Nghe lời kể lại của một nhóm “phượt” trên box Du Lịch,  diễn đàn TTVNOL  về chuyến đi lên rừng quốc gia Xuân Sơn – Phú Thọ. Tôi quyết định rủ thêm 3 ngươi bạn nữa phóng xe máy từ Hà Nội lên Xuân Sơn để thỏa thú thích khám phá, ưa mạo hiểm của mình.

Cầu Trung Hà nối liền thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với Phú Thọ, vắt qua một khúc sông Đà thơ mộng. Đoạn đường từ cầu Trung Hà vào đến Xuân Sơn chỉ chiếm khoảng 90km nhưng đã giúp chúng tôi cảm nhận được phần nào “mùi vị” của vùng đất trung du. Có lẽ về đến vùng đất đồng bằng nên Sông Đà cũng “hiền” hơn cái vẻ hung dữ cuồn cuộn của nó trong tác phẩm Người lái đò sông đà mà nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả. Mấy hạt mưa lất phất đầu xuân theo từ Hà Nội đến đây trở nên nặng hơn. Chính vì vậy mà chúng tôi có cơ hội được tận hưởng khung cảnh ươn ướt, lãng mạn, thanh bình trên đoạn đường khoảng 2km chạy men theo bờ sông.

Mùi vị của Phú Thọ thực sự hiện ra khi chúng tôi rẽ vào Minh Đài. Cả con đường gần chục cây số là những đồi chè xanh mơn mởn. Từng vạt chè xanh non nối tiếp nhau tràn từ đỉnh đồi xuống chân đồi, trải rộng ra thung lũng rồi lại leo lên những quả đồi tiếp theo. Cứ thế, cứ thế đến ngút ngàn xanh thẳm.

Tấm bản đồ mà tôi mang theo người có vẻ khá hữu ích. Nhưng khi vào đến địa phận của huyện Tân Sơn, có một vài đoạn ngã 3 không thấy ghi trên bản đồ khiến chúng tôi đi nhầm đường ở một vài chặng. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy tấm biển chỉ đường ghi “Xuân Sơn 8km”. Nhưng chúng tôi đâu biết rằng đằng sau cái thở phào ấy là những con dốc lên xuống hun hút, dốc này chưa hết đã thấy dốc sau xuất hiện, càng đi lại càng thấy cao hơn. Sự chênh lệch độ cao và cái cảm giác ù ù nâng nâng trào ra qua tai thực sự kích thích dây thần kinh ưa mạo hiểm, ưa khám phá của tất cả thành viên trong nhóm. Con đường ngoằn ngoèo trở nên quá rộng vì chẳng có lấy bóng dáng một chiếc xe, một bóng người ngoài chúng tôi.

Xe đang bon bon bám đường rất chắc, leo từ từ lên con dốc nghiêng đến 25 độ thì bỗng nhiên dở chứng chết máy giữa đường. Đồng hồ đã điểm 6h tối. Mưa phùn và sương núi ngày một xuống nặng hơn. Cho đến khi trời tối không nhìn rõ mặt người mà chiếc xe vẫn không tài nào nổ máy. Tệ hơn là cả sóng điện thoại của Viettel và Mobile cũng đều mất do không đọ nổi sự hun hút của núi rừng nơi đây. Chỉ còn khoảng 1km nữa là tới xóm Dù, trung tâm của xã Xuân Sơn, nơi chúng tôi sẽ dừng chân nghỉ đêm. Nhưng con đèo dốc thế này, dắt xe bộ qua được là cả một vấn đề.

Bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ xe máy đi từ dưới chân đèo đi lên. Đèn pha xe máy chiếu sáng cả một vạt đồi khiến cả nhóm mừng như vừa đi lạc trong rừng sâu cả tuần trời giờ mới tìm được đường ra. Người đi chiếc xe đó là một nguời đàn ông trạc 45 tuổi, thấy chúng tôi gặp chuyện giữa đường đành dừng lại giúp. Sau một hồi sửa chữa không có kết quả, người đàn ông đó gọi thêm một thanh niên nữa. Được biết anh này đang làm chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy ở mãi Minh Đài (ngược chỗ tôi đang đứng khoảng 6km đường đèo núi). Sau bao cố gắng của anh thợ, chiếc xe đã nổ máy dòn tan trong tiếng reo hò vui mừng của tất cả mọi người. Chẳng ai để ý rằng mưa và sương núi đã ngấm ướt đẫm cả lớp áo khoác ngoài. Lúc này tôi mới để ý đến khung cảnh rừng núi hiện lên hùng vĩ trong bóng tối tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng và tiếng động cơ xe máy nghe xa lạ, lạc lõng.

