(Tiếp theo) Đêm ấy, tôi ngủ ở điểm trường. Gió to, rét không ngủ được. Mùa đông ở Tây Côn Lĩnh lạnh kinh khủng, nhiệt độ có thể xuống đến 4-5 độ âm, thầy cô phải đẽo băng nấu lấy nước.
Kỳ 2: “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh
Để chinh phục được đỉnh Tây Côn Lĩnh, thì trước mắt phải chinh phục được bản Chúng Phùng bằng đôi chân cuốc bộ.
Bản Túng Quá Lìn (anh em cán bộ huyện thường gọi vui là Túng Quá Liều) nằm chênh vênh chót vót trên sườn núi đã hiện ra trước mắt, ấy thế mà phải đi lòng vòng đến nhập nhoạng tối mới tới nơi. Tôi và anh Trịnh Hữu Tưởng (cán bộ Ngân hàng chính sách huyện Hoàng Su Phì), cuốc bộ từ sáng sớm đến trưa thì trông thấy những mái tôn phản chiếu ánh mặt trời lấp lóa.
Tường nhà của dân ở đây toàn trình đất, hoặc lát gỗ rất dày, để chống lại gió Tây Côn Lĩnh lúc nào cũng như bão, và cái lạnh âm độ vào mùa đông.
< Những rông núi trùng điệp của dãy Tây Côn Lĩnh.
Ngay đầu bản là điểm trường Túng Quá Lìn. Điểm trường nằm giữa khu rừng già, trước mặt là rừng vầu, sau lưng là đại ngàn thông. Gió từ phía bên kia bị gom vào khe núi, quật vào rừng thông, rừng vầu rít lên veo véo. Hễ cuốc bộ thì thôi, chứ dừng chân là lạnh cóng, không cất nổi bước.
Thấy người lạ, bọn trẻ trong bản í ới gọi nhau ra nhìn ngó, chỉ trỏ, lấm lét cứ như thể có người ngoài hành tinh vào bản.
Thầy Vương Văn Hòa vén liếp che gió ngó ra đón khách lạ. Anh bảo, chiều nào anh cũng ngồi trước hiên nhà, nhưng mấy tháng nay không có người lạ vào bản. Mấy tháng rồi anh cũng không về huyện, chẳng rõ có ngôi nhà nào mới mọc thêm ở cái thị trấn bé xíu dưới thung lũng kia không.
Nói là trường học, nhưng toàn nhà đất với nhà liếp. Hai ngôi nhà tường trình đất dày cộp, nứt nẻ loang lổ, đổ vỡ lung tung là lớp học, còn một ngôi nhà liếp là chỗ ở và chỗ nấu ăn của thầy cô giáo.
Tôi chưa kịp trình bày lý do vào bản, thì vợ chồng thầy Hòa và cô giáo Phạm Thị Hoa Lài đã mời tôi vào nhà, rồi đon đả nấu ăn, sắp bữa. Khách lạ, cán bộ vào bản, thường tá túc nhờ các giáo viên, các giáo viên cũng muốn gặp gỡ, trò chuyện với người dưới xuôi, nên sự thân tình rất tự nhiên.
< Lớp học ở điểm trường Túng Quá Lìn của cô giáo Phạm Thị Hoa Lài.
Thầy Hòa chạy xuống nhà ông Bí thư bản Thào Seo Cá xin rau về tiếp đãi nhà báo. Anh đi một lát, vác về một bao, cười hề hề: “Rau nhà bí thư bản mọc như rừng, cả bản ăn không kịp, bán chẳng ai mua, cũng chẳng thể vác rau đi bộ hai ngày xuống huyện bán, nên cứ lấy thoải mái”.
Măng thì sẵn trong rừng, gồm đủ các loại măng nứa, măng tre, măng vầu. Thầy cô làm măng khô, măng muối, măng xào đủ món. Đường sá xa xôi, hiểm trở, chợ búa chẳng có, nên món ăn quanh năm suốt tháng của thầy cô ở điểm trường này là rau và măng. Nhiều khi hết gạo, ăn rau và măng thay cơm. Với người miền xuôi, đã thừa ứa thịt, thì những món rau sạch mọc trên núi cao này là đặc sản, nhưng với thầy cô, ăn quanh năm suốt tháng, thì đúng là cực hình với mồm miệng.
Trong đêm ở nhờ điểm trường Túng Quá Lìn, tôi đã chứng kiến một hình ảnh mà có lẽ trong đời làm báo tôi không thể nào quên được.
< Phóng viên giữa thảm hoa dại tuỵệt đẹp ở bản Chúng Phùng dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Cô giáo Phạm Thị Hoa Lài đun cái chảo đen xì nóng ran, rồi hai tay cầm cái cục đen nhẫy, to bằng bắp chân, dài như cái điếu cày, cứ quẹt quẹt vào lòng chảo, phát ra tiếng xèo xèo.
