Đỉnh Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất Đông Dương (3.143 m) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, về phía tây nam thị trấn Sa Pa, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam được hình thành vào thời kỳ tân tiến tạo cách ngày nay trên 100 triệu năm. Theo tiếng địa phương là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.

Hệ thực vật ở Phan Xi Păng khá phong phú với 1.680 loại cây chia làm 679 chi thuộc 7 nhóm, một số loại thuộc nhóm quý hiếm.

Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)... Từ đây đến độ cao 700 m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700 m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao 50-60 m, tuổi đời tới vài trăm năm.



Từ độ cao 2.800 m, phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25–30 cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này được gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên...

Một ngày, chinh phục đỉnh Phanxipăng

Sự chuẩn bị cho cuộc chinh phục đã gặp khó khăn ngay từ đầu: tìm khắp Sa Pa mà không một hướng dẫn viên nào nhận lời. Lý do đơn giản là từ bao năm nay, chưa có ai chinh phục được đỉnh Phanxipăng chỉ... trong một ngày.

Tôi xuống Cát Cát (một bản dân tộc Mông ở ngay cổng rừng có đường đi lên đỉnh Phanxipăng) tiếp tục tìm. Lại thất vọng. Trên đường về khách sạn, tình cờ tôi gặp được một anh chàng người Mông tên Vàng A Dủng. May thay, anh đang cần một ít tiền nên đồng ý ngay...

“Còn tí nữa thôi mà”!

Đúng 6g45, đoàn ba người chúng tôi xuất phát từ vườn quốc gia Hoàng Liên ở độ cao 1.945m. Đây là đường đi lên đỉnh gần nhất và dễ đi nhất, với đoạn đường dài 11,2km, độ cao 1,2km, đường mòn lầy lội, trơn trượt, vượt qua bốn lần suối nước lạnh buốt thấu xương. Gió và mây mù dày đặc cứ xộc thẳng vào mặt và cuốn lấy chân như cố tình ngăn bước chúng tôi. Chỉ cách 2m là không nhìn thấy nhau. Nhiệt độ trung bình khoảng 12-15OC khiến chuyến đi đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Khoảng 4km đầu chúng tôi phải lên xuống dốc liên tục, vượt qua khu rừng già có nhiều loại gỗ quí. Dọc nhiều khe núi là những vườn thảo quả do người Mông trồng.
Cứ đi được vài cây số là chúng tôi lại lấy thức ăn ra, lúc thì trái cây, lúc bánh mì kẹp chả, ăn liên tục nhưng không bao giờ ăn no. Nước uống mang theo hết quá sớm, thế là cứ nước mạch từ đất, từ suối rừng lạnh như nước đá nốc ừng ực. Vàng A Dủng bảo: “Nước ở trên này sạch hơn nước của người Kinh đóng chai mà, uống đi, không sao đâu”.

Xuyên qua khu rừng già là đến khu rừng cháy. Ở đây có vài đàn trâu của người Mông thả rông. Tiếp đến là lên khu núi non cheo leo ở độ cao 2.700m, vách núi thẳng đứng, hai bên đều là vực thẳm toàn trúc dại và cỏ de mọc đầy. Lúc này sóng điện thoại di động bắt đầu có lại và mây mù thì lúc ẩn lúc hiện. Đoạn này chúng tôi gặp một đoàn du lịch người Singapore đang đi xuống. Những người Mông được họ thuê gùi đồ rất nhiều, người gùi nặng nhất đoàn gồm hai bình ga lớn và một bếp ga đôi. Đoàn này đi đã được ba ngày. Mỏi mệt và mong tới đỉnh quá, tôi hỏi sắp đến chưa thì A Dủng bảo: “Còn tí nữa thôi mà...”.

Chuẩn bị lên đến rừng trúc thì có ba anh công nhân xây dựng ở Trạm Tôn chạy theo xin gia nhập đoàn. Tinh thần mọi người phấn chấn hẳn lên nên tốc độ đi cũng nhanh hơn. Nhưng chỉ đi được hơn 1km thì khó khăn lại ập đến: tôi bị vọp bẻ căng cơ. Lấy cao Bạch Hổ ra xoa bóp liên tục mà vẫn không giảm được những cơn đau co cứng cả hai chân. Tôi hỏi người dẫn đường sắp tới đỉnh chưa thì anh ta lại bảo “còn tí nữa thôi mà”!

