“Chài Chiên, chài Bỗng, chài Lăng…”
… “Chài được con nào cũng thỏa công anh”. Đó là câu dân ca mà người dân vùng núi cao điệp trùng Đông Bắc, Tây Bắc thường đọc cho nhau nghe những khi vượt ghềnh thác chài cá.

Trong các sách về sự phân bố thủy sản nước ta, các nhà khám phá chỉ ghi nhận sự xuất hiện của các loài cá này trên các triền sông phía Bắc, trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Dọc sông Mã, chảy từ Trung Quốc qua Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa cũng từng xuất hiện nhưng thi thoảng mới có và chỉ có cá Lăng; còn Bỗng và Chiên thì tịnh không thấy! Thế nên, tôi đã cất công tìm bằng được phường săn có tiếng để đi theo và được kinh qua cái cảm giác bồng bềnh trên sông nước, và biết đâu tự tay mình bắt được con cá quý…

Rồi tôi cũng tìm được tay săn cá có nghề tên là Lò Văn Thắng ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang). Lần này, chúng tôi ngược sông Gâm từ trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), bởi theo Thắng thì địa phận giáp ranh giữa Chiêm Hóa và Na Hang cũng là một trong những vùng mà “ngũ quý hà thủy” thường sinh sống. Lần này, Thắng kéo theo cả phường săn gồm 4 người nữa. Thắng bảo: “Phải quây, dồn thì mới bắt được chúng”.

Chập tối, chúng tôi lên đường. Ngược sông chừng một tiếng thì thuyền chúng tôi đến địa điểm đã định. Sau khi thống nhất phương án, cả nhóm cởi bỏ quần áo dài và lấy thính mồi ra nhử cá.
Thính được làm bằng sắn, ủ thối cùng mầm thóc nương, mùi khá nặng, thứ thức ăn mà cá Chiên, cá Lăng rất thích. Tôi và Thắng làm công việc tiếp theo là rải thính xuống sông, còn 4 phường săn khác tên là Phăn, Hòa, Lợi, Thế thì bẻ cành cây đánh dấu và cắm sào theo hình vuông để giăng chài.

Chài ở đây do các anh tự làm, khá rộng và giống như cái đáy lưới. Chúng tôi thả chài bằng cách thả 3 góc vào chỗ 3 cái sào đã cắm sẵn, còn một góc được nâng lên, có hòn chì khá nặng, có sợi dây nhỏ để phát hiện cá ăn mồi. Khi thấy có cá trong khu vực ô vuông thì lập tức hạ góc chài này xuống và nhấn sâu xuống đáy sông mới có thể bắt được cá.
Mười hai chiếc chài đã được chúng tôi giăng xong trong khoảng gần một tiếng rưỡi. Chúng tôi cùng bơi lại mỏm đá giữa sông, ngồi hút thuốc, tán gẫu và chờ đợi… Mất khá lâu, khi trời đã tối, cành cây đánh dấu, chiếc dây nối với cành cây cách chỗ chúng tôi ngồi không xa bỗng lay động. Rồi một tiếng quẫy mạnh, cành cây mất hút. Mọi người nhìn nhau rồi lao nhanh về phía đó, thoắt cái đã sập được chài, kẻ lặn người hụp, nước bắn tung toé.

Khi tôi bơi ra đến nơi thì cuộc chiến đang hồi gay cấn. Tiếng nói lao xao. Một con cũng khá đấy. Nhận chắc cục chì xuống đáy, không nó ra mất. Thằng Phăn nâng đều tay lên. Rồi, rồi, hai ba… Một con Lăng đã chễm chệ trong chài. Chắc không dưới 3 cân. Ai đó ướm. Tôi bơi lên bờ lôi máy ảnh ra xoạch, xoạch… rồi lại ngồi chờ.

