Dễ đã hơn mười năm, bạn mới lại có dịp quay lại thăm. Bạn bảo, Hạ Long thay đổi nhiều quá, so với mười năm trước đây thật một trời một vực, chứng tỏ đời sống người dân Quảng Ninh ngày một khấm khá, "mà xem ra lắm người giàu đấy chứ! Nhà cửa được xây dựng san sát...". Bạn lại hỏi: "Món riêu "long hội" vẫn sẵn đấy chứ?". Trả lời: Vẫn sẵn, nhưng giờ đắt đỏ hơn, song không sao, trưa hay chiều nay mời bạn thưởng thức lại.

Cá ót - một loài cá biển, người Hạ Long phân biệt ra nhiều loại: cá ót tròn, cá ót gai, cá ót chỉ vàng, cá ót đồng tiền, cá ót đĩa... tuỳ vào hình dáng, kích cỡ và dấu vết đặc biệt của chúng.

Chẳng hạn, cá ót chỉ vàng có một vạch như sợi chỉ vàng chạy dọc giữa thân, mình hơi thuôn dài; cá ót đồng tiền mình tròn, nhỏ như đồng xu; cá ót đĩa to bằng bàn tay v.v... Mỗi loại cá ót phù hợp với một cách thức chế biến món ăn khác nhau: cá ót đồng tiền thường để băm viên làm chả; cá ót chỉ vàng để rán; cá ót đĩa thì kho, rán hoặc sốt...; nấu canh riêu, người ta phải chọn cá ót tròn (mình khá tròn, dày mình) hoặc cá ót gai (mình mỏng hơn cá ót tròn, khi bị nấu chín, vây lưng của nó xoè ra, trông như một hàng gai). Trong hai loại cá ót dùng để nấu riêu, riêu cá ót tròn độ ngon có sự "nhỉnh" hơn.

Cá ót tròn mua nấu canh riêu phải chọn loại thật tươi. Kinh nghiệm của các bà đi chợ, mớ cá được mua mình sáng ánh bạc, có nhiều nhớt có bọt thì cá ấy đang tươi. Mua thêm cà chua, me, thì là, hành hoa, rau sống (xà lách, rau mùi là ngon nhất, nếu không có thì dùng rau muống chẻ) để chuẩn bị cho món canh cá này.

Cá mua về làm sạch, để ráo, cho vào xoong ướp chút muối hoặc bột canh, mỳ chính, để sẵn. (Cách làm cá ót cũng có nét đặc trưng: người ta không dùng cách mổ thông thường để bỏ ruột mà cắt vát chéo một nhát từ đầu đến bụng rồi bóp bỏ ruột). Phi thơm hành, cho cà chua, nêm nước mắm, bột gia vị vào, xào chín; sau đó đổ sang nồi nước me (me đã được nấu chín, dằm, lọc bỏ bã, lấy nước chua vừa ý); đun sôi lại rồi cho cá vào, đun sôi tiếp chừng 3-4 phút, nêm thêm gia vị cho vừa ăn, cho thì là, hành hoa rồi bắc ra (với người không thích béo thì không xào cà chua mà cho cà chua thái miếng cau cùng với me đun sôi, me chín, dằm, lọc như trên). Một nồi riêu cá ót đạt tiêu chuẩn, cá phải vừa chín tới, còn nguyên con, không vỡ nát, vị đậm vừa ăn, vị chua vừa ý, dậy màu đỏ của cà chua, điểm xuyết màu xanh của hành hoa, thì là. Ăn nóng, kèm với rau sống. Kiểu ăn thích nhất là cơm nóng, chín tới, chan đầy nước riêu nóng, gắp rau sống bỏ vào bát cơm, xì xụp và, vừa ăn vừa thở, người toát mồ hôi do nóng, do cay (nếu ăn được ớt). Ăn món canh này vào những ngày se lạnh hay mùa đông thì tuyệt.

Món riêu cá ót ít có ở các nhà hàng, nếu muốn ăn có thể phải gọi điện thoại đặt trước. Trong khi ấy, món canh này người dân vùng biển Quảng Ninh hay dùng. Sở dĩ như vậy vì món này chỉ chủ yếu là ăn... nước. Thịt cá ót không nhiều, lắm xương, không khéo là bị hóc. Đang trong bữa tiệc bị hóc thì... thôi rồi! Bù lại, nước canh riêu cá ót, theo cảm quan của người viết bài này, chắc chắn là ngon hơn nước các loại canh riêu cá khác, như canh riêu cá song, cá mú, lòng cá sủ chẳng hạn (nó có vị hơi tanh, rất đặc trưng, không thấy có ở các món riêu nấu từ những loại cá khác; có lẽ vì thế mà món riêu cá này người ăn cảm thấy rất "đưa cơm", và nhất thiết phải ăn nóng chăng?). Cũng có thể vì lý do khác, so với các loại cá dùng để nấu riêu, món cá ót có lẽ có giá rẻ hơn, nhà hàng khó mà tính cao giá lên được, trong khi chuẩn bị các phụ gia để nấu cũng phải đầy đủ như nấu với các loại cá khác; hơn nữa, làm cá ót để nấu mất công hơn. Song, như trên đã nói, cái chính có thể là sợ thực khách bị hóc.

Trở lại câu chuyện với người bạn đã hơn mười năm mới lại có dịp đến thăm gia đình. Lúc ấy Hạ Long chưa phát triển như bây giờ, hàng quán còn hiếm hoi, cá mú chưa bị hút hết vào các nhà hàng, cá ót rẻ rề. Gia đình viên chức, chẳng đủ tiền đãi bạn các món cao sang; thôi thì dùng các món bình dân vậy.

Bạn ăn, ngạc nhiên vì thấy nước riêu rất ngọt, trong khi gắp cả con cá ra bát gỡ, rất lắm xương, xương lại cứng và nhọn, thịt chẳng bao nhiêu, ăn lại thấy nhạt. Bạn lẩm bẩm nhận xét: Mọi sự tinh tuý, ngon ngọt của cá đã tiết ra nước hết... Rồi phá lên cười: Khôn ăn cái, dại ăn nước, hoá ra trong trường hợp này các cụ lại sai ư!? Chủ nhà chưa kịp cười phụ hoạ, tán thưởng, thì hỡi ơi! Bạn đã khạc... khạc... - Hóc rồi! May mà cái xương cá cắm vào họng, trông thấy, dùng panh gắp rút ra được. Hú vía!

 Đến lượt chủ nhà bật cười ha hả: Ông biết món canh riêu cá này có tên là gì không? Là riêu cá "long hội"! Bạn đang ngớ ra bởi cái tên nghe cao sang, đẹp mỹ miều thì thằng cu con chủ nhà mới 4 tuổi nó phô: "long hội" là "lôi họng" đấy... Bạn bảo:

- Không phải lần ấy bị hóc mà nhớ riêu cá "long hội". Mà vì nó ngon ngọt quá! Muốn được thưởng thức lại...

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, ảnh sưu tầm