(QBO) - Cửa biển Nhật Lệ từng diễn ra những trận chiến khốc liệt thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vang danh trong lịch sử.
Trận đánh đầu tiên ở cửa Nhật Lệ diễn ra vào tháng 3 âm lịch năm Đinh Mão (1627). Khi Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, mượn cớ là đi xem xét địa phương nhưng lại cho quân thủy, bộ tiến đánh. Tướng Trịnh là Trịnh Khải đặt dinh ở Bắc cửa sông Nhật Lệ.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Tôn Thất Vệ làm Tiết chế, Văn chức Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến, lĩnh quân bộ ra chống cự. Đồng thời, sai con là Nguyễn Phúc Trung chỉ huy quân thủy tiếp ứng. Tiên phong của quân Trịnh là Lê Khuê đem kỵ quân ra cướp trận, khiến quân Nguyễn phải rút lui vào cánh đồng phía Nam sông Nhật Lệ.
Đêm ấy, thủy quân của chúa Nguyễn thừa cơ nước triều lên, bắn vào dinh Nguyễn Khải, quân Trịnh sợ, rối loạn. Nhưng khi Trịnh Tráng tiến đánh, thế binh rất mạnh khiến quân chúa Nguyễn đánh không lại phải rút lui, quân Trịnh thừa thắng tranh cướp của cải. Quân chúa Nguyễn buộc phải đem tượng binh thúc đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Lúc này, tướng quân chúa Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật liền bàn mưu với Trương Phúc Da sai gián điệp phao đồn rằng: Bên quân Trịnh có anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Trịnh Tráng nghe tin lấy làm nghi ngờ, liền cho rút quân.
Mùa đông, tháng 12 âm lịch năm Quý Dậu (1633), Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi và thống lĩnh đại quân thủy, bộ thẳng tới cửa biển Nhật Lệ. Hay tin, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Đại tướng Nguyễn Mỹ Thắng và Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đem quân chống cự. Trấn thủ Nguyễn Phúc Kiều xin đóng cọc gỗ để chặn cửa biển. Nguyên cớ trận đánh này là Nguyễn Phúc Anh-hoàng tử thứ ba của chúa Nguyễn được phong làm trấn thủ Quảng Nam, nhưng tính tình phóng túng, chỉ biết ăn chơi lại có âm mưu tạo phản nên không được chúa Nguyễn trọng dụng sinh bất mãn. Sau đó, Phúc Anh liền viết thư, bí mật sai người ra Thăng Long xin quy thuận Đàng Ngoài và được chúa Trịnh Tráng chấp thuận. Cả 2 hẹn đúng ngày tháng sẽ “trong ứng, ngoài hợp” đem quân đến cửa biển Nhật Lệ đánh úp quân chúa Nguyễn, từ đó tiến vào Phú Xuân để bắt sống chúa Nguyễn.
Khi quân Trịnh kéo vào liền bắn súng làm hiệu, không thấy quân của Nguyễn Phúc Anh đến tiếp ứng. Do nghi ngờ âm mưu của chúa Nguyễn, Trịnh Tráng liền hiệu lệnh lui quân xa lũy để chờ. Hơn một tuần chờ đợi, sĩ khí quân Trịnh ngày càng đi xuống, lòng quân chán nản nên thiếu phòng bị. Lúc này, đại quân chúa Nguyễn bất ngờ xông ra đánh mạnh, quân Trịnh như ong vỡ tổ. Quân Trịnh thấy thế liền bỏ chạy, phần bị giết, phần thì giẫm đạp lên nhau bị chết đến quá nửa.
Tháng 2 năm Quý Mùi (1643), Trịnh Tráng nhà Lê sai Thái bảo Trịnh Tạc, Trịnh Đệ thống lĩnh đại quân, Thị lang Nguyễn Quang Minh, Tự khanh Phạm Công Trứ và Nguyễn Danh Thọ làm Tham tán quân vụ đánh chiếm châu Nam Bố Chính. Quân chúa Nguyễn do tướng Bùi Công Thắng chỉ huy cố sức đánh nhưng không giữ được liền bị giết, sau đó quân Trịnh chiếm được cửa Nhật Lệ.
