Cổ Thạch là khu du lịch có nhiều nét độc đáo ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận (Cách trung tâm huyện Tuy Phong 10 km). Nơi đây nổi tiếng với ngôi chùa Hang cổ, bên cạnh bãi biển thiên nhiên hoang dã với những bãi đá bảy màu tuyệt đẹp.

Người dân Tuy Phong, Bình Thuận gọi đây là bãi sỏi bảy màu. Những viên sỏi trơn nhẵn quả là có nhiều màu khác nhau: từ trắng muốt đến đen tuyền, vàng nhạt đến xám, nâu, rồi tím sẫm...

Nước biển ở đây xanh trong chứ không lẫn nhiều phù sa như biển ở Mũi Né và cảnh quan từ trên chùa Cổ Thạch nhìn xuống thật là tuyệt vời.

Chùa Cổ Thạch

Núi Cổ Thạch chỉ cao khoảng hơn 60m, nổi tiếng nhờ chùa Cổ Thạch, còn gọi là chùa Hang do Thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế xây dựng từ năm 1835. Đây cũng là một di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Thuận.

Chùa Hang là một hệ thống gồm nhiều hang thờ được xây dựng dựa vào những tảng đá khổng lồ trên núi. Bàn thờ Phật đôi khi được đặt giữa hai tảng đá lớn châu đầu vào nhau, hoặc có những điện thờ khi bước vào thắp nhang phải đi vòng qua những ngách đá quanh co. Trước các điện thờ, đôi khi là một khoảng sân nhỏ trồng cây kiểng xanh tươi có các chú tiểu đang quét lá hay lau chùi các bức tượng. Kể từ vị thiền sư khai sơn đến nay, chùa Hang đã qua 4 đời hòa thượng trụ trì: hòa thượng Thiện Minh (1840); hòa thượng Từ Hóa (1939-1945); Ngộ Tú Đại sư (1945-1946); và từ 1946 đến nay là hòa thượng Minh Đức. Bài vị của những vị trụ trì này đều được thờ trong các hang động, nơi đây cũng gìn giữ được nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, chuông trống... còn tồn tại qua nhiều cơn binh lửa, tính đến nay đã cả trăm năm.

Trong thời chiến tranh, chùa Hang đã là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ, bộ đội... Nhà chùa đã dành riêng một nơi để thờ cúng vong hồn các liệt sĩ. Sau khi thắp nhang ở hang thờ liệt sĩ, bạn chỉ bước xuống vài bậc đá là đến một cái sân nhỏ thông sang hang Gió. Gió biển thổi lồng lộng mát rượi qua những khe đá, làm dịu hẳn sức nóng của một vùng đất đá khô cằn. Từ đây nhìn ra biển, bạn có thể thấy bãi sỏi bảy màu uốn cong theo bờ biển xanh. Có lúc, bãi sỏi bị đứt đoạn bởi những khối đá lớn ven biển, qua nhiều năm tháng, sóng biển đã bào mòn những tảng đá, tạo nên nhiều hình dạng kỳ lạ chẳng hạn như ở bãi cá sấu.
 
Khu du lịch Cổ Thạch

Cách chùa Hang không xa, tại đường trung tâm hoặc cạnh bãi biển là các khách sạn và nhà nghỉ Cổ Thạch. Nhà nghỉ mé biển có nhà hàng và những hành lang được thiết kế bằng gỗ nom đơn giản. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã với những bãi đá nhấp nhô nhiều màu lẫn trong sóng biển nơi đây thật mới mẻ nếu như khách du lịch mới chỉ biết Bình Thuận trong các khu resort ở Mũi Né với những bồn hoa, đồi cỏ, những cây cầu nhỏ bắc qua con suối xây bằng đá và cảnh vật được chăm sóc chu đáo...

Từ các nhà nghỉ nhìn ra biển, bạn sẽ thấy mũi La-gan, một dải đất dài màu xanh nhô ra biển, phía dưới chân là bãi đá cá sấu với những hòn đá như sấu đang bò đi. Trên cao là những khối đá tượng hình người được đặt tên là mẹ dìu con, thạch tượng... xen lẫn với những kiến trúc mái cong và tượng Phật.

Vào mùa trăng sáng, nếu bạn muốn nhìn thấy trăng hãy ở lại Cổ Thạch một đêm. Bạn có thể thuê lều và đốt lửa trại với giá khá mềm: 50.000 đồng/lần, và bên đống lửa, thưởng thức món mực một nắng vốn là đặc sản của vùng này, cùng với một loại sò màu sắc mà người dân địa phương gọi là dòm, rất mềm và ngọt.

Mặc dù cảnh sắc thiên nhiên kỳ lạ cùng với ngôi chùa cổ lẫn trong đá núi có từ hơn 100 năm luôn thu hút đông đảo khách hành hương, Cổ Thạch vẫn chưa phải là một khu du lịch được chăm sóc chu đáo. Bảy màu của đá Cổ Thạch sẽ đẹp hơn nhiều, nếu con người biết lưu tâm và trân trọng.

(Theo Du lịch Việt Nam)