Sự chuẩn bị tốt cùng những kinh nghiệm thực tế sẽ giúp bạn hạn chế gặp phải những rủi do đáng tiếc khi lái xe máy trong đêm.

Thỉnh thoảng chúng ta bị côn trùng bay vào mắt. Phản xạ tự nhiên là nhắm lại, đưa tay giụi. Mất vài giây nhưng cũng có thể đâm vào một ai đó hoặc không kịp tránh các phương tiện đi ngược chiều. Va đập giữa kính với côn trùng khiến xác của chúng dính lại trên kính. Những điểm bất thường khiến mắt khó tập trung. Bạn hãy mang theo một tấm vải ẩm để lau và làm sạch bụi.

Đi trong đêm đã khó, trời mưa còn vất vả hơn gấp bội. Dù ngược gió hay không thì nước mưa đều bắn vào mặt. Bạn phải đưa tay lên vuốt và mắt thường xuyên nheo lại nên tầm nhìn giảm đi một nửa. Bạn có thể khắc phục dễ dàng với một chiếc mũ bảo hiểm có kính che mặt.

Lái xe đường dài luôn phải ở một tư thế, cộng thêm đường vắng, tiếng ồn động cơ và gió dễ làm cho cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ. Cơ thể không tỉnh táo khiến bạn đánh giá không chính xác mức độ nguy hiểm trong các tình huống, xử lý chậm và dễ mặc sai lầm. Hãy dừng lại ở đoạn đường mà bạn cho là an toàn, dùng nước rửa mặt và thực hiện vài động tác thể dục để tỉnh táo trở lại.

Nếu có kế hoạch cho một chuyến đi dài, hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ 8 tiếng trước khi lái. Nếu bắt buộc phải lái hãy cố gắng uống một thứ gì đó như trà hoặc cà phê. Thường xuyên dừng xe hơn để duy trì tỉnh táo.

Kiểm tra xe trước khi xuất phát

Kiểm tra luôn là điều cần thiết trước khi lên đường, đặc biệt trước chuyến đi đêm. Bởi lẽ mật độ xe di chuyển ít, các dịch vụ hỗ trợ cũng giảm theo. Những sự cố như hết xăng, thủng săm, nổ lốp khó có thể khắc phục ngay lập tức, sẽ ảnh hưởng tới hành trình của bạn.

Hãy kiểm tra xe kỹ càng xem xăng có đủ. Lốp có non hơi, có mòn quá nhiều. Đối với những loại xe dùng săm rời, lái xe trong tình trạng non hơi dễ gây ra hiện tượng phá chân van. Các hệ thống đèn tín hiệu, còi còn làm việc tốt? Làm sạch bụi bẩn bám trên đèn tín hiệu để tăng cường khả năng chiếu sáng.

Đeo găng tay và mặc đủ ấm vào mùa đông

Vào ban đêm, nhiệt độ thường hạ thấp hơn ban ngày. Khi để cơ thể bị lạnh sẽ gặp khó khăn trong việc điều khiển ga, phanh. Cơ thể không còn duy trì trạng thái linh hoạt nữa. Chưa kể những bệnh mà bạn mắc phải khi nhiễm lạnh: hô hấp, cảm…

Tránh mang theo nhiều tài sản có giá trị lớn

Đi xe đắt tiền, đeo nhiều đồ trang sức có giá trị... làm kẻ gian chú ý. Nhiều vụ cướp giật khiến nạn nhân không những mất tài sản mà còn bị thương tích do tai nạn. Luôn mang theo điện thoại để nhờ trợ giúp của người thân hoặc cơ quan chức năng khi cần thiết.

Chuyển đổi linh hoạt các chế độ pha-cốt

Trên đường cao tốc, xe ít nên để ở chế độ pha (chiếu xa). Nhưng bạn không nên đi quá nhanh vào ban đêm, dù có đèn thì khả năng quan sát của chúng ta vẫn kém hơn ban ngày rất nhiều. Khi nhận thấy có xe ngược chiều tới gần, hãy chuyển sang chế độ cốt (chiếu gần) để tránh làm họ chói mắt. Bởi nếu mắt bị chói họ sẽ chẳng thể xử lý được gì lúc đó.

