Bao đời nay ít có ai biết dòng nước trong xanh, mát rượi nuôi sống bao cư dân hai bờ Sêrêpok có một cái nôi thế nào. Truyền thuyết bất tử của 2 dòng sông K’rông Nô (sông cha) và K’rông Ana (sông mẹ) đã sinh ra Sêrêpok hùng vĩ. Trong chuyến khám phá dòng sông Sêrêpok, chúng tôi đã không khỏi day dứt bởi dòng sông đang phải sống mòn bởi sự tàn phá của con người.

Tình yêu của dòng sông mẹ

Dòng sông Sêrêpok bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đăk Lăk và một phần của tỉnh Đăk Nông… rồi đổ vào dòng Mê kông hùng vĩ.
Chúng tôi tìm về ngọn nguồn của dòng sông Sêrêpok ở ngã ba sông thuộc xã Buôn Choah, huyện K’rông Nô, Đắk Nông. Câu chuyện của đồng bào Ê Đê nơi đây kể về truyền thuyết ra đời dòng Sêrêpok và tình yêu của dòng sông mẹ -K’rông Ana đã làm cho chúng tôi phải xao xuyến.

K’rông Ana, tiếng Ê Đê có nghĩa là dòng sông mẹ. Đồng hành cùng K’rông Ana còn có K’rông Nô, cũng được hiểu là dòng sông cha. Hai con sông hợp lại thành dòng sông Sêrêpok hùng vĩ, cuồn cuộn chảy trên cao nguyên. Truyền thuyết của người Ê Đê kể lại rằng: ngày xưa, có một cô gái và một chàng trai yêu nhau. Họ muốn đến với nhau nhưng hai gia đình có mâu thuẫn, nhà cô gái lại nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Đau khổ, tuyệt vọng đó là cả hai cùng gieo mình xuống sông tự vẫn. Cô gái hóa thành dòng K’rông Ana, chàng trai hóa thành dòng K’rông Nô. Còn dòng sông Sêrêpok chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người thủy chung, son sắt.

Chúng tôi chạy không ngừng nghỉ trên con đường lầy lội, gồ ghề đá dọc bờ sông K’rông Ana, những buôn làng của người Ê Đê … hiện ra trước mắt. Dòng nước ngọt lành trĩu nặng phù sa của sông mẹ đã tưới tắm, bồi đắp cho đồng ruộng tốt tươi và hào phóng dâng tặng cho họ đủ loại sản vật của nó. Nào là cá chép, cá lăng, cá đầu trâu, cá bống đá… đặc biệt là cá lăng nổi tiếng thơm ngon quí hiếm.

Sông Sê-rê-pôk nhìn từ Đăk Nông sang Đăk Lăk :


Khoắc khoải dòng sông cha

Trên con đường dài hơn 20 km từ thị trấn Đăk Mâm vào xã Buôn Choah của huyện K’rông Nô, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi tìm về dòng sông cha - K’rông Nô. Dưới cái nắng trưa gay gắt, hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh rừng xanh bị tàn phá, những cây cổ thụ 3 người ôm không xuể bị bật gốc nằm chỏng chơ bên cạnh những gốc cây cháy đen do những người dân đốn hạ để làm rẫy trồng sắn, trồng bắp. Cao nguyên đang mất dần màu xanh, mất dần tiếng chim, muông thú… chỉ còn cái nắng rát da, đất bị cày xới và vương vãi những chai thuốc diệt cỏ khai hoang, bảo vệ thực vật.

Sau hơn 1 giờ vượt triền dốc cao vút, chúng tôi đến UBND xã Buôn Choah. Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch xã, đắng giọng nói về dòng sông cha: “Xã chúng tôi là xã thuần nông, toàn bộ diện tích đất trồng bắp, trồng lúa bao quanh dòng sông K’rông Nô. Thế nhưng đã 10 năm nay, dòng sông K’rông Nô hùng vĩ bị “sa tặc” tàn phá nghiêm trọng.


< Thuyền hút cát trên dòng K’rông Nô.

Bờ sông bị sạt lở, ruộng nương của người dân bên bờ sông bị mất. Đến đầu năm 2010, hơn 70 ha đất bờ sông bị sạt lở. Mỗi ngày từ 3 giờ đến 17 giờ, hơn 50 tàu hút cát hoạt động công khai. Chúng tôi đã báo cáo huyện và nhiều lần thực hiện các biện pháp hạn chế việc khai thác cát, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do dòng sông K’rông Nô là ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk. Các tàu hút cát cứ mặc nhiên đứng giữa dòng sông thò vòi vào bờ phía xã chúng tôi mà hút cát”.

