(VNCA) - Tới bến Chùa đi chợ Thổ Hà mà dùng phà thì thật vô duyên trong mùa nước sông Cầu. Nhiều người đi chợ đều có đò riêng từ dưới làng Vân hay từ bên Bắc Ninh sang. Chúng tôi theo một con thuyền chở hoa men dọc sông từ làng chài đi lên chợ. Bà chủ thuyền nói sau đó sẽ cất một chuyến bánh đa dừa Thổ Hà đưa lên Thái Nguyên. Thuyền tròng trành đậu bến vì sóng nước xô dạt. Hương rượu Vân dậy mùi như có ai vừa rót tràn xuống những bậc đá lên chợ.

Đến hẹn lại lên

Chợ đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) như một đóa hoa xòe cánh bên dòng sông Cầu. Chợ làng họp bên bờ sông tràn vào sân trước cửa đình dưới một cây đa cổ rợp bóng cả trăm mét vuông. Dân quanh vùng quen gọi là chợ đình Thổ Hà, một thời bán đầy chum vại, âu thạp sành men chảy óng như mật.

Hầu như hàng trăm ngôi nhà trong làng Thổ Hà đều xây bằng gạch ngói do gia đình tự nung lò củi. Nhiều bức tường sân và đường làng còn lưu giữ những sản phẩm một thuở trăm năm gốm sành nâu nức tiếng Kinh Bắc. Lễ hội đình chùa Thổ Hà vẫn còn tổ chức tế lễ tổ nghề gốm sành truyền thống hàng năm.

Chợ làng Thổ Hà cũng hình thành đậu bến sông với những bậc đá đi lên in dấu chân gốm cổ. Năm nào mùa nước lên từ tháng Sáu tới tháng Bảy, cả làng Thổ Hà chìm ngập trong con nước mênh mông. Sông Cầu trở nên dữ dội tràn vào xóm ngõ kéo theo lớp phù sa đỏ au. Chợ làng vẫn họp trên những thềm cao của sân đình. Cả làng phải đi đò tới chợ đình hay thăm hỏi hoặc đưa trẻ tới trường... Họ chia nhau từng chiếc bánh đa nóng giòn thơm thảo hương quê. Đất làng Thổ Hà chạy dọc sông Cầu dài mấy cây số theo vòng cung chữ U (ba mặt tiếp giáp với sông) phía ngoài con đê.

Có nhiều năm, nước lên làng ngập lụt cả mét. Vậy mà những anh Hai chị Ba trong làng vẫn mê mải hát chào đón khách vào chợ đình. Phải chăng vùng đất đỏ phù sa sông Cầu đã nuôi dưỡng cho người Thổ Hà có giọng hát Quan họ ngọt ngào. Ai cũng có giọng hát hay và đều thuộc lòng những bài quan họ cổ từ khi còn nhỏ.

Chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân gốm trẻ Nguyễn Đăng Tập ở bên nhà văn hóa xã. Anh cho biết làng Thổ Hà còn được định danh là làng Quan họ được bảo tồn với gần 40 làng quan họ của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Xưa còn có câu: “Về Thổ Hà mới ra quan họ”, làng nổi tiếng với hoạt cảnh “Chào bạn trên sông” độc đáo mà không nơi nào có được. Những anh Hai, chị Hai Thổ Hà thường nói chơi quan họ chứ họ không nói là hát quan họ. Vào canh đón khách họ hát say đắm nhưng luôn tế nhị trong ánh mắt và cánh tay ô đưa trong câu ca: “Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần/ Anh còn son, em cũng còn son/ Ước gì ta được làm con một nhà”.


Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tập bỗng nhớ, làng quan họ Thổ Hà đã được Xưởng Phim truyện Việt Nam dùng làm bối cảnh quay phim “Đến hẹn lại lên” (năm 1974). Đây có thể coi là phim ca nhạc quan họ đầu tiên ở nước ta thông qua câu chuyện về cô Nết (do NSND Như Quỳnh đóng). Một số phim đã dựng cảnh “Chào bạn trên sông” của làng quan họ Thổ Hà. Bao giờ cũng có cảnh “Rót nước pha trà” với lời ca ngọt ngào của chị Hai: “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than, quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”. Con thuyền chơi quan họ đón khách trên sông mỗi lúc một bịn rịn trong ánh mắt mời chào: “Bây giờ còn sớm người ơi/ Xin người nghỉ lại mà chơi mai về…”.

Phiên chợ bánh đa nem

Thổ Hà xưa nổi tiếng với nghề làm gốm nhưng nay lại vang danh với thương hiệu “Bánh đa nem”. Thực ra nghề làm bánh đa của Thổ Hà cũng đã có từ gần trăm năm trước. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tập dẫn tôi đi dạo quanh các ngõ xóm dọc sông Cầu. Đâu đâu tôi cũng gặp những người khênh giá phên bánh đa đi phơi. Con đường làng dọc sông Cầu tạo nên những cung đường tràn ngập những chiếc đĩa hình mặt trời chiếu rọi thật kỳ thú.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tập là cầu nối giữa hai nghề cổ xưa của làng. Bởi lẽ, hiện anh chính là người duy nhất trong làng đổ tiền xây lò giữ gìn nghề gốm. Nhưng anh Tập vẫn phải cùng vợ xây lò bếp tráng bánh đa để mưu sinh. Biết sao được cả làng Thổ Hà hiện sống bằng nghề làm bánh đa nem và bánh đa nướng dừa lạc.

