Từ tuổi thiếu niên bước vào giai đoạn trưởng thành (17 tuổi trở lên), để có thể "danh chính ngôn thuận" và được thừa nhận là có đủ tâm, tài, lực để tham gia gánh vác những phần việc hệ trọng của gia đình, cộng đồng, chàng trai Ê Đê nào ở huyện Ea Sup (Đăk Lăk) cũng phải trải qua lễ khôn lớn (tiếng Ê Đê gọi là Mpú Tôh-kông - Mpú Tohkoong).

< Thanh niên Ê Đê vào tuổi trưởng thành.

Lễ được tổ chức to hay nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà và là nghi thức bắt buộc. Thế nhưng, cũng có nhiều người Ê Đê đã đến tuổi trưởng thành nhưng không thể làm lễ do gia đình không có điều kiện sắm lễ vật.

< Một chàng trai Ê Đê được làm lễ Mpú Tôh-kông.

Cũng giống như người Kinh, khi con tròn một tháng tuổi phải làm lễ đầy tháng (cúng bỏ guốc), một năm phải làm lễ thôi nôi, 12 tuổi phải cúng ông Táo… thì việc cúng lễ trưởng thành của người Ê Đê được tổ chức năm lần và do cha mẹ đẻ sắm sửa mâm cỗ, làm lễ. Nếu cha mẹ không có điều kiện thì có thể anh chị em cúng thay.

Đối với người Ê Đê phải trải qua năm lần làm nghi lễ trưởng thành thì người đó mới thật sự trưởng thành. Lần đầu tiên, nghi lễ cúng một ché rượu và một con gà. Lần thứ hai cúng ba ché rượu và ba con gà. Lần thứ ba cúng ba ché rượu và một con heo. Lần thứ tư cúng năm ché rượu và một con heo thiến (heo thiến phải lớn, phải đãi đủ bà con trong buôn làng ăn một bữa). Lần thứ năm cúng bảy ché rượu và một con heo thiến.

Ngày lành đã chọn, ngay sớm tinh mơ, chàng thanh niên được làm lễ khôn lớn diện bộ trang phục truyền thống Ê Đê mới nhất, ra bến nước chung đầu buôn, chọn nơi thuận nhất để thực hiện thủ tục cởi áo, tháo khăn và gội đầu, rửa mặt. Sau thủ tục này, chàng phải hứng một bầu nước trong từ suối đầu nguồn để đem về làm lễ. Tại nhà chàng trai, toàn bộ lễ vật cần thiết đã được chuẩn bị sẵn sàng và phải có đủ cơm trắng, xôi nếp, thịt lợn, thịt gà, cá, rượu cần... Những thức này đều được cột khéo léo vào cọc.

Chàng trai từ suối trở về, cầm kiếm sắc bước về phía cầu thang nhà sàn, tự tay chém đứt hai cây chuối đã được trồng sẵn tượng trưng cho hình ảnh hạ gục kẻ thù. Khi bước vào gian nhà chính, chàng dựng kiếm bên vách phía đông, đi một vòng quanh 7 cây cột rượu theo hàng dọc đã được chuẩn bị rồi đến cúi đầu ngồi đối diện với thầy cúng.

Thầy cúng mặc đồ, vấn khăn nhiều màu sắc sặc sỡ, ngồi trước ché rượu cần đầu tiên, mặt hướng về phương mặt trời mọc, miệng đọc lời cầu khấn thần linh, tay vẩy một ít rượu hoặc nước suối lên người chàng trai...
Tiếng chiêng theo nhịp vang lên, thầy cúng khấn tế để các thần, tổ tiên ban cho gia đình, người thanh niên sắp được công nhận là trưởng thành sức khoẻ, may mắn, an lành. Thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho chàng trai thanh kiếm và chiếc khiên. Các sơn nữ Ê Đê vừa reo mừng vừa té nước vào anh ta thay cho những lời chúc phúc tốt đẹp. Tất cả mọi người trong buôn sẽ cùng tới để chia vui với gia chủ có thêm một lao động chính.

Phần cúng lễ xong, lần lượt những bậc cao niên rồi mọi người trong buôn đến vỗ vai chúc mừng chàng thanh niên và gia đình trước khi ngồi vào mâm cỗ vừa nghe tiếng chiêng rộn ràng vừa uống rượu cần cho say nghiêng cả đất trời.

Già Ma Bưng ở thị trấn Ea Sup (Đăk Lăk) bảo rằng: "Mpú Tôh-kông là lễ mà cộng đồng người Ê Đê ta còn gìn giữ mãi. Nó không chỉ thể hiện ý nghĩa nhân văn đối với mỗi cá nhân mà còn là sự hiện diện của tình cộng cư, gắn bó keo sơn giữa các gia đình trong buôn làng để xóa bớt những hiềm khích, mâu thuẫn”.

Du lịch, GO! -Theo Danviet và nhiều nguồn khác