Huyện đảo Phú Quý hiện nay có 3 xã: xã Long Hải với các thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long - xã Ngũ Phụng (huyện lỵ) với thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh và xã Tam Thanh có thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương.
Nằm giữa trung tâm khai thác hải sản lớn nhất Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Từ Phú Quý ngư dân có thể vươn ra các ngư trường xa khơi để khai thác nhiều loại hải đặc sản, bình quân sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Phú Quý có khả năng phát triển mạnh kinh tế dịch vụ và du lịch biển.
Là một huyện đảo có khí hậu trong lành, biển ở xung quanh, nước trong xanh thấy rõ địa hình, địa vật dưới độ sâu 5-7m bằng mắt thường. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú, nhiều chủng loại.
Phú Quý có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy, nhất là bãi vịnh Triều Dương rộng và thoải mái, toàn là cát trắng mịn không có đá lộ đầu, trên bờ có rặng dừa và rừng dương rợp bóng, lại có nhiều nước ngọt. Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh, chùa chiền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Cách cảng 3km về phía tây là ngọn núi Cấm cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Đêm đêm ngọn đèn biển định hướng cho các thuyền ngư dân giữa biển khơi đi về đúng hướng, nối liền đảo quê hương với đất mẹ thân thương.
Cách núi Cấm chừng 4km về hướng đông là núi Cao Cát, trên đỉnh núi có ngôi chùa Linh Sơn Tự, đây là một trong hai ngôi chùa xây trên núi của tỉnh Bình Thuận, từ chùa có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả vùng biển bao la của Tổ quốc.
Ngoài đảo lớn ra, các đảo còn lại có thể kể như như hòn Tranh nằm phía bên trái của cảng, sau hơn 10 phút đi canô ta sẽ được rảo bước dưới những tán cây tỏa bóng mát và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân với nghề truyền thống lặn bắt tôm hùm. Đi tiếp sẽ tới hòn Hải, đây là nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý và độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Trên đường đến hòn Hải sẽ đi ngang qua nhiều đảo nhỏ, trong đó có hòn Bố. Đây là một đảo đá đang trong quá trình phong hóa dữ dội, đá non đã ngả màu vàng đất, trên đảo không có dân sinh sống do không có nước ngọt, không một bóng cây, nhưng là nơi cư ngụ của các loài chim biển, vào mùa mưa có hàng ngàn con chim mố (một loài ó biển) về đây sinh sôi nảy nở.
Trước kia, việc giao thương giữa đảo Phú Quý và đất liền phụ thuộc chủ yếu vào tuyến hàng hải nội địa Phan Thiết - Phú Quý, mỗi chuyến hành trình từ đất liền đến đảo phải mất 6 giờ. Hiện nay, cảng Phú Quý (Bình Thuận) đã đưa vào sử dụng chiếc tàu trung tốc Phú Hưng sẽ rút ngắn thời gian đó còn 2 giờ rưỡi.
Đây là niềm vui rất lớn của người dân Phú Quý cũng như du khách từ đất liền muốn ra Phú Quý để tham quan du lịch. Với việc đưa vào sử dụng tàu trung tốc đầu tiên này, ngành du lịch đảo Phú Quý hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần.
Tổng hợp từ internet
ĐGD
1 Comments
Phú Quý thêm Tàu cao tốc
Trả lờiXóaBTO- Trưa ngày 13/6/2011 đúng 10 giờ 15 phút, chiếc tàu cao tốc mang tên Hoàng Phúc 01 đã cập cảng Phú Quý, đây là chiếc tàu cao tốc đầu tiên do tư nhân Phú Quý đầu tư với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng. Tàu có chiều dài 32 m, chiều rộng 8,8 m, chở được 255 hành khách.
Lâu nay, việc đi lại, giao thương giữa đảo Phú Quý và đất liền phụ thuộc chủ yếu vào tuyến hàng hải nội địa Phan Thiết - Phú Quý. Thời tiết, hải lưu vùng biển này rất phức tạp, Phú Quý thường xuyên bị cô lập, phương tiện vận tải hạn chế, do vậy việc thông thương giữa đảo và đất liền gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Hoàng Phúc – Giám đốc Công ty TNHH xây lắp – Dịch vụ - Thương mại Hoàng Phúc cho biết: “sau khi tham quan, học hỏi mô hình từ các đảo như: Phú Quốc, Lý Sơn … tôi thấy phương tiện giao thông của họ rất phát triển cả về đường thủy lẫn hàng không, nên chúng tôi quyết định đầu tư tàu cao tốc ở Phú Quý, một là để góp phần phát triển kinh tế chung của toàn huyện, hai là phục vụ cho người dân địa phương và du khách, từng bước rút ngắn thời gian đi lại giữa đảo với đất liền”
Tàu cao tốc này thiết kế dạng 2 thân, 2 tầng nên tàu có thể chạy được thời tiết gió cấp 7 với vận tốc 23 hải lý/giờ, kính và cửa ra vào của tàu có hệ thống chống thấm nước, toàn bộ tàu đều trang bị hệ thống máy lạnh cao cấp tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho hành khách khi đi tàu.
Được biết, sau khi tàu cao tốc Hoàng Phúc 01 đi vào hoạt động thì tổng cộng hiện nay Phú Quý có 6 tàu vận chuyển hàng hóa, hành khách chạy tuyến này. Ngoài tàu trung tốc Phú Hưng và nay có thêm tàu Hoàng Phúc 01, thì các tàu còn lại chạy trung bình phải mất 6 giờ đồng hồ mới đến được Phú Quý, nay có tàu cao tốc thời gian đi lại chỉ còn 2,5 giờ. Với việc đưa vào sử dụng tàu cao tốc đầu tiên này, du lịch Phú Quý hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần.
baobinhthuan
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.