(QBO) - Chùa Linh Sơn nằm dưới chân núi thuộc thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình), được xây dựng vào khoảng năm 1840, cuối triều vua Minh Mạng. Đây cũng là thời kỳ nền phật giáo trên địa bàn Quảng Bình đang được phục sinh, việc kiến thiết chùa chiền cũng như các sinh hoạt về phật giáo được các chúa Nguyễn coi trọng, chăm lo.

Có thể kể đến việc trùng tu các ngôi chùa cổ bị hư hỏng, xuống cấp như chùa Kính Thiên (chùa Hoằng Phúc, Lệ Thủy) vào các năm Minh Mạng thứ 4 (1823), năm Minh Mạng thứ 7 (1826), năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), năm Thiệu Trị thứ 6 (1846); trùng tu chùa Cảnh Tiên (Quảng Ninh) vào các năm Minh Mạng thứ 8 (1827), năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), năm Tự Đức thứ 18 (1865)... Cùng với việc trùng tu, phục dựng các ngôi chùa cũ, các vị vua triều Nguyễn cũng đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa khác trên đất Quảng Bình.

Theo khảo sát sơ bộ cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có khoảng 60 ngôi chùa lớn nhỏ, tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong số đó, nhiều ngôi chùa đã xuống cấp, hư hỏng và thậm chí chỉ còn là phế tích.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi Quảng Bình là tỉnh nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, lại bị chiến tranh tàn phá suốt mấy chục năm nên đến nay, hầu hết hệ thống đình chùa nói chung đều bị hư hỏng, xuống cấp. Một số ngôi chùa may mắn còn sót lại tuy không được nguyên vẹn nhưng phần nào vẫn giữ được nét cổ xưa của di tích cũng như giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc... Trong số đó có chùa Linh Sơn ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì trước đây, lúc mới xây dựng, chùa Linh Sơn có quy mô rất lớn, có thể coi là nhất nhì trong số các ngôi chùa ở phía bắc Quảng Bình. Cổng chùa Linh Sơn cao khoảng hơn 5m bao gồm cả lầu chuông. Cửa ra vào xây theo hình vòm cuốn. Trụ cổng được xây rất dày bằng gạch và xi măng, phía trên phần lầu chuông kiến trúc cũng giống y hệt phần cổng nhưng quy mô nhỏ hơn.

Trải qua gần 2 thế kỷ với khí hậu khắc nghiệt lại bị 2 cuộc chiến tranh tàn phá nhưng đến nay cổng chùa Linh Sơn vẫn còn gần như nguyên vẹn, sừng sững uy nghiêm. Chùa Linh Sơn có nhiều công trình như chùa tiền, chùa hậu, nhà tăng, nhà oản,... tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại một phần của chùa tiền nhưng cũng đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Chùa Linh Sơn ra đời và tồn tại đến nay ngót hai thế kỷ, chứng kiến biết bao biến thiên trên mảnh đất địa linh này.

Nơi đây, theo tương truyền, dãy Hoành Sơn giăng ngang trước mặt với 99 ngọn núi, không đủ chỗ cho 100 con phượng hoàng đậu, vì thế mà vùng đất này không trở thành đất “Đế đô” được. Tuy nhiên, cho dù không phải là đất “Đế đô” nhưng mảnh đất địa linh nằm ở phía bắc Quảng Bình này cũng đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ và có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng quê hương, đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Linh Sơn là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng kháng chiến. Quy mô của chùa vừa rộng lại khá kín đáo, lưng dãy Hoành Sơn, phía sau địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, cán bộ ta lại thông thạo địa hình nên dễ dàng hoạt động. Phía trước mặt là đồng ruộng  và dân cư, xa hơn nữa là dòng sông Gianh uốn lượn chảy qua trước mặt.

Địa hình như vậy rất thuận lợi trong việc theo dõi, quan sát từ xa các hoạt động của địch. Đặc biệt, trước cổng chùa, trên gác luôn treo một quả chuông lớn, mỗi khi xuất hiện ca nô của giặc Pháp hoặc có địch đi càn, chuông sẽ được gióng lên báo hiệu để các lực lượng và nhân dân biết, tìm cách ứng phó, nhờ vậy mà ta chủ động, tránh được nhiều tổn thất đáng kể.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa Linh Sơn nhiều lần bị bom đạn tàn phá nặng nề. Phần lớn các công trình của chùa Linh Sơn đều bị đánh phá. Sau mấy chục năm giặc giã liên miên, chiến tranh tàn khốc, mọi thứ đều đổ nát ngổn ngang, nhân dân từng bước bắt tay vào thu dọn hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định cuộc sống. Giữa bao bộn bề, chùa Linh Sơn dần bị bỏ quên, trở nên hoang phế.

Năm 2007, một số bà con phật tử trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của tu sửa, phục hồi lại ngôi chùa. Bà con đã phát quang, dọn dẹp xung quanh chùa, lợp mái tôn phía trên để che chắn, bảo vệ chùa. Phần nền của chùa cũng được nâng cao, lát gạch.

Qua vài đợt tu sửa bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của bà con phật tử trong vùng, hiện trạng ngôi chùa đã khang trang hơn hẳn. Từ đó đến nay, việc lui tới chùa, thắp hương, tụng kinh niệm phật của bà con phật tử được duy trì đều đặn vào các ngày rằm, mồng một và các ngày chủ nhật.

Việc làm đó đã phục hồi nét văn hóa tâm linh đã bị mai một trong suốt cả thời gian dài. Chùa Linh Sơn hoang vắng nay nhiều người lui tới viếng thăm trở đã nên sống động hơn, gần gũi hơn. Từ việc cùng nhau đi lễ chùa, con  người xích lại gần nhau hơn, sống hướng thiện, hướng đến cuộc sống tươi đẹp, phồn thịnh, bình an.

Gần đây, được sự quan tâm đúng hướng của chính quyền sở tại, chùa Linh Sơn đã được đưa vào danh mục các di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn cần sớm được các cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, lưu giữ vốn di sản quý báu của cha ông đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn cũng như du khách thập phương.

Theo Hải Yến (báo Quảng Bình)

Du lịch, GO!