Nghĩa Lộ-là một thị xã nhỏ nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số vùng cao, là cái nôi văn hóa đa dạng sắc màu của các dân tộc anh em, nơi này đã cuốn hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế.

< Tắm suối, tục gần gũi với đời sông người dân tộc Thái Nghĩa Lộ.

Ngoài những cảnh đẹp của vùng lúa vàng lòng chảo Mường Lò, còn là cuộc sống của những người Mông, Thái, Mường, Tày cùng với một số nhỏ người H’Mông, Kh’Mú, Dao... gắn bó sinh sống hàng bao đời nay với những nét đặc sắc riêng của họ.

< Đường đi Nghĩa Lộ.

“Chiều mùa thu nắng vàng như mật khi nhắc tên Đèo Ách, Cầu Nhì”, phải đi qua một chặng đường dài quanh co sườn dốc. Người không quen đi xa có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và say lử vì đường đi vất vả nhưng vào đến Nghĩa Lộ rồi bạn sẽ cảm nhận một không khí trong lành và tình người ấm áp.

Thị xã nhỏ của tôi được ấp ôm bởi núi trùng điệp tạo thành một mảnh đất lúa gạo màu mỡ-cánh đồng Mường Lò. Bạn có biết điều gì tạo nên sức hút cho mảnh đất của tôi không? Chắc chắn đó không phải là những danh lam thắng cảnh mê hồn mặc dù Nghĩa Lộ cũng chẳng thiếu gì đâu những chốn đẹp để đi mà là con người và ẩm thực nơi đây.

< Những thân cây chênh vênh bắt ngang con sông con suối để làm cầu.

Chụp ảnh về cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây không phải để thỏa mãn sự tò mò về người dân tộc thiểu số, mà để thể hiện, phản ánh đời sống mới của cộng đồng các dân tộc anh em, thể hiện tình cảm chân thành, sự đồng cảm với những con người nơi đây.

Có đi mới biết sự gian nan vất vả để có được bức ảnh về những người đang lao động trên cánh đồng, trên luống chè uốn lượn vòng cung...

< Người Thái trắng, Thái đen đang cần mẫn ngồi bên khung dệt.

Mùa nào thức đó, Nghĩa Lộ có đồ ăn ngon cho cả bốn mùa. Đặc biệt nhất vẫn là mùa đông xuân, lễ hội. Đến nơi đây, bạn sẽ ngồi bên bếp lửa bập bùng của ngôi nhà sàn ấm cúng rồi hít hà mùi thơm của những thớ thịt sấy bằng gia vị của núi rừng.
Thịt được treo trên bếp lửa ăn dự trữ trong những ngày đông giá lạnh, rất đặc biệt và hấp dẫn bạn ạ. Ăn món này với xôi ngũ sắc và uống rượu cần rồi cùng người dân tộc ca hát đêm khuya. Tôi chắc rằng nếu chỉ một lần đến mà được sống và tận hưởng dù chỉ một ngày thôi cũng đủ để làm bạn nhớ suốt cả cuộc đời.

< Thiếu nữ dân tộc Thái.

Đến đây, bạn cũng sẽ bắt gặp những nụ cười thân thiện, những cái xiết tay nồng ấm và sự chào đón thân tình của người dân nơi này. Những thiếu nữ dân tộc Thái trong bộ trang phục truyền thống cực kỳ duyên dáng và uyển chuyển trong điệu múa”trồng bông,dệt vải” hay”múa xoè”.

Khi đi xa rồi, tôi mới thấy tự hào về Nghĩa Lộ của mình biết mấy. Mặc dù là người Kinh chính gốc nhưng vì sống ở miền núi nên thỉnh thoảng tôi vẫn được mọi người gọi là “cô gái dân tộc”. Lời nói đó làm tôi sướng rơn và thấy tự hào biết bao nhiêu.

< Bờ sông đã từng là nơi hò hẹn của bao cặp gái trai...

