Khám phá dòng thác chết
Pongour là một trong những dòng thác nổi tiếng nhất Tây Nguyên. Nhưng từ tháng 1-2008, dòng thác này đã “chết” bởi nguồn nước phía thượng lưu đã bị chặn bởi "sát thủ" thủy điện Đại Ninh.
Câu nói “khi Pongour nhiều nước có vẻ đẹp riêng, bây giờ khô nước có vẻ đẹp khác” (híc!) của ông bạn chụp ảnh dạo hơn năm năm ở Pongour đã thôi thúc tôi lên đường…
< Ngày xưa nước đổ cuồn cuộn...
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa giữa rừng già mênh mông của cao nguyên Lâm Đồng ngày nay có một nữ tù trưởng dân tộc K’ho rất xinh đẹp, tên là Kanai.
Có tài chinh phục thú dữ, nàng đã thuần dưỡng được bốn con tê giác to lớn khác thường có thể dời non, ngăn suối, khai phá nương rẫy và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ buôn làng. Nhờ đó buôn làng được bình yên no ấm.
< Mặc dù Ponguor đã "chết" nhưng vẫn có không ít du khách đến tham quan. Đỉnh thác kiệt nước để thanh niên nam nữ có dịp chơi trò leo vách đá.
Cho đến một ngày rằm tháng giêng năm nọ, nữ tù trưởng đột nhiên từ trần. Bốn con tê giác thương tiếc người chủ xinh đẹp mà ngày đêm không rời Kanai nửa bước, chúng không buồn ăn uống để chết theo chủ.
< Dọc theo vách thác bên hữu ngạn là vườn kiểng thiên nhiên với nhiều cổ thụ xòe rễ chùm ôm lấy đá tảng.
Sau một đêm, dân làng rất ngạc nhiên khi thấy nơi nàng nằm trở thành một dòng thác đẹp tuyệt trần. Dân làng cho rằng suối tóc của nàng Kanai đã biến thành dòng thác và sừng của 4 con tê giác biến thành đá xếp thành bậc cấp từ đỉnh xuống đáy thác.
< Xông vào những tia nước không quá nguy hiểm là trò khoái nhất đối với lữ khách khám phá thác "chết".
Có nhiều tài liệu cho rằng người dân tộc quanh vùng dựa theo truyền thuyết đã đặt tên dòng thác là Pongour có nghĩa tiếng Việt là “sừng tê giác”. Cũng có nhiều tài liệu cho rằng khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp đã đặt tên thác là Pongour có nghĩa là “ông chủ của vùng đất sét trắng”.
< Pongour hùng vĩ cuồn cuộn âm vang núi rừng ngày nào, giờ chỉ có những khe nước róc rách.
Từ Đà Lạt, ngồi trên chiếc Dream 100cc, theo quốc lộ 20 uốn lượn qua những đồi thông, những vườn hoa và những thị trấn, những đồi chè và cà phê, sau một giờ vượt 41km, đã thấy bên lề đường bên phải bảng hiệu lớn chỉ dẫn đường vào thác Pongour.
< Ở góc độ này thấy Pongour được tạo bởi những phiến đá tương đối bằng phẳng xếp thành bậc cấp nên người dân quanh vùng còn gọi là thác bảy tầng.
Thêm 6 km vắt qua những đồi núi lưa thưa cây, những nông trại chăn nuôi trâu bò, ngay trước mắt tôi là cổng bán vé tham quan thác Pongour chắn ngang đường.
Đi bộ trên con đường lát gạch khoảng 400m vòng cung theo sườn một ngọn đồi rợp bóng cây dẫn đến gần chân thác, ngước nhìn lên đỉnh, dòng thác rộng hơn 100m nhưng chỉ có những khe nước nhỏ chảy từ đỉnh thác xuống những bậc đá như những bậc cấp dành cho bước chân của những gã khổng lồ.
< Cách đỉnh thác chừng 100m, bên tả ngạn có một đoạn vách trông như ngôi tháp cổ đã bị con người bỏ quên hàng ngàn năm bị chôn vùi hai phần trong bờ thác.
Có hàng trăm thanh niên nam nữ người Việt và chục khách Tây từ dưới chân thác men theo những bậc đá để leo lên đỉnh cao chừng 40m so với chân thác. Một thanh niên người địa phương bảo tuy dòng thác gần như cạn kiệt nhưng hình như nhiều người vẫn thích đến đây. "Hôm nay là ngày rằm nên có nhiều người đến hơn". Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng giêng âm lịch, hàng chục dân tộc sống quanh vùng đã kéo hàng vạn người đến thác trẩy hội tưởng nhớ vị nữ tù trưởng xinh đẹp và nhân đức.
