Dù đã quen với đường núi, nhưng vượt đèo Khau Phạ với tôi dường như vẫn hơi quá sức bởi tính chất hiểm trở, gian nan và thực sự là thử thách với bất cứ tay lái xe côn tay nào. Từ Hà Nội theo QL 32 khoảng 300km, đường quanh co hiểm trở, một bên là núi, một bên là vực. Đoạn nào thẳng thớm một chút thì được coi là may mắn đối với dân phượt chuyên đường núi.
Đèo Khau Phạ được mệnh danh là đèo hiểm trở và dài nhất trên Quốc lộ 32 với độ dài trên 30km nằm ở khu vực giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có... Khau Phạ theo tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời. Ban đêm Khau Phạ lạnh tê tái, nhưng ban ngày lại chịu một cái nóng khô rất khó chịu đặc trưng của vùng núi.
Điều đặc biệt ở Khau Phạ là ngay trên đỉnh đèo có một nhà hàng làm toàn bằng gỗ. Nếu từ Hà Nội lên Lai Châu từ sáng thì chỉ tầm trưa là đến nhà hàng này nghỉ chân. Hôm chúng tôi ghé nhà hàng, dù đã qua tết được gần 2 tháng nhưng trong nhà vẫn còn một cành đào rừng to, tươi thắm khoe sắc. Chẳng phải nói cũng hiểu anh em trong đoàn cảm thấy bất ngờ và thú vị thế nào.
Ai cũng tranh thủ chụp ảnh. Những tưởng vùng núi thì món ăn chỉ có thịt lợn, thịt gà, thế nhưng hôm ấy chúng tôi được nhà hàng đãi món cá tầm thái lát ướp gỏi chanh thơm phức.
Ai cũng ngạc nhiên, hỏi ra mới biết ông chủ nhà hàng đã cho xây hẳn một bể nuôi cá tầm, tận dụng nguồn nước từ trên núi nên cá rất chắc thịt, thơm. Gắp một lát cá đưa lên miệng không quên nhón thêm cọng rau thơm, chấm ít mù tạt cay lên tận mũi mới thấy bõ công lặn lội bao đường đèo.
Đến Khau Phạ, đi qua Tú Lệ mà không mang về một yến gạo nếp Tú Lệ thì thật uổng. Thứ gạo nếp trắng, chắc, thơm, nếu được đồ xôi chim thì ngon phải biết!
Khoảng 2h chiều, cuộc hành trình chinh phục Sừng Trời tiếp tục. Từ Khau Phạ lên Lai Châu chỉ còn gần 200 cây số, nhưng thực sự là những thử thách với bất cứ tay lái lụa nào. Nhiều đoạn cua, chúng tôi chỉ dám đi với tốc độ 20km/h và phải bấm còi liên tục bởi bị che khuất tầm nhìn và không có gương cầu lồi, đường rất hẹp.
Trong cái lạnh còn sót lại cuối mùa, sương phủ kín vây chặt lấy người, đường dài hun hút. Chỉ đến khi nhìn thấy tấm biển đề địa phận Lai Châu mới thấy người nhẹ nhõm. Hành trình vượt Sừng Trời cho ta thật nhiều cảm xúc.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương. Vào mùa lúa chin, ruộng bậc thang ở bản Cao Phạ dưới chân đèo vàng rực tiếp nối nhau chảy tràn trề… Đây cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh.
Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.