Đến xóm Dù khi mọi ngôi nhà đã chìm trong sương đêm. Ngôi nhà sàn mà chúng tôi đã đặt trước nằm ngay chính giữa trung tâm của xóm. Ngạc nhiên hơn khi 2 người đàn ông đã giúp chúng tôi sửa xe cũng đi vào nhà sàn. Lúc này người đàn ông trung niên tốt bụng mới giới thiệu, chú tên là Lâm, chủ tịch xã Xuân Sơn và cũng là chủ của ngôi nhà sàn này. Chú có lời mời 4 người chúng tôi ăn cơm cùng gia đình chú. Chẳng phải nói chúng tôi đã ngạc nhiên và vui đến mức nào.

Mâm cơm khá thịnh soạn toàn đặc sản Xuân Sơn gồm gà chín cựa luộc, măng tre luộc và nấu canh, thịt lợn lửng và nhiều món khác nữa. Ông chủ tịch xã kiêm chủ nhà không ngừng rót rượu mời chúng tôi. Thứ rượu nấu bằng ngô Xuân Sơn không cay bằng rượu nếp đồng bằng nhưng lại dễ say. Mà đã uống rượu ở đây là phải say, “không say là chưa thật lòng với người Xuân Sơn rồi” – chú Lâm nói.

Bản Cỏi và tục ngủ thăm

Ngôi nhà sàn của gia đình chú Lâm khá khang trang, rộng rãi đựợc chia thành 2 tầng, có sức chứa lên đến 100 khách. Ngôi nhà được làm bằng gỗ, khá thoáng nhưng rất ấm. Mở cửa sổ ra là có thể chạm tay vào thiên nhiên. Có vẻ như rất quý chúng tôi, 2 mẹ con cô chủ nhà sau khi chuẩn bị chỗ ngủ cho 4 vị khách xong liền ngồi nán lại trò chuyện. Cũng trong cuộc trò chuyện này mà tôi được biết về một tập tục khá thú vị của người Dao nơi đây, tục ngủ thăm.

Tối đến, các chàng trai có thể tìm đến nhà cô gái mà mình thích để ngủ thăm. Nếu thấy đèn buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà. Nhưng không phải chàng trai nào đến xin ngủ thăm cũng được cô gái đồng ý. Chàng trai đó cũng phải là người mà cô gái đã để ý từ lâu. Sau một thời gian ngủ thăm, nếu hai người cảm thấy tâm đầu ý hợp thì chàng trai có thể đến ngủ thật trước khi cưới cô gái đó làm vợ.

Đêm xuống, tiếng mưa rơi nhè nhẹ trên mái nhà, tiếng côn trùng kêu râm ran quyện cùng cái lạnh tháng 3 tê rân rân trên da thịt khiến lòng ai cũng thư thái lạ kỳ. Cuộn tròn trong chăn, tôi mơ màng về tục ngủ thăm nhưng trong lòng không khỏi lo lắng, trời mưa thế này không biết mai có đi thăm bản và thăm rừng được không.

Đúng như mối lo của tôi, đêm qua trời mưa khá nặng hạt. Cô chủ nhà kể rằng tối qua một nhóm thanh niên đến thăm bản Cỏi đành phải quay về giữa đường do đường quá lầy lội. Thấy sự quyết tâm vào thăm bản Cỏi của chúng tôi, chú Lâm đành cử 2 em bé người Dao đi theo dẫn đường.
Bản Cỏi là bản xa nhất tại Xuân Sơn còn dấu vết của người ở. Bản cách bản Dù khoảng 5km. Đường vào bản đang được dải bê tông nên ngổn ngang đá sỏi, gập gềnh càng khó đi. Cả bản có 78 hộ gia đình, chủ yếu là người Dao. Nhà nào cũng có tivi, rất nhiều nhà có xe máy.  Nhà làm bằng gỗ và lợp mái lá nhưng được xây dựng khá kiên cố. Mấy cây mận đầu bản lộc lên mơn mởn tạo thành một bức tranh mùa xuân thanh bình.