Anh Vinh, cán bộ văn phòng UBND xã dẫn chúng tôi ra bờ sông K’rông Nô: “Trước đây đoạn sông chảy qua xã hẹp lắm, chỉ khoảng gần 100 mét, nhưng do tàu hút cát đã làm sạt lở đất 2 bên bờ. Bây giờ bề ngang của đoạn sông này rộng gần 300 mét”.

Từ xa, tiếng máy bơm ầm ầm của tàu hút cát trên sông phá tan bầu không khí tĩnh lặng của vùng quê nghèo. Trên chiếc tàu ghi chữ DNTN Phúc Lợi, những cái vòi như vòi “bạch tuộc” cắm thẳng vào lòng sông, và đời sống của người nông dân đang bị đe dọa từng ngày.

Lại một nạn nhân của thủy điện

< Dòng Sêrêpok khô cạn vì đập nước thủy điện Buôn Kuop.

Theo báo cáo ngày 26/3/2010 của Sở NN&PT NT tỉnh Đắk Nông, thì tình trạng sạt lở bờ sông K’rông Nô do khai thác cát không chỉ riêng xã Buôn Choah. 30 km chiều dài dòng sông cha qua xã Đắk Nang, Quảng Phú, Nâm Dier, Đức Xuyên (huyện K’rông Nô) cũng bị sạt lở do thủy điện vận hành gây thay đổi bất thường lưu lượng nước dòng chảy.

< Cụm thác Dray Sap mùa khô.

Vùng bị sạt lở là đất màu mỡ được nhân dân trồng bắp, lúa, đậu năng suất cao. Một số công trình đã hoặc có nguy cơ bị cuốn trôi trong năm nay hoặc vài năm tới như: kênh tưới và nhà trạm của các trạm bơm Đắk Rền (đang được đầu tư 55 tỷ đồng), trạm bơm Buôn Choah (đã được đầu tư 45 tỷ đồng) hiện nay chỉ còn cách bờ sông chừng 20 - 25 mét so với 50 mét một năm trước đây. Vùng sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân bị thu hẹp và việc thay đổi đột ngột lưu lượng và vận tốc dòng chảy sông K’rông Nô đang đe dọa tính mạng của người dân trên sông.

Những món quà thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn Tây Nguyên có thể sẽ biến mất khi sức mạnh của dòng sông Sêrêpok bị chế ngự bởi bàn tay của con người. Không chỉ có sự di dân tự do và nạn phá rừng, thủy điện cũng đang là mối hiểm hoạ với dòng sông này.

Niềm tự hào của đại ngàn Tây Nguyên

< Thác Dray Sap trong quá khứ.

Thác Dray Sap, thác Gia Long, thác 7 nhánh chính là những món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho đại ngàn Tây Nguyên và tô điểm thêm cho sức mạnh của dòng sông Sêrêpok hùng vĩ. Đây là những thắng cảnh tuyệt đẹp được Bộ VH,TT&DL công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1991 và  năm 1999.

Thác Gia Long thuộc xã Đăk Sôr, huyện K’rông Nô, tỉnh Đắk Nông là thác thượng nguồn nằm trong hệ thống ba thác: Thác Gia Long, Dray Nur và Dray Sáp của sông Sêrêpok. Ngày xưa khi vua Gia Long đặt chân lên xứ này đã cho xẻ núi, cắt rừng làm con đường mòn rất đẹp dẫn đến thác, xây dựng kè chắn nước, tránh nước xâm thực phá vỡ cảnh quan cây rừng nơi đây. Chứng tích còn lại cho thấy hệ thống kè đá, móng cầu bê tông đã được xây dựng công phu chắc chắn, hướng qua phía bên kia dòng thác.

< Thác Dray Sap bây giờ không còn hùng vĩ như xưa.

