Trời tháng 3 nóng nực, chị Thu Hồng ở Cty Du lịch Tây Ninh rủ chúng tôi làm một tua vùng lòng hồ Dầu Tiếng và lên núi Cậu khám phá suối Trúc. Khởi hành qua khỏi trung tâm huyện Dương Minh Châu, gió từ lòng hồ đã thổi lồng lộng, cả nhóm ai nấy cũng tranh thủ hít thở không khí trong lành.

Không ồn ào, náo nhiệt, hồ Dầu Tiếng vẫn còn nét hoang sơ, mộc mạc. Quanh bờ đê cũng có hàng quán ăn uống, giá cả hợp lý chứ không đắc đỏ. Đứng trên con đê cao ngút, hóng gió từ nơi lòng hồ mênh mông thổi vào, mọi người có cảm giác chao đảo, đôi lúc đôi chân muốn nhấc lên khỏi mặt đất bởi những đợt gió mạnh. Từ khơi xa, lác đác vài chiếc xuồng câu nhấp nhô chẻ sóng vào bờ; dọc theo chân đê là từng nhóm người phơi mình với thú vui câu cá; tiếng gió thổi vi vút, tiếng sóng vỗ dạt dào làm ai nấy khoan khoái như trút hết bao gánh nặng.

Xuống lòng hồ thưởng ngoạn

Hồ Dầu Tiếng là một biển nước mênh mông do con người tạo ra từ công trình thủy lợi. Với diện tích rộng trên 27.000ha và 1,5 tỷ m3 nước, hồ không những có chức năng tưới cho hàng trăm ngàn ha đất trồng mà còn là một vùng cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Lòng hồ Dầu Tiếng có nhiều đảo nhỏ: đảo Suối Nhím, đảo Xỉn, phía trước là đảo Trảng và xa xa kia là đảo Đồng Bò. Các đảo ở lòng hồ được tô điểm thêm bởi tấm áo màu xanh cây rừng, màu đỏ của các hoa dại, điểm xuyết thêm sức quyến rũ của các loài ong bướm.

Ở nơi giữa lòng hồ mênh mông là một màu trời mây nước xanh biếc. Từ đây phóng tầm mắt hướng vào bờ, mới cảm nhận hết toàn cảnh bức tranh sơn thủy hữu tình của hồ Dầu Tiếng. Trong đó có dãy Núi Cậu sừng sững đang ôm ấp mây trời; một đồi Thơ thoai thoải bên cánh rừng nguyên sinh in hình soi bóng nước; một ngọn núi Bà Đen hùng vĩ án ngữ một phương... tất cả thật đẹp và quyến rũ.

Lên non ngắm suối Trúc

Núi Cậu cách hồ Dầu Tiếng 5km (hướng tỉnh lộ 751), nhưng phải đi xuyên rừng cao su bạt ngàn mới đến được. Suối Trúc nằm trên một ngọn núi cao nhất trong cụm Núi Cậu (gồm 12 nhóm lớn nhỏ). Cụm núi này được xem là đoạn cuối của dãy Trường Sơn hùng vĩ dài nhất Đông Dương. Có tên gọi Núi Cậu, suối Trúc, “người khổng lồ”... là do ngọn suối len mình giữa bạt ngàn rừng trúc thiên nhiên nên dân địa phương đặt tên là suối Trúc. Cũng có người gọi là suối Tre hoặc suối Tiên. Còn “người khổng lồ”, núi Cậu là cả một câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại.

Để khám phá cảnh đẹp hoang sơ của suối Trúc, chúng tôi bắt đầu từ hạ nguồn ngọn suối, đi len qua rừng trúc xanh nằm hai bên con đường mòn nhỏ mới lên được thượng nguồn trên Núi Cậu. Vào những địa danh từng là nơi trú ngụ của “người khổng lồ” trong câu chuyện truyền thuyết. Đi trên những ghềnh đá bằng phẳng, vuông cạnh, được “người khổng lồ” sắp đặt thành những bậc thang là đến bãi đá “bát quái trận đồ”, trong đó có hàng triệu hòn đá lớn nhỏ được thiên nhiên xếp thành những bàn ăn lý tưởng.

Tiếp theo “bát quái trận đồ” là bãi đá bị nước mưa xâm thực tạo thành từng lọn sóng đá cuồn cuộn như có ai đó với sức mạnh phi thường đã tô khắc lên chúng. Còn theo truyền thuyết, thì đây là chiếc giường mà năm xưa “người khổng lồ” đã nằm. Chính nỗi nhớ thương người vợ đã mất, “người khổng lồ” không thể ngủ mà nằm lăn lộn, vật vã trằn trọc nhiều đêm, làm cho “chiếc giường” tạo thành những nét uốn lượn, gợn sóng trên bãi đá. “Chiếc giường” này rộng hơn 3km2, có thể chứa khoảng 300 chiếc lều dã chiến. Qua khỏi “giường đá” là một đoạn suối ngắn rất nên thơ, được gọi là “Hồ Than Thở” và “Thác Bậc Thang”, hai điểm này thú vị cho “tắm tiên” và bắt cá .

Suối Trúc trên thượng nguồn Núi Cậu, tách biệt với người dân nên dòng nước nơi đây rất trong sạch và mát ngọt. Suối Trúc hùng vĩ nhất vào mùa mưa, lượng nước từ thượng nguồn đổ về tạo nên cảnh quan rất hoành tráng. Đến suối Trúc thả mình vào dòng nước đang chảy, thư giãn cùng rừng trúc đang đu đưa theo gió làm cho chúng tôi quên hết những mệt nhọc sau chuyến du ngoạn đầy thú vị.

Du lịch lòng hồ Dầu Tiếng, và Suối Trúc trên thượng nguồn cụm Núi Cậu là tiềm năng cần được đánh thức, để vùng biên thùy của Tổ quốc trở thành một điểm khám phá hấp dẫn.

Du lịch, GO! - Theo báo Đất Mũi, internet