Chờ mãi vẫn không thấy tiếng động nào. Tôi nghĩ chắc sự may cũng chỉ đến thế thôi. Như đoán được ý tôi, Thắng động viên Nhà báo cứ chịu khó chờ đợi. Bắt được con Chiên mới thú. Tôi thêm can đảm để chờ đợi nhưng cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Tôi có ý hỏi không có cách bắt cá nào khác thì Lợi và Phăn thay nhau kể. Có nhiều cách. Trước kia, người dân tộc thường dùng hom (giống như cái đó) để bẫy. Cũng có khi dùng cung tên để bắn.
Thậm chí, có thời kỳ nhiều người vì hám tiền mà dùng cả thuốc nổ để đánh bắt, tuy hiệu quả cao nhưng tàn sát môi sinh và cá bé nên cá sông, nhất là “ngũ quý” thì càng ngày càng hiếm.

Câu chuyện đang liên miên thì có tiếng anh Lợi Cá Chiên đấy! Nhanh như cắt, các anh đã buông ngay cái dây chài và đồng loạt lao ùm về phía chiếc chài có tiếng động. Con cá vướng chài lao thục mạng. Nếu các anh không kịp cầm chài thì có lẽ con cá đã làm bung mấy chiếc sào nứa và thoát ra ngoài. Biết được đặc tính hung hăng của con cá mới mắc chài nên các anh thả chài nhẹ nhàng theo hướng nó lao và lựa tay, kẻ hụp người lặn, làm khuấy động cả một khúc sông.

Điều lạ là, khi còn ở dưới nước, nó quẫy tung trời thế mà mới rời khỏi mặt nước đã nằm im. Đó là đặc tính riêng biệt của cá Chiên đấy - Anh Thắng giải thích cho tôi. Con Chiên này khá to (sau này khi mang về nhà, chúng tôi cân được hơn 11 kg!), vây đã bắt đầu mốc, trên lưng phủ lớp rêu xanh, râu dài quá gang tay.
Cá Chiên càng lớn thì da và vây cá càng bị mốc. Tôi hoan hỷ lôi máy ảnh ra chụp nhưng các anh bảo đừng bật đèn vì loài cá này rất sợ ánh sáng, sẽ không có cơ hội để kiếm thêm con nào nữa…

Tôi ngồi ngắm nghía con cá khá lâu, mặc cho các anh vẫn tiếp tục công việc và bắt được thêm 2 con cá Lăng, 1 con cá Chiên nữa. Khi trời gần sáng cũng là lúc đã thấm mệt, chúng tôi thu dọn chài lưới và cho thuyền xuôi. Tôi đã thiếp đi trên thuyền lúc nào không biết nhưng vẫn văng vẳng câu hát nghe dang dở mà anh Thắng cất lên từ hồi nào Ai xuôi, ai ngược thuyền nan. Ai đi bắt cá cùng anh vui vầy. Anh đây ăn Chép, ăn Răm. Phần em con Bỗng, con Lăng…

Chuyện những người đầu tiên nuôi “ngũ quý”

Chẵn 10 năm trước, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I do nhóm tác giả Phạm Báu, Nguyễn Đức Tuân, Bùi Đình Đặng, Nguyễn Công Thắng, được giao thực hiện đề tài Điều tra nghiên cứu một số loài cá quý hiếm trên hệ thống sông Hồng: Các biện pháp bảo vệ và phục hồi. Đây là một trong những đề tài khó và tốn nhiều công sức, mặc dù số tiền chỉ vài trăm triệu đồng.
Muốn có mẫu phải mua cá, cá thì vừa đắt vừa khó mua. Nhóm tác giả đã phải đặt hàng chục tay săn cá chuyên nghiệp để có mẫu cá bố mẹ nhưng cũng phải mất gần 2 năm trời mới thu thập đủ mẫu để tiến hành nghiên cứu.

Sau thời gian dài, những đặc điểm sinh học của “ngũ quý hà thủy” lần đầu tiên tại Việt Nam được các nhà khoa học chỉ ra bằng công trình nghiên cứu công phu, đầy đặn; hơn nữa, từ đó có thể nhân tạo thành công hầu hết các loài cá quý hiếm này.
Riêng đối với loài cá Anh vũ đặc biệt quý hiếm, Thạc sỹ ngư học Phạm Báu cho biết, hiện trên sông Gâm có 3 mỏ cá: Một tại thị trấn Na Hang, một tại Thúy Loa (huyện Na Hang) và một tại xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê).