Nếu người đi ngược chiều không chuyển sang chế độ cốt khi tới gần, tập trung nhìn vào góc đường khác để tránh nhìn vào đèn pha là cách để không bị lóa. Lái trên địa hình phức tạp, bạn chưa từng đi, hãy chú ý kinh nghiệm sau đây: nếu chùm đèn pha đột nhiên không còn thấy phản xạ từ mặt đường nữa, có thể phía trước là một hang tối hoặc bờ vực. Giảm tốc độ và sẵn sàng phanh.
Ngược lại, ở trong thành phố, mật độ giao thông cao, lại có thêm đèn cao áp hỗ trợ, nên chuyển sang chế độ cốt.

Nối đuôi xe khác

Đây là biện pháp được nhiều tay lái kinh nghiệm áp dụng để đi đúng làn. Tận dụng ánh sáng của xe phía trước, bạn có thể đoán trước chướng ngại vật hoặc ổ gà.

Tuy nhiên đừng đặt sự an toàn của bản thân vào họ. Nếu xe trước không quan sát kỹ hoặc phản ứng quá chậm khiến bạn đang đi sau cũng bị động và không kịp thời xử lý. Duy trì khoảng cách để không bị cản tầm nhìn và có thể phanh hoàn toàn trước khi đâm vào đuôi xe họ. Khoảng cách này phụ thuộc vào tốc độ và kỹ năng lái.

Đi giữa làn đường

Đường vắng sinh ra tâm lý chủ quan xuất hiện ở cả lái xe và người dân sống hai bên đường. Để tránh tai nạn bất ngờ khi có ai đó đột nhiên lao ra, hãy đi vào giữa làn đường. Luôn quan sát hai bên lề để sớm phát hiện ra họ.
Cảnh tượng đông đúc ban ngày không còn tại các ngã tư làm nhiều người chủ quan khi đi qua giao lộ không một bóng người. Hãy chú ý, rất có thể có một chiếc vụt cắt ngang trước mặt, thậm chí đâm sầm vào bạn.

Du lịch, GO! - Theo VnExpress ---------

Nguyên tắc lái xe hơi an toàn vào ban đêm

Theo thống kê của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm lớn gấp ba lần so với ban ngày. Có nhiều mối nguy tiềm ẩn mà người lái xe không để ý khi tối trời, hãy cùng tìm hiểu một số biện pháp an toàn.

Tại sao lái xe ban đêm lại nguy hiểm đến vậy? Nguyên nhân chính yếu là bóng tối. Việc lái xe ban đêm phụ thuộc 90% vào khả năng quan sát của tài xế. Thiếu ánh sáng mặt trời khiến mắt người nhận diện màu sắc kém hơn. Đặc biệt, thị lực người cao tuổi yếu hơn những người trẻ. Một lái xe tầm 50 tuổi cần tăng độ sáng gấp đôi so với những người 30 tuổi.

< Sự mệt mỏi, buồn ngủ hoặc bị căng thẳng lâu, đầu óc thiếu tỉnh táo cũng là nguyên nhân dẫn đến mất tập trung khi cầm lái.

Say rượu cũng là yếu tố nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng vì không chỉ gây tai nạn cho người lái mà xe có thể đâm vào người đi đường hoặc những phương tiện tham gia giao thông khác. Vì vậy, điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn trước khi cầm vô-lăng là lái xe nên tránh uống quá nhiều rượu bia.

Dưới đây là một số lời khuyên từ Uỷ ban an toàn quốc gia Mỹ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy hiểm khi lái xe ban đêm:

* Luôn giữ kính xe sạch từ ngoài vào trong, đặc biệt là phía trước, đảm bảo vết bẩn không cản tầm nhìn.

* Đèn xe là bộ phận quan trọng giúp bạn nhìn rõ mọi vật trên đường khi trời tối, đồng thời giúp lái xe khác cũng có thể nhìn ra bạn. Hãy kiểm tra đèn pha, đèn hậu và xi-nhan, nếu chúng quá bẩn, bạn nên lau sạch ngay và điều chỉnh lại góc chiếu của đèn pha cho phù hợp.

* Nếu đi trong thành phố, nguyên tắc bắt buộc là phải bật đèn pha gần, dù 2 bên đường có lắp đèn cao áp vì đèn báo hiệu tai nạn chỉ bật khi xe gặp sự cố. Nếu cần thiết, bạn có thể bật đèn sương mù bởi nó không làm tài xế các xe chạy ngược chiều bị chói mắt, và có thể quan sát hai bên đường rõ hơn.