Anh cho biết, bánh đa nem Thổ Hà nức tiếng khắp các tỉnh miền Bắc. Sáng nào làng cũng dập dồn xe tới đóng hàng bánh đa nem. Nhiều nhà làm không kịp giao hàng, phải lấy lại của nhà khác để bù cho khách. Đôi khi có những người mua ở tận Cao Bằng hay Hà Giang cũng đánh xe về. Nghe nói họ chuyển hàng sang chợ biên giới Trung Quốc.

Bánh đa nem Thổ Hà dẻo thơm hương vị gạo phù sa sông Cầu đã làm cho nhiều cửa hàng ẩm thực ở Hà Nội đặt mua hàng năm. Riêng bánh đa dừa lạc nướng của Thổ Hà lại có vị ngọt thơm khác hẳn bánh đa vừng đen ở Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). Vậy mới có câu: “Thương tay em quạt lửa/ Bánh đa lạc Thổ Hà/ Ngọt bùi thơm hương lúa/ Giòn tan nụ cười hoa”. (Nét chợ phiên Thổ Hà).

Sau đó, nghệ nhân Tập dẫn tôi về nhà để xem lò tráng bánh đa của gia đình anh. Lúc này chị Hà vợ anh đang mướt mát mồ hôi bên bếp than hồng. Chị điều chỉnh chiếc quạt điện nhỏ thổi vào cửa lò cho đượm than hồng. Đó là những mẻ bánh đa đã phơi khô từ hôm trước. Hai mẹ con chị đang tập trung nướng hơn trăm chiếc để kịp giao cho khách hàng đợi ngoài chợ. Trong khi đó, nghệ nhân Tập tới bên lò gốm lấy ra một cặp linh vật Nghê mới nung xong. Những chú nghê bằng đất nung chảy men đất thật óng ả. Đó là những mặt hàng sành đặc trưng cho gốm cổ ở làng Thổ Hà từ hàng trăm năm trước.

Tôi bị hút ngay với men đất hồn nhiên, với sự gần gũi thân quen. Đó là vật thể của trời đất sương gió và hồn vía sông Cầu. Nghệ nhận Tập nhặt một mảnh sành vỡ đưa tôi khoe vẻ đẹp của xương đất rồi chậm rãi bày tỏ: “Vòm lò men chảy thơm như mật/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Quẩn quanh với đất cười như đất/ Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong”. ("Hỏa biến" - Vĩnh Hà).

Gia đình nghệ nhân Tập ở khoảng giữa chùa và đình Thổ Hà. Anh nói, hàng ngày những ký ức của một thời “Đến hẹn lại lên” luôn vọng về trong tâm tưởng. Cô Nết ngày đó đúng là gương mặt của con gái Thổ Hà dịu dàng chăm chỉ suốt bao đời nay. Công việc của người làm bánh đa nem luôn đòi hỏi các cô gái dậy từ sớm tinh mơ. Họ vất vả ngày đêm bên lò than ngọn lửa không khác gì những người thợ gốm một thuở cả làng đam mê. Phiên chợ đình mỗi buổi sáng luôn là ngày hội làng. Xe cộ tấp nập bến phà. Trong khi đó, những cô gái quan họ của làng gánh bánh đa lên chợ. Họ thon thả với tà áo lưng ong thơm ngát hương quê đi dọc đường làng bên sông Cầu dập dìu sóng vỗ.

Người ở đừng về

Chúng tôi rẽ vào sân chùa và nhà văn hóa xã ngay trước cổng làng cổ Thổ Hà. Mùi gạo thơm dậy hương khắp xóm vì hàng trăm phên bánh đa phơi giữa nắng trời. Những gánh hoa rực rỡ chuẩn bị đón ngày lễ hội làng nghề và hội xuân quan họ trên sông. Đúng lúc này, các anh Hai chị Hai đã rời phiên chợ về đình thay đổi những tà áo tứ thân để tập luyện những làn điệu huê tình. Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp - chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Thổ Hà vui vẻ chào đón chúng tôi. Anh cho biết, cho dù cơn bão vừa qua đã tàn phá và gây ngập lụt cả xã trong biển nước nhưng đoàn thuyền quan họ vẫn “Dọn quán bán hàng” (Làn điệu chèo cổ).

Phiên chợ quan họ nổi trên sông Cầu chơi hết mình trong những canh hát với các làng bên. Chúng tôi lặng người bên bàn thờ tổ nghề và lắng nghe liền anh liền chị hát đôi trong phiên chợ tình ca. Tôi như bị chìm trong dòng sông quan họ đầy mê đắm. Giọng hát của nghệ nhân Phú Hiệp ấm áp vang ngân: “Tròng trành neo đậu bến Chùa/ Quán em sao vắng hỏi thưa mời chào/ Sông Cầu sóng vỗ xôn xao/ Anh cắm con sào, em lại bỏ duyên”. Tôi bước từng bậc đá xuống bến thuyền mà lòng lưu luyến thầm hát: “Người ơi! Người ở đừng về…”.

Theo Vương Tâm (Văn Nghệ CA)

Du lịch, GO!