Từ thành phố Lào Cai tới đèo Mã Pì Lèng, thuận tiện nhất là đi theo tuyến Quốc lộ 70 tới Phố Ràng (Bảo Yên) rồi rẽ trái theo Quốc lộ 279 tới địa phận huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) là gặp Quốc lộ số 2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang ở Việt Quang. Tại ngã ba này, rẽ phải là xuôi qua Tuyên Quang về Hà Nội, còn rẽ trái sẽ tới thành phố Hà Giang, một thành phố vùng cao có những nét tương đồng với thành phố Lào Cai, tuy không có phường, xã nào có đường biên, mốc giới.
Từ Lào Cai, cũng có thể đi lên Bắc Hà, tới Lùng Phình rẽ phải qua huyện Xín Mần của Hà Giang là tới thành phố Hà Giang, nhưng đường rất xa, khó đi, qua địa bàn 18 xã, hiểm trở và hiện chưa được sửa chữa. Từ thành phố Hà Giang đi theo đường lên Đồng Văn với quãng đường gần 150 cây số, rồi từ Đồng Văn đi tiếp 10 cây số nữa lên Mèo Vạc, sẽ gặp đèo Mã Pì Lèng.
Mã Pì Lèng là tên gọi theo ngôn ngữ vùng biên giới, là "sống mũi ngựa" theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải bạt vía, lạc hơi.
Du lịch, GO!: Kỳ tích Mã Pí Lèng
Những con đèo tuyệt đẹp ở phía Bắc
Chinh phục những đỉnh đèo lẫy lừng phương Bắc
Đỉnh Mã Pì Lèng cũng là điểm phân giới ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái trong cao nguyên đá Đồng Văn, ngày nay là Công viên địa chất toàn cầu có độ cao trung bình 2.000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm, trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo sơn gây ra.
Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun - nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất" mang tầm quốc tế. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Nhìn thế thôi, mà muốn xuống đến bờ sông, muốn vẫy vùng trong nước sông Nho Quế phải mất đến hơn một ngày đường.
Trên địa hình chia cắt dữ dội, cung đường đèo Mã Pì Lèng rất hiểm trở, có độ dài khoảng 20km vượt đỉnh Mã Pì Lèng, đây chính là cung trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng.
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng - với 9 khoanh uốn khúc bên vách đá dựng đứng bên vực thẳm hun hút - tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở ở vùng núi biên viễn phía Bắc, ngang ngửa với đèo Hoàng Liên Sơn phía Lào Cai - Lai Châu, tuy độ cao đỉnh đèo không bằng bên dãy Hoàng Liên. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau.
Cung đường Mã Pì Lèng đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông cao nguyên Đồng Văn và các dân tộc anh em kết đoàn xuôi ngược. Trên đỉnh đèo được đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc.
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia.
Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Những người hay đi du lịch dã ngoại, giới nhiếp ảnh hoặc "dân" mỹ thuật, "dân" báo chí thường tự hào khoe với nhau mỗi khi tới được con đường Hạnh Phúc, lên đỉnh Mã Pì Lèng "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi", ngắm hình sông, thế núi vời vợi chất ngất, cảm nhận vẻ đẹp vô cùng của đất nước mình: "Trừ đèo Hoàng Liên Sơn ra, thì có lẽ tất cả các cua và đèo dốc trên khắp nẻo đường bộ trong cả nước dồn lại cũng không bằng ở cung đường Hạnh Phúc này".
Lên đây, ngắm cảnh quan hùng vĩ, tìm hiểu thêm về những hy sinh, mồ hôi xương máu của thế hệ anh dũng làm nên kỳ tích Mã Pì Lèng, không ai không cảm động khi chứng kiến diện mạo vùng cao biên giới đổi thay, con đường nâng bước cả cao nguyên xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thỏa nguyện những người đã ngã xuống.
Du lịch, GO! - Trích báo Lào Cai
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.