Thì ra, cứ hè hoặc tết thầy cô mới xuống thị trấn được một lần nên mua cả chục kilôgam mỡ lợn, cuộn lại thành cục đem về treo gác bếp. Khói và khí nóng bốc lên làm hơi nước bay đi, mỡ cô đặc lại. Treo gác bếp đến khi nào khối mỡ chuyển sang màu xanh, cứng như khúc gỗ thì dùng được. Thầy cô mang khúc mỡ này lên trường, treo ở gác bếp, khi xào nấu gì, lại gỡ xuống mài lên mặt chảo nóng, lấy mỡ dùng.
Đêm ấy, tôi ngủ ở điểm trường. Gió to, rét không ngủ được. Mùa đông ở Tây Côn Lĩnh lạnh kinh khủng, nhiệt độ có thể xuống đến 4-5 độ âm, thầy cô phải đẽo băng nấu lấy nước. Ngoài trời, trăng sáng vằng vặc, trăng nhô khỏi đỉnh Tây Côn Lĩnh to như cái mẹt. Có lẽ do sương núi làm tán ánh trăng, nên nhìn trăng mới to như thế.
< Nhà ở của thầy giáo Vương Văn Tôn và Lê Văn Hưng ở điểm trường Chúng Phùng.
Cô giáo Lài kể, lần đầu được ngắm trăng trên Tây Côn Lĩnh, cô thắc mắc sao trăng ở đây to vậy. Anh chàng học sinh Mông đi kéo vợ đêm bảo: “Cô giáo dốt thế, núi cao, trăng gần nên nhìn chả to hơn thì sao!”.
Cuộc sống của vợ chồng thầy giáo Vương Văn Hòa cứ tội tội thế nào ấy. Hai vợ chồng thầy ngày trước dạy ở Bắc Mê, mỗi người một xã. Để được gần nhau, hai người đã xung phong vào điểm trường Túng Quá Lìn dạy, khi điểm trường này vừa mở.
5 năm công tác ở đây, đã đủ điều kiện để được chuyển về gần thị trấn, nhưng anh chị không nỡ về. Để gây dựng được uy tín với học sinh, với dân bản, vợ chồng thầy Hòa phải vất vả mấy năm nay.
Người Mông ở mảnh đất rừng rú này nghĩ việc đi học là cho thầy cô chứ không phải cho bản thân nên họ không hào hứng cho con cái đi học. Đồng bào quý thầy Hòa, nể thầy Hòa lắm, họ mới cho con em đi học. Giờ thầy bỏ về thì không chừng học sinh cũng bỏ học hết. Những thầy cô giáo khác lên đây, chắc gì đã đủ tâm huyết với đồng bào nơi góc rừng xó núi này.
Sớm hôm sau, khi trời tờ mờ sáng, tôi và anh Trịnh Hữu Tưởng trở dậy tiếp tục nhằm hướng chân đỉnh Tây Côn Lĩnh mà đi. Ở hướng đó, còn có mười mấy nóc nhà của bản Chúng Phùng. Từ bản Chúng Phùng, sẽ không còn đường mòn cuốc bộ nữa, mà phải vạch rừng tìm lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
< Rừng già rậm rạp trên sườn Tây Côn Lĩnh.
Giữa một ngọn đồi trọc lơ trọc lốc, giữa một thảm rừng cỏ dại tím ngắt, không hiểu là loại cỏ hoa gì, đẹp như cổ tích, hiện ra một ngôi nhà trình đất và một ngôi nhà liếp xiêu vẹo. Hóa ra, đây là điểm trường Chúng Phùng của thầy Vương Văn Tôn và Lê Văn Hưng. Điểm trường có cả thảy 18 học sinh, nhưng không thấy em nào đến lớp.
Ngôi nhà liếp xiêu vẹo vì bị gió thổi mạnh. Tôi mở cửa đi vào, thấy hai thầy giáo nằm cuộn tròn trong chăn. Thì ra hai thầy đều ốm nặng, nằm bẹp, không gượng dậy nổi. Thầy Tôn da bủng tái xanh, môi sưng phồng nứt nẻ toang hoác.
Thế là chuyến leo đỉnh Tây Côn Lĩnh của tôi buộc phải hủy bỏ. Tôi phải quay về điểm trường Tùng Quá Lìn thông báo cho các thầy cô mang thuốc lên cho thầy Tôn và thầy Hưng, rồi tìm cách khiêng hai thầy xuống núi chữa trị. Nếu cứ mặc hai thầy nằm bẹp giữa rừng thiêng nước độc, gió thốc rét căm căm thế này, không khéo toi mạng.
Mấy ông thợ săn người Mông ở bản Chúng Phùng bảo, có hai nơi gió to nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh và đỉnh Lủng Cẩu ở cuối dãy Tây Côn Lĩnh. Gió to đến nỗi, cây cối quanh núi Tây Côn Lĩnh mấy trăm năm tuổi mà chỉ to bằng bắp tay, cao quá đầu người.
Những câu chuyện về Tây Côn Lĩnh ngày càng thú vị, nhưng tôi đành phải dừng bước, vì không đủ sức và phương tiện để đi lên nổi. Đỉnh Tây Côn Lĩnh mù mịt trong mây.
Còn tiếp
» Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối)
» Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc” (Kỳ 6)
» Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
Phạm Ngọc Dương - Theo VTC
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.