Đèo Mã Pí Lèng là một trong những con đèo cao nhất Việt Nam (2000m), làm mê hoặc biết bao phượt gia từ khắp mọi miền đất nước với ước muốn vượt qua nơi ấy một lần, nhiều lần nhưng cảm giác mới lạ, thích thú... không hề sút giảm trước cảnh sắc hùng vĩ núi rừng với dòng sông Nho Quế quanh co.

Vậy bạn biết lịch sử hình thành nên con đường này ra sao không? Bạn biết người ta đã mất bao năm tháng để thi công cung đường này không? Ngày nay người ta làm đường toàn bằng cơ giới hóa, vậy xưa kia họ làm đèo Mã Pí Lèng bằng gì? Bài viết dưới đây của tác giả Đỗ Doãn Hoàng sẽ gợi lại cho bạn rõ lịch sử một cung đường huyền thoại...

Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mả Pì Lèng; Mã Pỉ Lèng), thì cũng đều mang nghĩa là “sống mũi ngựa”. Đây là con dốc hiểm trở vào loại bậc nhất ở vùng núi phía Bắc tuy chỉ dài 12km. Cách đây 50 năm, chỉ bằng dụng cụ thô sơ, những người thợ làm đường đã làm nên kỳ tích: mở đường Mã Pí Lèng nối Đồng Văn với huyện Mèo Vạc.

Gần 50 năm chờ đợi 1 ngày

Người viết bài này, cứ mỗi lần vượt gần 200km đường đèo dốc đến với đệ nhất hùng quan Mã Pí Lèng, lại tự hỏi: không hiểu làm cách nào mà từ 50 năm trước bằng lao động thủ công, mà "các cụ" đã làm được đường qua thế giới đá tai mèo chất ngất này?

Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và "Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn" nói chung là một "Tượng đài địa chất". Đứng ở nơi cao nhất của cao nguyên cao nhất Việt Nam đó, bạn sẽ thấy sông Nho Quế chỉ bé như sợi chỉ vắt giữa sương mù. Và bạn phải đi bộ gần một ngày mới chạm được vào mặt nước sáng óng ánh dưới kia.

Tấm bia đá trên Mã Pí Lèng ghi rõ: thanh niên của 8 tỉnh, 16 dân tộc, đã mất 11 tháng treo mình trên vách đá để mở được chút đường qua Mã Pí Lèng. Tấm bia đá nằm cách đỉnh Mã Pí Lèng 22km, giữa trung tâm thị trấn Mèo Vạc cũng ghi rành mạch: phải mất 2,2 triệu ngày công, với bao nhiêu hy sinh thì con đường Hạnh Phúc được khai sinh.

Tôi đã giật mình: trong lịch sử làm đường của nước ta, có lẽ, đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất, chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất;... và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống)...

10 cỗ quan tài và hơn 100 ngày truy điệu sống

Phải nói, đến chuyến đi này, lần đầu tiên những "bí ẩn" về con đường kỳ vĩ mang tên Hạnh Phúc mới thật sự được giải mã. Những bức ảnh phá đá vượt Mã Pí Lèng 50 năm trước được tỉnh Hà Giang cử người cầm công văn về Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 "xin", phóng to, trưng bày. Các nhân chứng từ nhiều tỉnh lần đầu tiên có cơ hội đứng trên đỉnh của cao nguyên nóc nhà Việt Nam "tường thuật" lại câu chuyện treo mình phá đá quá "thần kỳ" của họ cho chúng tôi nghe.

Tuyệt nhiên, chưa ai có một công trình, tác phẩm đầy đặn và xứng tầm nào về đại công trình đường Hạnh Phúc. Suốt 50  năm qua, ngoài những người trực tiếp thi công, chưa ai có thể hình dung nổi những quật cường, bi tráng của "11 tháng treo mình trên vách đá".

Ông Nguyễn Viết Chờ, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP mở đường Hạnh Phúc tỉnh Hải Dương, đêm nằm cùng phòng khách sạn ở Đồng Văn với tôi, xem bức ảnh được chụp bản thân đã 50 năm mà bây giờ ông mới được nhìn thấy. Ông cứ thế khóc tu tu. "Tôi đấy ư? Họ chụp tôi lúc nào nhỉ?" - ông Chờ xúc động. Quá nhiều người bạn của ông đã không còn sống nữa.

