Anh bạn người ngoại quốc đến tìm tôi, mang theo niềm băn khoăn không biết tìm nơi nào để trả hai con cò nhỏ mà anh vô tình có được về “nhà” của chúng. 

Thấy anh xót xa ngó hai con cò yếu ớt bị nhốt trong rọ, tôi tự nhủ không được ngại khó, phải đưa chúng, và cả người bạn yêu thiên nhiên này nữa, về đúng nơi được gọi là xứ sở của các loài chim...

Thả chim, bắt cá ở U Minh Hạ

6 giờ sáng, chiếc máy bay đưa chúng tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất xuống sân bay Cà Mau. 6 giờ 50, hai du khách mang theo hai con cò hối hả đón xe ôm phóng thẳng ra bến tàu cao tốc để đi U Minh Hạ.

Ca nô lướt sóng giữa dòng sông rộng mênh mông, giữa tiếng rì rào của rặng tràm xanh mướt hai bên bờ. 45 phút sau, chúng tôi phải chuyển qua chiếc ghe chèo nhỏ bé thì mới có thể len lỏi giữa ngút ngàn đước xòe rễ ngoằn nghèo, gốc mắm xù xì và lềnh khênh tràm.

Chim sáo nâu, sáo đen dạn dĩ chuyền cành, vài con vạc khuấy dòng nước đã đỏ ngầu thành nâu sậm sủi bọt. Và cò, đúng là xứ sở cò, tổ cò thấp thoáng trong bụi, lơ lửng ngọn cây, phân cò rớt trắng phau lá tràm.

Chúng tôi vừa mở cửa lồng, đôi cò lập tức bay vút lên cao rồi đậu trên một nhánh bần, ngước mỏ như cám ơn đã cứu mạng chúng. Đàn cò xúm xít chào mừng bạn mới.
Cò ở đây đủ loại: cò lửa lưng hung hung chạy tới chạy lui từng bầy, cò trắng lả lướt bay lượn. Trên không trung, vài vạt bông lau phất phơ hệt mây bay.

Trên mặt nước, rau cỏ không tên đua nhau vươn, bông tím, bông vàng, nụ đỏ dệt thành tấm thảm tuyệt sắc. Giữa trảng cỏ năng mơn mởn cùng bèo, súng nở hoa tím biếc, đám gà nước lông vàng đen, mỏ đỏ, ngực màu thiên thanh lăng xăng kiếm ăn.

Đi trong Vườn quốc gia U Minh Hạ rợp bóng cây, lâu lâu mới gặp vài tia nắng óng ánh trên mặt nước đỏ nâu. Du khách được quyền mua vé câu cá nên chúng tôi hưởng thú vừa ngoạn cảnh vừa buông mồi câu.

Trong khi cần câu của tôi dính hai con cá lóc to hơn bắp tay, thì bạn đồng hành buồn hiu vì cả tiếng đồng hồ mà dây câu vẫn... im re. Bỗng dây câu nhấp nhấp, bạn tôi giựt lẹ, chao ôi khủng khiếp, một con rắn rằn ri uốn éo!
Người lái ghe cười tỉnh bơ, vừa cầm đầu con rắn tháo ra khỏi lưỡi câu, vừa giải thích: rắn bông súng chỉ ăn cá chứ không cắn người, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như các loài rắn khác.

Ghe của chúng tôi cặp vô chòi lá giữa rừng. Vợ chồng bác lái ghe đã chuẩn bị sẵn rơm. Bác trai lúi húi nhúm lửa rồi xiên từng con cá lóc và con rắn bông súng vô cành cây, đút vào lửa rơm. Phút chốc mùi thơm nồng khắp không gian...

Chạm vào cột mốc quốc gia

Ngày kế tiếp, chúng tôi đón tàu đi Đất Mũi. Vòng cung phù sa từ các dòng sông đổ ra biển lắng tụ thành hàng trăm hecta bãi bồi trải từ phía đông sang tây của Đất Mũi. Lớp lớp sú, vẹt, mắm, đước xanh thăm thẳm hừng hực sức sống.

Chúng tôi thích thú chứng kiến những trái đước, vẹt rơi thẳng tắp xuống bùn. Đây sẽ là những “chiến sĩ” tương lai bảo vệ đất đai không bị hải vương cuốn trôi.
Một bờ kè bằng đá kiên cố được xây dựng quanh bờ chót mũi. Phía ngoài kè, nhà hàng thủy tạ nổi lên giữa bốn bề sóng nước, chiếc cầu nhỏ nối với nhà hàng Đất Mũi, trông cô đơn một cách lãng mạn.

Một cảm giác thật khó tả khi đứng bên mốc tọa độ quốc gia với điểm tọa độ GPS 001. Biểu tượng mũi Cà Mau hình mũi thuyền có bệ cao màu trắng ghi dòng chữ: 8º37’30” Vĩ độ Bắc, 104º43” Kinh độ Đông, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay.

Tàu từ giã Đất Mũi, đưa chúng tôi tham quan chợ nổi Năm Căn. Tấp nập ghe xuồng bán thơm, vú sữa, mít, chuối, bánh tét, bánh bò, rau cải, vải vóc... Chợ trên sông nhộn nhịp còn hơn chợ trên bờ.

Rời chợ nổi, chúng tôi đến Hòn Đá Bạc. Bước lên cây cầu dài hơn 400 mét nối đất liền với đảo, sóng biển nhấp nhô hai bên, cảm giác phiêu diêu bềnh bồng. Đảo nhiều đá, tảng nối tảng liền khít chồng chất nhau.

Trên đảo có một khoảng đồi rộng khoảng 50m2, gọi là “Sân Tiên”. Có truyền thuyết rằng, nơi đây xưa tiên nữ hay tắm. Lăng Ông Nam Hải oai nghiêm sừng sững trên đỉnh núi của hòn, bên trong thơ bộ xương cá voi dài trên chục mét, nặng 14 tấn.
Phía dưới chân Lăng Ông, sát mép nước là bức tượng đá Bàn Tay Phật. Kỳ lạ, giữa biển khơi, nhưng bàng cổ thụ vẫn sum suê đầy sức sống cùng rừng và thảm thực vật nguyên sinh.

Tha thẩn tìm yến sào men vách đá và hàu ở kẹt đá là một thú vui chỉ nơi đây mới có. Cảnh thần tiên hoa cỏ chìm lẫn trong đại dương khiến Hòn Đá Bạc chẳng khác nào bồng lai biển khơi...

Muốn thăm hết thắng cảnh Cà Mau phải mất nhiều thời gian: nào đảo đá Hòn Khoai và rừng nguyên sinh gần như nguyên vẹn; nào di tích Đình Tân Hưng; nào bãi biển cát vàng Khai Long...

Nhiều nhất phải kể đến sân chim: Chà Là, Đầm Dơi, Tân Tiến, ngay giữa thành phố cũng có sân chim Cà Mau khá lớn. Khi bình minh lên và lúc hoàng hôn xuống, chim bay rợp trời, du khách tha hồ chiêm ngưỡng thế giới thiên điểu trên chóp mũi Cà Mau.

Du lịch, GO! - Theo Dương Văn Minh Lộc / Doanh nhân Sài Gòn