Thiên nhiên kỳ thú

Vườn quốc gia Xuân Sơn là khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi vẫn còn giữ được rất nhiều nét hoang sơ. Du lịch ở đây mới phát triển đựoc một hai năm nên chưa chịu sự tác động nhiều của con người. Các “tuyến du lịch” thăm quan tại đây đa phần dựa vào nhu cầu của khách tham quan muốn đi thăm hang, thăm bản hay thăm động thực vật mà thuê “hướng dẫn viên”. Hướng dẫn viên ở đây có thể là người dân địa phương. Ai muốn tìm hiểu kỹ hơn thì phải nhờ đến kiểm lâm của rừng. Cô bé “hướng dẫn viên” của  chúng tôi mới 10 tuổi nhưng đi thoăn thoắt khiến đôi chân quen ngồi văn phòng của tôi phải “chạy” theo hụt hơi. Thời tiết xấu không ủng hộ nên chương trình thăm quan của chúng tôi đã bị cắt đi rất nhiều.
Sau chuyến thăm bản Cỏi, chúng tôi lại tiếp tục đến thăm hang Lạng. Hang Lạng có vòm hang khá rộng. Có một dòng suối ngầm dài hơn 600m chạy dọc theo thành hang. Truyền thuyết kể rằng cá trong hang Lạng là cá thần vì thế người dân ở đây không ai bắt cá trong này bao giờ.

Giá trị nhất của Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị sinh học cao. Đứng trước những cây chò chỉ cao bằng toà nhà 20 tầng hay cây gỗ nghiến cổ thụ gốc bạnh to 3 người ôm không xuể càng thấy khâm phục cán bộ và nhân dân Xuân Sơn biết gìn giữ giá trị vô giá của thiên nhiên. Mấy đứa trẻ còn dẫn chúng tôi đến thăm cây chuối cô đơn (chuối bạc hà) nằm ngay trong khuôn viên của Ban quản lý Vườn. Sở dĩ cây chuối này có tên gọi lạ như vậy bởi nó có thể tự sinh sôi bằng hạt chứ không phải bằng gốc như chuối thường. Cây cao tới 3m, hoa chuối có mầu xanh cốm rất lạ mắt.

Trước khi đến đây tôi có đọc khá nhiều tài liệu về hệ động thực vật của vườn. Chuyến đi lần này có một điều khiến tôi chưa hài lòng đó là việc tôi chưa có cơ hội để tìm hiểu kỹ hơn về hệ sinh vật Xuân Sơn như những gì mình được đọc. Tôi chưa có cơ hội được ăn món rau sắng nổi tiếng, chưa được nhìn thấy cá cóc Xuân Sơn, chưa được đu dây để chui vào hang Na,… Điều đó càng thôi thúc tôi quay trở lại đây vào mùa hè tới. Chính vì vậy trước khi tạm biệt gia đình chú Lâm tôi đã không quên xin số điện thoại của  một anh kiểm lâm, người đã hứa sẽ làm hướng dẫn viên nếu tôi có dịp quay trở lại đây. Hẹn gặp nhé Xuân Sơn!

Thông tin thêm

Vườn Quốc Gia Xuân Sơn thuộc xã Xuân Đài, Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nằm trong tam giáp ranh giới giữa 3 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ và Sơn La. Cách Hà Nội 120km, cách Việt Trì 80 km.
Năm 1986 được công nhận là rừng cấm quốc gia. Năm 1992 được chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên. Năm 2002 được chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Diện tích: 15.048ha. gồm 3 phân khu chức năng chính ( phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 9.099 ha, phân khu phục hồi sinh thái 5.737 ha, phân khu dịch vụ hành chính 212 ha). Diên tích vùng đệm của VQG:18.639ha.

Đa dạng sinh học
- Thực vật: Vườn quốc gia Xuân Sơn có 726 loài thực vật, trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ. Một số loài tiêu biểu như: re, dẻ, sồi,  táu muối, lá duối, sao mặt quỷ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao, chò chỉ, rau sắng…
+ Rau sắng: VQG Xuân Sơn là nơi có mật độ rau sắng mọc tự nhiên cao nhất Việt Nam. Rau sắng là cây gỗ có thể sống hàng trăm năm, dùng chế biến món ăn rất ngon, có tác dụng chữa bệnh.
Động vật: Có 282 loài động vật, với 23 loài lưỡng cư, 30 loài bò sát, 168 loài chim, 61 loài thú. Một số loài tiêu biểu như: cá cóc Xuân Sơn, gà chín cựa,…
+ Cá cóc Xuân Sơn (Tylototriton sp): mới đựoc phát hiện cách đây ít lâu
+ Gà chin cựa: là giống gà nhiều cựa (từ 4-9 cựa) được nuôi tại Xuân Sơn, ăn thịt rất ngon.

Địa hình
Có hệ thống hang động trên núi đá vôi đa dạng: Hang Lạng, động Tiên, hang Na, …Có nhiều ngọn núi có độ cao từ 300m-1400m: Núi Voi, núi Ten, …
Nhân văn
Được cư trú chủ yếu bởi 2 dân tộc Mường và Dao. Một số tập tục: tục ngủ thăm của người Dao, tục chài-nèm và rất nhiều nghi lễ tế cúng khác.

Du lịch, GO! - Theo VnTravellive