Nằm trên địa bàn xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh 175km, khoảng 3 giờ đồng hồ theo đường bộ, du khách sẽ đến Hồ Cốc – một điểm du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại.

So với Long Hải, biển Hồ Cốc đẹp hơn. Nếu Vũng Tàu xô bồ thì Hồ Cốc vẫn còn vẻ chân quê quyến rũ. Các bãi tắm đều xa khu dân cư, còn biển thì xanh hơn cả trời.

Con đường dẫn ra biển Hồ Cốc quanh co dưới những tán rừng. Đó là các phân khu thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Bình Châu – Phước Bửu. Có lẽ, cũng nhờ vậy mà khí hậu suốt quãng đường vào biển Hồ Cốc không khô rát như những vùng đất giáp với biển khác và mảng xanh thiên nhiên đã điểm tô cho quang cảnh biển thêm phần dịu mát.

Hồ Cốc ngày xưa đường xá còn “nghèo nàn” nên ít khách chứ bây giờ thì những ngày lễ, cuối tuần là khách kéo xuống biển nườm nượp. Có những đoàn khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Họ thường xuống bằng xe du lịch và đa phần đều trụ lại nơi này cả ngày để vẫy vùng với sóng. Dân trong huyện mình cũng thích biển nên cuối tuần thường đèo nhau bằng xe máy ra đây ngắm cảnh hoặc tắm biển du lịch, đông vui như trẩy hội!”

Riêng về tên gọi “Hồ Cốc”, cho đến nay vẫn còn nhiều người thắc mắc. Người ta đặt câu hỏi : Vì sao biển lại… mang “họ” Hồ, mà không “Hồ… gì, lại là Hồ Cốc?! Thực tế, có nhiều cách giải thích khác nhau.

Người ưa chuyện hoang đường thì bảo rằng, sở dĩ có tên Hồ Cốc là vì từ ngày xửa ngày xưa, khi Đất - Trời còn giao hoà, Trời làm hạn hán khiến cuộc sống trần gian muôn vàn khổ cực, loài Cóc đã thay mặt tất cả làm cuộc hành trình đến cổng Trời giống trống xin được yết kiến Thượng Đế.

Quá trình đi đòi mưa vô cùng khổ ải và trên đường đi vạn dặm đó, Cóc chúa đã “ngã xuống” hoá thành đá mà nay người ta gọi tảng đá lớn đó là “Hòn Cóc. Cái tên Hồ Cốc được giải thích là bắt nguồn từ việc Cóc chúa hoá đá do đọc trại mà thành “cốc”.

Một giải thích khác thì cho rằng, có lẽ vì nơi đây ngày xưa có những tán rừng bao bọc mà cây cối tồn tại chủ yếu là cây cóc rừng nên mới có tên gọi là Hồ Cốc ( chữ “cốc” ở đây cũng bị cho là do đọc trại từ “cóc” mà ra).

Tuy nhiên, qua quan sát thực tế cho thấy, rất có thể do địa hình của biển cong cong“hình vòng cung” dễ khiến cho người ta liên tưởng đến hồ và “cốc” rất có thể là “am cốc” hoặc “chiếc cốc đựng nước” khổng lồ do đá hình thành nằm lấp sấp dưới biển khiến cho người ta nghĩ tới.

Ở Hồ Cốc, ngoài việc chọn cho mình một nơi chốn lý tưởng để “an toạ” ngắm cảnh hoặc lai rai thưởng thức chút hải sản địa phương như cá, mực, nghêu, ghẹ… xào hoặc nướng thì du khách cũng nên chuẩn bị cho mình những “bước chân sẵn sàng” để đi dọc biển.
Biển Hồ Cốc đẹp, nhưng sẽ thú vị hơn nếu du khách chịu khó lang thang khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của nó bằng cách bước dài theo bãi cát, bởi rất có thể ở một phía xa nào đó du khách sẽ bắt gặp những doi cát uyển chuyển, gợi hình, tuyệt mỹ như nàng thiếu nữ…do nước biển xâm thực “vô tình” để lại.

“Đến Hồ Cốc mà không ngắm đá thì đúng là thiếu sót!” – nhiều người ra Hồ Cốc đã đúc kết như vậy. Đá ở Hồ Cốc có nhiều hình thù mặc sức cho những tâm hồn tưởng tượng bay bổng. Đá nằm lưng chừng trên bãi cát. Đá nhoài mình xuống biển hoặc nằm hững hờ “đầy khiêu gợi”... Đá muôn đời không lên tiếng dù rằng đại dương kia vẫn đôi lúc xô đẩy, thét gào làm “đau lòng” phận đá!

Đêm ở Hồ Cốc thật yên tĩnh. Mọi sinh hoạt và những thanh âm ồn ào của cuộc sống dường như bị ngưng bặt. Chỉ có tiếng những hàng dương reo xào xạc, tiếng biển rì rầm và xa xa, trên biển , thấp thoáng những đoàn thuyền đánh bắt le lói chút đèn vàng. Một câu chuyện vui, một mẩu chuyện cười được kể trong đêm lửa trại cũng đủ làm xôn xao cả bãi cát.

Một nhà thơ bảo rằng, biển Hồ Cốc dễ vun vén cho những tâm hồn thơ bay bổng. Bởi nơi ấy, tuy không có sự đa dạng của những thanh âm cuộc sống nhưng có sự phẳng lặng thư thái để cho con người ta tìm phút chiêm nghiệm lại chính mình. Và chỉ khi đó, con người ta mới thực sự trải lòng ra với sóng, với gió, với thiên nhiên để nghe tiếng lòng của đá hay chính tiếng vọng từ trong sâu thẳm tâm hồn mình.



Du lịch, GO! - Tổng hợp từ 60s.com.vn, SGTT, Chudu24