bảo vệ cảnh quan nguyên vẹn, môi trường trong lành đảm bảo du khách thưởng ngoạn trong những ngày hè, ngày xuân.

Điểm bè nổi bãi Dừa gợi mở cho ngành chức năng Quảng Ngãi tận dụng các cửa biển để xây dựng mô hình bè nổi thu hút khách du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ngãi Online, internet