Năm 1999, ông Báu đã tự bỏ tiền túi, lặn lội nhiều lần lên Na Hang và mua được 20 con cá Anh vũ con về làm giống. Lúc đầu, chúng cũng sống và lớn nhưng khi được 1 - 2 lạng thì cứ chết dần. Sau này, nghiên cứu kỹ, ông Báu mới biết, chúng chết vì môi trường trong ao chưa đủ điều kiện môi sinh của loài: Dòng nước chảy mạnh, nước trong, có hang đá, nhiều rêu và tảo…
Để tìm hiểu thêm, tôi đã lặn lội ngược trở lại Na Hang (Tuyên Quang) tìm gặp người đầu tiên ở Việt Nam nuôi được cá Anh vũ. Tại nhà riêng, anh Giàng A Sềnh kể: Khoảng năm 1995, anh bắt được một số cá Anh Vũ ở sông Gâm, thấy còn bé quá, chưa ăn được nên thả vào ao nuôi cùng với các loài cá khác. Sau gần 1 năm, anh thật bất ngờ thấy cá lớn đều và vẫn bảo tồn được số cá thể. Thế là, anh quyết tâm nuôi.

Mấy năm sau, hai con cá mẹ đầu tiên đã đẻ trứng và nở được gần 100 con cá giống. Hiện, trong ao nhà anh có vài trăm con trọng lượng 0,8 - 2,5 kg, mỗi năm cho thu dăm bảy chục triệu đồng. Quan sát, thấy ao nhà anh Sềnh tương đối gần gũi với điều kiện tự nhiên: Nhiều phiến đá ngầm có rêu bám, nước trong và chảy quanh năm do thông với một dòng suối…

Năm loài cá hiếm cơ bản đã được nuôi nhân tạo thành công và có thể nhân rộng nuôi thương phẩm, nhất là đối với cá Bỗng và Lăng. Theo tác giả Nguyễn Đức Tuân (Phòng Di truyền, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), hiện Viện đã chuyển giao công nghệ nuôi cá Bỗng và cá Lăng cho nhiều người dân Nam Định, Hà Tây, Tuyên Quang, Hòa Bình, với hiệu quả cao.

Tìm hiểu được biết, ông Nguyễn Hữu Ninh - Giám đốc Trung tâm giống cá quốc gia, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Khai thác và tái tạo nguồn gien cá Anh vũ đã thành công trong việc nuôi sinh sản loài cá đặc biệt quý hiếm này. Nguồn gien cá Anh vũ đã có thể được bảo tồn và tái tạo.

Ở góc độ khác, giáo sư Mai Đình Yên cho biết: Việc chặn dòng xây dựng thủy điện Tuyên Quang sẽ tàn phá môi sinh của các loài cá này, nguy cơ diệt vong đã hiện hữu. Ngay bây giờ chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu để cứu các loài cá này.
Tôi đọc được đoạn dài trong phần Đề xuất của đề tài mà nhóm các nhà khoa học ngành thủy sản thực hiện: “Cần tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức các khu bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng các trạm, trại tại các khu trọng điểm. Tiến hành nghiên cứu các mặt sinh học, nuôi dưỡng…”.

Tôi cũng chưa biết cụ thể các biện pháp đó rồi đây sẽ được triển khai ra sao. Nhưng cứ áy náy một điều, sẽ là rất tiếc nếu như chuyến săn tìm “ngũ quý hà thủy” ngược sông Gâm của chúng tôi cách đây ít ngày lại là một trong những chuyến săn cá cuối cùng trên dòng Gâm, trước khi mực nước sông Gâm có thể dâng lên đến dăm bảy mét, trở thành một hồ chứa nước rộng lớn, bởi chẳng còn lâu nữa sẽ chặn dòng thủy điện Tuyên Quang…

Ngược sông Gâm, săn cá "tiến Vua" (Phần 1)

Theo Tienphong