Tháng 2 năm Mậu Tý (1648), thủy binh quân Trịnh tiếp tục chiếm đánh cửa biển Nhật Lệ. Quân chúa Nguyễn trấn giữ tại đây là tướng Hoành Lễ chống lại nhưng thua cuộc, liền bỏ chạy, phải cầu viện trấn thủ Nguyễn Phúc Kiều. Kiều sai Tham tướng Nguyễn Triều Văn đem chiến thuyền đến cứu viện. Nguyễn Triều Văn không tiến đánh mà chỉ đỗ thuyền ở phá Hạc Hải. Nhờ chiếm được lợi thế về lực lượng, quân Trịnh tiến sát dinh Quảng Bình, rồi tiến đóng đồn ở Võ Xá. Trấn thủ Bố Chính là Trương Phúc Phấn cùng con trai là Trương Phúc Hùng kiên trì giữ lũy Trường Dục. Quân Trịnh dốc toàn lực đánh mãi mà vẫn không chiếm được.
Chúa Nguyễn Phúc Lan nghe tin liền sai thế tử Dũng, Lễ hầu tiết chế các dinh, tức Nguyễn Phúc Tần, sai Chưởng dinh Tôn Thất Lộc, trấn thủ cựu dinh Tống Hữu Địa và Giám chiến Nguyễn Hữu Dật lãnh bộ binh, cùng Tham tướng Nguyễn Triều Văn lãnh thủy binh, chia đạo quân ra Quảng Bình tiếp ứng. Chúa Nguyễn thân chinh đốc đại binh nhưng khi ra dọc đường, long thể không được khỏe bèn sai thế tử Nguyễn Phúc Tần thay. Nguyễn Phúc Tần liền lệnh cho Nguyễn Triều Phương thay Nguyễn Triều Văn đem thủy quân phục ở bên tả sông Cẩm La. Đến đêm, sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi đực, đầu canh năm thẳng vào dinh quân Trịnh đánh úp. Nguyễn Phúc Tần đốc thúc các quân theo sau.
Lúc bấy giờ, quân Trịnh chủ quan, không lo phòng vệ, bị quân chúa Nguyễn phản công bất ngờ buộc phải bỏ chạy. Đại quân chúa Nguyễn tiến đến đánh đến đâu phá tan đến đó. Khi quân Trịnh bỏ chạy thục mạng về hướng Bắc thì gặp thủy quân nhà Nguyễn chặn đánh trên sông Nhật Lệ, tướng tá quân Trịnh nhảy xuống sông chết đuối rất nhiều. Quân chúa Nguyễn bắt được 3 tướng Trịnh và 3 vạn tàn quân. Trịnh Đào đang ở đồn Nam Bố Chính nghe tin, hoảng sợ cũng bỏ quân chạy. Thế tử đốc thúc đại binh đuổi đến sông Gianh thì trở về. Thắng lợi của trận đánh này được đánh giá “Từ khi Nam Bắc chia cõi đến nay, quân hai miền lần lượt khi được khi thua, chưa có trận nào thắng to bằng trận này. Thực là võ công bậc nhất”[1].
Trận chiến mang tính bước ngoặt được ví là “Trận đánh của mọi trận đánh” diễn ra ở cửa biển Nhật Lệ giữa 2 nhà Trịnh-Nguyễn xảy ra vào tháng 6 năm Nhâm Tý (1672). Khi ấy, chúa Trịnh Tạc cùng hàng chục vạn quân thủy bộ, hàng trăm chiến thuyền và dẫn vua Lê Gia Tông cùng đi, tiến đánh chúa Nguyễn. Chúa Trịnh Tạc phong Trịnh Căn làm Nguyên soái thủy quân, Lê Thời Hiến làm Thống suất bộ quân, lãnh 10 vạn quân, chia đạo cùng tiến. Trịnh Tạc dẫn vua Lê cùng hơn 10 vạn binh mã đi tiếp ứng phía sau.
