Gần bốn giờ khám phá hệ thống hang động Tràng An, Ninh Bình mới thật sự hiểu ai đó đã ví von danh thắng này như một “Hạ Long trên cạn”.

< Khung cảnh non nước hữu tình của Tràng An chẳng khác một vịnh Hạ Long thứ hai.

Dù đã đến động Phong Nha nhưng Tràng An vẫn cho cảm xúc đầy ắp khi con thuyền nhỏ tiến vào cửa hang sâu hun hút, lấp lánh những nhũ đá với muôn hình kỳ lạ.

< Trước khi vào khám phá hang, du khách sẽ bắt gặp những khoảnh khắc thơ mộng trên sông.

Hệ thống hang động Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi với 12 hang động nằm xuyên qua lòng các dãy núi lớn và ngập nước thường xuyên, thông với nhau bởi các thung nước.

Vào hang tìm châu báu

Nếu tìm được một địa thế cao, chắc chắn bạn sẽ no mắt trước khung cảnh non nước hữu tình của Tràng An chẳng thua kém vịnh Hạ Long, trước khi bước vào cuộc khám phá hang động bên trong. Xuất phát từ bến thuyền Sào Khê, điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình là hang Địa Linh, người dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên cổ xưa là hang Châu Báu. Gọi là hang Châu Báu bởi lẽ khi vào trong lòng động du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu từ ngàn xưa với bao nhiêu ngọc ngà, châu báu giờ đây đã hóa thạch.


< Phong cảnh hữu tình thu hút bao du khách.

“Cẩn thận trên đầu nhé” - người lái đò nhắc chúng tôi sau khi lọt qua cửa hang bé tẹo chỉ đủ cho từng chiếc thuyền chầm chậm tiến vào. Như bức màn sân khấu được kéo lên sau khi ánh sáng ngoài trời vụt tắt, những nhũ đá trắng phau, đẹp lung linh như ngọc khi ánh đèn flash của ai đó bất chợt lóe lên.

Ánh sáng phía đầu hang le lói xuất hiện báo hiệu sắp đi hết qua hang Châu Báu. Ra khỏi cửa hang, một khung cảnh sơn thủy hữu tình như bức tranh thủy mặc hiện ra trước mắt chúng tôi. Chưa kịp thu hết cảnh đẹp vào ống kính thì trời bỗng nhiên tối sầm lại..., con thuyền từ từ tiến vào một hang động mới.

Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua. Như để minh chứng câu chuyện này, khi thuyền chúng tôi đi đến khoảng giữa của hang, một cảnh tượng diễn ra khá vui mắt với ngổn ngang những hũ, vại được kể rằng đó là vật dụng để nấu rượu khi xưa.

< Từng chiếc thuyền nhỏ lần lượt tiến vào hang động.

Ở hang Ba Giọt thì quả thật ấn tượng. Nhũ đá tuyệt đẹp với đủ màu sắc xuất hiện làm hoa cả mắt người chiêm ngưỡng. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống như thể cố thả mình xuống tắm làn nước trong xanh đến lạ thường phía dưới. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới...

“Ai đi qua hang này mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu...” - người lái đò giải thích với chúng tôi.

Cây thị nghìn tuổi

< Những cửa hang rộng hơn có thể lọt hai chiều thuyền đi lại.

Khác với hệ thống hang động ở Phong Nha - Quảng Bình, khi đến du ngoạn tại Tràng An hành trình khám phá của du khách là một vòng tròn, không phải quay ngược lại con đường cũ. Vì thế, lỡ bỏ qua cảnh đẹp nào, chưa chộp được bức tranh bí hiểm nào thì coi như hẹn dịp khác. Một điều khó chịu cho các tay máy nghiệp dư là ngồi trên thuyền rung lắc, rất khó chụp được những bức ảnh ưng ý dù cảnh đẹp ngay trước mặt.

Hệ thống hang động ở đây được ví như một trận đồ bát quái, chạy hình vòng cung thoắt ẩn thoắt hiện... Điểm khác biệt nữa của hang động Tràng An là sự xuất hiện đầy bất ngờ của các cửa hang. Chẳng ai có thể ngờ cửa hang được giấu kín dưới đám dây leo rậm rạp, hay đôi lúc tựa như một hàm ếch...

Khi qua khỏi hang Nấu Rượu, thuyền bất ngờ cập bến, chúng tôi bắt đầu chinh phục chuyến leo núi đến với đền Trần. Leo qua hơn 500 bậc đá sẽ đến được một ngôi đền nhỏ có những nét kiến trúc độc đáo được chạm khắc trên đá hết sức tinh xảo với hình thù chim phượng hay cá hóa phượng.

< Nhũ đá trên cao thả mình xuống như những dải lụa.

Còn ở Thung Khống du khách có thể đặt chân đến Phủ Khống, đền thờ một vị quan trấn ải kinh đô thời vua Đinh. Ở đây có một cây thị với niên đại khoảng nghìn năm tuổi, mọc trên một gò đá, rễ cây bao trùm kín trên tảng đá với diện tích khoảng 10m2. Điều kỳ lạ là khi cây thị này ra quả thì luôn cho hai loại quả đan xen nhau ở các cành, một loại quả tròn có hột và quả dẹt thì không hột.

Lưu ý:
Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi Tràng An - Ninh Bình theo hướng quốc lộ 1, mất khoảng hai giờ. Từ TP Ninh Bình đến Tràng An ước chừng 7km, đến đây bạn gửi xe và xuống thuyền. Giá thuyền để đi toàn bộ hệ thống đường thủy là 500.000 đồng.

Thuyền có thể chở tối đa sáu người nhưng để đảm bảo an toàn nên ngồi bốn người. Vì đi mất khoảng bốn giờ với 5km đường thủy nên nên phải mang theo đồ ăn nhẹ và chú ý không vứt rác xuống nước, không hút thuốc trong hang động.

Du lịch, GO! - Theo TTGN

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình)
Tràng An - một nét sơn thuỷ
Về Tràng An vượt xuyên thủy động