(KGO) - Đã có bao giờ bạn lắng lòng nghe một vùng đất cất tiếng gọi, từ những dòng nước lặng thầm gắn bó bao đời? Dòng sông Cái Lớn mênh mang của huyện Gò Quao (Kiên Giang) vẫn từng ngày ôm lấy đôi bờ quê hương. Và trong những ngày tháng 11 này, dòng sông ấy lại cất lên khúc nhạc rộn ràng để mời gọi mọi người về chung vui trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer lần thứ XVI.

Từ ngày 13 đến 16-11 (nhằm ngày 13 đến 16-10 âm lịch), lễ hội ấy không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một khúc tâm tình của người Khmer, gửi vào những ngày rằm đầy trăng và lời cầu chúc bình an.


Gò Quao chào đón bạn bằng nụ cười chân thành, bằng khí trời thanh mát và cái ấm nồng của đất phương Nam. Sáng ngày 15-11, khi lễ khai mạc diễn ra tại bờ sông Cái Lớn, một không gian văn hóa bừng lên trong ánh sáng đầu ngày. Những điệu múa Khmer nhịp nhàng, từ đôi bàn tay khéo léo như vẽ lên từng cung bậc cảm xúc; những giai điệu ngũ âm cất lên đầy mê hoặc, vừa vui tươi, vừa linh thiêng như tiếng vọng từ cội nguồn. Mỗi âm thanh, mỗi nhịp điệu không chỉ là sự biểu diễn, mà còn là hồn cốt, tâm tình của những người con Khmer gửi đến thế gian, về niềm tin vào cuộc sống và đất trời.

Sông Cái Lớn hôm ấy không chỉ lặng nghe, mà trở thành chứng nhân cho giải đua ghe ngo truyền thống - điểm nhấn và là niềm kiêu hãnh của lễ hội này. Ghe ngo vừa là phương tiện thủy di chuyển trên sông, vừa đại diện cho tinh thần, hồn cốt của người Khmer Nam bộ. Cả bờ sông vang lên tiếng hò reo, nhịp tay bơi như nhịp đập con tim của những vận động viên mang theo kỳ vọng của sóc, của chùa. Một lần đua là một lần sống hết mình, đồng lòng trong niềm hân hoan cháy bổng. Cuộc đua ấy không chỉ để giành lấy chiến thắng mà còn để cùng nhau gìn giữ và tôn vinh tình đoàn kết, cùng bước trên dòng chảy lịch sử của dân tộc mình.

Đâu đó bên bờ Cái Lớn, những giàn thủy lục được dựng lên, trang trí cẩn thận với nhiều sắc màu hòa quyện, hoa văn chạm khắc tỉ mỉ. Giàn thủy lục vừa là một công trình nghệ thuật vừa là một câu chuyện kể dài về lòng biết ơn đất trời, tổ tiên và văn hóa ngàn đời của đồng bào Khmer. Trong đêm trăng sáng, ánh sáng lấp lánh từ những giàn thủy lục phản chiếu mặt nước như ánh mắt dịu dàng của tổ tiên nhìn xuống con cháu, trao thêm sức mạnh và niềm tin vào tương lai.

Ngày hội đâu chỉ gói trong những cuộc tranh tài hay thi giàn thủy lục đẹp, tại Trung tâm Thương mại Gò Quao, một không gian ngập tràn sắc màu văn hóa hiện diện qua từng bộ trang phục truyền thống Khmer, từng lời hát, điệu múa dân ca, dân vũ. Đây không chỉ là một cuộc thi, mà là nơi tụ hội của những người yêu văn hóa, nơi đồng bào Khmer thắp sáng bản sắc của mình, nâng niu từng chi tiết, từng thớ vải, để văn hóa không chỉ sống mà còn lan tỏa, chạm vào tâm hồn bao người đến từ khắp nơi.

Và hãy nhớ, đêm cúng trăng - nơi ngọn nến thắp lên giữa trăng rằm, mỗi ánh sáng là một lời nguyện cầu của đồng bào Khmer. Cùng nhau, đồng bào gửi gắm lòng mình vào đất trời, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no ấm. Lễ cúng trăng là tín ngưỡng, là sợi dây tâm linh nối kết những người con Khmer khắp nơi, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những ai đã từng đến Gò Quao trong mùa lễ hội, hẳn sẽ không thể quên được vị ngọt ngào của văn hóa Khmer, sự sôi động của những giải đấu thể thao truyền thống như kéo co, bóng đá, đẩy gậy, hay cảm giác nhộn nhịp của hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm OCOP. Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc của sự giao thoa văn hóa và sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc.

Về Gò Quao - không chỉ để xem hay để nghe, mà để hòa mình vào, để cảm nhận và để được ôm trọn trong lòng một bản tình ca của dòng Cái Lớn, nơi mà mỗi người khách đều được chào đón như người thân. Về Gò Quao, để thấy rằng văn hóa không chỉ là quá khứ, mà văn hóa còn là tương lai, một tương lai với vô vàn sắc màu phát triển đang gọi mời.

Theo Trọng Nghĩa (báo Kiên Giang)

Du lịch, GO!