Còn dòng thác Dray Sáp mang trong mình câu chuyện đến mê hồn về của người Ê Đê: Thưở xưa có một cô thiếu nữ Ê Đê rất xinh đẹp tên là H’Mi. Dù nhiều chàng trai giàu người M’Nông, Ê Đê đến cầu hôn nhưng nàng đều cự tuyệt vì nàng đã yêu say đắm chàng trai hiền lành nhưng nghèo khổ cùng buôn với nàng. Một hôm, nàng cùng người yêu đi ra rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn. Đột nhiên có một con quái vật đầu to, xù xì như quả núi, mắt đỏ như phát ra những tia máu, từ trên cao, con quái vật lao xuống, phun nước từ miệng nó tạo thành cột nước khổng lồ về phía hai người. Chàng trai bị cột nước đánh văng ra xa rồi ngất đi còn cô gái đã bị con quái vật bắt đi. Khi tỉnh dậy, chàng vô cùng đau khổ hóa thành một cây to có rễ đâm sâu vào tảng đá và phát ra những tiếng kêu đau thương, than vãn, nhung nhớ người yêu. Chỗ chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá của dòng thác. Còn chỗ con quái vật lao xuống đã trở thành thác nước ngày nay”.

Bên thác Dray Sáp, Y Ma Thanh, 43 tuổi, người Ê Đê, sống tại thị trấn EA Tling, huyện K’rông Nô, Đắk Nông ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Bây giờ thác Dray Sáp không còn đẹp như hồi xưa nữa. Nước dòng sông Sêrêpok bị chặn rồi”.

Ngăn dòng Sêrêpok

< Dòng Sêrêpok khô cạn do đập nước thủy điện chắn dòng.

Y Ma Thanh buồn bã nói: “Dray Sáp tiếng Ê Đê còn gọi là thác khói vì khi thác đổ bụi nước sẽ bắn tung lên xa lắm, cả ngàn mét vuông. Nay ngọn thác Dray Sáp này chỉ còn chảy 2 dòng thác nhỏ”. Chúng tôi chỉ nhìn Y Ma Thanh và hiểu rằng, anh đang tiếc nuối và hoài niệm về con thác huyền thoại gắn vốn gắn bó cả đời với anh.

Con đường vào khu du lịch thác Gia Long và thác Dray Sáp ngoằn ngoèo theo triền dốc. Tại khu thác Gia Long, dòng sông Sêrêpok thật yếu ớt chảy qua thác, những mỏm đá ngầm lộ thiên với hàng loạt cây Mai Dương mọc ra từ khe đá.

Ông Đỗ Minh Khâm, nhân viên duy nhất quản lý tại khu du lịch Gia Long nói: “Đập thủy điện đã ngăn dòng sông Sêrêpok. Đã từ lâu thác Gia Long không còn hùng vĩ như xưa. Tại khu du lịch này, trước khi có nhà máy thủy điện Buôn Kuôp, nước chảy vào các hồ nhân tạo rất đẹp và thu hút được nhiều du khách. Nay khu du lịch Gia Long đã gần như điêu tàn, hoang phế”.

Cách thác Gia Long không xa, nhìn bằng mắt thường chúng tôi thấy đập cửa chính của nhà máy thủy điện Buôn Kuốp sừng sững chắn ngang dòng sông Sêrêpok. Ngay sát dưới con đập chính, dòng sông Sêrêpok gần như cạn kiệt. Đập thủy điện đã làm thay đổi sâu sắc về môi trường, chế độ thủy văn vùng hạ lưu, mất các thác nước chảy nhanh và một số vùng đất ngập nước. Dòng sông Sêrêpok đã mất đi sự hùng vĩ và sức mạnh bởi bàn tay con người. Có lẽ sự cân bằng lợi ích giữa thủy điện và môi sinh, môi trường chưa có câu trả lời xác đáng.

Rời dòng thác đang mất dần sức sống, chúng tôi tiếp tục chuyến đi về nguồn Sêrêpok với những câu chuyện huyện thoại xen lẫn hiện thực.

Thủy điện Buôn Kuốp nằm trong địa phận các xã Hòa Phú (TP. Buôn Mê Thuột) và Dray Sáp (xã Đắk Sôr, huyện K’rông Nô, Đăk Nông), cách chỗ hợp lưu của các sông K’rông Nô và K’rông Ana khoảng 10 km về phía hạ lưu. Công trình có công suất 280 MW này (lớn thứ 2 sau thủy điện Yaly - Tây Nguyên) được khởi công vào năm 2003. Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp đã hoà lưới điện quốc gia từ năm 2008.

Còn tiếp phần 2: Cái chết của dòng sông huyền thoại

Du lịch, GO! - Theo bao Thethao Vanhoa, internet ----------------

Đi tìm những dòng thác xưa đã khuất
Khám phá dòng thác chết