Có hai giả thuyết về tên gọi Pongour như sau:
Thứ nhất, Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (K'ho: Pon - gou (với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin. Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin.
Giả thuyết thứ hai hiện nay khá phổ biến, được nhiều người nhắc đến: Pongour xuất phát từ ngôn ngữ K'ho có nghĩa là bốn sừng tê giác (Pon: bốn, gou: sừng). Giả thuyết này lấy từ môt truyện cổ trong kho tàng truyện cổ K'ho - Chàm, Churu.
Thác Pongour được vua Bảo Đại ví von là “Nam thiên đệ nhất thác”, còn người Pháp từng tôn vinh đây là dòng thác hùng vĩ nhất Đông Dương.
Thác Pongour còn giữ được nét hoang sơ, với chiều cao khoảng 40m, chiều rộng hơn 100m. Vào mùa mưa, nước từ trên cao tuôn chảy ào ạt xuống vách đá 7 tầng, được ánh nắng mềm mại của núi rừng Tây Nguyên chiếu rọi, tạo nên những “cung bậc” trắng xóa tựa như những dải lụa óng ả trên khung cửi khổng lồ.
Phần thác sát vách núi thẳng đứng, nước tuôn xối xả theo vách đá cao ngất tung bọt trắng xóa, tỏa lan màn sương nước li ti huyền ảo.
Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã công nhận Pongour là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia.
Một thời Pongour là điểm đến hấp dẫn nhất so với hàng chục dòng thác khác dọc theo quốc lộ 20, thác với những dòng nước chảy cuồn cuộn hùng vĩ tung bọt nước trắng phau bắn tung tóe cả người, tiếng ì ầm vang xa hàng cây số.
Hằng năm cứ đến rằm tháng giêng âm lịch, từng đoàn người lũ lượt đến Pongour. Nhiều người cho rằng, đầu năm họ đến thác Pongour để nguyện cầu những điều may mắn, tốt lành.
Từ tháng 5-2007, sông Đa Nhim bị chặn dòng để tích nước cho hồ thủy điện Đại Ninh nên dòng nước chảy về thác yếu dần và từ năm 2008 đến nay thì nước cạn kiệt.
Được biết, trước đây, để được chấp thuận đầu tư dự án thủy điện Đại Ninh, phía nhà đầu tư đã cam kết với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng là sẽ xả lượng nước 6m³/giây nhằm duy trì dòng nước cho thác Pongour.
Trước mắt, để cứu vãn tình thế, đơn vị này đã phải dùng 3 máy bơm nước công suất lớn để tạo nên dòng thác “nhân tạo”, nhưng lượng nước không thể phủ lấp hết mặt đá hoa cương.
Chính vì lẽ đó, lượng du khách đến thác mỗi độ xuân về cũng giảm sút... và nếu cứ như thế này: Nam thiên đệ nhất thác chỉ còn lưu lại trong quá khứ, một món quà bằng hình ảnh của tiền nhân lưu lại cho hậu thế.
Không chỉ thác Pongour mà nhiều thác nước ở Lâm Đồng đã và đang có nguy cơ thành thác “chết”. Việc chặn dòng xây dựng thủy điện Đại Ninh ngoài việc làm thác Pongour khô nước đã làm 2 ngọn thác khác là Gougah và Bảo Đại bị ngập vào mùa mưa.
Thác Liên Khương cũng đã bị xóa sổ do việc ngăn dòng xây dựng thủy điện Đa Nhim. Còn thác Cam Ly nằm ngay tại trung tâm TP Đà Lạt nhiều năm qua cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý, khai thác chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO, SGGP, Chudu...v.v
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.