Đúng 12g chúng tôi đến độ cao 2.900m. Rừng trúc dày xanh bạt ngàn... Đây là nơi các đoàn chinh phục đỉnh Phanxipăng thường dừng chân nghỉ qua đêm. Một đống trúc khô trải làm sàn ngủ vẫn còn nguyên. Cả đoàn tạm nghỉ. Ăn trưa. Nước gà luộc đóng chai cũng khui ra. Đi tiếp. Tôi lại hỏi sắp tới chưa thì vẫn nghe từ anh câu “còn tí nữa thôi mà”! Trời ơi, cái “tí nữa” của anh ta là... vài dãy núi, vài cây số (từ đây lên tới đỉnh còn 1,2km, độ cao 243m).

12g50, chúng tôi tiếp tục chinh phục nốt phần còn lại. Đoạn đường trần ai, tưởng chỉ có lên dốc mà thôi, ai ngờ lại phải xuống thêm mấy cái dốc dài sâu thăm thẳm. Vách đá cheo leo và mọi người bắt đầu quá mệt. Càng lên cao không khí càng loãng và lạnh. Giữa trưa mà nhiệt độ khoảng dưới 10°C. Qua khỏi đại ngàn trúc lâm là khu núi non toàn cỏ dại mọc xen lẫn hoa bua và hoa đỗ quyên trông hoang dã và thơ mộng. Mây mù như đông đặc lại và thật tiếc là không được phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng cả những cánh rừng toàn hoa và hoa.

Gà tre, xôi nếp trên “nóc nhà Đông Dương”

Đúng 14g40, tôi dẫn đầu đoàn trèo lên khối đá to trên đỉnh ngọn núi cao nhất (một chuyên viên vườn quốc gia cho biết theo số liệu của sách địa lý, đỉnh này cao 3.143m, còn theo số liệu của một giáo sư người Canada đã hai lần lên đây nghiên cứu đo được 3.148m và ông này khẳng định đỉnh Phanxipăng là đỉnh núi non, mỗi năm trồi cao lên 3 - 5cm. Năm 2005 Cục Bản đồ lên đo lại được 3.148m, tuy nhiên những số liệu mới này chưa được công bố chính thức).

Mọi người ai cũng nhảy cẫng lên sung sướng vỗ tay hoan hô rồi gào lên: “Đến rồi, thành công rồi, chúng ta là những nhà vô địch”. Mặt khối đá khoảng 10m2, đủ chỗ cho khoảng 30 người đứng. Một cột mốc hình chóp bốn mặt bằng đuyra đặt trên mỏm đá cao nhất, một lá cờ Tổ quốc và tượng Bác Hồ đặt trong tủ kính... Tôi bấm máy ảnh lia lịa, một cảm giác hạnh phúc thật tuyệt vời trào dâng chưa từng có trong tôi.

Lúc này mây mù thưa hơn, tầm nhìn của chúng tôi xa được khoảng 10m nhưng vẫn rất khó khăn cho việc chụp ảnh. Còn nửa con gà và nửa nắm xôi, chúng tôi lấy ra ăn tiếp. Tôi chưa bao giờ được ăn ngon như lần này: gà tre ăn với xôi nếp nương ngay trên “nóc nhà Đông Dương”. Chỉ tiếc một điều là mây mù bao quanh, nên đã đứng trên đỉnh Phanxipăng cao ngất như chạm tới trời mà không phóng hết được tầm mắt để nhìn ngắm thỏa thích dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và cả bốn phương trời VN...

Chút sức cuối cùng

15g35, chúng tôi thả dốc ra về. Trời bắt đầu tối dần, khó khăn ập đến. Lúc lên đã khó khăn rồi, về còn gian nan hơn. Xuống đến độ cao 2.500m thì chúng tôi phải dùng đèn pin để soi đường, hai bên vực sâu đen như mực, chỉ lỡ trượt chân một cái là...

Chúng tôi lê từng bước giữa rừng già trong đêm tối. Tiếng chim kêu, gà vỗ cánh, vượn hú, thú chạy rào rào làm chúng tôi luôn giật mình và lo sợ. Vắt kiệt sức để lội qua bốn lần suối nước lạnh buốt cắt da cắt thịt mới vượt ra khỏi khu rừng già. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng về đến nơi xuất phát lúc 21g25. Tay chân buốt cóng rụng rời nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy sung sướng vì đã lập được kỷ lục chinh phục đỉnh Phanxipăng chỉ trong một ngày.

Về đến Sa Pa trả đồ thuê, không ai tin chúng tôi đã lên tới đỉnh Phanxipăng, phải mở máy ảnh kỹ thuật số cho xem thì họ mới à ừ nói “đúng rồi”. Chúng tôi đã chinh phục đỉnh Phanxipăng chỉ trong 14 giờ 40 phút. Hú vía!
Trích Vienam Travel, Bách khoa tri thức

Kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan-Xi-Păng