Tháng 7, ở phía Nam hay tin vua Lê-chúa Trịnh cùng dẫn đại binh đánh vào Nam, chúa Nguyễn Phúc Tần huy động 20 vạn đại quân thủy, bộ sẵn sàng nghênh chiến. Chúa Nguyễn sai hoàng tử tâm phúc là Nguyễn Phúc Hiệp làm nguyên soái, sai tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Triều Tín và Tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền ra biển Nhật Lệ và lũy Trường Sa nghênh địch.
Khi đại quân nhà Nguyễn đến phủ Tân Thắng ở Quảng Bình, các tướng họp bàn cách bày binh bố trận. Tham tướng Tài Lễ được giao nhiệm vụ đem chiến thuyền đóng cọc gỗ để ngăn cửa biển Nhật Lệ. Triều Tín bày binh đóng ở chiến lũy dọc sông Nhật Lệ, Hữu Dật trong coi lũy Trường Sa ở hữu ngạn sông Nhật Lệ.
Tháng 9, Nguyễn Triều Tín bày lũy đối phó với quân Trịnh, chia binh tiến đánh không được bèn đưa dân cư quanh vùng vào trong luỹ Động Hồi cố thủ. Quân Trịnh đóng từ Chính Thủy đến Sơn Đầu, từ Phú Xá đến Trấn Ninh, lại đắp lũy từ Sơn Đầu đến bờ biển, bày 1.000 chiến thuyền ở sông Gianh và cửa biển Nhật Lệ để tiếp ứng bộ binh. Quân Trịnh tiến đánh lũy Trấn Ninh rất hăng. Lũy này cùng lũy Trường Sa ở hữu ngạn sông Nhật Lệ do Nguyễn Hữu Dật trông coi việc xây đắp. Quân Trịnh nhiều phen phá được một phần lũy nhưng Nguyễn Hữu Dật kịp thời sai quân sĩ dựng ván làm phên, lấy sọt tre đựng đất đắp vá những chỗ lũy vỡ. Quân Trịnh tìm mọi cách tiến đánh nhưng một khi lũy đã vững bền rồi, không thể phá được.
Trong khi đó, ở cửa biển, tướng Trịnh là Tham đốc Thắng đem hơn 300 chiến thuyền cùng hàng vạn binh mã từ cửa biển tiến vào, muốn chọn bến sông Trấn Ninh để chặn đường viện binh của quân chúa Nguyễn. Liền đó, Cai cơ Kiên Lễ nhà Nguyễn lợi dụng đêm tối, tiến quân tới thẳng đồn Sa Chủy, đắp đài cát, đặt súng lớn, chờ thuyền của Tham đốc Thắng đến thì bắn. Đồng thời điều Tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền ra cửa Nhật Lệ, trên dưới giáp đánh. Thủy binh của quân Trịnh bị Kiên Lễ đánh úp, trong khi tại Trấn Ninh lại có Nguyễn Hữu Dật đến ứng cứu nên bộ binh của quân Trịnh không thể làm gì được.
Tháng 12, Trịnh Tạc thấy đánh ở cửa biển Nhật Lệ, Trấn Ninh đã mấy tháng liền mà không thắng được, trong khi khí hậu vùng đất đóng quân ẩm thấp, trời rét buốt, quân sĩ khó ở lâu được, bèn cùng vua Lê lui quân về đóng ở Phù Lộ, sai Lê Thời Hiến ở lại giữ đồn Chính Thủy, chia binh đóng đồn ở các đường trọng yếu châu Bắc Bố Chính phòng giữ nghiêm ngặt, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Trải qua nhiều tháng ròng giao tranh ác liệt với hàng loạt trận đánh giữa bộ quân và thủy quân, nhưng nhà Trịnh vẫn không đánh bại được chúa Nguyễn.
Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” ròng rã kéo dài gần 50 năm, bất lực trong việc tiến vào Đàng Trong, chúa Trịnh đành trở về Bắc, lấy sông Gianh phân định hai miền. Từ đây chấm dứt những ngày tháng đen tối trong lịch sử nội chiến của dân tộc.
Theo Nhật Linh (báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tr.58.
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.