* Nếu đi ngoài thành phố, bạn có thể bật pha xa nhưng lưu ý chỉ bật khi thấy phía trước không có xe chạy ngược chiều. Khi chạy sát xe phía trước, nên chuyển sang pha gần, khi vượt qua rồi thì có thể chuyển sang pha xa. Cách tốt nhất khi muốn vượt là nháy đèn từ xa để báo cho tài xế xe chạy phía trước.

* Điều chỉnh độ sáng bảng đồng hồ cho phù hợp để dễ đọc các chỉ số, nhưng cũng không nên để quá sáng gây chói mắt.

* Không nên vừa lái xe vừa dùng đồ uống và nghe nhạc quá to. Đây là hai yếu tố có sức “mê hoặc” lớn khiến các lái xe lơ đễnh.

* Tránh vừa lái xe vừa hút thuốc bởi trong đó có chất nicotine và carbon monoxide sẽ làm giảm thị lực của người lái xe vào ban đêm.

* Vì trời tối, bạn không nên lái quá nhanh, giảm tốc độ ngay khi nghi ngờ có chướng ngại vật, chỉ nên đi trong tầm sáng của đèn pha.

* Nên chỉnh gương chiếu hậu trong xe vào vị trí đi đêm, nếu không, bạn sẽ liên tục bị chói mắt do đèn pha của các xe chạy phía sau.

* Nếu bạn đã quá mệt thì đừng cố lái xe, hãy nghỉ một lúc hoặc dừng lại bên đường để “nạp năng lượng”.

* Trong trường hợp xe bị hỏng, hãy dừng xe cách đường đi càng xa càng tốt sau đó bật đèn flash để báo hiệu sự cố.

* Nếu chùm đèn pha bạn bỗng nhiên không còn phản xạ lại từ các vật thể trên đường hoặc giống như là chiếu vào hang tối có nghĩa là xe bạn đang tiến gần đến vật cản hấp thụ ánh sáng. Hãy giảm tốc độ và cẩn thận quan sát.

Du lịch, GO! - Theo Chothuexe -------

Lái xe đêm, khó mà dễ!

Với tầm nhìn hạn chế, mức độ nguy hiểm và rủi ro khi điều khiển xe trong đêm tối sẽ tăng lên. Một số gợi ý dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn khi điều khiển xe vào ban đêm. Chuẩn bị hành trình đêm

Vệ sinh kính, gương của toàn bộ chiếc xe cả trong lẫn ngoài sẽ giúp bạn có thể quan sát tốt nhất mọi phía vì gương hay kính bẩn đều sẽ làm hạn chế tầm nhìn của bạn. Với một số loại xe hiện đại, bạn nên sử dụng chức năng điều chỉnh góc chiếu của đèn pha sao cho vị trí pha phù hợp với tải trọng của xe. Phần đuôi xe càng nặng thì mũi xe càng ngóc lên cao và do vậy góc chiếu của pha càng phải nhỏ để tránh làm loá mắt tài xế các xe chạy ngược chiều.
Gương chiếu hậu trong và ngoài xe cũng nên được điều chỉnh vào vị trí đi đêm để tránh bị chói mắt do đèn pha các xe chạy phía sau.

Bạn nên dành vài phút cho mắt điều chỉnh và làm quen với bóng tối trước khi bắt đầu lên đường.
Tắt tất cả các loại ánh sáng trong xe như đèn đọc sách là cần thiết để không làm ảnh hưởng đến sự tập trung cũng như khả năng quan sát của người lái. Nếu có thể, bạn nên điều chỉnh độ sáng bảng đồng hồ ở mức vừa phải, đủ để đọc các chỉ số cơ bản mà không quá sáng để không gây khó chịu cho mắt.

Lên đường

Lái xe với tốc độ mà bạn cảm thấy tự tin và làm chủ được tầm nhìn của mình sẽ giúp bạn không bị căng thẳng khi điều khiển xe và dễ dàng xử lý được tình huống bất ngờ trên đường.
Cho xe di chuyển đúng phần đường quy định theo vạch ngăn cách giữa đường sẽ giúp việc làm chủ mặt đường tốt hơn.
Khi vượt xe cùng chiều, sử dụng đèn báo hiệu đi thẳng, dùng pha chiếu gần (hay còn gọi là đèn cốt) và nhấp nháy báo hiệu cho xe đằng trước biết để nhường đường.