Trong ảnh, ông Chờ đội mũ cát-két trắng, cầm cờ, thắt dây an toàn, hào hùng như một tráng binh xung trận. Hòa bình lập lại ở miền Bắc đã 5 năm, vào năm 1959, khi mà 8 vạn đồng bào thuộc (nay là) 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn vẫn hầu như chưa biết gì đến ánh sáng văn minh, vẫn phải đi bộ nhiều ngày ròng mới ra đến thị xã Hà Giang. Sau hơn 1.000 ngày con đường được thi công, cả vạn TNXP và bà con các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ. Không một thứ máy móc, làm sao "tấn công" được lên đỉnh Mã Pí Lèng? Khó đến mức, Khu ủy Việt Bắc phải cho gọi Chỉ huy trưởng Đại công trường Đồng Văn, Hà Giang lên hỏi: Đồng chí ơi, liệu có mở tiếp được đường vào xứ sở mà ngựa leo lên cũng phải trụy thai mà chết (một cách chiết tự từ chữ Mã Pí Lèng) không?

Ông Phạm Đình Dy, bấy giờ là Trưởng Ty Giao thông Hà Giang (sau làm Bí thư Tỉnh ủy, nay đang sống ở Hà Nội) cùng đoàn tùy tùng đi khảo sát... 1 tháng, lạc đường suýt chết mấy lần, vượt dốc Mã (tên gọi tắt của Mã Pí Lèng) thấy nó cuồn cuộn chín khoanh như con mãng xà nằm ủ mình trong mây, ai cũng khiếp đảm. Đây là điểm nhìn ngoạn mục nhất, là nơi xuất phát của danh xưng "Tượng đài địa chất" núi Mã Pí Lèng, bên dưới là bát ngát núi non và dòng Nho Quế lắt lẻo trôi. Bà con lâu nay chỉ dám đóng cọc ven núi để bò lồm cồm qua kẻo gió thổi bay xuống "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống".

Không còn cách nào khác, phải có một đội cảm tử (bấy giờ gọi chính xác là "Đội Cơ dũng") đem sức con người nhỏ bé chọi nhau với thế giới đá hãi hùng đệ nhất nước Nam này. Ban chỉ huy công trường chọn ra đường 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất, đặc biệt phải không bị các bệnh sợ độ cao, ù tai, hoa mắt... Đội do ông Trịnh Văn Đảm, hiện sống ở Hà Giang phụ trách, các cá nhân được vinh dự tuyển lựa vào đội cảm tử gồm: ông Tuấn (Hà Giang); ông Chờ, ông Tình, ông Nguyên, ông Lập (Hải Dương), ông Nữu (Thanh Hóa)...

Trên đỉnh núi có một cây nghiến khổng lồ, mọc trùm phủ bộ rễ cuồn cuộn của nó lên các mỏm đá xám. Họ bện những chiếc dây thừng to bằng bắp tay, một đầu buộc vào gốc cây nghiến, một đầu buộc vào cơ thể các "tráng binh" đang đối đầu với Mã Pí Lèng. Nhiều người nhìn xuống các vách đá cao cả nghìn mét, nhìn ra bát ngát núi và sông Nho Quế xanh rờn rợn đã phải bỏ cuộc. Trên bãi đá bằng phẳng giữa đỉnh núi, có một cái lều chứa sẵn hơn chục cỗ quan tài để thể hiện... "lòng quyết tâm còn cao hơn núi" (vì bấy giờ làm việc giữa hoang vu, không có đường xe cơ giới, nhỡ ra, nếu cần một cỗ quan tài thì phải mất rất nhiều thời gian xẻ gỗ hoặc khiêng "chạy bộ" từ ngoài Đồng Văn vào).

Mỗi sáng ra, Đội Cơ dũng bắt tay từng người đồng đội, hô to quyết thắng (và "nếu tao không về thì coi như là..., cứ nhằm ngày này...); rồi thận trọng tụt theo dây chão xuống vách đá cao 56m tính từ đỉnh núi (vị trí mà mặt đường Hạnh Phúc sẽ đi qua). Trong tay chỉ có một cái choòng bé như ngón tay cái và một cây búa cũng nhè nhẹ (để phù hợp với công việc lúc đang treo mình bên vách đá cao) và ít thuốc nổ màu đỏ sột sệt, họ làm việc thông tầm như thế.

Trưa trật, đồng đội buộc dây ngang lưng mình, thò đầu ra mép vực, buộc nắm cơm vào dây thừng thả xuống "bón" cho từng người trong số 17 người quả cảm. Chiều về, khi đã đục được một lỗ nhỏ bé vào vách đá, các thành viên Đội Cơ dũng mới nhét thuốc nổ vào, vừa bò, vừa hô anh em kéo một mạch lên đỉnh núi, tìm chỗ ẩn nấp, 20 phút sau, mìn nổ, đá Mã Pí Lèng vỡ ra một miếng bằng cái rá vo gạo. Đó là kết quả mĩ mãn của một ngày cật lực treo như thằn lằn mối dách giữa bát ngát gió, lồng lộng mây, sơ sẩy một ly một tý là... sẩy mạng. 17 người Đội Cơ Dũng và hàng nghìn người khác đã lấn từng xăngtimet đường như thế để vượt qua thế giới đá Mã Pí Lèng, trong suốt 11 mùa trăng.