Bài hát hay được các cô gái Mường Lò-Nghĩa Lộ hát nhất là bài "Anh có vào Nghĩa Lộ...", nhạc Trọng Loan phổ thơ Hoàng Hạnh:
Chiều mùa thu, nắng vàng như mật
Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì
Khi đã nghe tiếng rừng gió hút
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Tôi leo lên một đỉnh núi ở xã Suối Giàng, nơi người Mông gắn bó hàng bao đời nay với những cây chè cổ thụ. Suối Giàng hiện lên và thu nhỏ trong ống kính, trời lất phất mưa. Ngồi chờ và điều tôi mong muốn đã đến, mây ào ạt từ chân thung lũng cánh đồng Mường Lò lên, nhấp nhô những ngọn cây chè san tuyết, những tia nắng cuối cùng…

< Dẫu gì thì sông nước quê tôi cũng thật gần gũi thân thiết và ... tuyệt đẹp!

Một khung cảnh hiện ra trước mắt, tôi ngạc nhiên và không quên bấm máy. Ngày hôm sau, tôi quyết định đi xuống bản, vô thăm những người dân tộc nơi đây.
Những ngôi nhà sàn xinh xắn dần hiện ra trước mắt tôi với những mái ngói qua năm tháng đã nhuộm màu ở xã Thanh Lương, Pú Trạng, Nghĩa An. Con đường quanh qua khe, qua suối nhấp nhô ven sườn núi.

< Mùa nếp nương...

Người Thái trắng, Thái đen đang cần mẫn ngồi bên khung dệt… Cuộc sống nông thôn vẫn vậy, vẫn những công việc quen thuộc, bận rộn ruộng vườn, thời gian rỗi họ lại quây quần cùng nhau dệt, thêu.

Những tấm vải thổ cẩm được làm ra với đường nét hoa văn truyền thống chau chuốt. Ở đây, mỗi gia đình là một hợp tác xã dệt, thêu. Họ rất có ý thức lưu giữ nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục của dân tộc mình.

Mùa đông Nghĩa lộ thì đặc biệt lắm nhé. Sáng sớm bước chân tới trường cứ như là trôi trong sương vậy. Nhớ lắm cái lạnh miền núi rét buốt tê cóng đôi bàn tay, sương giăng giăng mù mịt. Tôi đã từng rất sợ mùa đông nơi này, sợ đến ám ảnh... cái cảm giác sáng sớm phải đạp xe đến trường khi mà đường mịt mù sương và gió làm tôi chẳng bao giờ quên được.

Dù có mặc cái áo khoác to sụ và quàng khăn len kín cổ vẫn cảm thấy lạnh len lỏi run run. Lúc ấy mi mắt nặng trĩu vì ướt đẫm trong làn sương buổi sớm. Nhưng trong cái rét buốt đó, tôi lại được đắm chìm trong hơi nước nóng tự nhiên từ những con suối quê hương.

< Tắm tiên đã là tập tục nhiều đời gắn liền với người dân bản địa có liên quan đến nhưng nguồn nước này.

Suối nước nóng ở Nghĩa Lộ đặc biệt ấm áp và tốt cho sức khoẻ với rất nhiều khoáng chất. Sau khi đắm chìm trong làn nước ấm đó, ăn một tấm mía hấp gừng hay một bắp ngô nướng, bạn sẽ thấy mùa đông trôi xa tự bao giờ.. Có lẽ những thứ khiến mình ghét,mình sợ lại là những điều ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng. Để khi xa rồi tôi mới thảng thốt muốn tìm lại, níu kéo lại thời gian, muốn được trở về...

< Người ta vẫn tắm tiên ở suối nước nóng Bản Bon, Văn Chấn - Nghĩa Lộ.

Nghĩa Lộ của tôi không hiểu vì quá bé nhỏ hay vì con người gần gũi mà hầu như người dân Nghĩa Lộ đều quen biết nhau hết thảy. Từ những người buôn bán, làm ruộng, công chức hay học sinh, sinh viên... gặp đâu cũng biêt mặt, quen tên,cũng thấy mến yêu mà cười chào tươi rói.