Khi xe phải vượt đèo núi vào ban đêm, bạn nên giữ tốc độ an toàn và điều khiển xe đúng phần đường, hơi lấn sang phần đường có núi sẽ giúp bạn có tâm lý yên tâm hơn. Phán đoán xe ngược chiều nhờ ánh sáng đèn pha đối diện để tạo khoảng cách an toàn nhất cho cả 2 xe khi tránh nhau.

Sử dụng đèn khi đi ban đêm

Sử dụng đèn pha linh hoạt sẽ đảm bảo an toàn cho bạn và những xe cùng lưu thông trên đường. Bạn chỉ nên dùng đèn pha chiếu xa khi đường vắng và không có xe chạy ngược chiều hoặc chạy trước mặt. Nếu không dùng pha chiếu gần, tài xế xe ngược chiều sẽ bị chói mắt và hoàn toàn có thể không làm chủ được chiếc xe đang điều khiển.

Khi chạy xe ban đêm, các tài xế thường bật pha chiếu xa để tầm nhìn được rộng hơn. Để đảm bảo an toàn, bạn nên nháy pha 1 vài lần để cảm nhận không gian cung đường phía trước xe được tốt hơn, việc này cũng giúp bạn tránh bị trạng thái ảo do tác động của ánh sáng thẳng.
Khi nhìn thấy xe đi ngược chiều, chuyển từ pha chiếu xa sang pha chiếu gần để tránh làm bị chói mắt tài xế xe đối diện. Bạn nên nháy đèn pha 2 đến 3 lần để báo hiệu cho xe đối diện biết là có chướng ngại vật ngược chiều.

Thêm nữa, việc nháy pha cũng sẽ giúp bạn phán đoán tài xế xe đối diện có đang bị buồn ngủ hay không để có thể đưa ra quyết định xử lý sớm. Nếu nháy pha nhiều lần mà xe đối diện không có động tĩnh gì về đèn chiếu sáng, thì tốt nhất nên giảm tốc độ và dạt sâu vào phần đường của mình.
Với những chặng đường tối, nên sử dụng thêm đèn sương mù để làm tăng khả năng quan sát hai bên vệ đường. Đặc biệt, đèn sương mù không làm tài xế các xe chạy ngược chiều bị chói mắt.

Nói chung, dù xe chạy ngược chiều bật pha gần hay pha xa thì sau khi chạy ngang qua, trong một khoảng khắc nào đó tầm nhìn sẽ gần như bị mất. Chính vì vậy, khi chạy đến gần tốt nhất nên chạy sát bên phải đường để giúp nhanh chóng khôi phục sự quan sát cho mắt.

Giải pháp tránh buồn ngủ khi lái xe đêm

Dừng xe và uống cà phê hoặc trà để lấy lại sự tỉnh táo. Khoảng 30 phút sau khi uống mới nên tiếp tục lên đường bởi cần có thời gian để nghỉ ngơi và để chất caffein ngấm vào máu.
Trước khi lái xe đường trường nên ngủ đủ giấc, ít nhất là 6 tiếng hoặc hơn.

Không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm. Nên tranh thủ lái xe những lúc bạn tỉnh táo và nghỉ đêm thay vì lái thông cả ngày lẫn đêm. Nên tránh lái xe vào những thời điểm dễ gây buồn ngủ như giữa trưa và từ giữa đêm đến sáng. Nếu không thể ngủ những thời điểm đó thì hãy tạm dừng vài phút và nghỉ ngơi. Nên tránh ăn các thức ăn nhiều chất carbonhydrate trong khi cần ăn các thức ăn giàu protein. Nên tránh sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ như thuốc chống dị ứng, thuốc cảm cúm khi định lái xe.

Khi lái xe đường trường một mình nên vặn to đài, thỉnh thoảng thay đổi chương trình để chống lại cơn buồn ngủ. Bên cạnh đó nên nghỉ 2 giờ mỗi khi đi được 100 đến 150 km. Những lúc nghỉ nên ra khỏi xe, làm vài động tác thể dục nhất là với cổ và vai. Hãy lên lịch trình đi và không nên đi quá 600 km/ngày.

Khi nào thì nên nghỉ ngơi?

Khi bạn không thể nhớ được những km cuối cùng bạn vừa đi qua.
Khi bạn lái lệch ra khỏi làn đường của mình.
Khi bạn cảm thấy suy nghĩ không còn thật tập trung.
Khi bạn ngáp liên tục.
Khi bạn cảm thấy khó tập trung hoặc mở mắt một cách tỉnh táo.
Và khi bạn suýt đâm vào cái gì đó.

Du lịch, GO! - Theo tin180