Ông Nguyễn Viết Chờ xúc động: người có dây an toàn, búa, choòng và gói thuốc nổ cũng phải có dây an toàn riêng. Chúng tôi ai cũng thuộc câu thơ này, không biết của ai: "Trượt chân rơi xuống vài trăm thước/ Cây bốn người ôm cũng vụn tăm". Ai cũng bảo, an toàn là trên hết, 10 cái quan tài luôn nhắc chúng tôi. Ngày nào cũng thề quyết tâm và tụt xuống vách sâu với tâm trạng... không biết có còn được gặp lại anh em và người thân? Tất nhiên, tin là mình không chết thì chúng tôi mới dám làm.

Tối về, lán đội Cảm tử có được ưu tiên một cái đài Orionton 4 pin để nghe, được ăn ở mức 27kg so với mức 24kg/tháng của công nhân khác. Nói xin lỗi, đại tiểu tiện là cứ đu người vào vách đá... thả thẳng xuống... mây mù. Theo tiêu chuẩn, ở vùng lắm núi đá nhất cả nước, cho nên, cứ một A (12 người) thì một ngày được lĩnh một xô nước. Muốn tắm thì phải xin với "sếp" cho nghỉ cả 1 ngày, đi từ 6h sáng đến trưa mới xuống đến sông, từ sông, về đến lán là tối, là lại vẫn đầm đìa mồ hôi như... mọi hôm!

Các cựu TNXP Vũ Ngọc Thiên (Hải Dương), Nguyễn Mạnh Thùy (Hà Giang) và Nguyễn Dương Phả (Nam Định)... cứ đứng tần ngần trong mưa gió phần phật đỉnh dốc Mã. Dường như các pano quảng bá, vẻ đẹp kỳ ảo của "điểm ngoạn mục" được người Việt Nam và thế giới đang tôn vinh thành "Công viên Địa chất toàn cầu" kia không làm các ông già xao xuyến. Họ đang nghĩ về những người mở đường Hạnh Phúc đã ngã xuống trong một nghĩa trang riêng ở huyện Yên Minh.

Đặc biệt thảm khốc là sự hy sinh anh dũng của anh Đào Ngọc Phẩm (người Thái Nguyên). Anh Phẩm tung người nhao ra cứu 2 bố con người đàn ông Mông trượt chân, hòn đá anh đứng bửa ra, nó cuốn đi rồi nghiền nát anh Phẩm dưới vực sâu Mã Pí Lèng. Thi thể anh nát nhừ, chỉ có 2 cái chân thò ra khỏi khối đá lớn.
Ông Thùy, ông Nguyễn Ngọc Minh (Hà Giang) và đồng đội đã phải dùng choòng đục từng lỗ vào vách đá, đóng các cọc sắt thật vững, rồi dùng dây thừng buộc quanh mình, trườn dần xuống dưới vực sâu như những con mối dách. Trườn đến đâu, "giăng tơ nhện" (dây chão) đến đó, họ lần theo các cọc sắt mới cắm, kéo thi thể nát nhừ anh Phẩm lên thì trời đã tối. Máu người đồng đội đã đông đặc.

Ròng rã, với không ít đau thương và hàng trăm ngày truy điệu sống như vậy, may thay, chỉ có 1 cỗ quan tài "bị" sử dụng, nhưng anh em vẫn không khỏi lo lắng. Sau mỗi đợt bắn mìn, họ phải đi kiểm tra lại toàn bộ các dây an toàn, sự liên kết giữa các khối đá rồi mới thận trọng thả mình xuống tiếp. Tiếng hô mỗi sáng mai ra của Đội Cơ dũng, không thể thiếu hai chữ "An toàn".
Sau khi khởi công Đại công trường Đồng Văn, Hà Giang, phỉ vẫn nổi lên, đóng cổng trời, mổ bụng cán bộ treo  lên cây làm bia tập bắn. Thế nên, ngoài những cái sợ đã đi vào... huyền thoại: "Muỗi Bắc Sum, hùm làng Đán"; còn có "Dốc Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn", ngày làm, đêm vẫn phải cắt cử người bồng súng đứng gác đề phòng phỉ.