Người Nghĩa Lộ nhiệt tình và vui tính, con gái thường ăn nói rất nhẹ nhàng, thuỳ mị... Bất kì ai sống ở Nghĩa Lộ dù là 1 năm, 10 năm hay lâu hơn thế nữa cũng đều cảm thấy Nghĩa Lộ dịu dàng và thắm thiết biết bao nhiêu....Đôi lúc, khi ở gần, ta không thể nhận ra điều đó! Tôi nhớ Nghĩa Lộ trong từng mùa thóc lúa, từng vụ ngô khoai..

Đến chợ Mường Lò, hòa vào dòng người đang nô nức đi chợ và khách du lịch. Tôi làm quen với chị người Thái tên là Hoàng Thị Phương, 22 tuổi, cùng đứa con gái 6 tuổi, chị xuống chợ từ sớm, vừa bán hàng vừa thêu. Với đôi tay khéo léo của chị, những hoa văn dần hiện ra thật đẹp. Tôi mua hai chiếc khăn thổ cẩm do chị thêu mang về làm quà.

Ai đã từng một lần đi xa mới thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ từ những thứ nhỏ bé, nhạt nhoà nhất. Khi mùa thu Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa thì tôi lại nhớ đến nao lòng hương rạ rơm thóc lúa ở nhà. Tôi thèm cái cảm giác được chân trần bước trên rơm thơm đầu vụ, được ăn bát cơm thơm lừng mùi gạo mới. Mà gạo Mường Lò vẫn nổi tiếng ngon dẻo chỉ sau gạo Điện Biên thôi đó.

Nghĩa Lộ đổi thay từng ngày, cuộc sống nơi đây cũng dần được ổn định và phát triển. Tạm biệt Nghĩa Lộ, tôi không quên những chén rượu nếp Tú Lệ, chè tuyết Suối Giàng hương thơm vị đậm cũng như phong cảnh, con người nơi đây.

Du lịch, GO! - Biên tập lại từ Baoanh Datmui, BlogViet, Photo.tamtay

Thông tin thêm:

Thị xã bao trùm toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Việt Nam: cánh đồng Mường Lò. Diện tích: 29,66 km², dân số: 26.000 người (2004). Thị xã gồm 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng và 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc. Đây là vùng khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, tài nguyên nước có trữ lượng lớn.

< Sinh hoạt dân gian tại Tú Lệ, Nghĩa Lộ.

Có 12 tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất này, nhiều nhất là người Thái và (44%) người Kinh, còn lại là các dân tộc Tày, Mường, Nùng...

Tuyến quốc lộ 32 chạy qua Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải lên Lai Châu; từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu cũng chỉ 30km Thị xã Nghĩa Lộ được thành lập lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 10 năm 1971, trên cơ sở thị trấn Nghĩa Lộ và một số bản của 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ khi ấy là tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Lộ. Trước đó ngày 8/3/1967, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ được thành lập ở huyện Văn Chấn.

Sau khi phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất với tỉnh Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1975) thì Nghĩa Lộ trở thành một thị trấn (ngày 4/3/1978) thuộc huyện Văn Chấn. Các tiểu khu IV, V và VI của thị xã nhập vào 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.

< Những cô gái Thái ở Nghĩa Lộ.

Ngày 20 tháng 7 năm 1991, khi tái lập các tỉnh Lào Cai và Yên Bái thì thị trấn Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái. Ngày 15 tháng 5 năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập lần thứ hai với diện tích 8,785 km² và 15.925 nhân khẩu, gồm 4 phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng.

Nghĩa Lộ nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm, ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển. Chợ Văn hóa Mường Lò và mạng lưới thương mại dịch vụ đã làm cho Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế xã hội của các địa phương miền Tây Yên Bái.