Gần tết Nhâm Thìn, các nghệ nhân vùng hoa kiểng huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang trổ tài nghệ thuật, biến vườn kiểng của mình thành nơi cho rồng lượn, rồng múa, rồng bay… Những cây kiểng được uốn, sửa theo hình các con vật mang hình dáng của 12 con giáp, hoặc tứ linh (long, lân, quy, phụng)… là một nét riêng độc đáo của xứ sở hoa, cây kiểng này.

Rồng kiểng dài 54m

Chuẩn bị phục vụ dịp tết Nhâm Thìn, cơ sở Năm Công (nghệ nhân Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách, Bến Tre) đang hoàn chỉnh trên 30 cặp kiểng hình rồng trong tổng số trên 100 sản phẩm kiểng thú các loại. Trong đó, đáng chú ý là cặp kiểng rồng dài 54m mà nghệ nhân Nguyễn Văn Công đã tập trung làm mất gần nửa năm trời.

Đây là cặp rồng kiểng có chiều dài tương đương với cặp kiểng rồng mà cơ sở Năm Công cho xuất vườn hồi năm 2009, trong dịp Festival hoa Đà Lạt. Sau đó, cặp kiểng rồng này tiếp tục được trưng bày tại lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo ông Công, bộ cặp kiểng rồng dài 54m này được chế tác thành gần 40 phân đoạn tách rời. Khi các phân đoạn này được ghép lại với nhau bởi những tay thợ chuyên nghiệp, sẽ thành hình con rồng hoàn chỉnh như mô phỏng ban đầu.

Ông Năm Công cho biết, cây gừa tàu (có người gọi cây si) là cây nguyên liệu tốt nhất dùng cho việc uốn nắn tạo hình cho những mô hình kiểng thú có kích thước lớn. Ngoài các loại hình kiểng thú, cơ sở Năm Công còn làm các mẫu hàng chùa một cột, nhà vòm, nhà lục giác… từ các khu du lịch, resort.

Năm ngoái, vườn kiểng thú của ông Năm Công tập trung đáp ứng các cây kiểng cho các đối tác Singapore, còn năm nay, phần lớn sản phẩm được làm theo hợp đồng đặt hàng từ các đối tác trong nước. Do vậy, hơn phân nửa số lượng kiểng thú đã được đặt hàng trong mùa tết năm nay là kiểng hình rồng với nhiều tư thế khác nhau.

Theo đánh giá của địa phương, ở xã Hưng Khánh Trung B có nhiều nghệ nhân tạo hình kiểng thú, nhưng tính nghệ thuật, đa dạng và quy mô bậc nhất vẫn là cơ sở Năm Công, chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số lượng kiểng thú hàng năm của cả huyện Chợ Lách.

Linh vật lên ngôi

Có người cho rằng, theo thuyết Á Đông, năm Thìn – năm con rồng, linh vật đứng đầu trong trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), do đó, nếu ngày đầu năm âm lịch mà có sự hiện diện của rồng trong nhà, thì sự dũng mãnh của rồng sẽ là điều tốt đẹp cho công ăn việc làm suốt cả năm.

Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, bình quân mỗi năm các nghệ nhân Chợ Lách làm ra khoảng 10 triệu sản phẩm cây, kiểng thú các loại, mùa tết âm lịch chiếm khoảng 50% sản lượng này. Riêng tết Nhâm Thìn năm nay, 30 hộ chuyên làm kiểng thú đã chuẩn bị khoảng trên một ngàn sản phẩm, trong đó khoảng 30% sản phẩm kiểng thú ở Chợ Lách được chế tác trang trí theo hình rồng.

Các nghệ nhân ở Hưng Khánh Trung B cho rằng, dù rồng lên ngôi, nhưng theo thuyết âm dương, có khách hàng cũng đặt hàng cặp rồng (dương) đi cùng với đôi phụng (âm). Chính vì vậy, ngoài việc tập trung nhiều cho kiểng rồng, các cơ sở kiểng thú vẫn phải nhận làm cho khách hàng cả bộ tứ linh, 12 con giáp...

Ông Ngô Tuấn Kiệt, chủ cơ sở kiểng thú Tuấn Kiệt (xã Vĩnh Thành, Chợ Lách) nhẩm tính, chuẩn bị đón năm con rồng, cơ sở đã giao trên 30 cặp rồng (kích thước 5 – 7m/con) cho các khách đặt hàng từ đầu năm. Hiện tại, cơ sở Tuấn Kiệt đang hoàn thành hai cặp rồng dài 12m cho khách hàng. Theo ông Kiệt, năm nay dù nhu cầu kiểng hình rồng tăng đột biến, nhưng giá cả khi giao cho khách hàng không tăng nhiều, bình quân giá mỗi cặp rồng có kích thước từ 5 – 7m dao động trong khoảng từ 14 – 17 triệu đồng/cặp).

Du lịch, GO! - Theo  SGTT, Laodong