Ông Hạ Văn Phổ (đang sống ở Tuyên Quang) là người Tày ở Ngân Sơn, Bắc Kạn đi xung phong làm đường Hà Giang, Đồng Văn, kể: Sau nửa năm bò như con thằn lằn dọc các vách đá, đường "công vụ" rộng 40cm, chỉ đặt vừa bàn chân (đeo dây an toàn) của người phá đá, thế là cả công trường mừng như... pháo nổ. Đúng lúc ấy, chúng tôi lại được "trên" cấp phát cho một chiếc máy khoan hiệu DK20 của Tiệp Khắc. Tôi được giao cầm máy, khoan một lỗ sâu cả mét vào trong lòng Mã Pí Lèng. Đặt mìn, nó nổ phá ra cục đá to như cái chiếu, mừng khôn xiết, thế là công trường đã được cơ giới hóa rồi. Tôi dùng máy khoan dọa bọn phỉ, chúng nó bảo bao giờ đá mọc trên đầu người được thì mới tin Chính phủ làm được đường qua Mã Pí Lèng. Nhìn cái máy khoan phùm phụt mỗi mũi sâu cả mét vào đá khối của chúng tôi, bọn phỉ sợ quá, bỏ đi cả.
64 tuổi, ông Mai Quang Hồng (Hải Hậu, Nam Định) đứng tựa vào vách núi ở đỉnh đèo - điểm nhấn của "Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn", nhớ một cái cảnh bi hùng khác: "Tôi làm ở đội mộc của công trường, đi xẻ bạt ngàn gỗ nghiến về đóng quan tài xếp trong căn lều để... phục vụ Đội Cơ dũng. Xong công trường vượt Mã Pí Lèng, phải dùng mất một chiếc áo quan để mai táng anh Đào Ngọc Phẩm, số còn lại chúng tôi đem "hỏa táng".

Phép nhiệm mầu đến muộn mấy mươi năm...

Con người và thiên nhiên, cứ liên tục "bãi bể nương dâu", cảnh đã khác, nhiều người đã khuất, những người về từ đại công trường mở đường Hạnh Phúc mà còn sống thì cũng đã già rồi, giờ đây nếu họ có ngồi kể cho con cháu nghe chuyện Mã Pí Lèng, "bọn trẻ" sẽ chỉ coi là "bịa ra cổ tích". Càng ngày thì huyền thoại chinh phục Mã Pí Lèng trên đây càng cổ tích đến khó tin, xót xa thay!

Người viết bài này dù dày công tìm hiểu khắp nhiều tỉnh, trong suốt quãng thời gian không ngắn, vẫn thấy chơi vơi giữa mấy vần thơ của Xuân Diệu, vài dòng xúc cảm ít ỏi  trong ký của Nguyễn Tuân và những lời kể lúc nhớ lúc quên của những người già, mới chợt lạm nghĩ rằng: phải có một cái gì sinh động hơn, xứng tầm hơn, người thật việc thật hơn để không phụ lòng kỳ tích của những người trẻ hơn 300 ngày treo mình trên vách đá (với mỗi ngày là một "truy điệu sống"), mở đường vào nơi hùng vĩ, hoang thẳm và dữ dằn nhất Việt Nam.

Thú thật, từ sự cảm kích trước bao hy sinh gian khổ của hàng vạn người mở đường Hạnh Phúc, qua tìm hiểu, tôi đã dần cảm thấy oán trách sự vô tình của tất cả chúng ta với 2,2 triệu ngày công (giả thiết có một người cặm cụi làm việc liên tục, thì phải hơn 500 năm mới đủ 2 triệu ngày công) của hàng vạn người trẻ thuộc 8 tỉnh, 18 dân tộc đã xả thân để con đường được khai sinh giữa điệp trùng đá.

Nhưng rồi, cuối năm 2009, những bức ảnh phá đá vượt Mã Pí Lèng của hơn 40 năm về trước đã oai hùng bước ra từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, thế rồi UBND tỉnh Hà Giang mời hàng trăm người hùng phá đá trở lại với những đỉnh trời chất ngất của cao nguyên Đồng Văn. Những bức ảnh, những người hùng treo mình trên vách đá năm xưa bắt đầu lên tiếng, tất cả hiện ra trước mắt tôi như có một phép nhiệm mầu nào đó. Những bản anh hùng ca phá đá mở đường đẹp và bi tráng nhất của dân tộc đã lại tấu lên sau gần 50 năm tưởng như bị chôn lấp.
Quả là như vậy, được an ủi lắm chứ, dẫu muộn còn hơn là không bao giờ...

Mã Pí Lèng, cuối năm 2009
Đỗ Doãn Hoàng
ANTG