Tôi xách giày hòa cùng dòng người leo lên thác. Cứ mỗi đoạn chừng 5m, tôi dừng lại quan sát toàn cảnh thác, bởi muốn nhìn dòng thác ở độ cao khác nhau. Chỉ cần gần 10 phút, vừa leo vừa ngắm cảnh là đã leo tới đỉnh thác.
< Dưới chân vách tả ngạn có những cây kiểng ấn tượng.
Trong lúc đó, không ít chàng trai cô gái cứ để nguyên quần áo “xông” vào những dòng nước và phấn khích la hét vui vẻ.
Đứng chênh vênh trên đỉnh thác, cảm giác thích thú như càng dâng lên khi ví dưới chân mình là những sừng tê giác khổng lồ. Ở đó, cách đây hàng ngàn năm như đã có một đôi thần kỳ cầm con dao khổng lồ giơ lên thấu trời rồi băm một nhát thật mạnh làm quả núi toác ra làm đôi để dòng nước theo đó mà chảy.
< Vách tả ngạn có vài đọan như những bức tường thành cổ.
Dọc hai bờ vách chỉ vài mảng được cây rừng phủ gần kín, còn lại thẳng đứng như hai bức tường bao bọc lòng thác rộng khoảng 2ha chỉ toàn đá và đá. Men theo vách thác bên phải xuống hạ lưu 500m, có cảm giác như đi giữa vườn kiểng thiên nhiên, bởi những cây cổ thụ và cây rừng cứ như mọc ra từ đá. Qua vách bên trái, trở lên thượng lưu là những đoạn vách đá với đầy hình thù và rêu rong như những bức tường thành cổ đã bị con người bỏ quên hàng ngàn năm.
< Vọng lâu xây theo mô hình vọng lâu mà vua Bảo Đại từng đứng ngắm cảnh tại thác Pongour. Đứng trên vọng lâu này nhìn thấy toàn cảnh thác.
Trên một lối đi khác bị cây rừng che khuất, trên bờ thác là vọng lâu có nơi ngày xưa từng là nơi nghỉ chân của vua Bảo Đại (1932-1945) trong những dịp ngài đi du hành và săn bắn. Ngôi nhà được công ty du lịch Đất Nam xây dựng lại năm 2003.
Đứng trên vọng lâu nhìn toàn cảnh dòng thác “chết”, mới thấy hai bên bờ thác rừng cũng đã “chết” tự bao giờ. Đồi núi trùng điệp xung quanh thác đã bị con người đốn trọc, chỉ còn 2,5 ha rừng chia đều cho hai bờ thác trông như hai bờ ria mỏng tanh của một cái miệng khổng lồ.
Phong cảnh vẫn đẹp, nhưng nhìn lòng thác chỉ có những khe nước nhỏ chảy ngoằn ngoèo giữa những phiến đá bằng phẳng và những tảng đá lớn nằm ngổn ngang, cảm giác tiếc nuối cho quá khứ vang danh của Pongour cứ dâng trào. Suối tóc của nữ tù trưởng xinh đẹp trong truyền thuyết xưa nay chỉ còn sót lại... vài cọng tóc!
< Pongour trong mùa khô: kiệt nước!
Từ thành phố Đà Lạt đi quốc lộ 20 theo hướng Dầu Giây, qua 41km là gặp km 191, đi thêm 400m gặp ngã ba Phú An, rẽ phải đi thêm 6km đến thác Pongour thuộc ấp Phú Hội, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Lịch sử ghi lại rằng khi xâm lược Việt Nam, người Pháp đánh giá Pongour “hùng vĩ nhất Đông Dương”. Khoảng 60 năm về trước, ông vua rất mê săn bắn Bảo Đại lúc đứng bên Pongour đã phán rằng “Nam thiên đệ nhất thác” (nghĩa là thác nước hùng vĩ nhất trời Nam).
Đến năm 2000, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận dòng thác Bảy Tầng là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đến dòng thác này “đốt” phim, nhiều người cũng không phủ nhận đây là một trong những dòng thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Dĩ nhiên, Pongour là một trong những thác thu hút khách du lịch nhiều nhất so với hàng chục dòng thác dọc theo quốc lộ 20.
Du lịch, GO! - Theo Tuoitre và vài nguồn khác.
Phần 2: Vì sao nên nỗi? Đi tìm thác xưa đã khuất
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.